Những bếp trưởng nổi danh thế giới “chết mê” ẩm thực Việt
(Dân trí) - Ẩm thực Việt đã nổi tiếng đến mức nhiều đầu bếp có tên tuổi nào trong làng ẩm thực thế giới đã từng thử thực hiện qua ít nhất một vài món trứ danh.
Hầu như chỉ cần viết tên của một đầu bếp nổi danh nào đó đi kèm với từ khóa “Vietnam”, bạn sẽ tìm thấy ngay công thức chế biến mà đầu bếp đó đã thử nghiệm với một vài lựa chọn ấn tượng từ ẩm thực Việt.
Nếu kể ra những món ăn Việt mà các đầu bếp nổi tiếng thế giới từng thử chế biến và chia sẻ công thức, thì sẽ không thể nào thống kê hết được. Từ những lần thử nghiệm, làm quen với ẩm thực Việt như vậy, đã có những đầu bếp danh tiếng quyết định phải tìm tới ngọn nguồn cội rễ của nền ẩm thực đang ngày càng trở nên nổi tiếng trên thế giới.
Họ đã tìm tới tận Việt Nam để đến thăm những hàng quán bình dân, đi thăm chợ nổi, và hiểu được bản sắc văn hóa đằng sau nét ẩm thực hấp dẫn. Dưới đây là những đầu bếp đã “chết mê” ẩm thực Việt như vậy:
Bếp trưởng người Anh Gordon Ramsay
Vị bếp trưởng 49 tuổi hiện là một trong những gương mặt quen thuộc và ăn khách nhất của các chương trình truyền hình ẩm thực. Hệ thống nhà hàng do Gordon Ramsay làm chủ luôn có được thứ hạng cao trong xếp hạng các nhà hàng có chất lượng ẩm thực tốt nhất thế giới.
Là vị giám khảo vốn rất quen thuộc với các cuộc thi nấu ăn của Anh và Mỹ, trong đó có loạt chương trình MasterChef, Gordon Ramsay từng được tạp chí Forbes xếp hạng thứ 21 trong số những người nổi tiếng kiếm tiền giỏi nhất thế giới hồi năm 2015 với số tiền kiếm được trong một năm trước đó lên tới 60 triệu đô.
Mối duyên của Gordon Ramsay đối với ẩm thực Việt phải kể tới đề bài dành cho top 5 của cuộc thi MasterChef - Vua đầu bếp Mỹ 2013, đó là những món ăn yêu thích nhất của các vị giám khảo. Đối với riêng bếp trưởng Gordon Ramsay, một trong ba giám khảo của chương trình, hủ tiếu Việt chính là món ăn tuyệt vời nhất mà ông từng được thử.
Trong Vua đầu bếp Mỹ mùa thứ 4, tập 21, phát sóng ngày 28/8/2013, Gordon Ramsay đã giới thiệu món hủ tiếu Việt Nam - một đề bài hóc búa dành cho các thí sinh lọt vào top 5.
Giám khảo - bếp trưởng Gordon Ramsay nổi tiếng khó tính và “quái tính”. Chia sẻ về đề bài, Gordon Ramsay cho biết: “Món hủ tiếu này được bán khá nhiều trên những con ghe nhỏ ở chợ nổi trên sông tại Việt Nam. Tôi từng tới thăm một chợ nổi như thế ở khu vực đồng bằng sông Mekong, ngồi trên ghe và ăn một bát hủ tiếu. Đây là một trong những món ăn tuyệt vời nhất mà tôi từng được ăn. Cách nấu khá kỳ công, tỉ mỉ”.
Trước khi các thí sinh bắt tay vào việc chế biến, giám khảo Gordon Ramsay đã dặn rằng: “Vì đây là món mà tôi rất yêu thích, xin đừng để tôi phải thất vọng”.
Ngoài ra còn phải kể tới chương trình truyền hình “Gordon’s Great Escape” (tạm dịch: Cuộc đào tẩu vĩ đại của Gordon) với hai kỳ xoay quanh hai nền ẩm thực lớn của Châu Á, phát trên kênh Channel 4 (Anh) năm 2010-2011. Trong phần hai của chương trình, Gordon Ramsay đã khám phá ẩm thực truyền thống Đông Nam Á, trong đó không thể thiếu một tập về Việt Nam.
Bếp trưởng người Mỹ Anthony Bourdain
Người Việt Nam hẳn sẽ nhớ về Anthony Bourdain với biệt danh “người ngồi ăn bún chả với Tổng thống Obama”. Tuy vậy, đối với những người yêu ẩm thực quốc tế, Anthony Bourdain không phải cái tên xa lạ và mối duyên của ông đối với ẩm thực Việt cũng đã có từ lâu, không phải tới chuyến thăm của Tổng thống Mỹ vừa qua mới bắt đầu “phát lộ”.
Anthony Bourdain từng là bếp trưởng nổi danh, là tác giả của những cuốn sách bán chạy viết về ẩm thực, và còn là nhân vật được yêu mến của những show truyền hình xoay quanh đề tài ẩm thực.
Trong sự nghiệp đứng bếp của mình, ông đã từng phục vụ trong những nhà hàng danh tiếng. Dù vậy, hiện tại, ông đã rời xa chiếc tạp dề chuyên nghiệp để thỏa sức du lịch khám phá những nền văn hóa ẩm thực ở các quốc gia.
Đã thành công với nhiều show truyền hình, ông Anthony Bourdain chuyển sang cộng tác với đài CNN (Mỹ) trong một chương trình dài kỳ có tên “Anthony Bourdain: Parts Unknown” (Anthony Bourdain: Những điều chưa biết tới).
Đối với các trang tin văn hóa - du lịch của Việt Nam, ông Anthony cũng không phải “người lạ” bởi trước nay ông đã luôn tích cực giới thiệu về ẩm thực Việt trên các chuyên trang ẩm thực - du lịch nổi tiếng thế giới và được báo chí Việt Nam dành nhiều thiện cảm.
Trong bài phỏng vấn trên chuyên trang du lịch Condé Nast Traveler hồi năm 2014, ông Bourdain từng nói rằng: “Chuyến đi tới Việt Nam đã thay đổi cuộc đời tôi!”.
Trong mùa 4 của chương trình truyền hình “Anthony Bourdain: Parts Unknown” lên sóng hồi năm 2014, Anthony đã đưa ê-kíp của mình tới Việt Nam và đặc biệt ấn tượng với ẩm thực Huế, với bún bò, cơm hến, bánh bèo, bánh bột lọc… Ông thích thú với ẩm thực đường phố và những hàng quán bình dân ở đây.
Anthony còn đến thăm chợ Đông Ba, làng chài, địa đạo Vịnh Mốc và một đầu bếp vốn chuyên thực hiện các món ăn trong Hoàng cung Huế xưa.
Vào tối 23/5 vừa qua, bên trong một quán bún chả ở phố cổ Hà Nội, một tập của “Anthony Bourdain: Parts Unknown” phần 8 đã được ghi hình và sẽ phát sóng vào tháng 9 năm nay trên kênh CNN. Nội dung của tập phim ghi hình trong quán bún chả sẽ xoay quanh văn hóa ẩm thực Việt Nam và những nét chung - riêng so với văn hóa ẩm thực Mỹ.
Những hình ảnh mà ông Anthony Bourdain chia sẻ trên trang cá nhân xoay quanh bữa tối bình dân với ngài Tổng thống Mỹ ở Hà Nội đã tạo nên sự thích thú lớn đối với công chúng quốc tế, giúp ẩm thực Việt được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết.
Bếp trưởng người Anh Jamie Oliver
Bếp trưởng 41 tuổi Jamie Oliver là một tên tuổi nổi danh trong giới ẩm thực quốc tế hiện nay, anh thường xuyên xuất hiện trong các chương trình về đề tài ẩm thực và là một gương mặt ăn khách của truyền hình.
Điều đặc biệt là Jamie Oliver cũng rất thích thú với ẩm thực Việt, trên website chính thức của mình, bếp trưởng này đã đưa ra công thức thực hiện món cá kho tộ, bún chả, còn trên tài khoản YouTube, vị bếp trưởng giới thiệu món phở gà và phở cuốn.
Tại thành phố London, có một cô gái gốc Việt tên Uyen Luu đã rất thành công với câu lạc bộ ẩm thực Việt, ngay chính tại nhà mình, cô thực hiện các bữa ăn Việt và mời những người yêu ẩm thực đăng ký đến nhà dùng bữa. Mỗi buổi sinh hoạt chỉ giới hạn vài người, họ vừa thưởng thức ẩm thực vừa trò chuyện.
Khi biết tới câu lạc bộ này, Jamie Oliver đã rất thích thú và đăng ký tham gia, anh dành nhiều lời khen ngợi cho câu lạc bộ của Uyen Luu. Nhờ đó, Uyen Luu được biết đến nhiều hơn, uy tín được khẳng định hơn. Câu lạc bộ của cô hoạt động rất thành công, trở thành một điểm đến thu hút sự quan tâm của những người yêu ẩm thực Á Đông ở London.
Rất nhiều tờ báo lớn của Anh đã viết bài về Uyen Luu. Tháng 11/2014, Jamie Oliver đã đăng ký tham gia câu lạc bộ của Uyen Luu, và còn rủ nữ ca sĩ nổi danh Ellie Goulding và bạn trai của cô tại thời điểm bấy giờ - Dugie Poynter, cùng nam diễn viên Dexter Fletcher đi cùng.
Sau khi trở về từ bữa tối của Uyen Luu, Jamie Oliver đã chia sẻ lại trải nghiệm trên mạng xã hội: “Tôi đã có một bữa ăn Việt tuyệt vời vào tối hôm qua tại một câu lạc bộ ẩm thực rất dễ thương ở London. Cảm ơn Uyen Luu. Cô và gia đình, cùng chú chó đáng yêu đã làm nên một buổi tối tuyệt vời. Cháo cá, bún, rau trộn đều rất tuyệt vời, và còn cả phở cuốn nữa chứ…
“Đó mới chỉ là một vài món thôi đấy!!! Với 9 món ăn ngon tuyệt, tôi đã có buổi tối dễ chịu bên những gương mặt bạn bè thân thiết mà có thể các bạn cũng đều biết cả, Ellie Goulding đáng yêu, chàng trai rất tuyệt của cô ấy, và gã tinh quái đáng mến Dexter Fletcher… Thật vui. Jamie yêu các bạn”.
Vua đầu bếp Mỹ 2012 Christine Hà
Người Mỹ có một khái niệm thú vị - “American Dream” (Giấc mơ Mỹ), trong đó hàm chứa niềm tin rằng hợp chủng quốc này là miền đất hứa để những giấc mơ có thể trở thành hiện thực. “Giấc mơ Mỹ” chính là những gì đã đến với Christine Hà - người phụ nữ gốc Việt khiếm thị nhưng có niềm đam mê ẩm thực cháy bỏng.
Khi Christine Hà giành chiến thắng tại cuộc thi Vua đầu bếp Mỹ, người ta đã phải nể phục quyết tâm, nghị lực và tài năng của cô. Điều đặc biệt là trong suốt quá trình tham gia thi Masterchef Mỹ 2012, Christine đã thực hiện nhiều món ăn mang đậm hương vị ẩm thực truyền thống của người Việt.
Giám khảo Gordon Ramsay vốn đã tìm hiểu khá tường tận về ẩm thực Việt đã nhận xét ngay thực đơn trong vòng thi chung kết của Christine Hà rằng: “Thực đơn của Christine rất gần gũi với bữa ăn truyền thống của người Việt Nam. Tuy vậy, chúng ta không sống ở Việt Nam và đây cũng không phải thời điểm để thực hiện một bữa ăn dành riêng cho gia đình của Christine…”.
Câu nói như một “đòn phủ đầu” khiến Christine không khỏi lo lắng nhưng cô khẳng định: “Những món ăn này nghe qua có thể không sang trọng, không đắt tiền nhưng vị thì rất ấn tượng”.
Quả vậy, khi nhìn đĩa cơm - thịt kho, các vị giám khảo có thể cảm thấy ái ngại vì cho rằng nó quá đơn giản so với một bài thi trong vòng chung kết của Masterchef nhưng chính đĩa cơm đó đã chinh phục họ. Dùng với món kem chanh dừa, các vị giám khảo chỉ có thể nói: “Perfect!” (Hoàn hảo!).
Là một phụ nữ khiếm thị với rất nhiều khó khăn phải đương đầu trong cuộc sống, Christine Hà đã có thể khẳng định mình và tìm được những cơ hội lớn trong cuộc sống sau khi trở thành Vua đầu bếp Mỹ. “Giấc mơ Mỹ” của cô đã được chắp cánh chính nhờ những sợi dây liên kết với nền văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam.
Giờ đây, cô đã là một đầu bếp có tiếng, đã ra sách dạy nấu ăn, sở hữu blog ẩm thực nhiều người tìm đọc, và nhận được những lời mời tham gia chương trình truyền hình về đề tài nấu nướng.
Bích Ngọc
Tổng hợp