Khảo cổ tìm dấu tích Tây Sơn/Quang Trung: Phát hiện dấu tích một nền đá
(Dân trí) - Chiều 11/10 PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết qua mở rộng hố thứ 5 để xem xét thêm thì thấy dấu hiệu tạm gọi là một nền đá.
Hố thứ 5 được mở rộng có diện tích tổng cộng là 9m2. Từ hình chữ L, hố được mở gần như hình vuông để xem đường chạy của các lớp đá mà như hôm qua nghi là dấu vết nghi móng tường thành xưa.
Sau khi mở rộng, thì có thêm nhiều đá tảng, như loại đá gan gà nằm sát nhau tạo thành một ô có diện tích chừng gần 2 mét, cạnh đó là một đường đá chạy song song và song song với bức tường rào. Đường đá này kết thúc bằng một lớp vôi vữa và cát vàng.
Theo TS Liêm, tạm gọi ban đầu đây là một nền đá. Tuy nhiên nếu lớp nền đá này liên quan đến móng của tường thành thì phải xem xét thêm cùng với nhiều ban ngành chuyên môn.
“Chúng ta cần xem xét lớp đá xếp thành nền trên với lớp vôi vữa nhằm xác định cùng một giai đoạn hay là thuộc 2 giai đoạn khác nhau” – TS Liêm trao đổi.
Lộ nền đá cổ ở hố khảo sát thứ 5
Trước đó, Bộ VH,TT&DL đã cấp giấy phép thăm dò địa điểm gò Dương Xuân, phường Trường An, TP Huế cho Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế. Mục đích là tìm các tư liệu, dấu tích về giai đoạn triều đại Tây Sơn – Nguyễn Huệ/Quang Trung.
Đoàn đã tiến hành đào 5 hố khảo cổ, một số hiện vật đã được tìm thấy, đặc biệt vào chiều 10/10, một lớp đá chạy ngay ngắn ở hố thứ 5 đã đặt nghi vấn đây là chân của một bức thành cổ.
Đại Dương