Chuyện về bộ phim đoạt Oscar từng quay tại Việt Nam

(Dân trí)- Trong những bộ phim từng được vinh danh tại giải Oscar danh giá, đã có một phim từng được quay tại Việt Nam.

Bộ phim Pháp “Indochine” (Đông Dương - 1992) của đạo diễn Régis Wargnier lấy bối cảnh khu vực Đông Dương ở thập niên 1930-1950 đã được quay tại Việt Nam. Phim từng giành được giải Oscar ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, nữ diễn viên Catherine Deneuve cũng nhận được đề cử ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Ngoài ra, phim còn giành được giải Quả Cầu Vàng ở hạng mục dành cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc.

Poster phim Đông Dương sản xuất năm 1992.

Poster phim Đông Dương sản xuất năm 1992.

Năm 1989, đạo diễn Régis Wargnier sang Việt Nam tìm bối cảnh cho bộ phim Đông Dương. Phim Đông Dương được quay tại nhiều nơi ở Việt Nam như nhà thờ Phát Diệm, Ninh Bình, đảo trên vịnh Hạ Long, và nhiều khu vực lân cận Hà Nội. Đây là đoàn phim nước ngoài đầu tiên được phép vào quay trong cung điện, lăng tẩm ở Hoàng Thành Huế. Thậm chí chính quyền địa phương còn cho phép đoàn làm phim tiến hành dàn dựng cảnh quay trong điện của Vua Bảo Đại.  

Trong phim có cảnh quay một đoạn phố dài khoảng 200m tái hiện lại quang cảnh ở Sài Gòn đầy ắp người và hàng quán, trên thực tế cảnh quay này lại được dàn dựng và thực hiện trong một mỏ thiếc bỏ hoang ở...  Malaysia trong thời gian 7 ngày.

Phim lấy bối cảnh tại Việt Nam trong những năm 1930.


Phim lấy bối cảnh tại Việt Nam trong những năm 1930.


Phim lấy bối cảnh tại Việt Nam trong những năm 1930.

Phim lấy bối cảnh tại Việt Nam trong những năm 1930.

Trong phim, nữ diễn viên người Pháp Catherine Deneuve và diễn viên người gốc Việt- Phạm Linh Đan đã rất ăn ý khi diễn xuất cùng nhau. Catherine vào vai Éliane Devries mẹ nuôi của Camile do Linh Đan đóng. Họ đã cùng nhau sống bình lặng tại Việt Nam trong những năm tháng thực dân Pháp đô hộ cho tới khi gặp viên sĩ quan hải quân trẻ tuổi Jean-Baptiste Le Guen (do Vincent Perez thủ vai). Tình yêu của đôi trẻ khiến cuộc sống của cả ba người bị xáo trộn, kéo theo đó là những diễn biến bất ngờ khiến cho mỗi người phải đi theo những con đường khác nhau. Cuối cùng khi hai mẹ con đoàn tụ cũng là khi chiến tranh tại Việt Nam kết thúc.
 
Bộ phim lập tức gây tiếng vang ngay sau khi công chiếu. Phim khiến cả thế giới có một cái nhìn khác về Việt Nam và cuộc chiến đã đi qua.

Trong một lần trở lại Việt Nam, đạo diễn phim Đông Dương- ông Régis Wargnier từng có cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí. Trong buổi trò chuyện, khi trả lời về lý do tại sao đạo diễn từng cất công sang Việt Nam làm phim "Đông Dương", ông Wargnier chia sẻ: "Trước đây, ông bà của tôi đã từng có thời gian ở Việt Nam. Cha tôi cũng từng là một người lính tham gia chiến tranh tại Việt Nam. Nhưng đó không phải là lý do khiến tôi làm phim Đông Dương, tôi ấp ủ bộ phim này là vì với điện ảnh, tôi thấy Việt Nam hiện lên trong sự hiểu biết của nhiều người toàn là những hình ảnh về chiến tranh. Tôi muốn thay đổi cách nhìn nhận ấy về Việt Nam".
 
Những cảnh quay tại Việt Nam


Những cảnh quay tại Việt Nam


Những cảnh quay tại Việt Nam
Những cảnh quay tại Việt Nam
 
Ông Régis Wargnier bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm, những ngày quay Đông Dương tại Việt Nam. Régis Wargnier chia sẻ: "Việt Nam đã thay đổi rất nhiều sau 18 năm. Tôi có dành thời gian đi dạo trên đường phố Hà Nội và nhận thấy chỉ có sự thân thiện và lòng hiếu khách của các bạn là vẫn như xưa, còn lại tất cả đã thay đổi, từ không gian đến cơ sở hạ tầng. Tôi vẫn còn nhớ, năm 1989 khi lần đầu tiên tôi tới Việt Nam, tôi gặp rất ít khách du lịch nước ngoài. Nhưng bây giờ đã khác hẳn, Việt Nam đang thu hút một lượng lớn khách du lịch đến từ khắp các nước trên thế giới, trong đó có cả các doanh nhân và các chính khách. Điều đó chứng tỏ các bạn đang rất tiềm lực!".
 
Đạo diễn Đông Dương nhớ cả những người bạn Việt Nam cũ, những người đã giúp ông trong những ngày làm phim tại Việt Nam: "Hôm qua chúng tôi đã có dịp ngồi lại cùng nhau, cùng ăn một bữa tối, cùng trò chuyện về những đổi khác… Tôi có cảm giác dường như chúng tôi chưa bao giờ xa cách cả, những người bạn Việt Nam của tôi họ vẫn rất nhiệt tình, thân thiện. Ông Nguyễn Lân Trung- 18 năm trước đây ông đã giúp tôi phiên dịch trong quá trình làm phim. Ông ấy vẫn như xưa dù công việc đã nhiều thay đổi. Và một người bạn nữa cũng khiến tôi rất ngạc nhiên, đó là ông Lê Tiến Thọ. Khi tham gia phim của tôi, ông ấy là trưởng đoàn Tuồng cổ của Việt Nam, hiện giờ- như tôi được biết, ông Thọ đã là Thứ trưởng Bộ Văn hoá- Truyền thông và Thể thao của các bạn (cuộc trò chuyện diễn ra khi ông Lê Tiến Thọ chưa về hưu). Bạn thấy đấy, những người bạn Việt Nam của tôi đã có những thay đổi về công việc, về chức vụ, nhưng khi chúng tôi ngồi bên nhau, những kỷ niệm ngày làm phim Đông Dương vẫn còn nguyên vẹn, và thật sự tôi đã có cảm giác, chúng tôi chưa bao giờ xa nhau".

 
Phan Hạnh- Bích Ngọc
Tổng hợp
Dòng sự kiện: Oscar 2014

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm