Tái hiện sinh động ở Hà Nội lễ cấp sắc người Dao Cẩm Thủy
(Dân trí) - Người Dao Cẩm Thủy (Thanh Hóa) còn bảo tồn nhiều phong tục tập quán truyền thống, đặc biệt là các nghi lễ chu kỳ đời người, trong đó có lễ cấp sắc.
Người Dao Cẩm Thủy (Thanh Hóa) còn bảo tồn nhiều phong tục tập quán truyền thống, đặc biệt là các nghi lễ chu kỳ đời người, trong đó có lễ cấp sắc. Đây là nghi lễ quan trọng, công nhận sự trưởng thành đối với người đàn ông.
Lễ cấp sắc để báo cáo với các thần linh, tổ tiên về việc đặt tên thứ hai (tên âm) cho người con trai trong dòng tộc được ghi vào gia phả. Khi qua đời, con cháu sẽ cúng giỗ theo tên âm. Trong ảnh là nghi lễ cấp sắc 7 đèn được tái hiện vào ngày 20/4 tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.
Trong ảnh, người thụ lễ mặc trang phục truyền thống ngồi trước ban thờ có bộ tranh tam thanh truyền thống.
Tham gia lễ cấp sắc gồm: Người được cấp sắc, các thầy cúng chính, người đọc thơ, nam và nữ thanh niên hát, họ hàng nội, ngoại người được cấp sắc, người giúp việc cho buổi lễ và người dân trong bản. Gia đình tự chọn thầy cúng. Trong ảnh là 2 thầy cúng tại nghi lễ cấp sắc
Lễ cấp sắc thường tổ chức cho con trai từ 10 tuổi trở lên và thực hiện vào thời gian nông nhàn. Để chuẩn bị lễ cấp sắc, gia đình phải nuôi lợn, tích lương thực, thực phẩm, vàng mã và các thứ khác để làm lễ và cỗ mời bà con, họ hàng... Trong ảnh là người con trai được lựa chọn trong lễ cấp sắc.
Lễ cấp sắc có nhiều cấp bậc khác nhau, từ thấp đến cao. Hiện các ngành Dao chỉ phổ biến cấp sắc 3 đèn. Cấp sắc 12 đèn (thập nhị tinh) chỉ duy trì cho các ông trưởng họ của các ngành Dao với nghi lễ phức tạp và mất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị.
Theo khảo sát điền dã, người Dao Đỏ gọi lễ quá tăng để chỉ nghi lễ cấp sắc 3 đèn (bậc thấp nhất) và 36 binh mã; lễ ngũ tinh được cấp 5 đèn và 36 binh mã; lễ thất tinh được cấp 7 đèn và 72 binh mã; lễ cửu tinh được cấp 9 đèn và 72 binh mã; lễ thập nhị tinh (bậc cao nhất) được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Tuy nhiên, cấp sắc 12 đèn của dân tộc Dao đến nay rất ít thực hiện, do đó, số lượng thầy cúng cao tay (người đã trải qua lễ cấp sắc 7 đèn, 12 đèn) không nhiều.
Sau khi thầy cúng xin âm dương tìm sự đồng ý của tổ tiên và thần linh cho tên mà gia đình chọn, tiếp theo là lễ lên đèn. Người thụ lễ được soi sáng bằng 3 ngọn đèn và 7 ngọn đèn. Người thụ lễ ngồi trên ghế cúng, lúc này 3 trẻ trai không chung bàn thờ tổ với người thụ lễ, cầm 3 ngọn đèn đứng vòng quanh phía sau.
Các thầy cùng người thụ lễ múa chuông, tay cầm tranh tam thánh nhỏ để mời gia tiên, các thần và đặc biệt là Thánh Sư về dự lễ. Họ múa và thể hiện các động tác tượng trưng cho: Mời đến, mời ngồi, mời uống nước, uống rượu. Đàn cúng mời gia tiên ở trong nhà có: Gà luộc, rượu, nước. Đàn cúng thánh sư có rượu và đậu phụ (ăn chay).
Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ được tổ chức liên tục với một loạt những loại lễ nghi quan trọng, bao gồm: Lễ đón thầy, Lễ dâng đèn, Lễ đưa các trò đi gặp Ngọc Hoàng, Lễ lên đàn cấp dấu, Đặt pháp danh (tên âm), Lễ đón hình mã trở về và thu quân, Lễ đi trên đá nóng, Lễ hóa vàng và Lễ cấp bằng.
Thầy cúng đọc bài cúng cấp 3 đèn xong, thì tiếp luôn cấp 7 đèn. 7 người con trai đứng vòng quanh phía sau người thụ lễ cầm 7 ngọn đèn. 7 thầy cùng nhảy múa vòng quanh người thụ lễ. Thầy cả vừa múa vừa làm phép, thầy hai đọc các đạo sắc, những điều thề nguyện và điều răn dạy.
2 thầy cúng và người thụ lễ (đứng giữa) sau khi hoàn thành nghi thức cấp sắc.
Trước đây, lễ cấp sắc thường chỉ làm cho một người nhưng nay để tiết kiệm chi phí, người dân có thể tổ chức cho 3 người một lần (phải là số lẻ), có thể ở cùng bản hoặc khác bản trong một xã. Gia đình của người làm lễ cấp sắc dựng và trang trí nhà ma ở ngoài sân của nhà người làm lễ.
Người đàn ông chưa qua lễ cấp sắc thì dù già thì vẫn bị dân làng coi là trẻ con. Người đã qua lễ cấp sắc thì dù trẻ vẫn được coi là người lớn tuổi, được ngồi với các già làng để bàn bạc những công việc hệ trọng của làng.