DMagazine

Góc khuất ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc: Phía sau những nụ cười

(Dân trí) - Sự ra đi của các ngôi sao giải trí xứ Hàn ở tuổi đời còn trẻ khiến dư luận bàng hoàng. Họ phải đối mặt với áp lực trở nên hoàn hảo, phải thành công trong ngành công nghiệp nhiều cạnh tranh.

Góc khuất ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc: Phía sau những nụ cười

Sự ra đi của các ngôi sao giải trí xứ Hàn ở tuổi đời còn trẻ khiến dư luận bàng hoàng. Họ phải đối mặt với áp lực trở nên hoàn hảo, phải thành công trong ngành công nghiệp nhiều cạnh tranh.

Mới đây, làng giải trí xứ Hàn choáng váng trước thông tin nữ diễn viên 27 tuổi - Yoo Joo Eun đột ngột qua đời. Gia đình của nữ nghệ sĩ thông báo, cô qua đời ở tuổi 27 vào sáng 29/8. Nguyên nhân ban đầu được xác định là tự tử. Cơ quan chức năng đã tìm thấy di thư của Yoo Joo Eun.

Trước khi mất, Yoo Joo Eun là một nữ diễn viên trẻ, đang loay hoay tìm đường khẳng định bản thân. Trong nhiều bài phỏng vấn và những lần trò chuyện với người thân, cô đều bày tỏ khát khao có một sự nghiệp diễn xuất thành công, ghi được ấn tượng với người hâm mộ. Tuy nhiên, ba năm qua, cô gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội xuất hiện trên màn ảnh.

Góc khuất ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc: Phía sau những nụ cười - 1
Góc khuất ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc: Phía sau những nụ cười - 2

Trước khi mất, Yoo Joo Eun không có biểu hiện bất thường về thể chất hay tâm lý. Bài đăng cuối cùng của cô trên mạng xã hội là vào ngày 26/4. Khi đó, nữ diễn viên có tâm trạng vui vẻ, thoải mái tham gia hoạt động giải trí ở công viên cùng cún cưng. Trong những bức ảnh đăng tải trên mạng, nữ diễn viên luôn xuất hiện với nụ cười rạng rỡ, đầy năng lượng. 

Trong di thư để lại cho gia đình, Yoo Joo Eun thừa nhận bế tắc trong cuộc sống. Nữ diễn viên muốn theo đuổi sự nghiệp diễn xuất, nhưng hiện thực không dễ dàng đã đánh bật giấc mơ và niềm tin của cô. Cô viết: "Tôi thực sự muốn đóng phim. Đó là tất cả của tôi, một phần cuộc đời tôi nhưng không dễ dàng để sống với điều đó".

Yoo Joo Eun, sinh năm 1995, từng góp mặt trong Big Forest, Joseon SurvivalNever Twice. Nữ diễn viên được yêu thích với vẻ đẹp ngọt ngào, nữ tính và nụ cười tươi.

Sự ra đi đột ngột của Yoo Joo Eun khiến nghệ sĩ và người hâm mộ xứ kim chi bàng hoàng. Trên trang cá nhân, Shin Dong Yup - bạn diễn của Yoo Joo Eun trong dự án Big Forest chia sẻ: "Thật khó chấp nhận những gì đang xảy ra khi đọc thông tin qua báo chí. Joo Eun là diễn viên tuyệt vời. Tôi sẽ nhớ mãi nụ cười rạng rỡ của em. Yên nghỉ nhé".

Sự ra đi khi tuổi đời còn trẻ như Yoo Joo Eun giờ không hiếm trong làng giải trí xứ Hàn. Những năm gần đây, nhiều ngôi sao trẻ của xứ kim chi thừa nhận, họ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng khi phải làm việc trong một môi trường nhiều cám dỗ và áp lực. 

Áp lực về sự thành công và ước mơ trở thành "thần tượng chuẩn mực"

Trong một nghiên cứu năm 2009, nữ diễn viên Park Jin Hee tiết lộ, 40% nghệ sĩ Hàn Quốc cảm thấy bế tắc vì "quyền riêng tư không được bảo vệ, những lời bình luận độc địa, thu nhập không ổn định và lo lắng về tương lai".

Nữ diễn viên Oh In Hye từng nhận muôn vàn gạch đá từ dư luận khi tới dự LHP Pusan với chiếc váy hở nhiều da thịt. Những vai diễn sau đó của cô không được đón nhận. Cô dần trở nên mờ nhạt trong làng giải trí. Sự lựa chọn thời trang sai lầm với khát khao được chú ý đã đẩy sự nghiệp của Oh In Hye bước vào ngõ cụt. Bi kịch của nữ diễn viên đã xảy ra khi cô không tìm được chỗ đứng trong showbiz Hàn.

Góc khuất ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc: Phía sau những nụ cười - 3

Nữ diễn viên Oh Eun Hye từng bị chỉ trích, ném đá vì ăn mặc táo bạo (Ảnh: Nate).

Sulli, cựu thành viên ban nhạc f(x) nổi tiếng của Hàn Quốc, cũng ra đi vào năm 2019 khi chưa đầy 30 tuổi vì căn bệnh trầm cảm. Trước đó 2 năm, Jonghyun, giọng ca chính của ban nhạc SHINee, cũng là nạn nhân của căn bệnh trầm cảm. Những nghệ sĩ hoạt động trong làng giải trí showbiz phải chịu áp lực ngay từ khi còn là thực tập sinh trong các công ty giải trí.

Sau những ngày tháng luyện tập vất vả, mất tự do, họ chính thức bước chân vào showbiz với vai trò các nghệ sĩ thần tượng. Trở thành người nổi tiếng, họ phải tuân thủ những nguyên tắc của công ty như không được hẹn hò, phải giữ gìn hình ảnh trước công chúng, phải duy trì một lối sống sạch, không scandal. Trước công chúng, họ luôn mỉm cười, đầy năng lượng, là niềm mơ ước của hàng triệu thanh thiếu niên trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, đó chỉ là những hào nhoáng bên ngoài, đằng sau sân khấu, họ phải đối mặt với vô vàn áp lực, căng thẳng, khó khăn, đôi khi không thể tự mình giải quyết. Họ phải sống với nỗi cô đơn, những khát khao yêu thương, chia sẻ nhưng không có người tỏ bày. Sulli và Jonghyun là hai bằng chứng rõ ràng nhất về sự nguy hiểm mà căn bệnh trầm cảm mang lại.

Trầm cảm - căn bệnh đáng sợ với giới nghệ sĩ Hàn Quốc

Trong thư tuyệt mệnh, nam ca sĩ Jonghyun đã viết: "Tôi vụn vỡ từ sâu thẳm bên trong mình. Căn bệnh trầm cảm ăn mòn tôi từ từ và cuối cùng đã nuốt chửng tôi. Tôi không thể đánh bại nó".

Trong một chương trình truyền hình, Jonghyun thừa nhận, anh thấy rất khó để chia sẻ cảm xúc hay nỗi sợ hãi của mình với mọi người xung quanh vì lo sợ bị công chúng đánh giá. Bên cạnh đó, Jonghyun còn không có những người thân thiết, đủ gần gũi để anh dựa vào.

Góc khuất ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc: Phía sau những nụ cười - 4

Cố nghệ sĩ Jonghyun luôn xuất hiện với ngoại hình rạng rỡ và đầy năng lượng trên sân khấu (Ảnh: Pinterest).

Cố ca sĩ Sulli từng xuất hiện với những hình ảnh, phát ngôn nổi loạn khi bị đẩy vào tình trạng áp lực nặng nề vì búa rìu dư luận. Nữ nghệ sĩ 9X thừa nhận: "Cuộc sống của em đang cực kỳ trống rỗng, em cứ luôn giả vờ hạnh phúc và điều đó khiến em cảm thấy như thể mình đang lừa dối mọi người". 

Năm 2017, thành viên Choa của ban nhạc nữ AOA bất ngờ thông báo rời nhóm, vì lý do cô bị trầm cảm và mất ngủ trong thời gian dài. Hani từ nhóm EXID từng chia sẻ trên truyền hình rằng, cô đã lên kế hoạch cho một cuộc sống khác, trở thành một chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần trong tương lai với hy vọng giúp đỡ các thực tập sinh giải trí vượt qua được căng thẳng trên con đường lập nghiệp.

Chuyên gia chỉ ra rằng những người nổi tiếng, thường xuyên thu hút sự chú ý của công chúng, rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm với nhiều lý do khác nhau. Kim Byung Soo, bác sĩ tâm lý tại Trung tâm Y tế Asan (Hàn Quốc), cho rằng cảm xúc không ổn định và tình trạng tách biệt danh tính là hai nguyên nhân chính dẫn tới chứng trầm cảm ở người nổi tiếng.

"Các nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng người nổi tiếng, những người tham gia và các hoạt động sáng tạo và nghệ thuật, có khả năng mắc trầm cảm cao hơn người bình thường. Những người trong các ngành nghề như vậy dễ bị thay đổi tâm trạng và cảm xúc hơn người bình thường. Những yếu tố này đều liên quan tới chứng trầm cảm", ông Kim nói. 

Góc khuất ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc: Phía sau những nụ cười - 5

Nữ diễn viên kiêm ca sĩ thần tượng Sulli (Ảnh: Naver).

Theo ông Kim, người của công chúng cũng thường xuyên phải sống "hai mặt", tách biệt giữa tính cách "xã hội" khi xuất hiện trước người hâm mộ và tính cách "thực sự" khi ở một mình. Nếu khoảng cách giữa hai tính cách càng mở rộng, người nổi tiếng có thể bị lu mờ đi tính cách thực sự và phụ thuộc ngày càng nhiều vào tính cách "mặt nạ". Điều này lâu dần sẽ khiến họ rơi vào trạng thái hỗn loạn.

"Trở thành một ngôi sao giống như bạn đi qua sông và không thể quay trở về bờ. Nhiều người nghĩ, những người nổi tiếng luôn được đám đông vây quanh mình nhưng thực tế, mối quan hệ cá nhân của họ rất hẹp và hạn chế. Rất khó để họ có các mối quan hệ nghiêm túc với người khác bởi họ có xu hướng phòng thủ với suy nghĩ rằng, người khác thích họ chỉ vì vẻ ngoài và danh tiếng của họ. Điều đó khiến họ cô đơn và tách biệt, ngay cả với người thân và gia đình", ông Kim giải thích. 

Chung tay bảo vệ những nghệ sĩ trẻ khỏi căn bệnh trầm cảm

Bác sĩ tâm lý Kim cho hay, hầu hết người nổi tiếng bị trầm cảm đều ngần ngại tới các phòng khám tâm thần công khai bởi họ sợ bị nhận ra. Một số công ty đào tạo nghệ sĩ Kpop luôn có các nhân viên tư vấn tâm lý riêng cho nghệ sĩ nhưng điều này chưa thực sự hiệu quả. 

Khác với giới giải trí phương Tây, nơi nhiều ngôi sao công khai nói về bệnh tâm lý của mình và được khán giả ủng hộ, nghệ sĩ Hàn Quốc vẫn còn "ngại" chia sẻ về điều này. 

Góc khuất ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc: Phía sau những nụ cười - 6

Cố nghệ sĩ Goo Hara là nạn nhân của căn bệnh trầm cảm và bạo lực mạng xã hội (Ảnh: Dispatch).

Một bài viết đăng trên Korea Herald cũng khẳng định, bệnh lý tâm thần là một chủ đề cấm kỵ mà người Hàn dường như ngại nhắc đến. Bài viết trích một thống kê của chính phủ năm 2017 cho thấy, cứ 4 người Hàn Quốc thì có một người từng bị rối loạn sức khỏe tâm thần ít nhất một lần trong đời. Song, tỷ lệ người theo đuổi điều trị chuyên nghiệp chỉ là 1/10.

Người hâm mộ Hàn Quốc hy vọng sẽ có sự thay đổi, khi ngày càng có nhiều nghệ sĩ mạnh dạn công khai nói về sức khỏe tâm thần. Theo Koreaboo, trưởng nhóm Big Bang - G-Dragon từng thú nhận, anh từng có thời gian suy sụp, gặp vấn đề tâm lý vì single Heart Breaker bị tố đạo nhạc vào năm 2009.

Theo Billboard, nam ca sĩ RM của nhóm nhạc nam nổi tiếng xứ Hàn - BTS từng phát biểu rằng, anh kỳ vọng Hàn Quốc sẽ có nhiều bước tiến hơn trong việc giải quyết sức khỏe tâm thần cho thế hệ của mình.

Ngoài ra, nghệ sĩ Hàn Quốc cũng cần mạnh tay hơn trong việc bảo vệ mình khỏi vấn nạn bạo lực mạng.  Từ năm 2020, tập đoàn giải trí Hàn Quốc - JYP Entertainment liên tiếp khởi kiện những kẻ bình luận ác ý với nghệ sĩ của họ. Tập đoàn Big Hit Entertainment cũng nhanh chóng báo cáo cảnh sát về những bình luận mang tính xúc phạm, phỉ báng nhóm BTS. Tập đoàn Hook Entertainment kiên quyết bảo vệ Lee Seung Gi, hay Maroo Entertainment chống lại tin đồn sai lệch đối với Park Ji Hoon (nhóm Wanna One).

Sau sự ra đi thương tâm của Sulli, Hiệp hội Quản lý Giải trí Hàn Quốc (Korea Entertainment Management Association) đã tuyên bố, tổ chức này sẽ có hành động mạnh mẽ để "nhổ cỏ tận gốc" hành vi bạo lực trên mạng.

Theo The Guardian, sự ra đi của nữ ca sĩ Sulli thúc đẩy chính phủ Hàn có hành động chống lại việc bắt nạt trên các cổng thông tin Internet phổ biến, nơi người dùng có thể bình luận nặc danh. Ngoài ra, một luật có tên là "luật Sulli" gồm các quy tắc nghiêm ngặt chống lại những bình luận độc hại bởi người dùng ẩn danh đã được thực thi tại Hàn Quốc từ năm 2020. 

Mi Vân