DMagazine

Nụ cười và nước mắt trong những bộ phim làm về bi kịch "bị trao nhầm con"

(Dân trí) - Bị trao nhầm con tại bệnh viện là điều thực sự đã xảy ra với một số gia đình. Xung quanh sự nhầm lẫn bàng hoàng này, đã có những bộ phim khai thác nước mắt và nụ cười của người trong cuộc.

Nụ cười và nước mắt trong những bộ phim làm về bi kịch "bị trao nhầm con"

Bị trao nhầm con tại bệnh viện là điều thực sự đã xảy ra với một số gia đình. Xung quanh sự nhầm lẫn bàng hoàng này, đã có những bộ phim khai thác nước mắt và nụ cười của người trong cuộc.

Sự đánh tráo cay đắng nhất của cuộc đời, chính là sự đánh tráo lúc sinh ra, bởi nhầm lẫn lớn nhất, chính là nhầm lẫn về thân phận, để rồi đảo lộn cả số phận. Đó là lời bình của tờ New York Times (Mỹ).

Đã có nhiều bộ phim của phương Đông - phương Tây làm về đề tài này. Báo chí của cả phương Đông - phương Tây cũng luôn quan tâm đề cập mỗi khi có những câu chuyện như vậy được biết tới trong thực tế.

Phim ảnh phương Đông có "Trái tim mùa thu", "Cha nào con nấy"; phương Tây có "Switched at Birth", "Separated at Birth", "Cradle Swapping", "Midnight's Children"... Đây đều là những phim khai thác chuyện những đứa trẻ bị trao nhầm từ lúc mới lọt lòng.

Có những bộ phim rất nhân văn, đã chạm tới trái tim người xem xung quanh cách ứng xử của những bậc phụ huynh có con bị trao nhầm.

Khi sự việc được phát hiện ra, cách ứng xử của người lớn quyết định rất nhiều tới tính chất sự việc, đó sẽ là một cú sốc chấn động đầy đau đớn, hay một "trò đùa của số phận" giờ đây được sắp xếp lại theo cách ổn thỏa, êm đềm, tất cả phụ thuộc vào cách nhìn nhận và ứng xử của người lớn.

Hãy cùng điểm lại những bộ phim đáng nhớ xoay quanh chuyện trao nhầm con:

Phim điện ảnh Nhật Bản "Like Father, Like Son" (Cha nào con nấy - 2012)

Bộ phim từng được đề cử tranh giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes (Pháp) và giành về giải của ban giám khảo. Phim gây tiếng vang tại nhiều liên hoan điện ảnh quốc tế. "Cha nào, con nấy" xoay quanh hai cậu bé 6 tuổi phải đứng trước quyết định của hai bên cha mẹ, sau khi bệnh viện chủ động liên hệ về việc trước đây, họ đã sơ suất trao nhầm con cho hai gia đình.

Một bên là cặp vợ chồng giàu có - Ryota và Midori; một bên là cặp vợ chồng nghèo khó - Yukari và Yudai.

Nụ cười và nước mắt trong những bộ phim làm về bi kịch bị trao nhầm con - 1

"Cha nào, con nấy" xoay quanh hai cậu bé 6 tuổi phải đứng trước quyết định của hai bên cha mẹ, sau khi bệnh viện chủ động liên hệ về việc trước đây, họ đã sơ suất trao nhầm con cho hai gia đình.

Qua bàn tay biên kịch và dàn dựng của đạo diễn Hirokazu Kore-eda, biến cố của hai gia đình đã hiện lên đầy khắc khoải, nhưng cũng rất nhân văn. Điều thú vị là câu chuyện được kể từ góc nhìn của cặp vợ chồng giàu có - một góc nhìn tưởng như sẽ ít nhận được sự cảm thông hơn từ người xem Á Đông.

Đối với đạo diễn Kore-eda, cặp vợ chồng này mới thật đáng thương, bởi người chồng - anh Ryota - "nghiện công việc", anh đưa lại cho vợ con cuộc sống đầy đủ, nhưng bản thân anh không thể ở bên chia sẻ với vợ con, để rồi khi biến cố xảy ra, anh mới hiểu mình đã bỏ lỡ những gì.

Anh đã bỏ lỡ tuổi thơ của cậu con trai không cùng máu huyết, để khi cậu bé xa mình, cả một khoảng trời xa cách hình thành. Ryota yêu cả hai cậu con trai, nhưng cậu bé Keita sau khi được trả về cho gia đình ruột thịt đã lảng tránh Ryota mỗi khi anh đến thăm cậu bé.

Keita từng lặng lẽ tận hưởng những khoảnh khắc bên cha mỗi khi cha chìm vào giấc ngủ. Để lưu lại được khoảnh khắc ấy, Keita lấy máy ảnh chụp cha lúc ngủ. Sau này, khi Ryota vô tình mở file ảnh ra xem, người đàn ông vỡ òa nức nở nhận ra những gì mình từng dành cho Keita là quá ít ỏi, ngoài cuộc sống dư dả, chỉ có những giấc ngủ vùi mệt mỏi.

Nụ cười và nước mắt trong những bộ phim làm về bi kịch bị trao nhầm con - 2
Nụ cười và nước mắt trong những bộ phim làm về bi kịch bị trao nhầm con - 3

Trong giới làm phim Nhật Bản, đạo diễn Kore-eda được biết tới là người chuyên kể chuyện gia đình qua lăng kính điện ảnh. Những câu chuyện đời thường được ông kể một cách nhẩn nha, tỉ tê, và rất thấm.

Đời sống tinh thần của hai gia đình trong "Cha nào, con nấy" tựa như hai con thuyền bất ngờ bị lật úp, rất nhiều xúc cảm bị đè nén. Đạo diễn Kore-eda không bao giờ kể chuyện phim qua lời thoại, tất cả được ông kể ra qua những khuôn hình không lời.

Hai cậu bé lớn lên trong hai bối cảnh đối lập có những tính cách khác biệt. Keita từng sống với cha mẹ giàu có, đi học ở trường tư cao cấp, cậu nhận được sự giáo dục khắt khe, tỉ mỉ và thường tỏ ra là cậu bé chừng mực, lễ độ, điềm tĩnh dù mới ở tuổi lên 6.

Ngược lại, Ryusei lớn lên trong sự tự do, phóng khoáng bên cha mẹ nghèo khó, là một cậu bé bộc trực, bướng bỉnh, hồn nhiên; khác với Keita, cậu nhận được rất nhiều tình yêu thương, sự quan tâm từ gia đình đã nuôi lớn cậu trong những năm tháng đầu đời.

Cuộc đoàn tụ của hai gia đình diễn ra một cách văn minh. Khi hai bên cha mẹ gặp nhau, họ đã cho nhau xem những bức ảnh của hai đứa trẻ. Người lớn sau nhiều lần gặp gỡ đã quyết định rằng, đầu tiên, sẽ chỉ đưa người con đẻ về ở nhà mình vào thứ 7 hàng tuần, để hai bên gia đình cùng dần làm quen. Sau nhiều tuần như thế, họ quyết định nhận hẳn con về nuôi.

Nụ cười và nước mắt trong những bộ phim làm về bi kịch bị trao nhầm con - 4

Cả hai gia đình đều thương nhớ người con không cùng máu mủ.

Cả hai gia đình đều thương nhớ người con không cùng máu mủ. Đối với hai cậu bé, thiếu vắng đi "cha mẹ" từng gắn bó 6 năm đầu đời, khiến hai cậu bé cùng khủng hoảng tâm lý. Mọi chuyện không dễ dàng, nhưng bằng thời gian và sự kiên nhẫn, mọi sự cũng dần ổn thỏa.

Hai bên gia đình vẫn duy trì quan hệ thân tình, đặc biệt sự chủ động đến từ phía gia đình giàu có, họ chủ động đưa con đến thăm cặp vợ chồng nghèo khó.

Nếu trước đây, Ryota quá bận rộn công việc và đã từng lãng quên tuổi thơ của Keita, thì giờ đây, anh gắn bó với Ryusei, và thậm chí còn thương Keita hơn trước, anh quyết định hâm nóng tình cảm từng một thời xa cách với Keita, dù giờ đây, Keita không còn là con ruột của anh nữa. Kết phim là cảnh hai gia đình cùng bước vào căn nhà nhỏ chật chội nhưng ấm áp của cặp vợ chồng nghèo khó.

Đứng trước biến cố lớn, hai bên gia đình đã cùng nhau cố gắng tìm ra một tương lai chung. Cách kể chuyện chậm rãi của đạo diễn Kore-eda đã khiến người xem trở nên bình tâm, "nghiền ngẫm" chuyện phim.

Người xem ban đầu rất có thể đặt nặng sự khác biệt của hai gia đình, nhưng các nhân vật trong phim đã đưa đến một bài học về tình yêu thương: Dù rất khác biệt, nhưng gác lại tất cả, những người lớn và trẻ nhỏ trong phim sau cùng vẫn ở bên cạnh nhau ấm áp, chân thành, bởi họ thực sự là những con người giàu tình yêu thương.

Trailer phim "Like Father, Like Son" (Cha nào con nấy - 2012)

Phim truyền hình Ý - "Sorelle Per Sempre" (Mãi mãi là chị em - 2021)

Bộ phim được thực hiện dựa trên câu chuyện có thật từng xảy ra ở Sicily, Ý. Phim sẽ lên sóng màn ảnh nhỏ tại Ý trong tháng 9 này. Hai bé gái từng bị trao nhầm tại một bệnh viện ở Sicily, Ý, đến nay đã ở tuổi 23.

Hai cô gái có tên Caterina Alagna và Melissa Fodera ra đời chỉ cách nhau 15 phút tại một bệnh viện ở Mazara del Vallo, Sicily, Ý, vào đêm ngày 31/12/1998. Khi ấy, các nữ y tá khoa sản đang phấn khích với những hoạt động chào đón năm mới diễn ra tại khoa và đã có sự nhầm lẫn xảy ra. Sau 3 năm, một trong hai người mẹ - chị Marinella Alagna tình cờ gặp cô bé Caterina ở trường mẫu giáo...

Nụ cười và nước mắt trong những bộ phim làm về bi kịch bị trao nhầm con - 5

Hai bé gái bị trao nhầm tại bệnh viện khi vừa chào đời. 3 năm sau, bằng linh tính người mẹ, sự việc được phát hiện. Câu chuyện có thật đã được viết thành sách và chuyển thể lên phim.

Khi ấy, hai bé Caterina và Melissa đã lên 3 tuổi, bằng linh tính của một người mẹ, chị Marinella Alagna (hiện 51 tuổi) lờ mờ nhận ra điều bất thường bởi trông cô bé Caterina rất giống với hai cô con gái lớn của chị khi còn nhỏ.

Sau quá trình đối thoại thẳng thắn với gia đình của cô bé Caterina, hai gia đình đi đến thống nhất về việc sẽ tiến hành xét nghiệm DNA, kết quả nhận được đã khiến cả hai người mẹ bàng hoàng, bởi điều nghi ngờ của chị Marinella hóa ra là đúng.

Chị Marinella Alagna nhớ lại: "Khi tôi gặp mẹ của Caterina khi ấy - chị Gisella Fodera (hiện 47 tuổi), tôi nhận ra chị ấy ngay, bởi đó chính là người phụ nữ đã cùng sinh con với tôi ở một thời điểm tại bệnh viện, tôi đã ngay lập tức chia sẻ những nghi ngờ. 15 ngày sau, chúng tôi quyết định thực hiện xét nghiệm DNA và khi nhận được kết quả, đầu óc tôi trở nên trống rỗng".

Ban đầu, cả hai người mẹ đều cảm thấy rất khó khăn với quyết định nhận lại con ruột, bởi họ đã rất gắn bó với đứa trẻ mà họ đã chăm sóc trong 3 năm qua. Nhưng khi dần bình tĩnh lại, cả hai người mẹ đã đi đến thống nhất rằng cả hai bên, bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ, đều cần có thời gian để thích nghi.

Cả hai gia đình cùng chuyển vào sống trong một căn nhà, để hai bên cha mẹ và hai đứa trẻ dần làm quen với nhau mà không cần phải chịu đựng những cú sốc không cần thiết. Để hai cô bé không trải qua chấn động và để hai người mẹ không tan nát cõi lòng trong lúc nhận lại con ruột, hai người mẹ đã gặp gỡ bác sĩ tâm lý để được tư vấn.

Nụ cười và nước mắt trong những bộ phim làm về bi kịch bị trao nhầm con - 6
Nụ cười và nước mắt trong những bộ phim làm về bi kịch bị trao nhầm con - 7

Từng bước đi của hai gia đình trong việc nhận lại con đều có sự tư vấn của chuyên gia tâm lý. Sau đó, đến một thời điểm, chuyên gia đề nghị hai gia đình trở lại cuộc sống bình thường, và cần có ít nhất 6 tháng không liên hệ lại với bé gái mà họ từng nuôi trong suốt 3 năm đầu đời. Điều này nhằm mục đích giúp hai bé gái thực sự "lãng quên" gia đình cũ và thích ứng với gia đình mới.

Chị Marinella Alagna cho hay: "Chúng tôi - hai người mẹ - ngày ngày gọi điện thoại cho nhau và khóc trong điện thoại. Khi 3 tháng trôi qua, chúng tôi quyết định rằng mình không thể chịu đựng nổi thêm nữa, chúng tôi sẽ vẫn gặp mặt và sẽ không bao giờ bước ra khỏi cuộc sống của nhau, sẽ mãi duy trì liên hệ. Sau đó, tôi vẫn gặp lại bé Melissa mỗi ngày, tại sao không chứ? Tôi đã nuôi nấng bé bằng dòng sữa của mình, tôi đã dạy bé nói những từ đầu tiên".

Sau này, hai bé gái nhận được sự quan tâm, yêu thương của hai người mẹ, hai gia đình, họ lớn lên như hai chị em ruột. Kể từ đó về sau, mối quan hệ thân tình giữa hai gia đình được gây dựng, hai người mẹ trở thành hai người bạn thân, hai bé gái dù không có quan hệ huyết thống nhưng thân thiết như hai chị em gái.

Hai gia đình cũng quyết định sẽ chỉ thay đổi tên họ của con sau khi nhận lại con, còn tên gọi vốn được đặt từ lúc mới ra đời vẫn được giữ nguyên. Qua thời gian, Caterina và Melissa đều đã thực sự gắn bó với gia đình ruột thịt của mình, nhưng họ cũng coi gia đình đã từng nuôi nấng mình trong 3 năm đầu đời như gia đình thứ 2.

Câu chuyện có thật này đã được tác giả Mauro Caporiccio kể lại trong cuốn "Sisters Forever" (Mãi mãi là chị em). Cuốn sách sau đó đã được chuyển thể thành phim và sắp chiếu trên truyền hình Ý trong tháng 9 này.

Trailer phim "Sorelle Per Sempre" (Mãi mãi là chị em - 2021)

Phim truyền hình Hàn Quốc - "Trái tim mùa thu" (2000)

"Trái tim mùa thu" được xem như bộ phim truyền hình có công khởi xướng "làn sóng Hàn". Phim đã từng lấy nước mắt của người xem truyền hình tại Châu Á, mở ra một thời kỳ thịnh hành của phim truyền hình Hàn Quốc.

Chuyện phim cũng bắt đầu từ việc hai cô bé Eun-suh và Shin-ae bị trao nhầm vì một sơ suất xảy ra trong bệnh viện. Nhưng trái với hai câu chuyện nhân văn ấm áp ở trên, "Trái tim mùa thu" là câu chuyện buồn của định mệnh.

Nụ cười và nước mắt trong những bộ phim làm về bi kịch bị trao nhầm con - 8

Cô bé Eun-suh lớn lên trong tuổi thơ hạnh phúc, giàu có, và sau đó đổi thay số phận.

Trong đó, vai chính đặt vào cô bé Eun-suh lớn lên trong tuổi thơ hạnh phúc, giàu có, và sau đó đổi thay số phận, trở về sống với người mẹ ruột đơn thân nghèo nàn và người anh trai bất hảo.

Bên cạnh câu chuyện tình cay đắng của Eun-suh và "người anh trai một thuở" - Joon-suh, người xem còn được thấy cuộc sống về sau của hai cô gái từng bị hoán đổi số phận lúc mới sinh.

Những phân cảnh từ thuở ấu thơ của hai cô gái đã từng làm nhói lòng người xem. Một Shin-ae mạnh mẽ khát khao vươn lên đã nhanh chóng tìm đến với gia đình mới có điều kiện tốt hơn, nhưng thẳm sâu, Shin-ae vẫn luôn cảm thấy thiếu thốn tình thương; một Eun-suh hiếu thuận đã từ chối việc tiếp tục sống với gia đình cha mẹ giàu có, để quay về bên người mẹ nghèo khó.

Thẳm sâu trong mỗi cô bé vĩnh viễn là nỗi buồn bắt nguồn từ một biến cố tuổi thơ. Shin-ae có điều kiện sống tốt hơn nhưng luôn cảm thấy cái bóng của Eun-suh tồn tại trong cuộc sống của mình, tất cả các thành viên trong gia đình ruột thịt của cô đều thương nhớ Eun-suh - cô bé vui vẻ, nhu mì đã không còn là người thân của họ nữa.

Nụ cười và nước mắt trong những bộ phim làm về bi kịch bị trao nhầm con - 9

Eun-suh, nữ nhân vật chính, cô đã đương đầu tốt nhất có thể với những gì định mệnh dành cho mình.

Shin-ae cũng nhớ người mẹ nghèo, nhưng cô sợ hãi, không một lần quay lại, cho tới mãi về sau, khi đã trưởng thành, cuộc đoàn tụ đầy nước mắt buồn bã của hai mẹ con mới khiến người xem hiểu rằng, trong trái tim Shin-ae - nhân vật mang hơi hướng phản diện, vẫn luôn có chỗ của người mẹ nghèo đã nuôi cô khôn lớn.

Về phần Eun-suh, nữ nhân vật chính, cô đã đương đầu tốt nhất có thể với những gì định mệnh dành cho mình. Cô lựa chọn ở bên người mẹ nghèo, đỡ đần mẹ trong cuộc sống khó khăn.

Cuộc sống của cô kể từ khi về với mẹ ruột hầu như không có gì xán lạn hay hạnh phúc, nhưng Eun-suh và mẹ đã hình thành sợi dây tình cảm gắn bó. Đến khi vòng quay số phận để cô gặp lại gia đình từng một thuở nuôi dưỡng mình, những nỗi khắc khoải, buồn đau sống dậy cùng lúc với tình yêu bị ngăn cấm, để rồi tất cả kết thúc trong bi kịch của số phận.

Nhạc phim "Trái tim mùa thu" (2000)