Việt Nam thân thương:

Nỗi niềm lã chã hoa gạo Tháng Ba

(Dân trí) - Thuở nhỏ, ai cũng bị dọa “thần cây đa, ma cây gạo” nhưng rồi tuổi thơ hồn nhiên, đâu lại vào đấy, vẫn ngày ngày quấn quýt bên cây gạo. Để rồi khi lớn lên, bươn bả nơi xứ người, trong những nỗi nhớ hướng về đất mẹ, không thể thiếu nỗi nhớ hoa gạo.

Nỗi niềm lã chã hoa gạo Tháng Ba



Tháng Ba (âm lịch), khi những vạt nắng đã trở nên vàng ươm, sóng sánh rót xuống vạn vật, cũng là lúc ở mỗi làng quê, những bông hoa gạo bắt đầu nở đỏ. Hoa như đang thắp lửa, đỏ rực một vùng trời. Cây gạo từ lâu trở thành linh hồn của mỗi làng quê.

Thuở nhỏ, ai không một lần bị dọa dẫm “thần cây đa, ma cây gạo” nhưng rồi tuổi thơ hồn nhiên vô tư, đâu lại vào đấy, vẫn ngày ngày quấn quýt bên cây gạo. Để rồi khi lớn lên, bươn bả nơi xứ người, trong những nỗi nhớ hướng về đất mẹ, không thể thiếu nỗi nhớ hoa gạo.

Hoa gạo khiến lòng người đi xa nôn nao, nhung nhớ. Cũng từ lâu, hoa gạo trở thành một đề tài riêng bất tận trong thơ và nhạc, để mỗi lần được đọc một bài thơ hay nghe một bản nhạc, lòng lại đầy khắc khoải, dâng lên một nỗi ngậm ngùi khôn nguôi.

Gương mặt thơ để lại cho người đọc nhiều ám ảnh về hoa gạo tháng Ba có lẽ phải nhắc tới Bình Nguyên Trang. Bình Nguyên Trang nổi danh từ những năm 90, là một cây bút viết cho Hoa Học Trò được bạn đọc cả nước mến mộ.

Nỗi niềm lã chã hoa gạo Tháng Ba



Nhất là những vần thơ về tháng Ba, về hoa gạo của chị làm dấy lên trong lòng độc giả, khi đó vẫn đang là học trò, những rung động sâu xa. Hầu như bài thơ nào của chị hồi đó, cũng được học trò chuyền tay nhau chép vào sổ. Không rung động sao được, khi những vần thơ viết về hoa gạo giống như những lời tự tình:

“Năm ấy mẹ sinh em, mùa đói.
Tháng Ba nhọc nhằn và hoa gạo rụng hố vôi”.
(Nỗi niềm tháng Ba)

Rồi Bình Nguyên Trang chiêm nghiệm:
“Đành rằng tháng Ba vẫn thắp màu hoa cũ.
Nhưng có những điều phải sống khác ngày xưa”.

Bình Nguyên Trang còn rất nhiều bài thơ viết về tháng Ba, trong đó hoa gạo hiện lên như một loài hoa bạc mệnh. Ở đó dựng nên một câu chuyện về tháng Ba với một tâm hồn thi sĩ đa cảm mà tinh tế.

“Có thể đó là một câu chuyện dài.
Ám ảnh tôi mưa bụi và hoa gạo.
Và bến đò ngàn năm không phai màu áo.
Nên dáng nằm cũng cổ kính rêu phong”.
(Mỗi tháng Ba về)

Nỗi niềm lã chã hoa gạo Tháng Ba



Hình ảnh “hoa gạo rụng hố vôi” xuất hiện hơn một lần trong các bài thơ của Bình Nguyên Trang vừa gần gũi nhưng cũng đầy day dứt, thương cảm.
Cũng đầy ám ảnh như hình ảnh hoa gạo trong thơ Bình Nguyên Trang, Đoàn Thị Tảo gợi nên một cảnh huống gần gũi, chân thật hơn:

“Thế là chị ơi.
Rụng bông gạo đỏ.
Ô hay, trời không nín gió.
Cho ngày chị sinh”.
(Cho một ngày sinh)

Hình ảnh “rụng bông gạo đỏ” như đang nói về một dự cảm không không mấy yên ả. Lại nhớ đến hình ảnh “hoa gạo rụng hố vôi” của Bình Nguyên Trang. Để rồi, phát hiện ra, người phụ nữ luôn là những người đa đoan, là những người hay lo cả nghĩ.

Bài thơ này của Đoàn Thị Tảo sau này được nhạc sĩ Trọng Đài phổ thành bài hát “Chị tôi”, được rất nhiều người yêu mến. Bài hát có giai điệu da diết, mỗi ca từ giống như đang xoáy vào tâm can người nghe.

Hoa gạo trong thơ Phan Huyền Thư lại trở thành một dấu ấn đẹp mà buồn:



Hoa gạo trong thơ Phan Huyền Thư lại trở thành một dấu ấn đẹp mà buồn:
“Xa xôi trong tay người.
Lã chã hoa gạo.
Em nhập nhòe chạy trong mưa đêm.
Anh lập lòe đi tìm hoa gạo”.
(Hoa gạo)

Bài thơ này được chị viết khi mới 16, 17 tuổi, hoa gạo trở thành nhân chứng cho mối tình đầu không thành của chị. Sau này, nhạc sĩ Ngọc Đại đã phổ thành bài hát “Hoa gạo” nhưng có vẻ như không được nhiều người yêu mến như khi nó tồn tại ở dạng thức một bài thơ.

Hình ảnh hoa gạo hiện lên đầy mờ ảo, gần mà xa. Nó còn trở lại trong một bài thơ khác của chị:
“Bầy chim trốn rét đã về.
Em không tới.
Hoa gạo đỏ đau nắng đợi.
Chim chiều gọi đôi”.
(Hè lỗi hẹn)

Cũng gợi về một một kỷ niệm không mấy vui là hình ảnh hoa gạo trong thơ Khải Nguyên:



Cũng gợi về một một kỷ niệm không mấy vui là hình ảnh hoa gạo trong thơ Khải Nguyên:
“Hoa gạo hình như đỏ thêm.
Khứa vào tim đau một thuở.
Tràng hoa... vòng tay... lời hứa.
Rụng rơi... cả tháng Ba... xưa”.
(Tháng Ba hoa gạo đỏ)

Trong con mắt người đang yêu, cái gì hiện lên cũng đẹp, cũng lung linh. Những bông hoa gạo càng trở nên rực rỡ, xinh đẹp hơn trong đôi mắt kẻ si tình. Nhưng rồi vì một lý do nào đó mà phải chia tay, khi tình yêu không còn vẹn nguyên nữa, trong con mắt kẻ thất tình, hoa gạo “như đỏ thêm”. Cái màu đỏ nhưng nhức ấy, như “khứa vào tim” nhoi nhói.

Tác giả Tiểu Vũ lại nhìn hoa gạo với một góc độ khác. Cái màu đỏ choi chói kia khiến chị thổn thức:
“Mỗi độ tháng ba về.
Ai vãi lửa đam mê vào trời cháy bỏng.
Tu hú kêu, tu hú kêu.
Hoa gạo nở, hoa gạo đỏ.
Đỏ như màu mơ ước của con tim!”.
(Hoa lửa)

Cũng gợi về một một kỷ niệm không mấy vui là hình ảnh hoa gạo trong thơ Khải Nguyên:



Cách gọi “vãi lửa” để chỉ hoa gạo nở đỏ rực trên khung trời tháng Ba là một cách gọi cũng đồng thời là một phát hiện độc đáo. Qua con mắt của tác giả, màu đỏ hoa gạo cũng gợi lên những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ, lứa tuổi của mộng mơ, khao khát và “cháy” hết mình. Có thể bắt gặp mạch ngầm này trong cách nhìn hoa gạo của nhà thơ Lưu Quang Vũ:

“Nhưng từ đáy nỗi buồn tôi thăm thẳm.
Một cái gì như nhựa thắm trong cây.
Một cái gì trắng xoá tựa mây bay.
Là hoa gạo của lòng tôi chẳng tắt”.
(Có những lúc)

Và trong tâm tưởng của nhà thơ Lưu Quang Vũ, hoa gạo còn gợi nhắc về một người con gái của ngày chưa xa:
“Anh làm sao quên được những con đường.
Lá vàng rơi trên cỏ.
Nhớ vai em chập chờn hoa gạo đỏ”.
(Từ biệt)

Hình ảnh hoa gạo trong bài thơ “Hoa gạo” của nhà thơ Đặng Hiển cũng gợi về nỗi nhớ nhung ở một cung bậc khác:
“Lẽ nào tôi có thể dửng dưng.
Hoa gạo trên non sắp nở bừng.
Nhớ những tháng ba ngày dạy học.
Mùa thi hoa gạo cháy sau lưng”.
Cũng gợi về một một kỷ niệm không mấy vui là hình ảnh hoa gạo trong thơ Khải Nguyên:



Hoa gạo nở gợi nhắc về mùa thi, thường khiến những cô cậu học trò thổn thức. Nhưng ở đây, những người đứng trên bục giảng cũng không giấu được nỗi niềm rưng rưng khi hoa gạo nở bừng, báo hiệu một mùa thi đang về.

Hoa gạo còn có một tên khác là hoa mộc miên. Mượn hình ảnh loài hoa nở ở vùng biên giới, nhạc sĩ Huy Du ca ngợi mối tình hữu nghị Việt - Trung với giai điệu nhẹ nhàng, bay bổng. Bài hát “Hoa mộc miên” được thịnh hành vào những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, với những lời mở đầu: “Mộc Miên hoa ơi! Mỗi khi qua cầu biên giới, thấy hoa Mộc Miên nở, lòng những bồi hồi…”.

Thương lắm, nhớ lắm những bông hoa gạo! Trong hành trang của người đi xa, còn đó vương vít một sắc đỏ chói chang của: “Hoa gạo đầu đình vẫy mãi người xa quê”. (Hoa gạo đầu đình – Hoàng Cầm).

Hồ Huy Sơn