Nghịch lý hài Tết: càng nhiều đĩa lậu, càng “hốt” doanh thu

(Dân trí) - Khoảng 3 năm về trước, mỗi khi hoàn thành xong một đĩa hài Tết là các nhà sản xuất lại phải “lao tâm khổ tứ” lo giữ bản quyền để tránh bị nạn đĩa lậu “cướp trắng”. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, “thế sự” đã hoàn toàn thay đổi. Càng có nhiều đĩa lậu in sao, các nhà sản xuất lại càng “hốt” được nhiều doanh thu từ nhà tài trợ.

Dựa vào đĩa lậu để “hốt” tiền tài trợ

Nhiều năm nay, người ta gọi chuyện “đĩa thật” (đĩa gốc) sống chung với “đĩa giả” (đĩa lậu) là hiện tượng “cộng sinh”. Và hiện tượng “cộng sinh” này đang diễn ra như một quy luật đầy nghịch lý mà tất yếu của thị trường hài Tết.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng kể rằng, ngày xưa, chỉ một sơ sẩy nho nhỏ khiến thông tin hoặc hình ảnh trong phim hài Tết bị rò rỉ ra ngoài thì ngay lập tức công nghệ in sao đĩa lậu sẽ phủ trắng sạp đĩa bằng hàng triệu bản in lậu. Vì lẽ đó mà cứ mỗi lần làm xong một đĩa hài Tết là ông lại đau đầu nghĩ kế giữ kín bản quyền. Tuy nhiên, dù “mưu sâu kế hiểm” đến đâu thì cũng không thể tránh được chuyện đĩa gốc vừa ra chưa được nửa ngày, đĩa lậu đã tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Để tránh được những tổn thất về doanh thu, nhiều nhà sản xuất đĩa hài Tết đã nghĩ ra cách biến đĩa lậu thành công cụ kiếm tiền hữu hiệu.

Nhà sản xuất đã không còn canh cánh nỗi lo hài Tết bị thao túng bởi thị trường đĩa lậu. Ảnh: TL.
Nhà sản xuất đã không còn canh cánh nỗi lo hài Tết bị thao túng bởi thị trường đĩa lậu. Ảnh: TL.

Một công thức chung được nhiều nhà sản xuất đĩa hài hai miền Bắc - Nam hiện nay áp dụng đó là sau khi có kế hoạch sản xuất hài Tết các nhà sản xuất sẽ xây dựng hồ sơ xin tài trợ của các doanh nghiệp. Thực chất của việc xin tài trợ này theo đạo diễn Phạm Đông Hồng đó là một hình thức mời quảng cáo. Với dạng này, các nhà tài trợ có quyền chi phối kịch bản hoặc đưa ra những yêu cầu về quyền lợi quảng cáo. Và cũng với cách này, nhiều khi số tiền được tài trợ mà nhà sản xuất có được cao gấp 3, 4 lần chi phí bỏ ra.

Đạo diễn Trần Bình Trọng thừa nhận rằng, có những nhà sản xuất phát hành đĩa hài Tết không phải để thu lợi từ việc bán đĩa gốc mà chủ yếu là để phát tán lên mạng hoặc tung cho các đầu nậu đĩa lậu sao chép phát tán. Càng phát tán nhiều, hiệu quả quảng cáo càng cao thì năm sau lại càng dễ xin tài trợ hoặc dễ mời quảng cáo hơn.

“Nói thật là với luật bản quyền lỏng lẻo như của Việt Nam hiện nay, nếu nhà sản xuất nào cũng ngồi trông chờ vào doanh thu bán đĩa gốc thì đến tỷ phú cũng phải phá sản chứ không phải doanh nghiệp bình thường. Đã nhiều lần chúng tôi bàn đủ trăm phương nghìn kế để chống lại nạn in sao đĩa lậu nhưng rồi vẫn phải “lực bất tòng tâm”. Chẳng còn cách nào khác bằng cách “sống chung” với nó. Từ chỗ chống lại nó tôi quay sang hoan nghênh, thậm chí cổ vũ nó bằng cách làm thật nhiều phim tốt, vì càng nhiều phim tốt thì mới có càng nhiều đĩa lậu, phim càng hay thì in lậu càng nhiều. Đĩa lậu càng nhiều thì càng nhiều người biết đến sản phẩm của mình và các doanh nghiệp cũng biết tới...”, đạo diễn “Làng ế vợ” nói.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng trong một cảnh của hài tết Chôn nhời 4 sắp ra mắt. Ảnh: PĐH.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng trong một cảnh của hài tết Chôn nhời 4 sắp ra mắt. Ảnh: PĐH.

Thậm chí, có nhà sản xuất còn khẳng định chắc nịch rằng, họ còn in hàng nghìn tấm bìa đĩa đưa cho các đầu nậu in sao băng đĩa lậu để họ lồng đĩa giả vào đó tung ra thị trường. Việc làm này vừa đạt được hiệu quả về mặt quảng bá thương hiệu của nhà sản xuất lẫn nhà tài trợ, vừa giữ được “linh hồn” của đĩa hài trên mặt hình ảnh, vừa tăng được tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình khi tung ra sạp đĩa.

Quảng cáo “vô tội vạ” là vi phạm luật quảng cáo?

Một số nhà sản xuất thừa nhận rằng, việc làm phim hài Tết dựa trên nguồn kinh phí của nhà tài trợ sẽ không thể tránh khỏi được việc bị chi phối về kịch bản. Và đó là nguyên nhân khiến nhiều đĩa hài Tết trở nên nhảm - nhạt hoặc quảng cáo một cách “vô tội vạ” khiến người xem ít nhiều quay lưng với hài Tết.

“Nhiều đĩa hài Tết hiện nay thường hướng đến khai thác chủ đề hiện đại nhằm giúp các nhà sản xuất dễ dàng đưa thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp vào nội dung phim. Nghĩa là các nhà tài trợ được tham gia chính thức vào mặt nội dung kịch bản. Người xem có thể thấy nhân vật sử dụng một thương hiệu sản phẩm nào đó, kèm theo những câu thoại ít nhiều liên quan đến tuyên truyền quảng bá luôn cho sản phẩm đó, phần nào khiến người xem thấy phản cảm và gượng ép. Cách làm trên là việc lái nội dung kịch bản theo hướng làm sao quảng cáo được càng nhiều cho doanh nghiệp càng tốt”, một đạo diễn nói.

Một cảnh trong hài Tết Làng ế vợ sắp phát hành. Ảnh: TBT.
Một cảnh trong hài Tết "Làng ế vợ" sắp phát hành. Ảnh: TBT.

Nhiều người đặt vấn đề rằng, việc thả lỏng của cơ quan quản lý đã khiến cho các nhà sản xuất đưa quảng cáo “vô tội vạ” vào sản phẩm để kiếm tiền. Có người còn đếm được có một số đĩa hài Tết như: Chôn nhời, Tiền đồ... cứ 5 phút lại lồng một slot quảng cáo và quảng cáo chiếm tới 1/3 thời lượng trong đĩa hài. Điều này xét dưới gốc độ của luật quảng cáo là đã phạm luật.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng chia sẻ, theo luật quảng cáo thì quảng cáo không được phép xuất hiện quá 7% thời lượng của cả phim. Nghĩa là, một phim có thời lượng 100 phút, quảng cáo không được quá 7 phút. Vì vậy không thể có chuyện tùy tiện chen các đoạn quảng cáo một cách thoải mái vào trong phim.

“Với Chôn nhời là sản phẩm của đơn vị phát hành Thăng Long, là một doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp, chịu theo luật quảng cáo cũng như những quy định của Bộ VHTT&DL do đó, không phải những đơn vị nào cũng có thể được mời tài trợ quảng cáo, mà phải được duyệt qua Cục Văn hóa cơ sở mới được thông qua”, đạo diễn Phạm Đông Hồng nói.

Thực tế, hiện nay trên thị trường có hai loại hình sản xuất đĩa hài. Loại thứ nhất là sử dụng tiền của các nhà tài trợ để dựng phim. Sau khi phát hành thành đĩa, mục đích của những đĩa phim hài đó không phải để trình chiếu trên các kênh truyền hình chính thống mà được phát hành ngoài thị trường dưới dạng đĩa gốc thì ít, đĩa lậu thì nhiều hoặc thông qua các diễn đàn mạng, trang chia sẻ video... cho cộng đồng mạng xem. Loại hình này gần như không phải qua quy trình kiểm duyệt của các cơ quan chức năng nhà nước. Do vậy, việc đưa quảng cáo vào sản phẩm cũng không có liều lượng cố định và cũng không tuân theo bất kỳ luật nào cả.

Với hình thức thứ hai là sản phẩm hài không dùng tiền của các nhà tài trợ dựng phim mà nhà sản xuất bỏ vốn của chính mình ra để kinh doanh, đầu tư từ kịch bản phim, nhân lực, đạo cụ, phục trang... cho đến khâu phát hành. Sau khi hoàn thành, sản phẩm này sẽ phải được qua hệ thống kiểm duyệt của nhà nước (Cục Điện ảnh). Khi đã được sự phê chuẩn của Cục, nhà sản xuất mới tính đến việc kêu gọi, mời các doanh nghiệp tài trợ. Đây là một trong nhưng cách thức xã hội hóa được nhà nước quy định và kêu gọi từ lâu do kinh phí nhà nước không đủ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Với loại này, dù muốn cho thật nhiều quảng cáo vào sản phẩm thì nhà sản xuất vẫn phải tuân thủ theo luật.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng cho biết, kể từ khi bắt tay vào sản xuất đĩa hài Tết cho đến nay, đơn vị của ông chưa bao giờ chấp nhận cho doanh nghiệp can thiệp vào kịch bản. Vì phần lớn các đĩa hài của đơn vị ông thực hiện đều là hài dân gian nên nếu để doanh nghiệp can thiệp sẽ khiến nội dung đĩa hài bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để vẫn có thể thu được lợi nhuận từ quảng cáo ông sẽ dùng cách chèn quảng cáo vào những đoạn nghỉ của phim. Bên cạnh đó, Thăng Long Audio của nam đạo diễn này cũng chọn hướng bán bản quyền cho các đài truyền hình địa phương và kênh Yotube.

Nhiều đạo diễn nhìn nhận rằng, việc xã hội hóa, kêu gọi tài trợ, mời quảng cáo trong các bộ phim ngày nay là chuyện hết sức bình thường và hiển nhiên của thời đại kinh tế thị trường. Ảnh: PĐH.
Nhiều đạo diễn nhìn nhận rằng, việc xã hội hóa, kêu gọi tài trợ, mời quảng cáo trong các bộ phim ngày nay là chuyện hết sức bình thường và hiển nhiên của thời đại kinh tế thị trường. Ảnh: PĐH.

Nam đạo diễn này bật mí, năm ngoái, các đĩa hài Tết do đơn vị ông sản xuất đã được 42 kênh truyền hình địa phương mua bản quyền phát sóng lại. Bên cạnh đó, “Chôn nhời 3” khi tung lên kênh Youtube chỉ trong vòng 3 tháng đã có hơn 100 triệu lượt người xem. Công ty ông trở thành 1 trong 6 đối tác của Youtobe Châu Á Thái Bình Dương. Ký với Youtobe, các sản phẩm của ông không những thu được lợi mà còn được bảo vệ về việc bản quyền.

Đạo diễn Trần Bình Trọng cũng thừa nhận, phim hài Tết “Làng ế vợ” phần 1 do công ty anh sản xuất mới đưa lên Youtube 8 ngày đã có 12 triệu view, phần 2 đưa lên 5 ngày được 9 triệu view.

Nhiều đạo diễn nhìn nhận rằng, việc xã hội hóa, kêu gọi tài trợ, mời quảng cáo trong các bộ phim ngày nay là chuyện hết sức bình thường và hiển nhiên của thời đại kinh tế thị trường. Việc các nhà sản xuất hay ngay cả các đài truyền hình kêu gọi các doanh nghiệp tham gia tài trợ để được quảng cáo là đúng theo quy định của pháp luật. Phim có hay thì càng có nhiều doanh nghiệp muốn tham gia tài trợ, có nhiều quảng cáo.

Hà Tùng Long

Dòng sự kiện: Táo quân, Hài Tết 2017

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm