Khảo cổ tìm dấu tích Tây Sơn/Quang Trung:

Tìm thấy dấu tích, di vật liên quan đến thủ phủ thời chúa Nguyễn - Tây Sơn

(Dân trí) - Chiều 9/1 tại Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra buổi báo cáo kết quả thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế) liên quan đến dấu tích triều đại Tây Sơn/Quang Trung.

Đông đảo các nhà nghiên cứu, báo chí đã đến tham dự. PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã thay mặt đoàn thám sát khảo cổ gò Dương Xuân (thời gian 15 ngày đầu tháng 10/2016) báo cáo kết quả ban đầu ở 5 hố khảo sát.

Buổi báo cáo kết quả thăm dò khảo cổ quan trọng tại gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế) liên quan đến dấu tích triều đại Tây Sơn/Quang Trung.
Buổi báo cáo kết quả thăm dò khảo cổ quan trọng tại gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế) liên quan đến dấu tích triều đại Tây Sơn/Quang Trung.

Về dấu hiệu các di tích, đáng chú ý về vết tích mộ táng. Đoàn đã phát hiện 3 cụm di tích có thể liên quan đến mộ hỏa táng. Riêng tại hố thăm dò số 4 trong sân chùa Thuyền Lâm xuất lộ chum sành vỡ, bên ngoài có đường biên hố. Có khả năng đây là một ngôi mộ đất có quan tài là chum sành bị vỡ.

Tìm thấy dấu tích, di vật liên quan đến thủ phủ thời chúa Nguyễn - Tây Sơn - 2

Ở dấu tích nền/móng cát, sỏi. Trong 4 hố thăm dò đã phát hiện cụm cát vàng, tơi xốp, lẫn sỏi nhỏ, dày từ 5-7cm, rất khó để có thể nói về công năng của lớp cát này. Mảng/nền cát sỏi này có thể liên quan nền/móng của kiến trúc hoặc lớp rải tạo mặt bằng kê chân đá tảng/táng, là chân cột trong kiến trúc.

Cụm cát vàng, tơi xốp, lẫn sỏi nhỏ ở hố số 3
Cụm cát vàng, tơi xốp, lẫn sỏi nhỏ ở hố số 3

Đặc biệt có kiến trúc đá ở hố thám sát thứ 5 với chiều rộng 5,5m theo chiều Đông Tây dày chừng 0,6m, các lớp đá còn lại được xếp chỗ 2 lớp, chỗ 3 lớp, mỗi viên đá kích thước trung bình 35cm x 25cm x 22cm. Đoàn đã tìm thấy 2 điểm bắt góc phía Tây và Đông, có hiện tượng dật cấp của kiến trúc đá 10cm. Từ quy mô bước đầu trên nhận định lớp đá có thể liên quan đến kiến trúc lớn, rất có thể là móng tường, móng thành mà phần trên đã bị các hoạt động của cư dân hiện đại xâm lấn.

Dấu vết nền đá lớn và kéo dài - một trong những phát hiện quan trọng đợt thám sát khảo cổ - nghi dấu vết là móng tường, móng thành
Dấu vết nền đá lớn và kéo dài - một trong những phát hiện quan trọng đợt thám sát khảo cổ - nghi dấu vết là móng tường, móng thành

Về dấu hiệu di vật, đoàn khảo cổ đã tìm được rất nhiều di vật với các thể loại khác nhau, như 2 hiện vật tiền đồng, 4 đồ sắt như câu liêm, 337 hiện vật và mảnh gốm sứ, 471 mảnh sành, 4 hiện vật đất nung, 930 hiện vật và mảnh gạch ngói, 22 mảnh thủy tinh, 6 mảnh vôi vữa, 4 mảnh xương, 1 mảnh vỏ sò.

Về niên đại, dựa vào tổng thể di tích, tư liệu địa tầng, các mảnh sứ có ghi niên đại thời Khang Hy nhà Thanh, thời Nhật Bản…, các mảnh sành, gạch ngói thì bước đầu có thể đoán định niên đại di tích gò Dương Xuân tập trung từ thế kỷ 17 đến 19, kéo dài đến đầu thế kỷ 20. Đây là thời chúa Nguyễn kéo qua thời Tây Sơn/Quang Trung và thời vua Nguyễn trị vì tại Huế.

Chiếc bát sứ gần như nguyên vẹn tìm được ở hố số 2 trước sân chùa Vạn Phước có vẽ hình chữ Nhật ở trong thuộc Nhật Bản, thời gian khoảng nửa sau thế kỷ 17
Chiếc bát sứ gần như nguyên vẹn tìm được ở hố số 2 trước sân chùa Vạn Phước có vẽ hình chữ "Nhật" ở trong thuộc Nhật Bản, thời gian khoảng nửa sau thế kỷ 17
Hiện vật kim loại: tiền đồng và 4 đồ sắt như cây câu liêm
Hiện vật kim loại: tiền đồng và 4 đồ sắt như cây câu liêm

PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nêu quan điểm: “Tại 5 hố khảo sát khảo cổ đều có dấu hiệu liên quan từ thời chúa Nguyễn đến Tây Sơn, đây là điều đáng mừng. Nhiều di vật gạch, gốm, ngói, sứ với cho thấy khu vực này là một trung tâm giao lưu thương mại của thế giới thời bấy giờ, làm ta liên hệ đến 1 kinh đô, thủ phủ”.

“Đợt thăm dò khảo cổ ở gò Dương Xuân đã cung cấp thêm những tư liệu về khảo cổ học, sử học, văn bản học… về thời kỳ Tây Sơn, liên quan đến những vấn đề thành quách, cung điện nhằm phát hiện, nghiên cứu bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa của dân tộc. Từ đó góp thêm chứng cứ khoa học phục vụ cho lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tổ chức thăm dò, khai quật khảo cổ học trong thời gian tới” – PGS.TS. Bùi Văn Liêm cho hay.

Hơn 1.000 hiện vật, mảnh của nhiều vật liệu được tìm thấy ở 5 hố thám sát khảo cổ tìm vết tích triều Tây Sơn/Quang Trung tại Gò Dương Xuân - TP Huế
Hơn 1.000 hiện vật, mảnh của nhiều vật liệu được tìm thấy ở 5 hố thám sát khảo cổ tìm vết tích triều Tây Sơn/Quang Trung tại Gò Dương Xuân - TP Huế

Viện Khảo cổ học Việt Nam kiến nghị thời gian tới sẽ phân tích mẫu cacbon phóng xạ (14C), kết hợp niên đại tuyệt đối (khoa học tự nhiên) với niên đại qua địa tầng di tích và các di vật đã phát hiện để đưa ra nhận định cụ thể về niên đại ở gò Dương Xuân. Bên cạnh đó sẽ mở rộng diện thăm dò, khai quật tại một số hố; khuyến nghị sử dụng phương pháp Lidar (công nghệ viễn thám dùng các loại tia laser để khảo sát đối tượng từ trên cao, thu thập các điểm phản xạ 3 chiều) để nghiên cứu toàn bộ khu vực.

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kết thúc buổi báo cáo đã kết luận, khu vực chùa Thuyền Lâm ở gò Dương Xuân xuất hiện thời Tây Sơn. Tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Khảo cổ học và các nhà tài trợ cần tiến hành thêm một đợt khảo cổ toàn diện ở gò Dương Xuân. Nên mở rộng hố số 5 - nơi có dấu vết nền đá lớn và mở 2 cánh thăm dò ở phía Tây, Bắc chùa Vạn Phước… để làm rõ vết tích thời Tây Sơn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, người đặt giả thiết gò Dương Xuân từng là nơi đóng đô của chúa Nguyễn, sau đó đến thời Tây Sơn với cung điện Đan Dương của vua Quang Trung. Cung điện này cũng có thể là nơi chôn nhà vua sau khi băng hà - đã xúc động cảm ơn mọi người đã cùng sát cánh với ông sau 36 năm. “Ít nhất những dấu vết của một vùng cung điện đã bắt đầu xuất hiện. Giờ tôi đã hơn 80 tuổi, sức đã yếu rồi, nếu có chuyện gì cũng yên lòng”. Chính từ luận cứ của ông Xuân và nhiều công trình nghiên cứu của ông mà đã có cuộc thám sát khảo cổ tháng 10 vừa qua sau nhiều tranh cãi dấu vết của vương triều Tây Sơn và lăng mộ vua Quang Trung tại Huế.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (đứng) mất 36 năm để theo đuổi luận điểm gò Dương Xuân từng là thủ phủ của vua Quang Trung - gửi lời cảm ơn đến mọi người
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (đứng) mất 36 năm để theo đuổi luận điểm gò Dương Xuân từng là thủ phủ của vua Quang Trung - gửi lời cảm ơn đến mọi người

Như Dân trí thông tin, sau 15 ngày thám sát khảo cổ ở vùng gò Dương Xuân, nhiều hiện vật, lớp cát, nền đá kéo dài, mảnh chum nghi mộ táng… đã làm dư luận đặt niềm tin về nơi mà triều đại Tây Sơn/Quang Trung đã đóng đô tại Huế thời điểm ngắn ngủi cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.

Khu vực gò Dương Xuân hiện nay là khu dân cư phường Trường An, TP Huế. Những tư liệu lịch sử và một số nghiên cứu cho rằng tại đây năm 1691, chúa Nguyễn Phúc Chu từng cho xây dựng Phủ Dương Xuân. Phủ này còn được đầu tư xây lớn thêm vào năm 1740 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đến khoảng năm 1789, vua Quang Trung cho dựng cung điện Đan Dương…

Ở gò Dương Xuân hiện còn có các di tích như chùa Vạn Phước, chùa Thuyền Lâm, bia mộ tổ đời thứ hai chùa Thuyền Lâm, cồn Bông Sứ, hồ bán nguyệt, giếng nước cổ (giếng loạn), bia đá, thanh đá, chân đá tảng, gạch, ngói, mảnh sành sứ dưới lòng đất tại chùa Thuyền Lâm, sân – vườn nhà ông Nguyễn Hữu Oánh…

Sơ đồ Phủ Dương Xuân (ảnh do Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cung cấp)
Sơ đồ Phủ Dương Xuân (ảnh do Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cung cấp)


Ngày 19/9/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp quyết định số 3292/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân với mục tiêu: “Nhằm nghiên cứu, tìm hiểu về giai đoạn lịch sử Tây Sơn – Nguyễn Huệ, từ đó góp phần bảo vệ di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời thu thập các tư liệu, hiện vật có nguồn gốc từ di tích này phục vụ cho việc phát huy giá trị, lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nếu đủ điều kiện và tiến hành tổ chức khai quật khảo cổ học trong những năm tiếp theo”.

Đại Dương