Tìm hiểu về cây dong riềng, nguyên liệu làm nên đặc sản trứ danh

Nguyên An

(Dân trí) - Miến dong là đặc sản nổi tiếng ở nhiều vùng miền cả nước. Cùng tìm hiểu về cây dong riềng, nguyên liệu làm nên đặc sản trứ danh này.

Giống dong riềng sinh trưởng phát triển tốt ở các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng sông Hồng, có khả năng chịu hạn tốt, chịu rét khá và chống chịu bệnh khô lá. Khả năng thích ứng rộng, có thể trồng được ở nhiều loại đất kể các vùng đất nghèo dinh dưỡng.

Tìm hiểu về cây dong riềng, nguyên liệu làm nên đặc sản trứ danh - 1

Cây dong riềng trồng tại miền núi (Ảnh: Báo Nông nghiệp). 

Giống cây dễ trồng, thích nghi tốt với mọi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng

Cây dong riềng là loại cây có thể trồng ở mọi nơi với độ cao từ 100m - 2500m so với mặt nước biển, như: đồi núi, vườn, sân bãi bạc màu, mặn cớm nắng… Nhưng trên đất xốp, nhiều mùn, nơi đủ ẩm, có nắng thì dong riềng phát triển mạnh, cho năng suất củ cao, phẩm chất tốt. Vì vậy, các vùng đất bãi, phù sa ven sông rất thích hợp nhất.

Ở vùng cao, dong riềng được người dân trồng trên đất đồi núi, đất đá, nên bãi thoát nước không cần phải làm. Sau khi dọn cỏ, bổ hốc rồi trồng cây, đất hót ra để phía trên dốc, gặp mưa đất dồn dần xuống hố, bổ sung thêm dinh dưỡng tốt cho cây.

Thời vụ trồng dong riềng từ tháng 2 đến tháng 5. Dong riềng đỏ phát triển củ theo chiều ngang, rễ cây ăn sâu do vậy làm đất phải chú ý cày sâu 15-20 cm, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ.

Tìm hiểu về cây dong riềng, nguyên liệu làm nên đặc sản trứ danh - 2

Miến dong là thực phẩm quen thuộc với nhiều gia đình làm từ bột dong riềng (Ảnh: Nhà Bếp). 

Củ dong riềng nạc, đồng đều, ruột trắng, thời gian cho thu hoạch trong khoảng cỡ 250-280 ngày nên được nông dân ưa chuộng và sử dụng là nguyên liệu để sản xuất miến dong đặc sản nổi tiếng ở nhiều vùng miền trên cả nước. Chiều cao trung bình của cây dong riêng khoảng 165-185cm, ít đổ và thích nghi với mọi điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt.

Một số loại sâu bệnh thường gặp ở dong riềng

Là một loài cây thích ứng tốt với các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt nhưng cây dong giềng vẫn không thể tránh được một số loại sâu bệnh hại  chính trên cây như: sâu khoang, bệnh khô lá, ngoài ra còn xuất hiện câu cấu, sâu róm, bọ lẹt…

Sâu khoang gây hại cho cây dong riềng ở giai đoạn đầu sinh trưởng. Biện pháp phòng trừ sâu khoang là kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện sâu bệnh hại kịp thời. Dọn sạch cỏ dại là nơi trú ngụ của sâu bệnh hại. Bón phân cân đối, không bón thừa đạm. Dùng bả chua ngọt để bắt, diệt trưởng thành. Diệt ổ trứng và sâu non bằng tay (sâu thường ẩn kín trong nõn lá). 

Ngoài sâu khoang gây hại, bệnh khô lá ở dong riềng thường xuất hiện ở giai đoạn 150-180 ngày sau trồng. Để phòng trừ bệnh này cho cây cần lựa chọn giống dong riềng sạch bệnh, trồng cây với mật độ thích hợp. Bón phân cân đối để cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh. Vệ sinh đồng ruộng thường xuyên.

Thu hoạch và bảo quản

Độ khoảng giữa tháng 5, khi thấy cây dong riềng chững lại, thân lá chuyển màu vàng, cây rạc dần, nhiều lá gần gốc đã khô là cây đã già có thể thu hoạch được. 

Sau khi chế biến, củ dong riềng cho ra loại bột dong.  Ở dạng bột ẩm không đem phơi mà cho vào bao tải trong có lót một lượt nilon, sau đó đậy kín để nơi thoáng mát. Bằng cách này có thể để được 5-6 tháng sau chế biến.

Hoặc có thể bảo quản bột dong riềng bằng cách phơi khô. Bột ẩm được đem đi phơi khoảng 4-5 nắng khi ẩm độ còn khoảng 12-13 % thì đem đóng vào bao tải trải một lượt nilon bên trong rồi đổ bột khô vào, đậy kín khi cần đem sử dụng. Bằng cách này có thể để tinh bột dong riềng từ 2-3 năm mà không sợ hỏng.