Vì sao truyền hình thực tế không “thắng thế” được hài Tết?
(Dân trí) - Sự ra đời và phát triển ồ ạt của các thể loại truyền hình thực tế, nhất là truyền hình thực tế mang màu sắc hài đã khiến nhiều người lo ngại thị trường đĩa hài Tết sẽ bị “bóp chết”. Tuy nhiên, nhiều năm qua, thị trường hài Tết không những không bị cản trở mà còn phát triển mạnh mẽ.
“Ăn đồ tươi khác hẳn đồ khô”
Đạo diễn Phạm Đông Hồng - “cha đẻ” của “Râu quặp”, “Chôn nhời” thừa nhận rằng, sự phát triển ồ ạt của truyền hình thực tế đã khiến cho thị phần hài Tết bị phân chia nhỏ. Tuy nhiên, không vì thế mà các đơn vị sản xuất đĩa “bó tay” hoặc bỏ cuộc. Thực tế là hàng năm, thị trường đĩa hài Tết của miền Bắc vẫn tung ra hàng chục đĩa hài với nhiều chủ đề và nhiều thể loại khác nhau.
“Tôi quan niệm truyền hình thực tế không phải là phim hài và tất cả những phim tôi làm đều là những phim dài có thời lượng từ 90 đến 100 phút. Những đĩa hài đó đều có tích trò, có đầu cuối, có số phận, có nhân vật… Chuyện truyền hình thực tế “đè bẹp” không đáng ngại lắm.
Thực tế thì truyền hình thực tế hài với sự góp mặt của các diễn viên hài đã xuất hiện từ lâu chứ không phải chỉ mới xuất hiện gần đây. Và khi tôi tìm hiểu thì đa phần khán giả đều bảo rằng, lúc mới đầu họ còn hào hứng nhưng càng ngày họ càng cảm thấy nhàm chán vì truyền hình thực tế đơn thuần chỉ mang tính giải trí, không phải là phim. Vì thế, người miền Bắc vẫn không hề thay đổi thói quen xem đĩa hài vào những ngày Tết dù trên truyền hình ngày nào cũng có truyền hình thực tế…”, đạo diễn Phạm Đông Hồng nói.
Nghệ sĩ Công Vượng cũng bày tỏ rằng, các truyền hình thực tế ở Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây ra đời ngày càng nhiều, “lấn sóng” nhiều kênh giải trí.
Trong số đó, có những chương trình bình thường nhưng cũng có những chương trình khá hấp dẫn. Và sự ra đời ồ ạt của truyền hình thực tế cũng khiến các nhà sản xuất băng đĩa phải cập nhật xu thế mới của thời đại để làm chương trình hấp dẫn hơn.
“Tôi chưa bao giờ phải lo lắng chuyện truyền hình thực tế sẽ “đè bẹp” hoặc “bóp chết” các đĩa hài, các chương trình nghệ thuật phát hành dưới dạng đĩa… Vì tôi cho rằng, truyền hình thực tế có cái hay của truyền hình thực tế, chương trình nghệ thuật có cái hay của chương trình nghệ thuật, đĩa hài có cái hay của đĩa hài. Đối với tôi, truyền hình thực tế không phải là chương trình nghệ thuật, đó chỉ là chương trình giải trí đơn thuần hoặc chỉ là trò chơi thôi. Tương tự như khi ta ăn đồ tươi và đồ khô vậy, hai thứ khác hẳn nhau. Nếu chúng ta đến nhà hát xem nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp hoặc xem một đĩa hài có kịch bản và nghệ sĩ diễn bài bản sẽ khác hẳn trò chơi trên truyền hình. Vì lẽ đó mà tôi từng tuyên bố là sẽ duy trì chương trình gala “Tết vạn lộc” cho đến khi khán giả cảm thấy chán mới thôi…”, nghệ sĩ Công Vượng nói.
Muốn “sống” được phải “chịu chi”
“Cha đẻ” của gala “Tết vạn lộc” cho rằng, muốn kéo được khán giả và giữ họ ở lại với mình không còn cách nào khác là các nhà sản xuất phải đầu tư cho từng đĩa hài, từng chương trình nghệ thuật. Sự đầu tư không chỉ ở phần nhìn mà cả phần nghe và phần thưởng thức.
“Người ta xem một đĩa hài mà diễn viên thì rất nổi tiếng, phục trang rất đẹp, quay công nghệ mới cực nét… nhưng kịch bản nhạt thì lần sau cho không, biếu không chưa chắc họ đã xem. Trong thời đại của truyền hình thực tế thì nhà sản xuất sẽ phải cố gắng làm mọi thứ tốt hơn và phải chạy đua với sự phát triển của công nghệ để đưa đến cho khán giả những sản phẩm có tầm. Tôi nghĩ rằng, nếu chịu khó theo dõi thị trường truyền hình thực tế, các nhà sản xuất sẽ học hỏi được nhiều thứ”, nghệ sĩ Công Vượng nói.
Đồng quan điểm trên, đạo diễn Phạm Đông Hồng cũng thừa nhận rằng, càng bị truyền hình thực tế “áp đảo” thị phần khán giả, anh lại càng đầu tư nhiều hơn cho từng sản phẩm của mình.
“Tôi phải viết kịch bản “ra tấm, ra món”, có mảng miếng, có văn học… Làm trên cơ sở như một bộ phim nhựa để khi người ta xem còn mãn nhãn, thấy được cái này, thấy được cái kia, chứ không chỉ xem xong rồi quên. Thêm một điều nữa là những gương mặt nghệ sĩ tôi chọn rất ít xuất hiện trên các chương trình truyền hình thực tế. Đó là điều khiến tôi vẫn tự tin làm đĩa hài hàng năm mà không lo ngại gì hết”, “cha đẻ” của “Chôn nhời” nói thêm.
Đạo diễn Trần Bình Trọng phân tích rằng, từ lâu, thị trường hài Tết miền Bắc đã không còn chuyện phân cấp hài nhảm và hài không nhảm. Sở dĩ như thế vì bất kỳ nhà sản xuất nào muốn sản phẩm của mình “sống” được cũng phải đầu tư bằng cả tâm sức và vật lực. Một khi đã đầu tư nghiêm túc và tạo ra được một sản phẩm chất lượng thì không có lý gì không “sống” được cả. Theo đạo diễn “Làng ế vợ” thì lấy được nụ cười của khán giả không dễ nhưng khi đã lấy được nụ cười của khán giả thì sự thành công coi như đã nắm chắc trong tay.
“Tôi thú thật, “Làng ế vợ” phần 1 của tôi mới đưa lên Youtube 8 ngày mà đã có 12 triệu view, phần 2 đưa lên 5 ngày được 9 triệu view. Rõ ràng, khán giả phải thích mới xem chứ không ai bắt họ được. Và để khán giả thích được đó là “câu chuyện”, là “bài toán” về sự sống còn mà nhà sản xuất phải “cân não” tìm đáp số”, đạo diễn Bình Trọng nói.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng cũng bật mí, năm ngoái, các đĩa hài Tết do công ty anh sản xuất đã được 42 kênh truyền hình địa phương mua bản quyền phát sóng lại. Bên cạnh đó, “Chôn nhời 3” khi tung lên kênh Youtube chỉ trong vòng 3 tháng đã có hơn 100 triệu lượt người xem. Và kênh Youtube cũng giúp công ty của vị đạo diễn này kiếm được kha khá doanh thu.
Sang tận Hàn Quốc quay hài
Đề cập đến sự đầu tư, nghệ sĩ Công Vượng cho biết, gala “Tết vạn lộc 2017” tổ chức ở Cung Hữu nghị Việt Xô vào 3/12 tới đây anh mời đến hơn 35 gương mặt nghệ sĩ tên tuổi cùng tham gia biểu diễn. Khách đến thưởng thức chương trình sẽ được dự tiệc trước khi vào xem. Đĩa khi phát hành sẽ dùng công nghệ mới nhất để đảm bảo độ chuẩn về âm thanh và hình ảnh. Diễn viên Võ Thanh Hiền cũng tiết lộ, phim hài “Tết này con ở đâu?” cũng đã được đầu tư quay một số cảnh tại Hàn Quốc và Việt Nam.
Nghệ sĩ Vũ Phan Anh khi chia sẻ về dự án “Ra phố tìm con” cũng cho biết, hơn 20 năm hoạt động trong nghệ thuật nên anh rất sợ lối mòn, sự nhạt nhẽo, đơn điệu trong các sản phẩm. Vì thế, để có mang đến cho khán giả một sản phẩm có giá trị nhân văn anh với nhạc sĩ Trịnh Xuân Hảo và nhiếp ảnh gia Đàm Long Xây đã quyết định mời đạo diễn Mai Hồng Phong hợp tác. Đạo diễn Mai Hồng Phong vốn là đạo diễn nổi tiếng của nhiều bộ phim truyền hình từng “làm mưa làm gió” trên sóng truyền hình như: Những ngọn nến trong đêm, Đèn vàng, Phía cuối cầu vồng, Blog nàng dâu, Lời ru mùa đông, Lời thì thầm từ quá khứ… và đây là lần đầu tiên anh bắt tay vào đạo diễn hài Tết.
Diễn viên hài Giang Còi bảo rằng: “Có bột mới gột nên hồ, có tích mới dịch ra trò (tuồng)”. Và sự nỗ lực thay đổi sản phẩm hấp dẫn hơn với công chúng, khán giả… của nhiều nhà sản xuất chính là yếu tố khiến hài Tết không bị quay lưng trong thời buổi truyền hình thực tế “tung hoành” khắp các kênh giải trí.
Hà Tùng Long