1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Phim “Tấm Cám...” không thể ra rạp CGV: Do bất đồng tỷ lệ ăn chia?

(Dân trí) - Việc bộ phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” do công ty VAA của Ngô Thanh Vân sản xuất không thể phát hành được ở các cụm rạp của CGV trên toàn quốc đang làm xôn xao dư luận. Mặc dù, cả Ngô Thanh Vân và đơn vị phát hành bộ phim này là BHD đều khẳng định họ đã cố gắng nhân nhượng “ông lớn” CGV trong tỉ lệ ăn chia nhưng cuối cùng đành bất lực nhìn “đứa con tinh thần” của mình bị “ghẻ lạnh”. Và đó cũng là nguyên nhân khiến cư dân mạng phản ứng mạnh CGV vì sự đối xử này.

Đẩy nhà sản xuất phim Việt đến bờ vực?

Trong thông cáo gửi đến các cơ quan truyền thông vào 17/8, CGV có chia sẻ rằng, họ đã nhiều lần trao đổi với BHD để đề nghị đơn vị này xem xét điều chỉnh một tỷ lệ phù hợp cho việc phát hành phim “Tấm Cám”. Tuy nhiên, đến ngày 17/8, phía BHD đã chính thức từ chối cung cấp phim này cho hệ thống CGV.

Chia sẻ về điều này, bà Ngô Thị Bích Hạnh - Giám đốc BHD cho rằng, lí do khiến phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” không thể đạt được thoả thuận chiếu tại các cụm rạp của CGV là do “ông lớn” này đưa ra một tỉ lệ ăn chia “trên trời”, chưa hề tồn tại trong lịch sử thị trường phát hành phim của Việt Nam và thế giới.

Ngô Thanh Vân khóc như mưa khi chia sẻ chuyện đứa con đầu tay của mình không thể phát hành được ở các cụm rạp của CGV.
Ngô Thanh Vân khóc như mưa khi chia sẻ chuyện "đứa con đầu tay" của mình không thể phát hành được ở các cụm rạp của CGV.

“Là nhà sản xuất và phát hành phim một bộ phim có kinh phí lớn như “Tám Cám - Chuyện chưa kể” ở Việt Nam, chúng tôi đều rất lo lắng và thực sự mong muốn được phát hành bộ phim đến với đông đảo khán giả nhất, thu được thêm đồng nào cũng vô cùng quí… nhất là CGV lại có hơn 30 cụm rạp tại Việt Nam. Nhưng hiện tại mức CGV đưa ra, bình quân trong 4 tuần chiếu cho nhà sản xuất và đầu tư phim “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” thấp hơn nhiều so với mức chủ rạp được hưởng, trong khi nếu phim tốt chủ rạp có thể xếp nhiều xuất chiếu, nếu không tốt sau vài ngày họ sẽ giảm xuất chiếu và sau 1 hoặc hoặc 2 tuần bỏ phim ra khỏi rạp luôn… điều này khiến nhà sản xuất chịu rủi ro cao.

Đầu tư nhiều cả về tiền bạc lẫn thời gian dài (bộ phim này chúng tôi làm trong 18 tháng) mà tỷ lệ ăn chia thấp hơn chủ rạp rất nhiều là điều vô cùng bất hợp lý, không xẩy ra ở các nước khác. Nhà sản xuất chỉ thu được doanh thu phim, chủ rạp còn có thêm doanh thu bỏng ngô, nước uống… Hiện tại tỷ lệ chúng tôi mong muốn trong 4 tuần vẫn thấp hơn chủ rạp nhưng ở mức độ chấp nhận được và bằng đúng tỷ lệ CGV làm việc với chúng tôi cho các bộ phim Việt Nam kinh phí bằng hoặc thậm chí thấp hơn “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” nhiều mà CGV phát hành tại rạp BHD”, bà Hạnh nói.

Theo bà Bích Hạnh, trong cuộc họp của Hiệp hội Phát hành phim Việt Nam khi mới thành lập do bà làm Phó chủ tịch, Hiệp hội cũng dành rất nhiều thời gian bàn về vấn đề này.

“Nếu nói số lượng rạp chiếu nhiều và phòng chiếu nhiều mà yêu cầu một mức ăn chia cao hơn tất cả các cụm rạp khác, lấy quá nhiều phần doanh thu để các nhà sản xuất còn phần thu quá nhỏ không đủ tái đầu tư thì tôi thực sự mong CGV nên cân nhắc lại quyết định của mình. Nếu đơn vị nào có nhiều cụm rạp , chiếu được nhiều suất chiếu thì sẽ đạt doanh thu cao. Đơn vị nào ít phòng chiếu có doanh thu thấp sòng phẳng vậy thôi.

Một bộ phim Việt phát hành ra rạp có tuổi thọ dài cũng chỉ 4 tuần, còn bình quân 2 tuần là đã tính đến chuyện tổng kết doanh thu. Mà đa phần phim Việt đều phụ thuộc chủ yếu vào thị trường trong nước, một số đơn vị có thể phát hành được ở nước ngoài nhưng con số doanh thu nước ngoài vẫn rất thấp vì thị trường phim Việt Nam mới đang bước đầu phát triển. Bây giờ, CGV đưa ra tỉ lệ ăn chia như thế thì làm sao nhà đầu tư thu hồi được vốn để tái sản xuất. Thực tế này sẽ đẩy nhà sản xuất phim Việt đến bờ vực trong nay mai”, bà Hạnh nói.

Theo bà Bích Hạnh, thực ra, trước đây không hề có hiện tượng này. Chỉ cách đây hơn 1 năm, CGV mới bắt đầu đưa ra các tỷ lệ mới như thế này. Còn các nhà phát hành khác cả trong và ngoài nước như: BHD, Galaxy, Sóng Vàng, Lotte (Hàn Quốc), MPV - Platinium (Indonesia) … đều rất thống nhất với nhau về một mức ăn chia. Và sự cạnh tranh với nhau hoàn toàn trên cở sòng phẳng và lành mạnh, chỉ mỗi CGV là yêu cầu một mình một mức ăn chia như thế”, bà Bích Hạnh nhấn mạnh.

Giám đốc BHD nhận định rằng, nếu thực tế này cứ tiếp tục thì thị trường phát hành phim có khả năng sẽ mất cân bằng, các nhà sản xuất phim Việt Nam sẽ rất khó để tồn tại hoặc có thể họ sẽ phải chuyển hướng sang đầu tư sản xuất những bộ phim rẻ tiền hơn, ít tốn kém hơn để dễ thu hồi vốn. Và như vậy tương lai điện ảnh Việt chắc sẽ rất buồn...

Nhà sản xuất phim Việt sẽ đứng bên bờ vực nếu cứ tiếp tục bị chèn ép?
Nhà sản xuất phim Việt sẽ đứng bên bờ vực nếu cứ tiếp tục bị "chèn ép"?

Thực tế thì đây không phải là lần đầu tiên BHD bức xúc với cách cạnh tranh không mấy lành mạnh của CGV. Vào trung tuần tháng 5 vừa qua, đơn vị này cùng với 7 đơn vị phát hành phim: Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và công ty VAA đã cùng gửi đơn khiếu nại lên Cục Điện ảnh, Bộ Công thương và Bộ VHTTDL để phản ảnh về việc CGV áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình. Theo đó, phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%), trong khi phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỷ lệ vẫn là 45/55.

Tỷ lệ ăn chia chỉ dừng ở mức 50 - 50?

Trước những vấn đề bà Bích Hạnh chia sẻ, PV Dân Trí có liên hệ CGV để phỏng vấn, nhằm có được những thông tin khách quan và đa chiều. Tuy nhiên, sau khi yêu cầu phóng viên gửi câu hỏi phỏng vấn qua mail và nhiều lần hứa hẹn sẽ trả lời nhưng cuối cùng CGV đã không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của PV Dân Trí đưa ra. Vào cuối giờ chiều 18/8, CGV mới soạn một thông cáo báo chí gửi đồng loạt cho các báo để phân trần về những điều dư luận đang quan tâm.

Trong thông cáo này, CGV phân trần rằng, việc BHD nói “CGV chính thức xác nhận không đồng ý tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé do BHD đưa ra 50%- 50%” là hoàn toàn không chính xác. CGV cho rằng, tất cả các con số đưa ra về tỉ lệ này là 70%-30%, 65%-35%... hoàn toàn sai lệch và không có căn cứ.

“Tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé được đánh giá dựa trên tiêu chí chất lượng của đội ngũ sản xuất, diễn viên và đội ngũ phát hành phim. Chúng tôi bảo đảm tỷ lệ phân chia phòng vé áp dụng cho bộ phim này cũng là tỷ lệ chúng tôi đã và đang làm việc với các đơn vị phát hành khác. Do các điều khoản bảo mật ràng buộc trong hợp đồng nguyên tắc ký kết giữa các bên, chúng tôi không được phép cung cấp số liệu cụ thể”, đơn vị này nhấn mạnh.

Đơn khiếu nại của 8 đơn vị phát hành phim Việt gửi các cơ quan chức năng về việc CGV áp đặt tỉ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình. Ảnh: TL.
Đơn khiếu nại của 8 đơn vị phát hành phim Việt gửi các cơ quan chức năng về việc CGV áp đặt tỉ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình. Ảnh: TL.

Riêng với bộ phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể”, dựa trên thỏa thuận về tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé, CGV khẳng định sẽ hỗ trợ chiếu trên hệ thống 35 cụm rạp của CGV trên toàn quốc với số lượng màn hình tối đa vào các giờ vàng?! CGV cũng có thể hỗ trợ cho bộ phim này với khoảng 10.000 suất và đạt doanh thu khoảng 30 tỷ (nếu số lượng người mua vé chiếm khoảng 25% trên tổng số ghế ngồi của toàn bộ hệ thống cụm rạp). Tuy nhiên, “ông lớn” này cũng không quên nhắc chuyện BHD từng không hỗ trợ họ phát hành các bộ phim: Truy sát, Ma dai, Gà gân...

“Theo số liệu thống kê trong năm 2015, một số phim Việt Nam do chính công ty CGV phát hành tại Việt Nam như: Truy sát, Ma dai, Già gân…cụm rạp BHD chỉ hỗ trợ cho các bộ phim Việt này trung bình từ 400 – 900 suất chiếu với tổng số ngày chiếu chỉ khoảng 30 ngày. Bên cạnh đó cần nhắc đến bộ phim “Ám Ảnh” của chúng tôi vào dịp tết 2016 thì BHD cũng đã từ chối hỗ trợ chiếu phim này. Với bộ phim “Găng tay đỏ” sắp phát hành vẫn chưa nhận được thông báo sẽ hỗ trợ từ đơn vị này mặc dù chỉ còn 2 tuần nữa đã công chiếu toàn quốc”, CGV viết trong thông cáo.

Thông cáo của CGV cũng cho biết, đơn vị này đang kiện toàn hồ sơ để khởi kiện các đơn vị đã cùng ký vào đơn khiếu nại hồi tháng tháng 5 về hành vi gièm pha doanh nghiệp khác theo luật cạnh tranh. Bên cạnh đó, CGV cũng đề cập đến việc một số phương tiện truyền thông, Facebooker và Blogger cho rằng, CGV chèn ép phim Việt, từ chối phát hành phim Việt hay ưu tiên truyền bá văn hóa Hàn… gây ảnh hưởng và thiệt hại về tài chính đối với CGV.

Mặc dù trong thông cáo báo chí gửi đi vào ngày 18/8, CGV đã cố phân trần cặn kẽ từng vấn đề liên quan đến chuyện phát hành bộ phim “Tấm cám - Chuyện chưa kể” và chuyện canh tranh giữa các doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, một số vấn đề mà PV Dân Trí đã gửi câu hỏi muốn CGV trả lời như: “Việc CGV đưa ra tỷ lệ ăn chia mà theo BHD là chưa từng có trong lịch sử thị trường phát hành phim thế giới đối với bộ phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” được nhiều người cho là một cách CGV “trả đũa” BHD lẫn công ty VAA vì những việc liên quan đến vụ khiếu nại hồi tháng 5?”, “Quá trình thương lượng việc phát hành “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” giữa đơn vị sản xuất phim, BHD và CGV đã diễn ra như thế nào?”... thì CGV lại chưa thấy đề cập đến.

Một đại diện của Cục Điện ảnh cho biết, Cục Điện ảnh chưa có ý kiến gì về việc này vì vẫn muốn để cho BHD và CGV tự thương lượng. Bản thân một trong hai nhà phát hành này cũng đề nghị được để họ tự làm việc với nhau.

Hà Tùng Long