1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ Lao động rút lại thông tin bổ sung 1 ngày nghỉ lễ dịp 27/7

(Dân trí) - Xung quanh thông tin dự kiến bổ sung 1 ngày nghỉ lễ trong Quyết định 260/QĐ-LĐTBXH ban hành hôm 5/3, chiều 2/4, Bộ LĐ-TB&XH đã công bố Quyết định 476/QĐ-LĐTBXH nhằm thay thế Quyết định 260/QĐ-LĐTBXH. Đặc biệt, Quyết định 476/QĐ-LĐTBXH không còn đề cập tới thông tin về việc nghỉ lễ vào ngày 27/7.

Công văn 476/QĐ-LĐTBXH ngày 2/4/2019 được một Thứ trưởng của Bộ LĐ-TB&XH ký ban hành, đề cập tới Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp” năm 2019.

Trong phần trách nhiệm tham gia của một số cơ quan tuyền thông, Quyết định 476/QĐ-LĐTBXH chỉ giao nhiệm vụ xây dựng chương trình phổ biến một số nội dung lớn của Bộ luật lao động (sửa đổi), như: Tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tuổi nghỉ hưu.

Nhiệm vụ tuyên truyền về việc dự kiến bổ sung 1 ngày nghỉ lễ: Ngày Tri ân người có công (ngày 27/7 dương lịch) đã không còn đề cập.

Theo quy định của Luật Lao động năm 2012, người lao động có 10 ngày nghỉ Lễ trong năm, gồm: Tết âm lịch nghỉ 5 ngày, Ngày Chiến thắng (30/4) nghỉ 1 ngày, Ngày Quốc tế Lao động (1/5) nghỉ 1 ngày, Giỗ Tổ Hùng Vương nghỉ 1 ngày, Quốc khánh (2/9) nghỉ 1 ngày, Tết dương lịch nghỉ 1 ngày.

Trao đổi với báo giới trước đó, ông Nguyễn Bá Hoan - Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết Bộ đã sơ suất đưa thông tin về bổ sung 1 ngày nghỉ lễ: Ngày Tri ân người có công (ngày 27/7 dương lịch) trong nội dung triển khai của 260/QĐ-LĐTBXH. Thông tin nghỉ lễ trên còn đang được nghiên cứu, xin ý kiến các cơ quan chức năng và chưa chính thống.

Được biết, thời gian làm việc và nghỉ ngơi chỉ là 1 nội dung trong hơn 10 nhóm vấn đề được đề cập trong dự án sửa đổi Luật Lao động năm 2012, như: Tuổi nghỉ hưu, tiền lương, giờ làm thêm, hợp đồng lao động… Bộ LĐ-TB&XH đang được Chính phủ giao xây dựng đề án sửa đổi Luật Lao động năm 2012.

Dự kiến, đề án sửa đổi Luật Lao động năm 2012 sẽ được đưa lên website của Bộ LĐ-TB&XH để ý kiến dư luận trong những tháng tới và chính thức trình Chính phủ, Quốc hội vào tháng 10/2019.

Thời gian gần đây nhất, năm 2013, Luật Lao động năm 2012 đã quy định thêm 1 ngày nghỉ Lễ trong năm, theo đó: Tết âm lịch, số ngày nghỉ của người lao động được nâng từ 4 lên 5 ngày. Đồng thời, Luật cũng không quy định “cứng” số ngày nghỉ cuối năm và đầu năm âm lịch trong quy định trên.

Quy định số ngày nghỉ cho người lao động

Từ năm 1954-1975: Theo Sắc lệnh 29/SL, Nghị định 28-TTg ngày 28/1/1959. Tổng số là 7,5 ngày như giai đoạn 1947-1954. Nếu ngày nghỉ lễ trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không nghỉ bù.

Từ 1976 đến 1994 (trước khi có Bộ Luật Lao động): 7,5 ngày (Thực hiện giống như Sắc lệnh 29 và Nghị định 28-TTg ngày 28/1/1959).

Từ 1995 đến 2006 (khi Bộ luật Lao động 1994 có hiệu lực): 8 ngày.

Từ 2007-2012 (Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2006): 9 ngày (thêm ngày Giỗ tổ Hùng vương).

Từ 1/5/2013 - nay (Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012): 10 ngày (thêm 1 ngày nghỉ Tết âm lịch).

Hoàng Mạnh