Mặc bikini bán hàng, rót bia: Văn hóa bị lấn lướt bởi thị hiếu tầm thường?

(Dân trí) - “Mặc bikini không xấu nếu mặc đúng chỗ như: bãi biển, bể bơi, cuộc thi nhan sắc, còn ở quán ăn, nhà hàng, siêu thị thì ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, cần phải lên án mạnh mẽ...”, nhà văn Trần Thị Trường thể hiện quan điểm trước vụ việc đang gây ồn ào dư luận.

Bất chấp tất cả vì lợi ích đồng tiền?

Ngày 28/4, tại một siêu thị điện máy trên đường Phạm Hùng, Hà Nội xuất hiện 5 năm cô gái trẻ trong trang phục bikini “mát mẻ” đang tiếp thị sản phẩm. Để thu hút khách hàng, các cô gái này sẵn lòng ra tận khu vực sân gửi xe để tiếp đón khách hàng đến tham quan, mua sắm sản phẩm. Những hình ảnh “lạ mắt” này thu hút nhiều ánh mắt hiếu kỳ và gây cảnh nhốn nháo, ùn tắc cả một đoạn đường trước siêu thị.

Trước phản ánh của người dân và báo chí, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đã vào cuộc, xem xét mức độ vi phạm của siêu thị này và ra quyết định xử phạt “kịch khung” đối với vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo: 40 triệu đồng.

Vụ việc mặc bikini đón khách, bán hàng tại siêu thị gây xôn xao dư luận
Vụ việc mặc bikini đón khách, bán hàng tại siêu thị gây xôn xao dư luận

Cứ nghĩ hành động quyết liệt của cơ quan quản lý nhằm răn đe sự việc tái diễn, nhưng không, mới đây, một nhà hàng khu vực Cầu Giấy, Hà Nội lại xuất hiện một dàn nhân viên nữ trong trang phục... áo tắm đứng phục vụ thực khách đến ăn uống. Những nữ nhân viên này mặc đồ bikini mát mẻ thoải mái đi lại rót bia, bưng đồ ăn cho khách trong ánh mắt tò mò pha lẫn ngại ngùng của nhiều người...

Ngay khi sự việc xảy ra, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đã có buổi làm việc với đại diện nhà hàng và đang xem xét đưa ra hình thức xử phạt cao nhất đối với vi phạm của nhà hàng này.

Trước “hiện tượng xã hội” này, ngay khi thông tin được đăng tải nhiều độc giả của báo Dân trí thể hiện sự bức xúc. “Thật nhố nhăng, vì tiền, vì lợi nhuận mà có kẻ làm tất cả, không còn gì là thuần phong mỹ tục, chóng tàn thôi”, độc giả Trần Lực cảm thán.

Cảnh nhân viên mặc bikini rót bia cho khách
Cảnh nhân viên mặc bikini rót bia cho khách

Liên tiếp diễn ra hình ảnh nhân viên mặc bikini tiếp thị sản phẩm, bưng đồ ăn phục vụ khách không chỉ ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, theo độc giả Đỗ Song Toàn và Phạm Minh Tâm “những hành vi sai phạm này còn có thể kéo theo rất nhiều nguy cơ tiêu cực cho xã hội.”

“Ở đây chẳng có ai là tự nguyện làm như thế. Tất cả vì lợi ích đồng tiền. Chủ cửa hàng thì lợi dụng mỹ nhân kế câu khách, những phụ nữ này thì vì tiền mà làm vậy. Thù lao cao hơn khi mặc quần áo kín người mà”, độc giả Đỗ Song Toàn nhận xét.

Một độc giả khác lại đưa ra ý kiến: “Tuy giờ là thời kỳ đổi mới, chạy đua theo thị trường, theo thị hiếu khách hàng nhằm quảng cáo. Nhưng theo tôi xét về luật đã không đúng, xét về lý thì không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Nó sẽ làm hỏng và tha hóa đạo đức và nhân cách con người...”

“Văn hóa đang bị lấn lướt bởi thị hiếu tầm thường”

Trước hiện tượng này, một câu hỏi được đặt ra là: Việc bất chấp tất cả- kể cả việc phô diễn thân thể ở nơi không phù hợp, chấp nhận tai tiếng để đạt được mục đích quảng cáo, lợi nhuận như những trường hợp này thể hiện sự xuống cấp của văn hóa, đạo đức? Con người ta ngày càng coi nhẹ giá trị bản thân- giá trị thẩm mỹ để mưu cần vật chất và sự nổi tiếng?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhà văn Trần Thị Trường phải dùng hai từ “tệ quá” để nói về hiện tượng siêu thị, nhà hàng tại Hà Nội sử dụng nhân viên mặc bikini bán hàng, bưng đồ ăn phục vụ khách.

Nhà văn Trần Thị Trường cho rằng cần lên án mạnh mẽ những ý tưởng kinh doanh phản văn hóa thiếu thẩm mỹ trên.
Nhà văn Trần Thị Trường cho rằng cần lên án mạnh mẽ những ý tưởng kinh doanh phản văn hóa thiếu thẩm mỹ trên.

“Tôi không ngờ cuộc sống vẫn còn có những người bất chấp tất cả để đạt mục đích như vậy”, nhà văn Trần Thị Trường nói.

Bà chia sẻ: “Mặc bikini không xấu nếu mặc đúng chỗ như: bãi biển, bể bơi, cuộc thi nhan sắc, còn ở quán ăn, nhà hàng, siêu thị thì ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục.

Các em gái mặc bikini ở quán ăn, phục vụ đồ ăn, đồ uống cho khách (dù nhà hàng đó ở gần bãi biển cũng là không ổn nữa là ở nhà hàng ngay Hà Nội, những không gian văn hóa không dành cho người tắm biển) hãy về hỏi cha mẹ anh chị em của mình xem, họ có xấu hổ thay cho các em không, có đau lòng nhìn các em mang thân thể của mình phơi ra trước đông người như vậy không?

Còn các thực khách? Các thực khách có vui lòng với màn ra mắt phản cảm ấy không? Có bước chân vào lần sau không khi biết rằng cả chủ cửa hàng lẫn nhân viên của họ là những người bất chấp lẽ phải, bất chấp đạo lý, bất chấp thuần phong mỹ tục người Việt? Các ông bố bà mẹ, các bà vợ, chị gái em gái có vui lòng khi con em mình là khách của cái cửa hàng ấy không?”

Theo nhà văn Trần Thị Trường thì cần lên án mạnh mẽ doanh nhân có ý tưởng kinh doanh bằng những chiêu trò, nhất là chiêu trò phản văn hóa thiếu thẩm mỹ. Sau đó đến những nhân viên đã chấp nhận bán rẻ hình ảnh của mình.

“Mức phạt 40 triệu sẽ là không đủ, mà còn cần đến sự chỉ trích của cộng đồng. Có như thế mới vãn hồi được một nền văn hóa của chúng ta đang bị xuống cấp bởi những quan niệm nông nổi, và bởi những thị hiếu tầm thường lấn lướt”, nhà văn Trần Thị Trường khẳng định.

Nguyễn Hằng