Bình Định được mệnh danh là vùng "đất võ trời văn", nơi đây lưu giữ kho tàng văn hóa vô giá cả về vật thể lẫn phi vật thể.
Ngoài 3 di sản văn hóa phi vật thể là tuồng, bài chòi, võ cổ truyền, Bình Định đang lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia quý hiếm.
Cùng với đó, hệ thống các tháp Chăm hiện vẫn sừng sững như những chứng nhân lịch sử quan trọng của sự tồn tại nền văn hóa Chăm Pa hơn 1.000 năm trên vùng đất Bình Định.
Ngoài 5 bảo vật quốc gia trên, Bảo tàng Bình Định có khoảng 10.000 hiện vật Chăm đang được trưng bày và lưu giữ.
Phù điêu nữ thần Mahishasurmadini (niên đại thế kỷ XII) được Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia năm 2015. Phù điêu làm bằng đá sa thạch, phát hiện năm 1989, tại một phế tích tháp có tục danh là Rừng Cấm (thuộc thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, Bình Định) và còn nguyên vẹn, chỉ vỡ nhỏ một vài chỗ ở chỏm mũi, cánh tay.
Tác phẩm điêu khắc được thể hiện hình tượng một vị nữ thần, có nhiều tay đang đứng trong tư thế múa trong khung hình vòm cung nhọn. Đây là loại hình điêu khắc dùng trang trí bên trên cửa ra vào của ngôi tháp. Phù điêu thể hiện nữ thần Mahishasuramardini 10 tay, gồm 2 tay chính và 8 tay phụ, trên mỗi tay cầm một vật tế khí.
Phù điêu thần Brahma (cuối thế kỷ XII) - bảo vật quốc gia năm 2016, có chất liệu sa thạch, được tìm thấy tại Tháp Dương Long năm 1985 trong lúc dọn dẹp mặt bằng để chuẩn bị cho việc tu bổ khu di tích này. Phù điêu còn nguyên vẹn, chỉ bị vỡ một phần nhỏ ở tay phải và một vỡ một mảnh nhỏ ở ngón tay phía tay chính bên trái.
Đây là loại hình điêu khắc dùng trang trí bên trên cửa ra vào của ngôi tháp. Hình tượng thể hiện là một vị thần có 3 đầu, 8 tay, 2 tay chính bắt quyết trước ngực, các tay kia, trong mỗi bàn tay cầm dao găm, hoa sen, binh khí; thần đứng 2 chân chùng xuống, trong tư thế đang múa.
Hai phù điêu chim thần Garuda diệt rắn (thế kỷ XII- XIV) - bảo vật quốc gia năm 2017, có chất liệu đá cát. Hai phù điêu chim thần Garuda diệt rắn thể hiện theo cặp đối xứng, được phát hiện trong cuộc khai quật năm 2011 tại phế tích Tháp Mắm (xã Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, Bình Định).
Đây là loại hình điêu khắc Champa có lẽ dùng trang trí tường tháp, hai phù điêu được đặt đối xứng nhau ở hai bên cửa tháp; mỗi phù điêu được trang trí một mặt, mặt sau để trơn. Cả hai bức phù điêu đều thể hiện hình tượng chim thần Garuda, được cách điệu nửa người nửa chim; chân đứng thẳng, xòe cánh và nhìn nghiêng về một bên; một tay cầm thân con rắn ở trước ngực, tay còn lại cũng đang tóm một con rắn khác nhỏ hơn giơ lên; miệng ngậm đuôi rắn; một chân đạp vào cổ rắn làm cho hai chiếc đầu của rắn ngẩng lên. Hình tượng thể hiện theo chủ đề Garuda- kẻ tiêu diệt các loài rắn Naga trong các câu chuyện thần thoại Ấn Độ.
Phù điêu nữ thần Sarasvati (đầu thế kỷ XII), bằng sa thạch được phát hiện vào năm 1988 tại phế tích Châu Thành, khu vực Châu Thành, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, Bình Định. Phù điêu hiện còn tương đối nguyên vẹn, chỉ bị vỡ nhỏ ở phần đầu mũi và được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020.
Phù điêu khắc nổi trang trí mặt chính diện; mặt sau lưng để trơn. Phù điêu được tạo dáng hình vòm cung nhọn, hình tượng thể hiện trong hình vòm cung là một vị nữ thần ngồi kiểu kiết già trên một tòa sen; thần có 3 đầu, mỗi đầu đều đội mũ chóp nhọn, trang trí 3 tầng hoa văn cánh sen; 4 cánh tay: cổ tay, bắp tay đều đeo những vòng trang sức…
Ngoài ra, những bảo vật quốc gia liên quan đến văn hóa Chăm Pa trên đất Bình Định còn có tượng thần Siva ở chùa Linh Sơn (dân gian gọi Phật Lồi) - Cổ vật Champa thuộc Chùa Linh Sơn, thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cũng được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2018.