"Mẹ kế" bạo hành bé gái 8 tuổi tử vong: Con trở thành bao cát để trút giận?

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - "Đọc thông tin và nhìn hình ảnh về bé gái, hình dung về quá trình mà em phải chịu đựng, tôi giống như bị cứa gan ruột, cảm giác đau đớn, uất ức đến nghẹt thở", ca sĩ Thái Thùy Linh chia sẻ.

Vụ việc bé gái T.T.V.A. (8 tuổi, TPHCM) bị "mẹ kế" đánh đập, bạo hành đến chết khiến dư luận phẫn nộ.

Cụ thể, ngày 28/12, Công an quận Bình Thạnh (TPHCM) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với V.N.Q.Tr. (26 tuổi, vợ sắp cưới của bố bé gái, trú tỉnh Gia Lai) về tội hành hạ người khác.

Tr. khai nhận nhiều lần dùng roi mây đặt mua trên mạng để đánh đập bé V.A. khiến cơ thể nạn nhân có nhiều vết bầm tím mới, cũ. Thậm chí, những khi roi mây gãy, Tr. còn dùng gậy gỗ để đánh bé A…

Trước vụ việc đau lòng, ca sĩ Thái Thùy Linh, người hoạt động vì cộng đồng chia sẻ góc nhìn riêng với PV Dân trí:

Hai ngày đã trôi qua kể từ khi biết tin về vụ việc phải nói quá kinh hoàng này, tôi mới đủ bình tĩnh để chia sẻ. Cảm giác rất đau xót và tuyệt vọng. Vì tôi biết, dù có bao nhiêu người lên tiếng thì cũng không còn có thể cứu được bé hay có bất kỳ tác động nào nữa.

Thú thực để chửi rủa, kết tội thì cả xã hội đang làm rồi. Lâu lắm, lại có câu chuyện gây phẫn nộ dâng cao trong dư luận như thế này. Một số bạn bè của tôi, một số phụ nữ bình thường rất cẩn trọng lời ăn tiếng nói, đầy tình thương yêu, sống hiền hòa thì đến hôm nay đã phải buông ra những lời không muốn nói. Họ không thể nhịn được. Tôi nghĩ nhiều bà mẹ sẽ giống mình, khi đọc thông tin và nhìn hình ảnh về bé gái, hình dung về quá trình mà em phải chịu đựng thì giống như bị cứa gan ruột, cảm giác đau đớn, uất ức đến nghẹt thở. Một bé gái không có khả năng tự vệ đã phải chịu đựng những thứ kinh khủng trong một thời gian dài.

Mẹ kế bạo hành bé gái 8 tuổi tử vong: Con trở thành bao cát để trút giận? - 1

Người thân làm lễ tưởng niệm cháu A. vào tối 27/12 (Ảnh: A.X.).

Qua vụ việc này, tôi thấy có những vấn đề nổi cộm sau:

Thứ nhất là nạn bạo hành trong gia đình. Không chỉ riêng trẻ em, phụ nữ mà cả những người già cũng có thể bị bạo hành trong gia đình. Nạn nhân luôn là những người yếu thế, không có hoặc ít khả năng tự vệ. Nhức nhối nhất là nạn bạo hành trẻ em, khi những người làm cha làm mẹ tự cho mình cái quyền dạy dỗ con theo cách mình muốn, mình cho là đúng. Tiện tay là vớ cái chổi, tiện tay là tát, là ném, đấm đạp…để xả cơn tức giận của mình, nhân danh 2 chữ "dạy con".

Vụ việc này cũng là dịp để chúng ta nhìn lại Luật Bảo vệ trẻ em. Tôi để ý trên mạng có hai luồng bình luận: Người trong nước bày tỏ sự bất bình, đau đớn và phẫn nộ. Còn những người Việt sống ở nước ngoài thì đưa ra các câu chuyện rằng, nơi họ sống chỉ cần có người kêu cứu, hay bố mẹ lỡ tay làm con đau là cảnh sát lập tức hỏi thăm rồi. Luật pháp của họ đã làm được việc là bảo vệ trẻ em thực sự chặt chẽ, kịp thời. Tôi cảm thấy ngậm ngùi khi nghĩ đến những trường hợp trẻ bị bạo hành ở nước mình. Nhiều em đã sống chung với bạo hành nhiều năm, có khi là suốt thời thơ ấu của mình.

Ngày nhỏ, chuyện trẻ con ra đường bị người lớn cho ăn vả, bắt nạt.. vẫn có, nhưng hầu như bây giờ không thấy nữa. Bởi, ai cũng biết đánh trẻ con nhà người khác thì việc đầu tiên là bố mẹ nó sẽ đến hỏi thăm mình. Thứ hai là ai cũng biết thế là vi phạm pháp luật.

Nhưng đằng sau cánh cửa những ngôi nhà, chuyện gì đã xảy ra? Lại là câu chuyện khác. Là "việc riêng", là chuyện "tế nhị", là cái văn hóa "có gì về nhà "đóng cửa bảo nhau" của người Việt, mà một khi cửa đã đóng lại thì đừng có ai "xía vào".

Hôm nay, tôi nhìn thấy bức ảnh người ta rao bán cái roi mây ở trên các sàn thương mại điện tử, trời ơi, trong giây lát tôi thấy như quay về thời trung cổ. Sàn giao dịch thương mại điện tử - dấu hiệu của sự văn minh, lại bán cái roi mây dậy trẻ. Trời ơi, kinh khủng quá! Điều đáng báo động ở đây là khi cái roi đánh trẻ được rao bán rộng rãi, thì chứng tỏ có nhiều người trong xã hội coi chuyện đấy là bình thường.

Trẻ em như búp trên cành, nhưng nhiều cái búp non lại bị đối xử kinh khủng quá. Liên tiếp vụ việc này rồi đến vụ việc khác, dư luận đồng loạt lên tiếng bất bình xong đâu lại vào đấy. Tôi chưa thấy thay đổi gì nhiều trong cách bảo vệ trẻ em. Nên chăng, bây giờ là lúc chúng ta phải sửa đổi Luật, nâng cao các mức độ bảo vệ trẻ em. Để mọi người đều tham gia bảo vệ trẻ em chứ không trao quá nhiều quyền lực vào các gia đình.

Nhiều lúc tôi băn khoăn, liệu đây có phải là vùng nhạy cảm, người ta còn né, chưa thẳng thắn, chưa quyết liệt để bàn luận và thay đổi? Có khi nào, cả những người làm ở những cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em cũng không phản đối việc dạy con bằng roi vọt hay không? Thực sự quá nhức nhối mà không hề có sự phân định rõ ràng bởi luật pháp, rằng dạy con đến mức nào thì được phép? Đến mức nào được coi là hành hạ, bạo hành?

Thứ hai, về phía các bậc làm cha mẹ. Gần đây, tôi suy nghĩ nhiều về câu chuyện: chúng ta có được học, được dạy làm cha làm mẹ hay không? Tôi nhận thấy chất lượng hôn nhân ở Việt Nam giờ rất thấp. Facebook tưởng là nơi để người ta mở mang, hiểu biết, con người sẽ văn minh, nhân văn hơn vì được mở rộng hiểu biết, và có nhiều cách hơn để bày tỏ yêu thương. Nhưng ngược lại, đằng sau sự hoa mỹ trên Facebook đôi khi là những sự thật trần trụi, ví dụ như câu chuyện này. Một gia đình tưởng như hạnh phúc khi trước ngày Noel còn khoe ảnh quây quần trang trí cây thông, mà có ai ngờ...

Tôi muốn nói đến cả 3 người: bố, mẹ ruột cháu bé và người phụ nữ đến sau. Bố mẹ ruột của cháu bé và cả cô gái kia nữa, họ có được học để sẵn sàng cho hôn nhân hay không?

Người mẹ đã không biết, không hiểu hết quyền của mình. Theo thông tin trên báo chí, chị ấy đã không được gặp con cả năm trời, mẹ con họ bị tước đoạt quyền cơ bản nhất là được gặp nhau. Nhưng chị ấy khi bị đe dọa cấm ngăn thì đã không biết làm gì hơn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và con trẻ. Nếu gặp phải người không thể đối thoại được thì nhờ đến cơ quan chức năng, ngoài cơ quan chức năng còn có người thân, bạn bè, mạng xã hội. Thật quá phi lý và bất công khi chấp nhận bị mất quyền gặp con, ngay giữa một thành phố văn minh, mà không thể làm gì.

Người cha, tôi cảm nhận người đàn ông này không nhận nuôi con vì tình yêu thương. Có thể anh ta nuôi vì… sĩ diện, để chứng tỏ mình là người có trách nhiệm, hoặc những lý do nào đó, chứ nhất định không phải giành nuôi vì tình cảm với con.

Hoặc giả như, ban đầu người đàn ông cũng có chút tình thương, nhưng đến khi có bạn gái thì đứa trẻ trở thành gánh nặng. Thay vì sống cuộc sống vợ chồng son với bạn gái mới thì đứa trẻ lại như cái gai trong mắt, càng ngày càng thấy ghét, thấy khó chịu với con.

Còn cô gái kia, bên cạnh sự phẫn nộ, không thể dung thứ cho tội ác cô gây ra thì tôi vẫn có chút thương hại. Bởi, với tuổi đời như vậy, chắc chắn cô ta chưa có kinh nghiệm để sống chung với người đàn ông cùng con riêng của anh ta. Sẽ có nhiều hờn ghen, những bực bội khi phải chăm sóc, bị làm phiền, biết đâu đấy có cả sự tức giận với mẹ bé và mọi tức giận đã được trút vào đứa trẻ. Khi tâm lý chán ghét đứa trẻ ngày càng lớn, lại không nhận được sự ngăn cản từ bố cháu bé nên cô ta càng không nương tay... Đây hoàn toàn không phải việc một phút nóng giận quá tay dẫn đến ngộ sát cháu bé. Mà 2 con người độc ác ấy đã dồn hết, xả hết sự khó chịu vào đứa trẻ như thể nó là một cái bao cát. Cứ nghĩ đứa trẻ mãi ở đấy cho mình đấm, không ngờ là cháu bé tử vong.

Chúng ta đã không được học để bước vào hôn nhân, học làm cha mẹ. Tất cả dựa vào bản năng là chính. Đây cũng là lúc nên nhìn nhận lại vấn đề này. Từ lâu chúng ta đã né tránh, từ việc nói chuyện giới tính với các con, xem nhẹ, thờ ơ bỏ qua việc dạy giới tính với các con. Nhiều phụ huynh cứ cái gì không thích là cấm, mà không giải thích cho con hiểu.

Cá nhân tôi, có con gái, có con trai. Tôi luôn xác định, nếu không tìm được lớp học thì chính tôi sẽ phải tự soạn "giáo án" để dạy con tôi những điều hay dở, mặt phải trái của cuộc hôn nhau sau này…

Thứ ba, tôi và nhiều người muốn đặt câu hỏi: Những hội, ban ngành, những người bảo vệ bà mẹ và trẻ em đang ở đâu sau những cuộc họp hành và hội thảo? Có quá nhiều vụ việc đau lòng xảy ra, nhưng cụ thể nhìn thấy vai trò những hội đoàn trong cuộc sống, trường hợp cụ thể, tôi không thấy nhiều…

Nhiều trẻ em nơi tôi sống không chỉ bị roi vọt, mà còn bị bạo hành tinh thần nhiều. Cứ ra cổng trường ở Hà Nội vào giờ ăn sáng sẽ thấy luôn, trẻ bị bạo hành như thế nào? Nhiều bé bị sỉ vả, bị chửi là "con bò", "con chó", bị tát... ngay giữa đường giữa chợ chỉ vì không vừa lòng người lớn. Nhiều bé vừa nuốt đồ ăn vừa khóc trong tiếng chì chiết rủa xả của người nhà. Các cơ quan chức năng có biết, có hiểu đó chính là bạo hành con trẻ?

Nhiều gia đình bất hòa, xô xát, có bao gia đình có may mắn được cán bộ đến giúp đỡ? Hay chỉ đến khi ly hôn, mới xuất hiện ban hòa giải để làm cho đủ thủ tục? Bản thân tôi từng trải qua chuyện ly hôn, nói thật, người ta gặp hỏi cho có thôi. Các hội ban ngành đã ở đâu?

Với vụ việc cháu bé, tôi thử tìm số đường dây nóng của một tổng đài bảo vệ trẻ em nhưng bên kia dây là người phụ nữ nhấc máy với âm lượng gần như quát. Và tôi phải nói rất to, đầu dây bên kia mới nghe thấy. Có cảm giác chị đang phân tâm vì việc khác chứ không thật sự lắng nghe tôi nói. Nếu không phải tôi mà là một đứa trẻ đang run rẩy, đang sợ hãi, hoang mang gọi đến tổng đài để cứu nó, thì nó liệu dám nói gì khi nghe giọng nói kia? Tại sao không phải là một giọng nhẹ nhàng, để người cần trợ giúp được cảm thấy yên tâm giãi bày, kêu cứu?

Thứ tư là về bức tranh xã hội: Tôi nhớ có câu đại ý rằng, thế giới sẽ tồi tệ đi không chỉ bởi những người độc ác mà còn bởi cả sự im lặng của những người tốt.

Có phải chúng ta đang sống quá thờ ơ, chạy theo giá trị của vật chất? Chúng ta sống theo kiểu bo bo cho mình ,tránh mọi phiền hà, sống chết mặc bay? Có nhiều người chỉ liên quan đến lợi ích bản thân mới lên tiếng, im thin thít khi cần lên tiếng bảo vệ lẽ phải. Trong khi, họ sẵn sàng miệt thị những người không giống mình, không đồng quan điểm với mình…

Nói đâu xa, tôi là người hoạt động vì cộng đồng nhưng câu thường xuyên tôi nhận được là "sao em rách việc thế? Sao em dỗi hơi thế? Sao chị làm mấy việc này làm gì cho mệt người?" Đôi khi bản thân còn bị chế giễu khi lên tiếng vì những bất công mình không gặp phải. Người ta cũng không thiếu gì những lời lẽ cay độc để xả vào người khác, hoặc giễu nhại những người lên tiếng là "đu trend" để nổi tiếng.

Tôi mong sao sau sự ra đi của em sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh, khiến mọi người suy nghĩ, mở lòng, sẽ hành động quyết liệt, cụ thể hơn để không xảy ra những vụ việc thương tâm như thế này.

Chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Vũ Việt Anh xót xa nói: "Là một người cha, tôi vô cùng đau xót với câu chuyện của cháu bé. Xin chia buồn cùng gia đình cháu. Bạo lực gia đình hiện nay đã trở thành một vấn nạn của xã hội, theo một thống kê của Unicef: Kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình. Các hình thức bạo lực có tính nghiêm trọng ngày càng gia tăng. Việc bạo hành dẫn đến cái chết thương tâm của cháu bé 8 tuổi vừa rồi là một tội ác không thể tha thứ".