(Dân trí) - Với Táo quân, đừng nói chuyện cát-xê vì không thể tính được bằng tiền, chỉ có thể đo được bằng tình thôi. Tất cả... chúng tôi đều dành cho chương trình", nghệ sĩ Vân Dung chia sẻ.
Nghệ sĩ Vân Dung tiết lộ cát-xê ít ai ngờ của dàn nghệ sĩ Táo quân
"Với Táo quân, đừng nói chuyện cát-xê vì không thể tính được bằng tiền, chỉ có thể đo được bằng tình thôi. Tất cả những gì tinh hoa nhất, khó khăn nhất, áp lực nhất, chúng tôi đều dành trọn cho chương trình", nghệ sĩ Vân Dung chia sẻ.
Với gương mặt có nét duyên lạ, nghệ sĩ Vân Dung đã ghi dấu ấn ở mảng hài kịch và bi kịch. Nhưng Táo Y tế vẫn là vai diễn để lại nhiều ấn tượng nhất với khán giả của Vân Dung.
Năm 2023 đánh dấu Táo quân tròn 20 tuổi, nhân dịp này, nghệ sĩ Vân Dung đã dành cho PV Dân trí cuộc trò chuyện để nói về Tết và về vai diễn chị yêu thích nhất trong cuộc đời nghệ thuật - Táo Y tế.
Cát-xê đóng Táo quân không thể tính được bằng tiền
20 năm đóng "Táo quân", chị có đặc biệt thích vai Táo nào không?
- Táo quân năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi kỷ niệm 20 năm chương trình lên sóng nên chúng tôi rất vui khi đã hoàn thành chương trình và mang đến cho khán giả "bữa ăn tinh thần" thú vị, vui vẻ và ý nghĩa trong đêm Giao thừa. Đây là chương trình ghi dấu ấn đặc biệt với anh em nghệ sĩ chúng tôi. Nói chung là vui lắm.
20 năm gắn bó với Táo quân, tôi may mắn được giao nhiều vai Táo khác nhau. Nhưng có lẽ thành công nhất là nhân vật Táo Y tế. Khán giả vốn quen với hình ảnh này, và tôi cũng rất thích. Nhưng nếu được giao vai khác tôi vẫn nhận và cố gắng hoàn thành trọn vẹn. Mình làm nghề, mong mang niềm vui cho khán giả, chứ khó mà kén cá chọn canh.
Đồng hành với "Táo quân" suốt 20 năm, chị có khi nào đặt nặng vấn đề cát-xê, vì tôi được biết việc tập luyện rất vất vả, có khi còn ảnh hưởng đến lịch nhận show bên ngoài của nghệ sĩ?
- Tôi nghĩ với Táo quân, không nên nói chuyện cát-xê, vì không tính được bằng tiền, chỉ có thể đo được bằng tình thôi. Tất cả những gì tinh hoa nhất, hấp dẫn nhất, khó khăn nhất, áp lực nhất, chúng tôi đều dành trọn cho chương trình, với hi vọng mang đến "món ăn tinh thần" cho khán giả nhân dịp Tết đến Xuân về.
Khi tập luyện, chúng tôi tranh luận với nhau từng câu, từng chữ, về mọi vấn đề. Thường thì phải mất tới 10 ngày để thảo luận kịch bản, chưa kể cả tháng trời tập luyện. Đâu phải chỉ diễn đơn thuần, phải hiểu các vấn đề thời sự, phải biết cách nhấn nhá để tạo cao trào thì mới khiến khán giả cảm được.
Thù lao "Táo quân" không cao, vậy chị có nhận show ngoài dịp Tết. Có ý kiến nói rằng, nghệ sĩ làm cả năm không bằng chạy show dịp Tết?
- Ngày Tết, tôi ít chạy show nên không rõ, từ 30 đến mùng 4 Tết là thời gian tôi dành cho gia đình, đi chơi với bạn bè, hoặc du lịch chứ không có khái niệm làm việc. Ngày xưa, kể cả những lúc say nghề, ham làm nhất, tôi cũng chỉ nhận show từ mùng 3 trở ra. Từ năm 2000, tôi hạn chế dần, và giờ thì bớt hẳn chuyện làm việc những ngày Tết. Dù sao, mình cũng cần sống chậm lại.
"Ngày Tết không kiêng kị điều gì để tránh phiền não"
Chị sống chậm để chiêm nghiệm về một năm đã qua, hay hướng đến những điều sắp tới?
- Tôi thường không có thói quen nghĩ xa xôi đến thế. Tết trong tôi là mùi pháo, là ngồi bên nồi bánh chưng, là những giây phút gia đình cùng nhau canh lửa. Tôi đón Tết ở Hà Nội với con trai và bố mẹ. Tết nào còn những người thân yêu bên cạnh, ai cũng khỏe mạnh, hồ hởi xẻ thịt gà luộc ra ăn vào đêm Giao thừa, chừng ấy… tôi còn hạnh phúc.
Vậy chị có kiêng kị điều gì trong ngày Tết?
- Tôi không quan tâm lắm đến chuyện kiêng kị. Chỉ sợ nhất là gãy móng tay, tôi nghĩ nếu móng tay đang dài mà tự dưng gãy là điềm gở. Nhưng đó cũng chỉ là chuyện của trước đây thôi, bây giờ tôi đã thay đổi. Tôi nghĩ, không nên kiêng kị làm gì để tránh phiền não. Nếu mình thích gì cứ làm thôi. Tôi cắt tóc, ăn mực, ăn mắm tôm vào mùng 1 Tết bình thường. Mình không đặt nặng vấn đề thì mọi thứ cũng sẽ nhẹ nhàng hơn.
Người ta nói, bây giờ "Phú quý sinh lễ nghĩa". Có nhiều quan niệm trái chiều quanh vấn đề này, nhưng lạc quan như Vân Dung, có lẽ chỉ thấy khía cạnh tích cực?
- Thật ra, nói "Phú quý sinh lễ nghĩa" cũng không sai. Khi chưa khá giả muốn giúp ai, chúng ta bất lực. Nhưng khi đã đủ đầy về vật chất, mình mới nghĩ đến chuyện sẻ chia cho cộng đồng. Hoặc ngày xưa, chỉ có nải chuối xanh thắp hương, giờ thì mâm cao cỗ đầy. Sang hơn, ta đi du lịch tâm linh. Đó là nét văn hóa đáng trân trọng đấy chứ.
Tôi thích ngắm cảnh các bà, các mẹ đi du xuân, lễ chùa. Đẹp lắm! Cả đường phố sáng bừng với những họa tiết cùng nhiều sắc màu rực rỡ. Ngày xưa lấy đâu ra. Nếu ngày xưa mình bận đi làm, có đâu những phút ngồi ngẩn ngơ ngắm đường ngắm phố, ngắm người ta chơi Tết để mà biết ơn cho sự đủ đầy của thời hiện tại.
Vì "Phú quý sinh lễ nghĩa" mà xuất hiện cả tình trạng so bì tiền mừng tuổi ở trẻ nhỏ. Chị nghĩ thế nào?
- Tôi nghĩ, mừng tuổi là một nét văn hóa đẹp. Không chỉ trẻ con, mà người lớn như tôi cũng thích. Đôi khi nhận lì xì chỉ 5, 10 nghìn đồng thôi nhưng số tiền ấy đặt trân trọng trong phong bao đỏ, được trao đến nhau đầy thiện ý, tôi quý vô cùng. Với trẻ em, bao lì xì gửi gắm những lời chúc chăm ngoan, học giỏi nhân dịp đầu Xuân năm mới. Gia đình nào cũng dạy con như vậy, sẽ hạn chế phần nào sự so sánh về mệnh giá tiền trong mỗi bao lì xì.
Tôi nghĩ, các bậc phụ huynh có thể nói với con rằng, lì xì không phải là tiền được mọi người cho, mà đó là tiền mang đến sự may mắn, để con khỏe mạnh hơn, giỏi giang hơn trong năm mới. Đồng thời, khi các bác đến, giục trẻ ra đòi tiền cũng không nên.
Đôi khi mình vô tình trêu đùa thôi nhưng trẻ nhỏ tiếp nhận thông tin nhanh lắm, dễ dẫn đến những suy nghĩ không đúng. Nếu giáo dục con đúng cách thì lì xì là nét văn hóa đẹp. Còn nếu giáo dục sai thì quanh chuyện lì xì sẽ nhiều biến tướng thôi!
Vân Dung rất khéo trong chuyện chăm sóc đời sống tinh thần của bản thân. Gặp chị nhiều lần, nhưng lúc nào tôi cũng thấy chị phơi phới xuân xanh. Chị có từng sợ tuổi già?
- Tuổi già ai cũng sợ, nhưng có ai ngăn nổi nó đến đâu. Quan trọng là mình sống sao để mỗi ngày đều ý nghĩa. Ngày xưa, khi còn khó khăn, tôi từng lao đi làm bất kể sáng, đêm. Nhiều hôm, 5 giờ sáng mới về đến nhà. Nhưng giờ thì khác. Tôi vẫn làm nghề, vẫn tâm huyết nhưng có chọn lọc hơn.
Thời gian trống, tôi chiều chuộng bản thân, sống chậm và hưởng thụ những thành quả mình có được. Tôi cũng thường suy nghĩ tích cực về mọi chuyện. Lúc nào cũng tin mình chỉ mới 24 tuổi xuân xanh.
Thỉnh thoảng ra đường, mọi người gọi "cô Vân Dung" là tôi lườm ngay. Đã gọi tôi là cô thì không cho chụp ảnh. Tôi tếu táo: "Khi nào gọi "chị Vân Dung" thì mình mới đồng ý chụp chung".
Nhờ sự hài hước và niềm tin rằng mình còn trẻ, cuộc sống của tôi rất vui. Giờ bạn nghĩ xem, cứ đắn đo chuyện tuổi già thì cũng đâu ngăn được nó đến. Nên cứ vui thôi!
"Tôi luôn thấy đời vui, rất hiếm khi buồn"
Quay trở lại với chuyện làm nghệ thuật, trong đời, chị có hoài bão gì còn dang dở?
- 30 năm làm nghệ thuật, vai diễn nào tôi cũng trải qua. Từ người già đến người trẻ, từ quý bà sang chảnh đến người phụ nữ quê mùa, lam lũ. Có thể nói, tôi có cả một gia tài để lại cho thế hệ sau. Tôi cũng may mắn có được sự ủng hộ và công nhận từ khán giả. Chính vì vậy, tôi không có gì tiếc nuối cả.
Nhưng danh hiệu thì vẫn chưa gọi tên Vân Dung. Có bao giờ chị cảm thấy chạnh lòng?
- Nhiều người cũng tiếc vì tôi chưa có duyên với các danh hiệu, trong khi những đồng nghiệp trong gia đình Táo quân đã có đủ, nhưng tôi không quá bận tâm về điều đó. Tôi không có duyên với các cuộc thi và giải thưởng, danh hiệu này kia.
Khi xác định như thế, tôi đứng sang một bên nhường cho người khác. Từ bé tôi đã vậy rồi. Tôi luôn sợ đám đông, sợ thi cử và sự phô trương. Giờ tôi chỉ mong đồng nghiệp nhận giải để cùng chung vui, bởi họ rất tài năng và chăm chỉ. Họ được danh hiệu NSND, NSƯT hay thăng tiến lên chức Phó Giám đốc, Giám đốc, tôi đều mừng.
Đội Táo và các đạo diễn cũng nhiều lần động viên tôi về chuyện giải thưởng. Nhưng tôi xác định đi ngược dòng. Mình không có duyên thì không nên làm. Bởi nếu có làm, tôi cũng không chắc mình hoàn thành tốt được. Nên tôi không có gì phải chạnh lòng hay nuối tiếc khi mình đã lựa chọn như thế.
Cuộc đời không bao giờ màu hồng và chẳng có con đường nào chỉ trải toàn hoa. Ngay cả với người lạc quan như chị, hẳn cũng có những nỗi buồn khó buông?
- Tôi luôn thấy đời vui, rất hiếm khi buồn. Nhiều khi chỉ 5 phút là quên mất mình đang buồn vì điều gì. Có những lúc, tôi ra ban công ngắm mưa, cố nặn ra một nỗi buồn lãng mạn nhưng không thể. Cũng có thể do tính mình lạc quan. Việc to nghĩ nó nhỏ, việc nhỏ mình biến nó thành tí hon. Cứ thế nên không biết buồn bao giờ.
Có nỗi buồn duy nhất là hay sợ ma. Mãi không sửa được tính đấy nên hơi buồn, còn lại, tôi yêu đời lắm. Tôi thích mang năng lượng tích cực đến với mọi người xung quanh. Tôi cũng vui khi thấy mọi người tươi cười, hạnh phúc.
Bạn nghĩ xem, sầu có giải quyết được vấn đề gì đâu. Thay vì nghĩ ngợi, mình cứ ngủ đi rồi mai tìm cách, nếu mai chưa giải quyết được thì chờ đến ngày kia. Kiểu gì cũng xong. Mọi chuyện đều sẽ vượt qua được. Tôi tin là như thế!
Nghệ sĩ Vân Dung: "Ngày nào còn được làm nghề, được cống hiến và được mang lại tiếng cười cho khán giả, ngày đấy tôi còn hạnh phúc" (Ảnh: Lương Duy Tiến).
Nói thế tức là, chưa từng có điều gì khiến chị rơi nước mắt?
- Tôi khóc chứ, nhưng cũng hiếm khi thôi. Tôi thường rơi lệ khi mình bất lực trước sức khỏe của người thân, con ốm hoặc bố mẹ bệnh là tôi xót xa lắm.
Còn với cuộc đời diễn viên, tôi chưa từng rơi nước mắt. Nghề này vui lắm. Mình được xả stress trên sân khấu, được khán giả nâng niu trân trọng thì sao phải buồn? Mình đi bán nụ cười, sao phải mua về nước mắt? Những gì tôi làm cho khán giả, thì khán giả trả lại tôi nụ cười, sự yêu quý và trân trọng. Họ nhắc đến tên tôi trìu mến, thân thương. Vậy tôi có cớ gì để mà buồn?
Kể cả khi nói về vất vả, tôi nghĩ, người nghệ sĩ đâu thể so sánh sự cực nhọc với công nhân hầm mỏ, công nhân môi trường hay người nông dân?
Mọi người còn chưa than thở thì mình cũng đâu có cớ gì mà bận lòng. Cứ nghĩ vậy, tôi lại thấy đời nhẹ nhàng. Ngày nào còn được làm nghề, được cống hiến và được mang lại tiếng cười cho khán giả, ngày đấy tôi còn hạnh phúc.
Nhân dịp năm mới, chị Vân Dung có muốn gửi lời chúc đến độc giả Dân trí và người hâm mộ?
- Tôi mong mọi người luôn khỏe mạnh, hạnh phúc và có thật nhiều tiền. Hi vọng mọi người luôn giữ được tinh thần tích cực, lạc quan trong cuộc sống.
Cảm ơn chị vì những chia sẻ!
Vân Dung tên đầy đủ là Lê Vân Dung (SN 11/10/1975 tại Hà Nội), trong một gia đình làm nghệ thuật, bố là đạo diễn, mẹ làm diễn viên. Sau đó gia đình chị chuyển lên Sơn La, rồi đến Thái Nguyên và năm Vân Dung lên lớp 2 chị cùng cả gia đình chuyển xuống Hà Nội sống.
Năm 1992, khi 17 tuổi, Vân Dung từng tham gia cuộc thi Hoa hậu Toàn quốc Báo Tiền Phong (tên cũ của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam) và lọt vào Top 15. Sau cột mốc đó, chị bén duyên với làng giải trí và trở thành diễn viên gắn bó với sự nghiệp diễn hài.
Vân Dung bắt đầu được đông đảo khán giả Việt Nam biết đến từ khi tham gia chương trình Đời cười của Nhà hát Tuổi trẻ, tiếp đó là Gặp nhau cuối năm (Táo quân), Gặp nhau cuối tuần và Gala cười của Đài Truyền hình Việt Nam.
Trên màn ảnh, Vân Dung cũng góp mặt và để lại ấn tượng trong nhiều dự án phim truyền hình như: Yêu thì ghét thôi, Những nhân viên gương mẫu, Những ngày không quên, Hướng Dương ngược nắng, 11 tháng 5 ngày, Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ…
Nội dung: Hương Hồ
Ảnh: VFC, Lương Duy Tiến, NVCC