TPHCM xây phim trường như Hollywood: Lãng phí hay thiết thực?
(Dân trí) - Trước thực trạng giới làm phim thiếu phim trường, bối cảnh ghi hình, nhiều ý kiến cho rằng TPHCM nên có những phim trường lớn, hiện đại như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Phim trường ở xa, 3-4 đoàn phim quay chung một bối cảnh
TPHCM được biết đến là thị trường điện ảnh sôi động, sản xuất nhiều phim doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng câu chuyện khan hiếm hệ thống phim trường chuyên nghiệp, tầm cỡ vẫn khiến giới làm phim đau đầu.
Nhiều đoàn phim chạy ngược chạy xuôi thuê bối cảnh, tận dụng nhà kho, xin giấy phép ghi hình bối cảnh thực tế của người dân với nhiều rủi ro, bất tiện. Không ít ê-kíp di chuyển tới các tỉnh, thành ở xa, tốn chi phí lưu trú, dựng bối cảnh giả rồi phá bỏ.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết Việt Nam có 2 loại phim trường là phim trường nội (cảnh quay trong nhà) và phim trường ngoại (cảnh quay ngoài trời).
Hầu hết phim trường hiện nay là phim trường nội, có không gian được thiết kế lại từ nhà kho, nhà xưởng. Mặc dù những phim trường này đảm bảo nhiều yếu tố như nhiệt độ, môi trường, độ cao trần nhà, màu tường, hệ thống đường dây diện... nhưng vẫn chưa thể gọi là phim trường đúng chuẩn.
"Phim trường ngoại trên thực tế rất ít. Hầu như không có phim trường lớn ở ngoài trời, không có không gian phối cảnh thực tế. Ở TPHCM có phim trường Hòa Phú của HTV tại Củ Chi nhưng không mấy ai sử dụng.
Nguyên nhân vì Củ Chi xa trung tâm, di chuyển đi và về mỗi ngày tốn 4 tiếng. Một đoàn phim không thể nào tốn thời gian di chuyển như vậy. Bài toán lưu trú ở Củ Chi cũng không thuận tiện. Phim trường đó không đủ đặc biệt, thu hút giới làm phim", Võ Thanh Hòa cho biết.
Đạo diễn Đỗ Quốc Trung đặt vấn đề về việc phim trường nội ở TPHCM ít bối cảnh, các ê-kíp làm phim thường chấp nhận cảnh quay trùng lặp.
"Tôi cũng như nhiều nhà làm phim luôn ước mơ về một phim trường chuyên nghiệp để có điều kiện làm việc tốt nhất. Phim trường ở TPHCM vẫn được sử dụng để quay phim, nhưng quay phim truyền hình, phim chiếu mạng, video quảng cáo nhiều hơn là phim điện ảnh.
Đợt vừa rồi, tôi quay phim Tết, 3-4 đoàn quay chung một bối cảnh vì trường quay không đủ lớn, không đủ trang thiết bị. Khán giả buộc lòng phải xem những bối cảnh lặp đi lặp lại", anh cho hay.
Nhà sản xuất, đạo diễn Hằng Trịnh cho biết chị từng "đau đầu" khi tìm bối cảnh ghi hình phim Kung fu phở (2015) - tác phẩm điện ảnh mang hơi hướng cổ trang.
"Chúng tôi phải thuê phim trường để tái hiện một cuộc thi đấu, cũng như phải tái hiện bối cảnh xưa ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Việc thuê địa điểm không quá khó khăn, nhưng tôi nhận thấy rằng nếu phải thực hiện một bộ phim cổ trang hoành tráng thì thực trạng phim trường là một vấn đề hết sức đau đầu.
Việt Nam hiện có nhiều phim trường phông xanh để quay show, còn phim trường dạng tái lập bối cảnh thời xưa thì rất nhiều hạn chế. Những bối cảnh có sẵn cũng khó lòng đáp ứng được nhu cầu về mỹ thuật của từng đạo diễn", chị Hằng Trịnh nói.
Người trong nghề cho rằng những phim trường hiện tại chưa đủ chuẩn để đáp ứng nhu cầu của các đoàn phim. Khi tìm bối cảnh thực tế như trường học, bệnh viện, đường phố, các ê-kíp làm phim phải qua nhiều khâu xin phép tốn thời gian.
Đạo diễn Luk Vân khẳng định một trong những khó khăn trong quá trình làm phim là tìm bối cảnh đúng với kịch bản. "Dựng bối cảnh thì cần nhiều chi phi lẫn không gian phim trường và các yếu tố khác. Nếu phim trường không phải nằm trong hệ thống studio của tư nhân thì chuyện làm giấy tờ để xin phép rất rắc rối, tốn thời gian", đạo diễn Khi ta hai lăm cho hay.
Đạo diễn Đỗ Quốc Trung cũng cho biết thêm, UBND các quận huyện, các cấp quản lý thành phố đều tạo điều kiện, hỗ trợ cho giới làm phim trong khâu xin giấy tờ. Tuy nhiên, việc ghi hình ở những bối cảnh thực tế vẫn có nhiều bất cập.
"Chúng ta phải hiểu những cảnh quay thực tế ở nhà dân hay cơ quan đều là nơi người dân sinh sống, công tác, không đúng chức năng quay phim. Ví dụ, trường học là nơi để học. Họ ưu tiên nhưng mình cũng chỉ có thể quay buổi tối hay cuối tuần. Cơ quan là nơi công tác, mình không thể nào mời mọi người ra ngoài để quay.
Khi chúng ta không có phim trường đủ lớn và đủ điều kiện chuyên nghiệp, chuyên dụng thì nhà làm phim cứ phải đi khắp nơi dùng những công trình vốn dĩ có chức năng khác với việc làm phim như vậy", Đỗ Quốc Trung đưa ra quan điểm.
Học hỏi nước ngoài, phim trường kết hợp du lịch
Tại tọa đàm Phát triển điện ảnh TPHCM thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế TPHCM gần đây, bà Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao TPHCM - cho biết lãnh đạo thành phố đang vận dụng cơ chế đặc biệt của Nghị quyết 98, qua đó rà soát, đề xuất danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư, khai thác có hiệu quả các thiết chế, cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ cho sự phát triển của ngành điện ảnh.
Theo đó, TPHCM đã có lộ trình để kêu gọi quỹ đầu tư, định hướng xây dựng các trung tâm phức hợp, giải trí. Bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) cũng sẽ trở thành trung tâm phim trường lớn của TPHCM.
Về thủ tục hành chính khi quay phim ở địa điểm công cộng, TPHCM cũng sẽ hoàn thiện quy chế mới nhằm hỗ trợ các đoàn làm phim thuận tiện hơn khi làm việc với các đầu mối xin giấy phép ở quận, huyện.
Giải pháp của thành phố đưa ra được giới làm phim ủng hộ. Đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết: "Nếu làm hệ thống phim trường hiện đại ở Thanh Đa thì quá tốt. Thanh Đa là bán đảo trong nội thành, vị trí trung tâm, có cảnh sông nước, cây cối, vùng quê, có cả cảnh thành phố. Tuy nhiên, điều kiện hạ tầng của Thanh Đa chưa đầy đủ, đường hẹp, dễ ngập nước. Những vấn đề này cần giải quyết trước rồi mới tính phương án phim trường".
Đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng nhấn mạnh, một phim trường ở vị trí trung tâm là điều mà giới làm phim mong muốn, tuy nhiên cần tính đến bài toán giá cả cho thuê. Giá thành thuê phim trường cũng cần phù hợp với nhu cầu làm phim.
"Giải pháp về phim trường cần sự hỗ trợ thực tế, có quỹ đất đủ tốt, quy hoạch rõ ràng. Chúng ta có thể xem phim trường như sân vận động, trong đó cũng cần điều kiện về cơ sở hạ tầng, đường sá, điện đóm, quy mô lớn để làm phim trường nội và ngoại, lúc đó mới đáp ứng được nhu cầu.
Tuy nhiên, giá cho thuê cũng cần hợp lý vì mỗi mét vuông đất ở trung tâm rất đắt đỏ. Phim trường nằm ở đâu, di chuyển có thuận lợi hay không, là bài toán cần có lời giải bởi mỗi ngày chúng ta chỉ có mười mấy tiếng làm việc mà thôi", Võ Thanh Hòa đưa ra quan điểm với phóng viên Dân trí.
Nhà sản xuất Hằng Trịnh cho biết việc tạo mới bối cảnh mỗi lần quay phim tốn nhiều chi phí, nhưng các nhà làm phim ở Việt Nam chưa có nhiều giải pháp cụ thể để thay thế.
Chị gợi ý TPHCM có thể tham khảo hướng đi của Hollywood, Hàn Quốc, như tạo ra những bối cảnh cụ thể về phim trường ngoại như bức tường, con đường, khu phố, tòa nhà có cấu trúc đặc trưng để dễ sử dụng cho nhiều phim mà đoàn phim không cần phải gặp khó khăn về khâu vận chuyển.
Đồng tình với ý kiến trên, đạo diễn Đỗ Quốc Trung cũng cho rằng TPHCM nên tham khảo, học hỏi ý tưởng phim trường kết hợp du lịch từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc.
"Đây là mô hình tạo hiệu quả cho phát triển kinh tế, có lợi cho các bên. Tuy nhiên để có phim trường lớn, chuyên nghiệp, một phía tư nhân là không đủ vì đây vẫn là câu chuyện kết hợp nhiều bên.
Đợt vừa rồi đi công tác ở Huế, tôi thấy nhiều du khách đến thăm cung An Định sau phim Gái già lắm chiêu. Cây vông đồng, phố cổ Bao Vinh ở Huế trong phim Mắt biếc cũng trở thành điểm hút khách du lịch. Tương tự chúng ta có làng Đo Đo ở Quảng Nam.
Dù vậy, những hình thức quảng bá du lịch này đến từ phía ê-kíp phim chứ chưa có sự chủ động từ cấp quản lý", ông Đỗ Quốc Trung cho hay.
Đạo diễn cho rằng tại các tọa đàm, giới làm phim nên ngồi lại cùng cấp quản lý từ Sở Du lịch, UBND thành phố để bàn về những chính sách hỗ trợ, chủ trương xây dựng phim trường.
Ông nói: "Phía thành phố có thể mời giới đạo diễn, biên kịch thi kịch bản, tham gia đóng góp ý tưởng để sử dụng phim trường sao cho hiệu quả. Sau đó, sẽ có nhiều bộ phim được làm ra với chất lượng nghệ thuật tốt, thành phố cũng có thể thu ngược lại nguồn thu về du lịch".
Làm sao để không lãng phí?
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp để đưa vào màn ảnh rộng một cách chân thực. Ngoài ra, không nhất thiết phải xây phim trường hàng ngàn mét vuông vì tái sử dụng nhiều lần sẽ gây nhàm chán với khán giả cũng như giới làm phim.
Chưa kể, bài toán kinh doanh hiệu quả cũng là vấn đề khó với thời kỳ khó khăn kinh tế và nền công nghiệp điện ảnh chưa phát triển bền vững như Việt Nam.
Về những ý kiến này, đạo diễn Đỗ Quốc Trung đặt vấn đề ở góc độ bền vững, cho rằng cần phải đưa yếu tố nhân lực lên hàng đầu, thay vì tập trung vào cơ sở vật chất.
"Nhà làm phim nào cũng muốn tìm những bối cảnh mới mẻ, tránh tình trạng phim trường "bê tông hóa", tránh việc xây dựng nhiều thứ trong trường quay nhưng chỉ dùng được 2,3 năm rồi bỏ không, bị lỗi thời.
Đây vẫn là câu chuyện bền vững về nhân lực. Phải đào tạo được đội ngũ nhân lực về nhà sản xuất, nhà làm phim. Khi ngành điện ảnh phát triển, có nguồn thu tốt, chính họ sẽ xây phim trường.
Thay vì cơ chế xin cho, hỗ trợ từ Nhà nước, các nhà làm phim nên tự có thị trường của mình, tự xây phim trường, tự tạo doanh thu và tạo giá trị văn hóa. Tôi vẫn ủng hộ chuyện dồn nguồn lực để đào tạo, hỗ trợ nhân tài để họ làm ra phim chất lượng. Chuyện cơ sở vật chất, hạ tầng vẫn phải đi sau chuyện con người", Đỗ Quốc Trung nhận định.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa đưa ra quan điểm phim trường không phải là nơi thay thế toàn bộ bối cảnh ghi hình cho giới làm phim. Tuy nhiên, khi có một phim trường đúng chuẩn, công tác sản xuất phim sẽ chất lượng hơn nhiều.
"Ví dụ, Trung Quốc có phim trường rất nổi tiếng là Hoành Điếm. Nhưng không phải tất cả đoàn phim đều chạy về đó để quay. Họ vẫn sẽ phải quay ngoại cảnh, quay thực tế, nhưng khi có phim trường Hoành Điếm, mọi người sẽ chủ động hơn trong công tác sản xuất", đạo diễn nói.
Võ Thanh Hòa cho biết thêm, TPHCM cũng có một số phim trường rộng hàng ngàn mét vuông, như phim trường ở quận 12, phim trường ở TP Thủ Đức... Tuy nhiên, quay lại vấn đề con người: Ai sẽ quản lý, kinh doanh phim trường? Xây dựng một phim trường lớn nhưng có hiệu quả hay không?
"Ở Mỹ, 1 năm có hàng trăm phim điện ảnh được sản xuất. Còn Việt Nam mỗi năm chỉ có 20-30 phim. Xây phim trường làm sao cho hiệu quả thì cần phải có tính linh động. Tôi lấy ví dụ, phim trường rộng 4.000-6.000m2, nên có những vách ngăn chia ra 2-3 phim trường nhỏ, có những bối cảnh phổ biến, gần như phim nào cũng phải có, như đồn công an, bệnh viện…
Điển hình như tôi là người làm phim lâu năm, tôi cũng nhận thấy TPHCM không nơi nào có hồ bơi đủ chuẩn để ghi hình phim. Hoặc cũng cần có những bối cảnh hợp để ghi hình phim cổ trang, phim về lịch sử.
Ngoài ra, cũng nên có những buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tạo được đội ngũ diễn viên quần chúng chuyên nghiệp ở phim trường. Những người thiết kế, vận hành các bối cảnh đặc thù, cần am hiểu về quy trình làm việc ở từng bối cảnh như cơ quan, bệnh viện, từ đó chúng ta chuyên nghiệp hóa từng khâu, giúp đoàn phim tiết kiệm thời gian sản xuất".
Võ Thanh Hòa cho biết thêm, vừa qua, có những công ty chuyên thiết kế bối cảnh cho phim Hàn Quốc đã sang Việt Nam khảo sát, ký kết để tổ chức xây phim trường.
"Quan trọng nhất vẫn là nhân lực, con người. Người thiết kế phim trường phải là người trong ngành, mới hiểu đầy đủ nhu cầu thực tế mà ngành công nghiệp điện ảnh cần gì. Chúng ta sẽ không thể làm được những phim lớn, những phim lịch sử, có ý nghĩa văn hóa, dân tộc nếu không có những phim trường lớn", đạo diễn nhấn mạnh.