Gặp người đàn ông giữ truyền thống xâu kim, may vá ở làng nghề Di sản
(Dân trí) - Làng nghề thủ công truyền thống may Trạch Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) mới đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 45km, làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa) từ lâu được biết đến với nghề may áo dài truyền thống. Ngôi làng nghìn năm tuổi với hàng trăm hộ gia đình sinh sống bằng nghề may áo dài truyền thống đã làm nên thương hiệu áo dài Trạch Xá, tạo dựng niềm tin từ người tiêu dùng.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định công bố danh mục 26 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề thủ công truyền thống may Trạch Xá của Hà Nội vinh dự góp mặt trong số đó.
Theo lời kể của các nghệ nhân trong làng, bà Tổ nghề may của làng là bà Nguyễn Thị Sen. Hàng năm vào dịp giỗ kỵ của bà Tổ nghề may (12 tháng Chạp âm lịch), dân làng Trạch Xá lại tổ chức lễ tế Tổ, mở hội thi may áo khéo, thi dệt lụa… tại đền thờ Tổ nghề đặt trong làng.
Trong ngôi nhà nhỏ phủ kín những tấm vải lụa nhiều màu sắc, gia đình ông Đỗ Minh Thường (được gọi với cái tên ông Tám) vẫn tất bật với từng đường kim, mũi chỉ, tiếng máy khâu hoạt động cả ngày.
Ông Tám là một trong những nghệ nhân may áo dài có tiếng trong làng, gia đình ông nhiều đời làm nghề truyền thống may cổ phục Việt. Từ nhỏ, ông Tám đã cùng bố đi khắp các tỉnh thành để may áo dài, tới nay ông đã có khoảng 40 năm gắn bó với nghề.
Áo dài truyền thống làng Trạch Xá nức tiếng gần xa với câu nói: "Trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện", nghĩa là đường tà áo tổng cộng cần 7 đường chỉ nhưng khi lật bên trong như giấy dán hồ (mịn phẳng không thấy đường chỉ nào), còn bên ngoài mũi chỉ nhỏ xíu như trứng con nhện, chỉ thấy 1 đường chỉ duy nhất.
Kỹ thuật khâu tay dọc là bí quyết mà chỉ người trong làng mới biết, tạo nên sự khác biệt so với các làng nghề may khác. Khi khâu, ngón trỏ bàn tay phải người thợ giữ chắc mũi kim, đồng thời dùng lực ngón giữa của tay phải đẩy cây kim còn các ngón tay trái sẽ điều chỉnh vải và điều hướng cho mũi kim bằng cách chuyển động mặt vải lên xuống nhịp nhàng.
Trước kia, nghề may trong làng chỉ được truyền lại cho nam giới vì thường xuyên phải đi xa, phụ nữ ở nhà lo việc đồng áng, gia đình. Hơn nữa, người dân quan niệm "mắt con trai, tai con gái", mắt nhìn và thẩm mỹ của người đàn ông có tố chất sẵn, chăm chút cho phụ nữ nên sẽ tạo được các sản phẩm tốt hơn.
Tới nay, xã hội phát triển, quan niệm dần thay đổi khi phụ nữ được tạo nhiều điều kiện để làm nghề như nam giới. Dù vậy, số lượng nam giới làm nghề may trong làng Trạch Xá vẫn đông đảo.
Áo dài truyền thống gồm hai phần thân trước và thân sau, dài từ cổ xuống gần mắt cá chân, dọc hai bên hông có đường xẻ từ eo xuống đến hết phần tà áo. Tay áo dài không có cầu vai, may liền từ vai xuống cổ tay.
Khuy áo gồm 5 khuy, thường là khuy cài bằng vải, kéo chéo từ cổ xuống ngang vai và xuống hông. Cổ áo thường may theo kiểu cổ tròn, cổ tàu hoặc cổ thuyền, khi mặc áo ôm sát cổ tạo sự kín đáo. Áo thường được mặc cùng với quần đồng màu hoặc quần màu trắng.
Theo ông Tám, để tạo nên một chiếc áo dài, một người thợ lành nghề sẽ mất khoảng gần 24 giờ làm việc để hoàn thiện. Riêng phần tạo nên 5 chiếc khuy cài áo đã mất khoảng 3 tiếng đồng hồ.
Với ông, việc may áo dài truyền thống phải giữ được nét xưa, giữ gìn được hồn cốt dân tộc nên việc sáng tạo, thêm bớt các công đoạn hay vật liệu vào áo ngũ thân, tứ thân là điều không nên làm.
Hiện nay, hầu hết những hộ làm nghề may áo dài truyền thống tại làng Trạch Xá đều nhận may gia công theo hợp đồng từ nơi khác chuyển đơn đến.
Chị Vũ Thị Hằng đã có 12 năm gắn bó với nghề làm áo dài tại làng Trạch Xá. Chị Hằng chia sẻ, vào các dịp lễ, Tết thì đơn hàng nhà chị thường tăng gấp đôi, gấp ba, riêng đợt Tết Nguyên đán vừa qua cơ sở kinh doanh áo dài nhà chị nhận tới gần 1.000 đơn hàng.
Với tay nghề giỏi, sản phẩm đã được khẳng định, cùng với tên tuổi của làng nghề may Trạch Xá, nhiều người dân trong làng đã chuyển ra trung tâm Hà Nội mở thêm cửa hàng may đo áo dài. Không khó để bắt gặp một số chủ cửa hàng là người Trạch Xá trên các con phố như Khâm Thiên, Phố Huế, Cầu Gỗ...