Hiểu về vị ngọt sẵn có trong cà phê
(Dân trí) - Cà phê có vị ngọt là do lượng đường fructose và glucose có sẵn trong hạt cà phê, vì thế ta sẽ khó cảm nhận vị ngọt tức thì ngay đầu lưỡi mà vị ngọt dịu nhẹ đọng nơi cuống họng sau khi uống.
Vị ngọt được xem là một cảm giác tích cực mà vị giác con người có thể cảm nhận được từ các loại đường, một số protein và nhiều hợp chất khác. Vị ngọt được xếp vào nhóm các vị "dễ hòa hợp", chúng hướng đến sự liên tưởng về các chất dinh dưỡng thiết yếu.
Cà phê có vị ngọt là do lượng đường fructose và glucose có sẵn trong hạt cà phê, vì thế ta sẽ khó cảm nhận vị ngọt tức thì ngay đầu lưỡi mà thay vào đó vị ngọt dịu nhẹ đọng nơi cuống họng sau khi uống giúp ta cảm thấy quân bình được vị đắng và chua của cà phê.
Vị ngọt của cà phê bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:
Vùng trồng cà phê
Nếu được chăm sóc kỹ lưỡng, đúng kỹ thuật, quả cà phê khi chín sẽ có được lượng đường cao. Từ những quả cà phê này, hạt cà phê bạn uống sau này mới có thể có được những vị chua ngọt và gần như không hề đắng. Đó là lý do mà người làm cà phê chất lượng cao ngày nay sẽ thu hái chọn lọc những quả chín và nhiều đường, chứ không hái quả chín lẫn quả xanh.
Sơ chế cà phê
Đến khi trở thành hạt cà phê cho ta uống, quả cà phê sẽ cần trải qua công đoạn tách vỏ quả trong phần sơ chế cà phê. Ở giai đoạn này, hạt cà phê sẽ phát triển hương vị tùy vào cách sơ chế được chọn.
Nếu sơ chế khô, hạt cà phê sau đó có thể mang hương vị phức tạp cùng một vị ngọt đầy đặn. Khi cà phê được sơ chế ướt, hạt cà phê có nồng độ acid cao hơn, độ ngọt đậm và sạch hơn.
Ngoài 2 cách sơ chế phổ biến trên thì cà phê cũng có thể được sơ chế theo kiểu mật ong. Sơ chế cà phê bằng phương pháp "mật ong" là sử dụng lớp nhớt ngọt bên trong vỏ quả cà phê để lên men tự nhiên, thẩm thấu vào hạt cà phê nhân, khi phơi hoặc sấy khô, hạt cà phê thóc (loại chuẩn) có màu vàng tươi như mật ong, còn nhân cà phê có độ ngọt dịu hơn cà phê bình thường.
Ở mỗi cách, vị ngọt của cà phê cũng thay đổi ít nhiều.
Rang cà phê
Sau khi được sơ chế, hạt cà phê vẫn đang ở dạng tươi sống với nhiều thành phần đường tự nhiên ở bên trong. Và khi ta dùng nhiệt độ để rang hạt cà phê lên. Hàng loạt phản ứng hóa học sẽ diễn ra và biến đổi các chất trong hạt cà phê thành những hương vị chua ngọt vô cùng phong phú.
Nếu cà phê được rang sáng với màu hơi vàng nâu. Hương vị cà phê thường sẽ nổi bật các hương vị trái cây. Còn khi được rang tối hơn một chút ngả màu nâu đậm. Hương vị cà phê ngọt đậm hơn.
Pha chế cà phê
Khi người pha chế sử dụng đúng cách những hạt cà phê được nghỉ đủ ngày sau khi rang. Vị ngọt trong hạt cà phê sẽ xuất hiện và cân bằng hài hòa với tất cả những hương vị khác, tạo nên một trải nghiệm không quên với người uống.
Hương vị của một số loại cà phê phổ biến
Cà Phê Robusta: Có vị đắng, hương thơm dịu, cà phê có màu nâu sánh, không có vị chua và hàm lượng caffein vừa.
Cà Phê Arabica: Có vị đắng dịu, hương thơm quyến rũ. Khi pha cà phê sẽ cho nước có màu nâu nhạt đến đắng dịu, đặc biệt có vị thanh chua, hậu ngọt rất lôi cuốn.
Cà phê Culi: Có vị đắng gắt nhưng hương thơm say đắm, cà phê có hàm lượng caffeine gấp đôi. Nên cho ra tinh chất cà phê đậm đà màu đen sánh.
Cà Phê Moka: Có vị đắng dịu, mùi thơm quyến rũ cho đến nồng nàn. Mùi thơm gấp đôi so với hạt Arabica. Đồng thời có vị chua thanh, nên sử dụng với tỉ lệ nhất định để có sản phẩm thơm ngon.