Làm giá cátsê khủng: Bầu sô hay ca sĩ?

Lâu nay dư luận vẫn cứ phát sốt lên với những con số vài nghìn USD cho cátsê mỗi đêm diễn của các ngôi sao. Đương nhiên, thực khó so sánh con số đó với thu nhập của các ngành khác, vì đó là thương hiệu của ca sĩ và quy luật của thị trường.

Nhưng đâu là sự thật của những con số? Ai tạo cátsê khủng - do ca sĩ hay các bầu sô?

“Hét” và “chém”

Cách đây vài năm, ca sĩ Mỹ Tâm cũng từng từ chối tham gia một sự kiện phục vụ công chúng quê hương vì mức cátsê “chưa đủ”. Sau chuyện này, cô cũng chịu không ít “búa rìu” dư luận, nhưng rồi, công chúng vốn mau quên nên mọi sự cũng lắng dần. Đến mới đây nhất, trong vụ lùm xùm ở Đà Nẵng, mặc dù ca sĩ này thanh minh trên phương tiện truyền thông, rằng cô chưa hề ký hợp đồng 6.000USD nào với ai, thì việc “hét” cátsê bất cứ vì mục đích nào của ca sĩ đã trở thành vấn nạn cho chính họ.

Một nhạc sĩ có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tổ chức sự kiện cho biết, mức cátsê của Mỹ Tâm, cũng như Đàm Vĩnh Hưng hiện nay trong những sự kiện lớn ở TPHCM thuộc hàng “khủng”: 10.000USD/đêm. Có khi còn cao hơn - 12.000USD. Còn các sự kiện của các đại gia ôtô, nhãn hàng lớn... thì phải từ 7.000 - 8.000USD trở lên.

Kế đó mới đến mức cátsê của Hồ Ngọc Hà và Thu Minh - khoảng 4.000 - 6.000USD tùy theo sự kiện. Ngang hàng hoặc sém ít hơn chút là mức giá của Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Quang Dũng... Mức cátsê của những ca sĩ như Kasim Hoàng Vũ thì thấp hơn. Và tùy theo mối quan hệ mà ca sĩ sẽ đưa mức cátsê hữu nghị hơn nếu được mời show thường xuyên, còn không thì... cứ việc “chém”! Thế cho nên, mức giá 6.000USD trên đã là “hữu hảo” rồi.

Trở lại với chuyện cátsê của các “ca sĩ quê nhà”. Giám đốc một nhà hát cấp bộ (yêu cầu không nêu tên), kể câu chuyện, trong dịp tổ chức sự kiện “100 năm Kon Tum” mới đây, khi đưa ra danh sách các ca sĩ dự kiến sẽ mời tham gia chương trình, thì BTC đã lập tức yêu cầu xóa ngay tên ngôi sao vốn là “ca sĩ quê nhà”. Vì “kinh nghiệm xương máu”: Đã nhiều lần bị hét giá cátsê cao (so với điều kiện kinh tế của tỉnh nhà).

Ôn lại một “kỷ niệm buồn” với ca sĩ Mỹ Tâm, ông bầu này cũng cho hay rằng không dưới ba lần, ca sĩ ngôi sao này đã không chịu có mặt tại buổi tổng duyệt và trong một lần “tái diễn” như vậy, trước sự có mặt của lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội, cực chẳng đã, ông bầu này đã buộc phải cắt tiết mục khỏi chương trình. Và đó cũng là lý do mà 5 - 6 năm nay, ông không còn nghĩ đến việc mời ca sĩ ngôi sao này.

Sau nghi án Mỹ Tâm “làm giá” với Đà Nẵng đang diễn ra, có nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng lỗi trước tiên thuộc về phía công ty tổ chức biểu diễn tìm cách “tăng giá” để kiếm chác đằng sau vụ thương lượng với ca sĩ? Trả lời câu hỏi này, ông giám đốc nhà hát nói trên cho rằng rất khó có chuyện đó vì thường thì họ “ăn gian” ở khâu âm thanh, ánh sáng, khách sạn..., chứ chả dại gì đi bịa giá cátsê vì đó là thứ rất dễ thẩm tra.

Làn sóng tẩy chay: Tại sao không?

Một đại diện công ty truyền thông khác chia sẻ: Ca sĩ thuộc hàng hot, trong chương trình thương mại thì ra giá khoảng 70 triệu đồng, còn trong những chương trình chính trị xã hội, thì lấy mức vừa phải và họ có thể chỉ lấy một khoản tượng trưng hoặc không nhận đồng nào trong các chương trình từ thiện.

Ca sĩ Mỹ Tâm.

Ca sĩ Mỹ Tâm.


Trong trường hợp của Mỹ Tâm với Đà Nẵng lần này - như một ông bầu nhận định - có thể nếu Sở VHTTDL Đà Nẵng làm việc trực tiếp mà không qua công ty trung gian, rất có thể cô sẽ nhận lời tham gia với mức cátsê vừa phải, dành để phục vụ công chúng. Còn khi công ty làm việc với Mỹ Tâm, có thể họ thông qua quản lý của cô, hoặc nói chưa rõ mục đích chương trình, nên mới có chuyện trên. Và thông thường, chỉ khi UBND và Sở VHTTDL đồng ý thông qua tên tuổi ca sĩ tham gia, thì bên công ty tổ chức sự kiện mới chính thức ký hợp đồng với ca sĩ, nên việc Mỹ Tâm chưa hề đặt bút ký hợp đồng là đương nhiên.

Ở đây, cần xem lại thỏa thuận giữa công ty tổ chức sự kiện và ca sĩ, có đúng như thực tế hay trên tinh thần khác? Nhưng nhìn chung, những ca sĩ đó nên nhìn lại mình, đừng quá nhăm nhăm vào việc kiếm tiền. Họ vẫn mang một ảo giác không có mình thì không thể có thành công của chương trình, mà quên mất nhờ ai mà họ trở thành người nổi tiếng hôm nay - nhờ khán giả, nhờ những nhà sản xuất, nhạc sĩ, đạo diễn, những người làm chương trình.

Còn các công ty truyền thông, đài truyền hình cũng nên tẩy chay những ca sĩ “chặt chém” và không bằng mọi giá mời họ vào chương trình. Phía báo chí nên vào cuộc, phê phán những trường hợp như vậy, để không ít ca sĩ có thể tỉnh khỏi ảo giác tai hại ấy. Bởi khi chưa tỉnh, có thể, các ca sĩ hàng sao chưa thấm được hậu quả của việc mình làm. Họ sẽ mất một phần tin yêu về phía khán giả, nhất là khán giả quê nhà và lâu dần cũng dễ đánh mất mối quan hệ với các công ty tổ chức sự kiện, nếu cứ “ngựa quen đường cũ”.
 
Theo Minh Thi - Thủy Lê
Dòng sự kiện: Cát-sê "khủng" ca sĩ