Vụ bé gái 8 tuổi tử vong do "mẹ kế" bạo hành: Vai trò của người bố ở đâu?
(Dân trí) - Vụ việc bé gái T.T.V.A. (8 tuổi) bị "mẹ kế" đánh đập đến chết ngay trước ngày Giáng sinh tại TP.HCM gây sốc và căm phẫn từ dư luận và cho rằng vai trò của người bố ở đâu?
Liên quan đến sự việc này, ngày 27/12, công an quận Bình Thạnh, TP.HCM bắt khẩn cấp đối tượng V.N.Q.Tr. (26 tuổi, vợ sắp cưới của bố bé gái, trú tỉnh Gia Lai). Tại cơ quan công an, Tr. thừa nhận đã bạo hành cháu V.A. dẫn đến tử vong.
Ngay sau khi chân dung người "mẹ kế" cùng lời kể của hàng xóm về những trận đòn roi mà bé phải hứng chịu được hé lộ, nhiều người cảm thấy vô cùng xót xa, căm phẫn.
"Sinh ra con, nhưng nhiều người không biết làm cha mẹ"
Phụ huynh Đoàn Thị Nga (Hải Phòng) bày tỏ, bé gái 8 tuổi tử vong nghi do "mẹ kế" bạo hành là sự việc gây ám ảnh và đau đớn. Cháu bé ra đi trước ngày Giáng sinh - khoảng thời gian đáng ra mọi đứa trẻ sẽ được cha mẹ yêu thương, chiều chuộng; cùng với những nỗi đau trên cơ thể bị hành hạ và sự lạnh lẽo, cô đơn trong lòng.
"Đau xót quá! Sống trong căn hộ cao cấp, nhưng bé lại chịu sự ghẻ lạnh, tủi hờn; thậm chí còn không được gặp mẹ ruột để nghe những lời vỗ về, yêu thương trong hơn một năm qua.
Tám tuổi - độ tuổi của sự hồn nhiên, ngây thơ, được sống trong sự bao bọc của bố mẹ, được học hành, vui chơi… thì cháu bé này phải sinh hoạt hàng ngày như một cái máy với danh mục việc nhà do nhân tình của bố giao.
Khoảng thời gian qua, chắc cháu bé phải đau khổ và lo lắng nhiều lắm mà không thể chia sẻ cùng ai. Tuổi thơ bé bất hạnh quá, mong bé sẽ an nhiên ở "thế giới" bên kia".
Trong khi đó, không chỉ thương xót, phụ huynh Lê Hải Nam còn bày tỏ sự phẫn nộ khi chứng kiến hình ảnh chụp lại những vết bầm tím trên cơ thể cháu bé được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
"Nhìn những vết thương trên người con mà thật xót xa. Chẳng hiểu sao, nhiều người lớn - với tư duy trưởng thành và đủ năng lực hành vi, vẫn cứ dạy trẻ theo kiểu "thương cho roi cho vọt".
Dù có áp lực, phiền muộn đến mấy, cũng đừng biến trẻ thành phương tiện để sai bảo, trút giận hay đánh cho sướng tay. Không thể chấp nhận được hành vi bạo lực trẻ, nhất là trong xã hội văn minh".
Phụ huynh này chia sẻ thêm, nhìn hình ảnh "bảng phân công" dành cho cháu bé, anh không khỏi "giật mình" vì khối lượng công việc dày đặc mà bé phải làm trong ngày, từ học bài, trả bài (chiếm phần lớn thời gian) đến hút bụi, đổ rác, lau bàn thờ Phật, lau bàn ghế, lau bàn học, giặt đồ, sấy đồ, xếp đồ...
"Tôi cũng thắc mắc là những người lớn trong gia đình ấy, họ thờ Phật làm gì? Thờ Phật để hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, nhưng họ lại liên tục hành hạ, đánh đập một đứa trẻ. Phải độc ác, mất nhân tính đến cỡ nào, người ta mới làm một điều như vậy".
Là một bà mẹ đơn thân, đồng thời là một nhà giáo, cô T.H. (giáo viên Ngữ Văn tại Nam Định) chia sẻ, nếu phẫn nộ với hành vi tàn nhẫn của "mẹ kế" một thì sự dửng dưng của người bố còn đáng trách gấp mười.
Nhà giáo này cho hay, cô không hiểu tại sao có kẻ làm cha mà không bảo vệ con gái ruột của mình khỏi hành vi đánh đập của một "kẻ hờ". Vụ việc xảy ra trong thời gian dài, do đó, người bố không thể không biết. Đó chính là sự dung túng, thậm chí tiếp tay cho hành động của quỷ dữ.
"Sinh ra là con người, nhưng không phải ai cũng sống như con người. Sinh ra những đứa trẻ, nhưng nhiều người lại không biết làm cha mẹ.
Nếu vợ chồng chia tay, người bố cảm thấy không đủ yêu thương và chăm lo con ruột thì tốt nhất đừng nên tranh giành quyền nuôi con với người mẹ. Đến người lạ còn có tình người thì không hiểu sao cha cháu lại để sự việc đau lòng xảy ra? Những lúc bé bị hành hạ, người cha đang làm gì, ở đâu?
Mong rằng pháp luật sẽ mạnh tay nghiêm trị những kẻ bất nhân, coi thường mạng sống của một đứa trẻ. Không chỉ "mẹ kế" mà chính người cha cũng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật và bản án lương tâm".
Quan sát tâm lý để "cứu" trẻ khỏi "vùng tối"
Nhiều ý kiến cho rằng, cái chết của cháu bé còn là bài học đau đớn cho tất cả mọi người, từ các bậc phụ huynh, những người hàng xóm, cho tới giáo viên hay các tổ chức đoàn thể.
Nhà giáo T.H. cho biết, trên thực tế, nhiều ông bố, bà mẹ cảm thấy không thể hòa hợp nên đã quyết định ly hôn. Tuy nhiên, bên cạnh những phụ huynh chấp nhận "chia tay trong hòa bình", cùng nhau chia sẻ nỗi lo con cái cho dù đã có cuộc sống riêng; thì một bộ phận cha mẹ lại giành con như giành một món đồ, nhưng khi có được thì lại bỏ mặc, không yêu thương, chăm sóc…
"Do đó, với các ông bố, bà mẹ sau khi ly hôn, chẳng may rơi vào trường hợp mất quyền nuôi con, thì xin đừng im lặng chấp nhận. Hãy dùng đến luật pháp, nhờ đến bạn bè, thậm chí mạng xã hội… để có thể thực hiện quyền nuôi dưỡng, hay ít nhất thì cũng là quyền thăm nom, biết con sống ra sao".
Ở một góc nhìn khác, cô Lê Thị Chuyên (giáo viên môn GDCD, Hà Nội) mong muốn, qua vụ việc đáng buồn này, nhiều người sẽ dũng cảm hơn trong việc "can thiệp" vào vấn đề vợ chồng, con cái của gia đình khác.
"Can thiệp ở đây không phải là tò mò, soi mói đời tư; mà chính là sự lên tiếng đúng lúc khi thấy dấu hiệu bất thường trong việc giáo dục trẻ của một gia đình nào đó.
Khi nào chúng ta không còn ai chấp nhận lý lẽ "đây không phải việc của mình" khi phát hiện có người phụ nữ và trẻ em có bị bạo hành; từ đó nói lên tiếng nói của mình với cơ quan chức năng và đấu tranh đến tận cùng, thì bạo lực trẻ em, bạo lực gia đình mới được ngăn chặn. Hãy học cách quan tâm đến người bên cạnh mình, trong làng, trong xóm một cách văn minh, mang tính tốt đẹp".
Cũng theo cô Chuyên, những thầy cô, người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cũng cần quan tâm đến tâm lý học trò để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Đặc biệt, trong thời gian học trực tuyến, nhiều trẻ gặp vấn đề về tâm lý do không được đến trường gặp thầy cô, bạn bè; việc ở nhà 24/7 cũng dễ xảy ra những mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa bố mẹ, con cái; thậm chí, nhiều phụ huynh do áp lực cuộc sống, nên đã tìm đến đòn roi như một phương pháp để dạy dỗ, trút giận lên con…
"Tâm lý của trẻ là một vấn đề rất cần nhận được sự quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường học, thầy cô mới chỉ lo chạy cho kịp chương trình, đủ kiến thức, chưa chú ý đến đời sống tinh thần của học sinh.
Do đó, tôi cho rằng, dù là học trực tiếp hay học trực tuyến, thầy cô và nhà trường cũng cần quan tâm hơn đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Sự quan tâm này có thể đến từ sự theo dõi hành vi của trẻ khi trẻ lên lớp.
Tham dự một số buổi tư vấn tâm lý học đường, tôi được biết, nếu trẻ có những biểu hiện như buồn bã, lên lớp ngủ gật, kết quả học tập giảm sút, đặc biệt là xuất hiện vết thương trên cơ thể (tuy nhiên cần sự quan sát tinh tế của giáo viên) thì rất có thể đây là dấu hiệu của việc trẻ bị bạo hành hay gặp vấn đề về tâm lý. Thầy cô hãy tìm cách gợi mở, trò chuyện để trẻ mạnh dạn bày tỏ khó khăn của mình".
Ngoài ra, theo cô Chuyên, thay vì những tiết sinh hoạt nặng nề về khiển trách, thầy cô cần thay đổi, biến tiết sinh hoạt thành khoảng thời gian để cô trò cùng trò chuyện, từ đó mới nắm được vấn đề của các con. Thêm vào đó, mỗi nhà trường cần chú trọng hơn đến công tác tư vấn tâm lý học đường, nhất là trong giai đoạn trẻ trở lại trường sau thời gian dài giãn cách.
"Bên cạnh cha mẹ, thầy cô chính là người tiếp xúc nhiều với trẻ. Do đó, cần sự quan tâm đến từ phía giáo viên để phát hiện những vấn đề tồn tại trong lòng con trẻ.
Sự phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường sẽ tăng thêm cơ hội "cứu" những đứa trẻ khỏi "vùng tăm tối". Nếu cứ mãi thờ ơ, vô can, những việc thế này cũng sẽ chỉ là bản tin khiến dư luận đau đớn vài ngày, rồi biết đâu, thời gian về sau, sẽ lại có vụ việc trẻ bị bạo hành đầy thương tâm khác" - cô Chuyên nhắn nhủ.