Lễ tế tổ bách nghệ, tri ân tổ nghề tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023
(Dân trí) - Chiều 5/5, Lễ tế tổ bách nghệ và Lễ rước tôn vinh nghệ nhân, làng nghề truyền thống đã được tổ chức tại công viên Tứ Tượng (TP Huế) với nhiều hoạt động đặc sắc.
Lễ tế tổ bách nghệ và Lễ rước tôn vinh nghệ nhân, làng nghề truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc nhằm tri ân các bậc tiền nhân, các vị tổ nghề - những người đã khai sinh ra các làng nghề truyền thống của Việt Nam. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2023.
Lễ tế tổ bách nghệ được phục dựng một cách trang trọng, theo đúng các nghi thức truyền thống.
Buổi lễ có sự tham dự của Lãnh đạo UBND thành phố Huế cùng các đại biểu đại diện cho 69 làng nghề tham dự Festival Nghề truyền thống lần này và đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Lễ tế còn có sự góp mặt của các nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Sính cùng nghệ nhân ưu tú Hoàng Ngọc Tuyên và Trần Duy Mong.
Các nghi lễ tại lễ tế cầu mong các ngành nghề truyền thống của Việt Nam tiếp tục được giữ gìn, duy trì và phát triển.
Ngay sau nghi thức trang nghiêm của Lễ tế tổ bách nghệ là Lễ rước tôn vinh nghệ nhân, làng nghề truyền thống với sự tham gia của các văn nghệ sĩ và nghệ nhân trong các trang phục truyền thống đầy màu sắc đến từ 69 làng nghề, cơ sở nghề.
Lễ rước hoành tráng với đầy đủ kiệu tổ nghề, đội nhạc bát âm, chiêng trống, cờ lộng, lân, rồng.
Lễ rước bắt đầu từ công viên Tứ Tượng qua cầu Tràng Tiền dọc theo đường Trần Hưng Đạo, qua cầu Phú Xuân rồi về đường Lê Lợi và kết thúc ở sân khấu quảng trường trước trường THPT Chuyên Quốc học.
Festival Nghề truyền thống Huế 2023 có sự tham gia của 21 nhóm nghề: dệt; nghề mộc mỹ nghệ, điêu khắc, chạm khảm, sơn mài, sơn son thếp vàng; kim hoàn; mây tre đan, tre mỹ nghệ; nón lá; hương trầm; bánh Tét bánh Chưng; mè xửng; nghề làm sản phẩm từ giấy; nghề tranh dân gian truyền thống; gốm sứ, nghề làm diều; nghề pháp lam; nghề làm đầu Lân; nghề đúc đồng; nghề làm lồng đèn; nghề rèn; nghề truyền thống bánh bèo, nậm, lọc; nghề áo dài, phấn nụ, bún,…
Festival lần này cũng có sự tham gia đông đảo của 69 làng nghề, cơ sở nghề và trên 350 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như Thừa Thiên Huế, TPHCM, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Bình, Ninh Thuận, Quảng Nam...