Tại sao chúng ta không bao giờ nhận ra diễn viên đóng thế?

(Dân trí) - Diễn viên đóng thế xuất hiện rất nhiều trên màn ảnh. Trong nhiều bộ phim hành động, những cảnh gay cấn, hấp dẫn nhất là do diễn viên đóng thế đảm nhận, tuy vậy, người xem không bao giờ nhận ra sự xuất hiện của diễn viên đóng thế trong phim. Tại sao?

Các nhà nghiên cứu giờ đã phát hiện ra lý do tại sao, đó chính là bởi não của chúng ta đã “lừa” chúng ta. Việc người xem hiếm khi nhận ra đâu là diễn viên chính, đâu là diễn viên đóng thế, thực chất là một hiện tượng liên quan tới cơ chế sinh tồn của con người, giúp đơn giản hóa sự vật, sự việc xung quanh chúng ta, đồng thời đem lại cho chúng ta một cảm giác vững vàng.

Tại sao chúng ta không bao giờ nhận ra diễn viên đóng thế?

Nữ diễn viên Hayden Panettiere trong bộ phim truyền hình Mỹ “Giải cứu thế giới” và những diễn viên đóng thế vai cô.

Việc bộ não người xử lý thông tin hình ảnh theo cách hợp nhất những hình ảnh có mức tương đồng lớn khiến môi trường sống xung quanh chúng ta trở nên đơn giản hơn.

Việc hợp nhất một diễn viên chính với những diễn viên đóng thế mà không phát hiện ra sự khác biệt là một phần trong cơ chế sinh tồn của loài người, giúp chúng ta có những cảm nhận về sự vững chắc, tính tương đồng và tính liên tục.

Nếu con người quá nhạy cảm với từng thay đổi dù là nhỏ nhất trong những sự vật, hiện tượng diễn ra quanh mình, thế giới này sẽ trở thành thảm họa bởi lúc này nó sẽ quá hỗn loạn so với khả năng tư duy của con người.

Tại sao chúng ta không bao giờ nhận ra diễn viên đóng thế?

Nam diễn viên Adam Sandler (trái) và người đóng thế trên phim trường “Jack and Jill”. Lilly Collins (phải) đứng nhìn người đóng thế của mình trên phim trường “The Mortal Instruments”.

Đại diện nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học California (Mỹ) cho hay: “Nếu loài người không có khả năng nhận ra cùng một khuôn mặt trong những thời điểm khác nhau, nhận định của con người về thế giới xung quanh sẽ vô cùng phức tạp. Chẳng hạn một người thân quen sẽ bỗng nhiên trở thành xa lạ chỉ bởi họ có một chút thay đổi nhỏ trong diện mạo”.

Bộ não của chúng ta thường tự động kết nối nhận dạng để loại trừ những thay đổi nhỏ của một sự vật, thay vào đó, nó chú trọng những nét tương đồng. Điều này cho phép chúng ta nhận ra nhau sau quãng thời gian dài không gặp gỡ, bất kể có những biến động trong hình thức.

Nam diễn viên Taylor Lautner và diễn viên đóng thế trên phim trường “Tracers” (2015).

Nam diễn viên Taylor Lautner và diễn viên đóng thế trên phim trường “Tracers” (2015).

Giải thích này cũng phần nào lý giải tại sao chúng ta hiếm khi nhận ra những sơ xuất nhỏ trong phim, kiểu như Harry Potter vừa mặc áo phông cổ tròn, “nháy mắt” đã thành áo phông cổ xẻ… Cảm giác về tính liên tục đã khiến khả năng nhận biết của chúng ta bị tác động mạnh trong những trường hợp như thế này.

Có thể nói đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của con người trong đời sống xã hội. Nếu không có khả năng nhận dạng sự tương đồng cơ bản này, rất nhiều hoạt động xã hội sẽ bị đảo lộn.

Nam diễn viên Andrew Garfield vào vai Người Nhện và một người đóng thế trên phim trường.

Nam diễn viên Andrew Garfield vào vai Người Nhện và một người đóng thế trên phim trường.

Bích Ngọc
Theo Daily Mail