Những bộ phim đoạt Oscar đáng xem nhất:
“Nghệ sĩ”: Sức hút ma lực từ một bộ phim “lỗi mốt”
(Dân trí) - “The Artist” đã chứng minh rằng, điện ảnh chỉ cần xoay quanh những đề tài quen thuộc, nhẹ nhàng, những khuôn hình mộc mạc, không kỹ xảo, không cảnh nóng… và vẫn đủ sức thu hút người xem.
Thành công vang dội của một bộ phim “lỗi mốt”
Bộ phim Pháp “The Artist” (Nghệ sĩ - 2011) là một tác phẩm điện ảnh thuộc thể loại hài kịch lãng mạn làm theo phong cách phim câm đen trắng của những thập niên đầu thế kỷ 20.
Lấy bối cảnh Hollywood trong giai đoạn chyển giao lịch sử từ phim câm sang phim tiếng (1927-1932), “The Artist” đã khai thác một câu chuyện riêng nhưng phản ánh câu chuyện của thời đại - mối tình đẹp giữa tài tử phim câm hết thời và minh tinh phim tiếng đang lên.
Khi ra mắt, “The Artist” đã nhận được nhiều lời khen ngợi và những giải thưởng điện ảnh danh giá, trong đó có 10 đề cử tại giải Oscar, rinh về 5 giải, bao gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất (Michel Hazanavicius), Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Jean Dujardin)…
Những giải thưởng mà phim giành được đã lập nên nhiều kỷ lục thú vị: Nam diễn viên Dujardin là nam diễn viên Pháp đầu tiên giành được giải Nam chính xuất sắc tại giải Oscar. “The Artist” cũng là bộ phim Pháp đầu tiên được vinh danh Phim hay nhất. Kể từ năm 1927, đây là bộ phim câm đầu tiên giành giải. Kể từ năm 1960, đây là phim đen trắng 100% đầu tiên thắng lớn…
Nếu “Cuộc sống tươi đẹp” là niềm tự hào của điện ảnh Ý thì “Nghệ sĩ” là niềm kiêu hãnh của điện ảnh Pháp. Đây là bộ phim Pháp nhận được nhiều giải thưởng nhất trong lịch sử điện ảnh.
“The Artist” - Bộ phim ngợi ca những nghệ sĩ chân chính
“The Artist” là bộ phim mang đầy tính giải trí và giá trị nghệ thuật. Phim hấp dẫn người xem không chỉ bởi là một món ăn lạ trên bàn tiệc điện ảnh ê hề.
“The Artist” thắng lớn còn bởi phim mang trong mình một câu chuyện lãng mạn, hài hước và xúc động, bởi phim có những diễn viên biết diễn thực sự, và bởi phim có một vị đạo diễn kiêm biên kịch rất “ranh mãnh” trong việc bày ra một món ăn “tuy cũ mà mới”.
“The Artist” nhắc nhớ về một thời kỳ chuyển giao lịch sử ở Hollywood, khi đó hàng loạt ngôi sao phim câm bị “thất thế” vì giọng nói của họ không đủ quyến rũ để tiếp tục trở thành ngôi sao phim tiếng.
Ngược lại, những diễn viên vô danh trong thời đại phim câm giờ có thể trở thành tài tử, minh tinh phim tiếng nếu họ có một chất giọng đẹp. Chính trong thời buổi chuyển giao đó, nhiều cuộc đời đã hoàn toàn đổi thay.
Các diễn viên chính trong “The Artist” sở hữu ngoại hình khiến người xem nhớ tới những ngôi sao thuộc thế hệ vàng của Hollywood. Đồng thời, lối diễn nhấn mạnh vào ngôn ngữ biểu cảm và hình thể khiến người xem thực sự tin rằng họ là những ngôi sao phim câm.
Nam diễn viên George Valentin (do Jean Dujardin thủ vai) - một tài tử gốc Pháp nổi danh ở Hollywood trong thời đại phim câm. Khi phim tiếng bắt đầu thắng thế, chất giọng “lơ lớ” của Valentin khiến anh không thể hòa nhập vào guồng quay mới.
Người hâm mộ, đồng nghiệp, vợ, gia sản… tất cả dần rời xa anh - người mà giờ chỉ còn là cái bóng của chính mình. Bên cạnh Valentin chỉ còn lại một chú chó trung thành - Uggie.
Nữ diễn viên Peppy Miller (do Berenice Bejo thủ vai) trước kia từng là một gương mặt chuyên đóng những vai phụ vô danh - một cô gái dễ thương, nồng nhiệt mà George từng gặp và chấm lên khuôn mặt cô nốt ruồi duyên dáng - giờ đã trở thành một minh tinh màn bạc được săn đón.
“Quay lưng với cái cũ, chấp nhận cái mới, nhường đường cho lớp trẻ. Đời là thế…”. Trong phim, người xem bắt gặp nhiều cảnh quay, nhiều lời thoại (dưới dạng phụ đề) mang đầy chất hài Pháp thâm thúy, sắc lạnh.
Câu nói của Valentin lúc rời khỏi nhà hàng sau khi nghe thấy “tuyên ngôn” của Miller - “Tôi đã dọn sẵn chỗ cho cô rồi đây” - là một câu nói thú vị, đánh dấu bước chuyển của mạch phim. Valentin bỏ đi, để lại bàn tiệc trống, tiệc giờ là của Miller, của lớp diễn viên trẻ như cô, đã không còn chỗ cho Valentin nữa.
Trong bộ phim thất bại mà Valentin thực hiện - “Giọt lệ tình yêu”, cảnh cuối cùng, nhân vật nam chính do anh thủ vai bị đầm lầy nuốt chửng là một cảnh ẩn dụ. Vậy là, tài tử nổi danh một thời giờ đã mất hút cả trên màn ảnh, lẫn trong đời thực, tất cả đã chấm hết với Valentin.
Anh giờ là ngôi sao sống trong dĩ vãng của những người thuộc thế hệ trước. Có diễn viên nào vẫn đang đầy nhiệt huyết với nghề mà lại muốn nghe lời khen kiểu như: “Thật vinh dự được gặp ngài. Cha tôi hâm mộ ngài cuồng nhiệt”.
Cứ thế, cuộc đời Valentin trượt dốc. Những tấm poster quảng cáo phim nhỏ xíu in hình anh giờ nằm trên mặt đường, chịu mưa ướt, bị người qua đường giẫm đạp. Những tấm pa-nô quảng cáo phim khổng lồ in hình Miller giờ được trưng cao trên cửa rạp khiến Valentin phải ngước nhìn.
Bên cô giờ là bao người vây quanh; bên anh, giờ còn lại một chú chó. Còn cảnh nào vừa ấm áp vừa đáng buồn như thế, khi một người đàn ông lầm lũi đi bên một chú chó, hình ảnh đó khiến người ta vừa vui vừa buồn cho Valentin.
Khi hào quang rời bỏ anh đi, bên anh chẳng còn ai nhưng sau tất cả, anh vẫn còn một bạn đồng hành trung thành tuyệt đối, chỉ có điều, “giá mà nó biết nói”.
Những chi tiết phản ánh sự thảm hại của Valentin cứ thế tăng dần: Valentin đi cầm cố bộ cánh đỏm nhất, Valentin phải buộc tài xế nghỉ việc, Valentin phải rao bán tài sản và nhận được tin “tốt lành” - “Xin chúc mừng ngài, tất cả đồ đạc đã bán hết, ngài không còn gì!”.
Có lẽ buồn và hài nhất là khi Valentin đi xem phim, có một phụ nữ trung niên chạy lại, khi đó, Valentin hẳn đã háo hức trong lòng với niềm tin rằng một người hâm mộ đã nhận ra mình, nhưng phũ phàng thay là thực tế và bạc bẽo thay là nghề diễn viên, người ta đã quên anh thật rồi. Người phụ nữ kia chỉ vì quá thích chú chó Uggie mà chạy lại.
Để diễn tả tình trạng thảm thương nhất, người ta thường nói “đến cái bóng cũng bỏ ta đi”, đó chính là những gì mà Valentin đã trải nghiệm.
Từng một thời được tôn vinh là ngôi sao điện ảnh nổi danh ở Hollywood, giờ đây, khi anh được cứu sống khỏi ngọn lửa hung dữ, người ta chỉ còn nhắc đến anh là “một diễn viên” - “Một diễn viên điện ảnh được cứu thoát từ trận hỏa hoạn”.
Đạo diễn Hazanavicius đã viết ra những lời thoại, lời dẫn đắt giá. Mỗi câu từ đều ý nghĩa, thậm chí đa nghĩa, bởi phim câm không có chỗ cho những câu nói dài dòng, thừa thãi.
“The Artist” - Nghệ thuật của nghệ thuật
Người xem tinh ý sẽ thấy tên của Peppy Miller ban đầu bị viết sai trên poster quảng cáo phim. Khi đó, ai cần quan tâm tới cô - một diễn viên của những vai phụ. Thế rồi, khi cô nổi tiếng, ngay lập tức cái tên Peppy Miller xuất hiện trên mọi đôi môi, trong mọi câu chuyện.
Những chi tiết liên kết theo kiểu “dây xích” như vậy xuất hiện nhiều trong “The Artist”, nếu có thời gian, càng xem và phát hiện thêm, người ta sẽ càng thấy hay và ý nghĩa.
Một cảnh ở ngay đầu phim, khi Valentin vào vai một điệp viên bị tra tấn, anh đã hét lên: “Tôi không nói đâu!”. Đó chính là điều mà Valentin sẽ chứng minh trong suốt phần còn lại của “The Artist”, rằng anh quyết sẽ “không nói”, sẽ mãi là một huyền thoại phim câm.
Cảnh Miller vào thăm Valentin trong bệnh viện, cô lật xem cuộn phim mà anh đã mạo hiểm tính mạng để bảo vệ. Chi tiết đó khiến người ta nhớ về thời đại phim chiếu bóng, để thấy rằng có những thứ dù đã thuộc về quá khứ nhưng luôn đáng để người ta giữ gìn bằng mọi giá.
Vậy là, tuyên ngôn lồng trong tuyên ngôn - đạo diễn Hazanavicius làm phim đen trắng hoài cổ, khắc họa một chàng Valentin mạo hiểm tính mạng bảo vệ cuộn phim câm lỗi thời. Bởi lẽ, có những điều - sự câm lặng nói được nhiều hơn ngôn từ.
Xem đến đây, nhiều nhà phê bình đã đặt ra vấn đề, có phải Hazanavicius làm “The Artist” để “nói kháy” rằng Hollywood cũng sắp lỗi thời và xuống dốc.
Trailer phim “The Artist” (Nghệ sĩ - 2011)
Bích Ngọc
Tổng hợp