(Dân trí) - Sự chung tay của cả một quốc gia đoàn kết đã giúp Việt Nam trở thành hình mẫu điển hình trên thế giới trong việc khống chế thành công Covid-19.
Trong những ngày cả nước chung tay chống Covid-19, ngoài những diễn tiến căng thẳng của dịch bệnh còn có rất nhiều câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng và lan tỏa lối sống tốt đẹp cho cộng đồng.
Sự tử tế sẻ chia và tinh thần lạc quan trong lúc hoạn noạn đã tiếp thêm niềm tin để mọi người đoàn kết cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.
Câu chuyện của Nguyễn Tăng Quang – một du học sinh tại Anh là một trong số đó. Trở về Việt Nam vào ngày 17/3, giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Quang cùng nhiều du học sinh khác được đưa vào khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự Quân khu 7 (Q.12, TP.HCM).
Bị tạm thời cách ly với thế giới bên ngoài qua những hàng rào chắn, thay vì bày tỏ lo lắng, tiêu cực, Quang lại truyền cảm hứng, lan tỏa những điều tốt đẹp thông qua những bức vẽ ký họa. Những câu chuyện ấm áp tình người, hình ảnh của các y bác sỹ trong khu cách ly hiện ra sống động.
Trong những bức tranh của mình, Quang dành phần nửa phác họa về công việc của những bác sỹ, quân nhân, từ việc vận chuyển hàng hóa, phát cơm, đo thân nhiệt, khám sức khỏe, dọn dẹp vệ sinh… Ở công việc nào họ cũng đều nỗ lực, tận tụy và hết lòng.
Đó là một Huỳnh Dương – người chiến sỹ bộ đội tình cảm mang quà tặng cho từng người trước giờ chia tay, là những anh chị bác sỹ trách nhiệm ngày nào cũng đều đặn 2 lần sáng, chiều “gõ cửa từng phòng” để đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe cho mọi người. Khác hẳn với vẻ nghiêm khắc, cương nghị mà mọi người hình dung, dưới nét vẽ của Quang, hình ảnh các bác sỹ, quân nhân hiện ra thân thiện, dí dỏm và vô cùng đáng yêu.
Ngoài ra, trong những bức tranh của Quang đó còn là những mảnh ghép về những người bạn mới quen nhưng tinh nghịch, thú vị trong khu cách ly. “Những màn tự cắt tóc cho nhau”, “chơi game”, “dọn rác” hay tập thể dục, ăn cơm… khiến cuộc sống trong đại dịch tưởng nhàm chán, đơn điệu trở nên vô cùng thú vị, thấm đẫm tình người.
“Bộ tranh tuyệt quá”, “Nhìn cuộc sống trong khu cách ly của Quang thấy đáng yêu, trân quý biết bao nhiêu”, “Sau khi xem xong bộ tranh của bạn, thấy đi cách ly chẳng đáng sợ như nhiều người vẫn đồn thổi”, “Không hiểu sao các câu chuyện của Quang đều hài hước, dí dỏm mà mình xem tranh lại rưng rưng nước mắt, xúc động quá. Những mảnh ghép đẹp, ấm áp của tình người”… đó là rất nhiều bình luận dành cho bộ tranh.
Nhiều người cũng cho biết, họ được lan tỏa tinh thần lạc quan, tích cực qua bộ tranh mà Quang thể hiện.
Cách ly, hạn chế đi lại hay giãn cách xã hội – các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan có thể tạm thời ngăn cách chúng ta với cuộc sống bên ngoài, nhưng không thể ngăn cản thái độ chúng ta chọn lựa để đối mặt với dịch bệnh.
Không chỉ riêng Tăng Quang, nhiều người cũng đang chung tay nỗ lực đóng góp vào cuộc chiến chống Covid-19 theo cách riêng của mình. Đó là hình ảnh xúc động của những du học sinh, bạn trẻ trở về từ nước ngoài sẵn sàng “xắn tay” dọn rác cùng các chiến sỹ bộ đội, là những bài hát, bài thơ được sáng tác trong khu cách ly để động viên, cổ vũ mọi người vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh.
Thậm chí, trong những ngày cả nước thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội, vẫn có nhiều câu chuyện xúc động, ấm áp về tình người được chia sẻ.
Trong thời gian ở nhà, mẹ Việt Nam Anh Hùng (VNAH) Ngô Thị Quýt (95 tuổi, ngụ phường 5, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) vẫn miệt mài, cần mẫn may khẩu trang vải dành tặng người nghèo. Ở tuổi 95 dù sức khỏe kém, mắt mờ, tóc bạc, lưng đã còng và đôi tay run rẩy mỗi lần thực hiện đường may, song mẹ Quýt vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, với mong muốn được đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội. Người mẹ VNAH 95 tuổi cười hiền tâm sự, dù ở nhà, “vẫn không muốn ngồi yên”, “vẫn muốn được làm việc có ích, phù hợp với sức của mình” cùng cả nước đẩy lùi “Covid-19”.
Đó còn là hình ảnh những em nhỏ trên khắp mọi miền Tổ quốc, sẵn sàng đập lợn, dành dụm những khoản tiền tiết kiệm ủng hộ các y bác sỹ tuyến đầu chống dịch, là hình ảnh của những cụ già, đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn đạp xe, chống gậy đến các điểm phòng chống dịch để ủng hộ tiền, vàng, gạo…
Hình ảnh của người mẹ liệt sỹ Nguyễn Thị Ba (Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) lưng đã còng, sức khỏe yếu vẫn cố đi bộ 2km đến khu cách ly của xã để tặng 5kg gạo ủng hộ địa phương chống dịch, khiến nhiều người không khỏi rưng rưng xúc động.
Tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng…, hình ảnh của những cây ATM “nhả gạo” giúp đỡ người nghèo, trở thành hình ảnh đẹp, “biểu tượng của sự đoàn kết” tương thân tương ái trong những ngày khó khăn vì đại dịch.
Ngoài những câu chuyện đẹp được sẻ chia, cũng đã có rất nhiều hi sinh thầm lặng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 này. Trong đó, có những y-bác sỹ từ Tết chưa được về nhà, phải ngày đêm căng mình nơi tuyến đầu chống dịch. Có hàng nghìn người lính tự nguyện nhường giường ngủ của mình cho người cần cách ly, để vào rừng căng võng ngủ tạm. Có những bạn sinh viên nửa đêm vội vàng thu dọn hành lý, nhường lại phòng ở ký túc xá mà chẳng một lời oán thán...
Tất cả những sự hi sinh này là nhằm bảo vệ sức khỏe của toàn dân, để không ai bị bỏ lại phía sau, không muốn ai mất đi tính mạng. Và sự quyết tâm, nỗ lực, hy sinh này đã giúp chúng ta đạt được những thành công nhất định trong cuộc chiến chống Covid-19.
Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 268 ca mắc Covid-19, và liên tiếp nhiều ngày qua chưa ghi nhận ca nhiễm mới. Trong số này, đã có 201 ca khỏi bệnh và chỉ còn 67 bệnh nhân đang điều trị, đặc biệt Việt Nam chưa có bất cứ ca tử vong nào.
Đây là con số mà theo nhiều chuyên gia y tế giới là “rất đáng kinh ngạc” khi đặt trong bối cảnh, Covid-19 không ngừng tăng nhanh và lan rộng ra nhiều nước với trên 2 triệu ca nhiễm bệnh và hơn 160 nghìn ca tử vong.
Việt Nam cũng được nhiều nước trên thế giới ca ngợi là “hình mẫu điển hình” trong cuộc chiến chống đại dịch. Không ít hãng thông tấn nước ngoài khi phân tích về nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam đã nhìn nhận: Đó là phép màu, là sức mạnh đoàn kết đến từ sự dũng cảm, ý chí thống nhất của cả hệ thống chính trị và người dân.
Có thể nói, truyền thông minh bạch, sự phối hợp hiệu quả, nhất quán giữa chính phủ và người dân đã khiến chúng ta là 1 trong số ít nước trên thế giới thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Ngay từ tháng 1, khi có thông tin dịch bùng phát ở Trung Quốc, Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng và hiệu quả. Chúng ta, đã thực hiện việc cách ly, khoanh vùng trên diện rộng để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Việt Nam cũng đã tiến hành đóng cửa biên giới từ sớm với những quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chúng ta cũng áp dụng biện pháp "giãn cách xã hội" (cách ly xã hội) với các quy định chặt chẽ, thậm chí cho học sinh nghỉ học ngay sau khi kết thúc Tết Nguyên đán. Tất cả những người trở về từ vùng dịch, hoặc tiếp xúc với những trường hợp F0, F1 đều phải thực hiện cách ly chặt chẽ. Hiện, có hơn 11 nghìn người đang thực hiện cách ly tại các khu tập trung và hơn 57 nghìn người thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà.
Chính phủ cũng thực hiện cách ly xã hội từ ngày 1/4. Các yêu cầu về giãn cách xã hội và ở trong nhà cũng được kéo dài thêm ít nhất một tuần nữa. Tất cả những biện pháp phòng chống dịch bệnh của Chính phủ đã được người dân Việt Nam ủng hộ và thực hiện nghiêm túc.
Sự an toàn tính mạng, sức khỏe của cộng đồng được ưu tiên và đặt lên hàng đầu. Việc mỗi cá nhân thực hiện cách ly, giãn cách xã hội không chỉ vì bản thân mà còn vì gia đình, còn vì lợi ích của tập thể, xã hội.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 có thể sẽ còn kéo dài trong thời gian tới, tuy nhiên, với sự quyết tâm, vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng dịch bệnh sẽ sớm được khống chế, đẩy lùi.
Ngay lúc này, ngay bây giờ, mỗi người dân hãy cứ yên tâm ở nhà, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội – đó cũng chính là cách chúng ta đóng góp công sức cùng Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19! Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi, nhịp sống hàng ngày rồi sẽ sớm trở lại bình thường, chỉ có tính mạng, sức khỏe con người nếu bỏ lỡ sẽ chẳng có cách nào lấy lại!