Lý Hải - Người dựng "cơ đồ trăm tỷ" của phim Việt nhưng vẫn bỏ lỡ một điều!
(Dân trí) - "Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh" đã vượt mốc 211 tỷ đồng tối 8/5. Với đà này, phim hoàn toàn có thể chạm mốc 300 tỷ đồng. "Bí quyết của Lý Hải là gì?" đến nay vẫn là câu hỏi thú vị trong giới làm phim.
Charlie Nguyễn, Ngô Thanh Vân đối mặt rủi ro, Lý Hải thì không?
Tính đến nay, cả 6 phần của Lật mặt đã đạt doanh thu gần 800 tỷ đồng, trở thành phim thương hiệu (franchise) ăn khách nhất mọi thời đại tại Việt Nam. Dù đã biết sức hút của thương hiệu này, bản thân tôi cũng ngạc nhiên trước độ nóng của Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh.
Khởi chiếu vào dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, Lật mặt 6 của Lý Hải không những bỏ xa đối thủ Con Nhót mót chồng của Vũ Ngọc Đãng mà còn "đè bẹp" bom tấn Guardians of the Galaxy 3 đến từ Marvel. Tốc độ tăng trưởng doanh thu tại phòng vé (tính theo ngày) của Lật mặt 6 chỉ đứng sau Bố già và Nhà bà Nữ của Trấn Thành. Và đến hiện tại, sau 10 ngày ra rạp, tác phẩm này đã vào top 3 phim ăn khách nhất mọi thời đại tại Việt Nam.
Sức hấp dẫn của loạt phim Lật mặt cho thấy, một mặt, Lý Hải là thương hiệu đã được bảo chứng. Anh là nhà làm phim thương mại hiếm hoi ở Việt Nam mà độ nóng của đạo diễn lớn hơn bất cứ một ngôi sao nào xuất hiện trong phim. Nói cách khác, Lý Hải chính là "ngôi sao" lớn nhất của loạt phim này. Anh được lòng giới truyền thông và khán giả, chưa bao giờ dính vào những vụ thị phi, scandal. Khán giả của anh có cả nông dân lẫn thị dân, từ nông thôn tới thành thị.
Mặt khác, theo dõi suốt chặng hành trình 8 năm của loạt phim Lật mặt, có thể thấy được sự dấn thân và nguồn năng lượng chưa thấy dấu hiệu vơi cạn của một "nhà làm phim vì khán giả". Sự tìm tòi về chất liệu, bối cảnh, mức độ đầu tư, sự rủi ro… đều được nâng cấp qua từng tập phim, đặc biệt là trong 2 phần có tính bước ngoặt của thương hiệu này là phần 5 (48 giờ) và phần 6 (Tấm vé định mệnh).
Chọn thể loại xuyên suốt là hành động hài (action comedy) pha trộn với chất chính kịch, đôi lúc hơi "mê lô" (melodrama - bi kịch nhiều nước mắt), loạt phim này cho thấy sự khôn ngoan của Lý Hải khi anh luôn "bất bại" tại phòng vé, trong khi những người đi trước như Charlie Nguyễn (Dòng máu anh hùng), Ngô Thanh Vân (Hai Phượng và Thanh Sói) đều phải đối mặt với rủi ro về thị hiếu luôn thay đổi của khán giả và phải chịu những cú ngã ngựa không lường trước được.
Không phô diễn những màn hành động đẹp mắt và hoa mĩ với sự tham gia của những biên đạo võ thuật quốc tế (fight choreographer) như 2 nhà làm phim Việt kiều với sở trường phim hành động võ thuật nói trên, phim hành động của Lý Hải bình dân và gần gũi hơn.
Dù vẫn có đạo diễn hành động (action director) qua mỗi tập phim, những pha hành động trong phim của Lý Hải hơi giống những màn… đánh lộn ngoài đời. Các pha dàn dựng, góc máy cũng không quá đặc sắc nhưng lạ là chúng luôn đem lại cảm giác chân thực và khá… đã mắt.
Và để tăng tính thuyết phục cho các cảnh hành động với khẩu vị "bình dân" này, Lý Hải luôn đặt chúng ở những bối cảnh độc đáo mà anh rất dụng công để tìm kiếm, từ loạt bối cảnh vùng rừng núi hiểm trở ở Tây Nguyên trong các phần đầu cho đến bối cảnh sông nước miền Tây trong 2 phần gần đây.
Nói cách khác, Lý Hải biết biến "điểm yếu" thành lợi thế của mình. Trong khi các phim hành động Việt Nam thường rất nghèo nàn về bối cảnh (dồn tất cả vào một phim trường kiểu… nhà kho để dễ bề đánh đấm), Lý Hải lại dẫn dắt khán giả song hành với nhân vật qua những cuộc rượt đuổi của nhân vật khi họ bị truy cùng đuổi tận.
Cùng với những cuộc rượt đuổi ngoạn mục trên xe máy, trên ô tô, trên ghe thuyền, Lý Hải đồng thời chiêu đãi khán giả những bối cảnh được thay đổi liên tục. Vừa được xem đánh đấm, vừa được "đi du lịch qua màn ảnh rộng", ai chả thích!
Chất bình dân cứu cả mớ… sạn
Một lợi thế khác của Lý Hải là chất hài bình dân được anh đưa vào phim rất duyên dáng. Và khẳng định luôn, Lý Hải là nhà làm phim khai thác thể loại "action comedy" (hài hành động) giỏi nhất Việt Nam hiện tại. Điều này đã được khẳng định ngay từ phần 1 (ra mắt năm 2015), khi nam đạo diễn tìm ra "chìa khóa" để nhấn nút khởi động thương hiệu này mà không lo "đụng hàng".
Trong phần 1, Lý Hải giữ vai trò biên kịch, đạo diễn và kiêm luôn vai chính (Khải), một kẻ vừa bị băng nhóm xã hội đen và công an truy đuổi ráo riết khi giữ trong tay 3 viên kim cương quý. Trên hành trình chạy trốn, Khải gặp Toàn, một anh xe ôm thích "tạo nét" và trở thành một cặp đôi oan gia đi đến đâu gây họa đến đó.
Chất hành động, phiêu lưu và hài pha trộn xuyên suốt phim, tạo kịch tính dồn dập, tấu hài tung lia lịa khiến người xem cười không khép được miệng. Đây cũng chính là phim đưa Trường Giang một bước lên sao hạng A với lối diễn hài vừa cường điệu vừa phô trương nhưng rất duyên dáng. Kiểu hài "quăng miểng" đôi lúc hơi ngây ngô ấy của Trường Giang đã "cứu mấy bàn thua trông thấy" của một kịch bản vụng về và nhiều lỗ hổng.
Chất hài hành động hoặc hài kinh dị được Lý Hải tiếp tục phát huy trong 3 phần tiếp theo. Ở mỗi phần, người xem đều thấy được sự dụng công trong việc tìm kiếm bối cảnh, dàn cảnh hành động và cả việc casting hàng chục diễn viên, từ chính đến phụ, từ khách mời đến "cameo" chỉ xuất hiện vài chục giây đến vài phút (mà Lý Hải là một trong số đó).
Tuy nhiên, điểm yếu về kịch bản vẫn chưa được khắc phục với nhiều lỗi logic tình huống, logic tâm lý, nhân vật được xây dựng khá nông, chất hài đôi lúc bị lạm dụng theo kiểu "nhây" (như vai của Mạc Văn Khoa trong tập Nhà có khách). Và khi kịch bản không đủ vững để tạo nền móng cho ngôi nhà, đạo diễn thường chọn kết thúc bộ phim bằng một màn "mê lô" sến sẩm nhiều nước mắt và nặng tính sắp đặt mà Ba chàng khuyết và Nhà có khách là 2 ví dụ điển hình nhất.
Tôi chỉ thực sự ấn tượng với loạt phim này từ phần 5, Lật mặt: 48 giờ. Nếu 4 phần trước, Lý Hải có vẻ chuộng bối cảnh ở các tỉnh miền núi Tây Nguyên với địa hình trắc trở thì 2 tập gần đây anh chuyển bối cảnh về miền Tây và có vẻ như đã trở về đúng "bầu khí quyển" của mình như cá gặp nước. Có thể thấy qua việc nam đạo diễn tha hồ tung tẩy, từ những cú máy flycam phô diễn vẻ đẹp sông nước miền Tây trong những cảnh hành động đến việc đi sâu vào khai thác chất văn hóa chất phác, giản dị và trọng tình của người dân nơi đây.
Về mặt kịch bản, Lý Hải đã có sự đầu tư nghiêm túc hơn cho loạt phim này với kịch bản cấu tứ chặt chẽ hơn. Dĩ nhiên, xem phim của anh vẫn chỉ ra được... một mớ lỗi logic, lỗi tâm lý nhân vật, lỗi phát triển kịch bản nhưng đạo diễn đã biết nén chặt hơn để tạo "ép phê" cho khán giả.
Minh chứng là trong phần 5 - 48 giờ - Lý Hải đã nén chặt thời gian theo kiểu đồng hồ cát và sử dụng đến kỹ thuật... ép lò xo. Ép càng chặt, cú bung càng mạnh. Các màn rượt đuổi trong phần 5 cũng được tăng cường độ cả về chất và lượng, mang lại sự kịch tính xuyên suốt, kích thích khán giả, đặc biệt là những cuộc rượt đuổi bằng ghe, xuồng, cano… khai thác được tối đa lợi thế bối cảnh sông nước miền Tây.
10 phút hành động ở phần cuối 48 giờ thực sự mãn nhãn và gây ép phê về mặt cảm xúc khi đạo diễn để cho cái ác thắng thế gần như tuyệt đối với góc máy thấp phô diễn sự tàn bạo của tên trùm băng đảng (Huỳnh Đông đóng) sau khi đã ném nhân vật nam chính (Võ Thành Tâm) xuống sông. Và trong giây phút gần như tuyệt vọng, nhân vật người vợ (Ốc Thanh Vân) lấy hết sức tàn cầm bức tượng quý và lợi dụng sự sơ hở đập mạnh vào đầu hắn rồi cứ thế mà đập liên hồi. Lần này, góc máy thấp lại có một tác dụng khác: Cái thiện thắng thế với gương mặt thể hiện sự phẫn uất lẫn hả hê của người vợ với bức tượng đá dính đầy máu trên tay.
Đó là một cảnh phim thực sự bạo lực. Nhưng là sự bạo lực cần thiết để tiêu diệt cái ác!
Tiếc cho Lý Hải!
Nếu trong phần 5, Lý Hải để nhân vật chịu sức ép của thời gian cứu gia đình khỏi cái chết thì trong phần 6 - Tấm vé định mệnh, anh đặt nhân vật của mình vào một thử thách, một tình huống trớ trêu để bộc lộ bản năng xấu xa và lòng tham đến đánh mất lương tri của một nhóm bạn. Cũng là "bỗng dưng trúng số", mà phiên bản Việt này lại khiến người ta cười ra nước mắt.
Sức hấp dẫn khiến phần 6 này vượt trội về mặt thị hiếu là nhờ Lý Hải tìm được một cái tứ độc đáo nhưng lại khá cổ điển khi nói về lòng tham và sự tha hóa của con người trước tiền bạc. Và vì lòng tham, họ "lật mặt" đến mức quật mộ của một người bạn vừa qua đời để tìm tấm vé độc đắc.
Chủ đề đó khi được đặt ở bối cảnh một làng nghề làm chiếu ở miền Tây đang đứng trước thử thách sống còn và một nhóm bạn thân với nghề nghiệp khá bấp bênh đã thực sự phát huy được hiệu quả. Chỉ hơi tiếc, do quá tham nhân vật, tham xây dựng tình huống để từng nhân vật bộc lộ bản ngã nhưng chưa đủ đào sâu tâm lý hay sự chặt chẽ về mặt logic nên đi được hơn nửa đường thì đạo diễn bắt đầu để lộ những điểm "hở sườn" khiến lắm lúc bộ phim như kẻ say đi... cầu khỉ, chênh vênh suýt đổ mấy lần.
Để rồi cuối cùng, dù đạo diễn chọn một cái kết ổn thỏa và hướng tới sự nhân văn để chiều lòng khán giả đại chúng đi nữa, tôi vẫn thấy tiếc khi Lý Hải đã bỏ lỡ một cơ hội để biến bộ phim này trở thành một tác phẩm vượt trội hơn về mặt tư tưởng.
Dường như Lý Hải muốn "gieo" một thứ gì đó đáng để suy ngẫm hơn là để giải trí với nhiều tiếng cười khá chua chát về sự tha hóa của con người hiện đại (đặc biệt là những người đàn ông tuổi trung niên) nhưng cuối cùng vẫn chỉ dừng lại là một bộ phim giải trí "vui vẻ cả làng" và tình bạn vẫn chiến thắng qua ca khúc chủ đề được dàn dựng như một… MV khá sến và khuôn sáo!
Bỏ qua những điểm hạn chế nói trên, Tấm vé định mệnh vẫn tiếp tục cho thấy sở trường chưa có dấu hiệu vơi cạn của Lý Hải. Những điểm hạn chế về kịch bản, về logic phát triển tâm lý nhân vật hay sự khuôn mẫu, sến… có thể gây ít nhiều khó chịu cho một số khán giả sành phim nhưng với khán giả đại chúng, "bữa tiệc thịnh soạn" mà đạo diễn thết đãi đã khiến họ hài lòng, thỏa mãn.
Và tôi tin rằng giải thưởng lớn nhất mà Lý Hải đạt được, không phải từ giới chuyên môn mà từ hàng triệu khán giả của anh, những người sẵn sàng rút tiền mua vé khi nghe tên một bộ phim nào đó của Lý Hải ra rạp.
Giải thưởng đó là động lực lớn nhất để Lý Hải tiếp tục… "lật mặt" thêm vài phần nữa!
Nội dung: Lâm Lê
Hình ảnh: Đoàn phim cung cấp, Facebook nhân vật