Quản lý nội dung 18+ trên truyền hình nhìn từ thế giới:

Đồng loạt tránh chiếu vào giờ "nhạy cảm"

Các nội dung truyền hình dành cho người lớn được nhiều quốc gia, bao gồm không ít nước ở châu Á, quản lý khá chặt chẽ, với những quy định rõ ràng về việc chúng chỉ được phát sóng trong các khung giờ cụ thể.

Hoạt động quản lý nội dung truyền hình thường gắn chặt với việc xếp hạng phân loại nội dung, nhằm giúp khán giả hiểu rõ chương trình sắp chiếu phù hợp với trẻ em hay người lớn.

Australia: Phải trả tiền để xem truyền hình 18+

Australia là một trong những nước phân loại rất cụ thể và chặt chẽ các nội dung sẽ được phát lên sóng truyền hình. Cụ thể, các nội dung truyền hình được chia làm 6 loại, loại G dành cho mọi lứa tuổi và PG dành cho khán giả trẻ, có cha mẹ xem cùng. Xếp loại M dành cho khán giả đã trưởng thành. Các chương trình M có thể gây khó chịu cho những khán giả dưới 15 tuổi và chỉ được phát sóng từ 8 giờ 30 tối đến 5 giờ sáng mỗi ngày.

Các nội dung xếp loại MA15+ nghĩa là không phù hợp cho trẻ dưới 15 tuổi do chứa các nội dung bạo lực. Chương trình MA15+ chỉ được chiếu từ 9 giờ tối tới 5 giờ sáng mỗi ngày. Xếp loại AV15+ cũng giống MA15+ và chỉ được phát sóng từ 9 giờ 30 tối đến 5 giờ sáng.

Cuối cùng là R18+, hoàn toàn không dành cho trẻ dưới 18 tuổi. Xếp loại này chỉ dành riêng cho các chương trình chứa nội dung người lớn của truyền hình trả tiền. Các chương trình R18+ có thể mang hình ảnh bạo lực, khiêu dâm, ngôn ngữ thô tục và cảnh sử dụng ma túy.

Đồng loạt tránh chiếu vào giờ nhạy cảm

Việc VTV2 dự kiến khởi động khung giờ Phim 18+ với Sex and the city trên kênh VTV2 đang gây tranh luận

Phân loại khán giả rất rõ ràng

Trong khi Trung Quốc không tiến hành phân loại nội dung truyền hình, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong lại có hệ thống này. Các nội dung truyền hình ở Hong Kong hiện được chia ra làm 3 loại gồm G dành cho mọi đối tượng khán giả, PG không phù hợp cho trẻ em và M chỉ dành riêng cho khán giả trên 19 tuổi. Các chương trình xếp loại M chỉ được phát sóng từ 11 giờ tối đến 6 giờ sáng.

Tại Malaysia, hệ thống xếp loại nội dung truyền hình mới chỉ được khôi phục vào tháng 1/2012. Nội dung truyền hình được chia làm 3 loại gồm U dành cho mọi đối tượng; P13 dành cho người từ 13 tuổi trở lên và 18, dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên. Các chương trình xếp loại 18 không được phép phát sóng trước 11 giờ tối. Việc phát thông báo xếp loại nội dung phải diễn ra khoảng 5 giây trước khi chương trình bắt đầu.

Về phần mình, Singapore đã bắt đầu xếp loại nội dung truyền hình từ ngày 15/7/2011. Các mức phân loại gồm PG và PG13 (khán giả từ 13 tuổi trở lên) dành cho truyền hình phát sóng miễn phí. Truyền hình trả tiền có thêm NC16 (từ 16 tuổi trở lên), M18 (từ 18 tuổi) ngoài 2 mức trên.

Với truyền hình phát sóng miễn phí, các chương trình PG có thể được chiếu vào bất kỳ khung thời gian nào, trong khi PG13 chỉ được phát từ 10 giờ tối tới 6 giờ sáng. Với truyền hình trả tiền, chương trình PG13 có thể được phát vào bất kỳ thời điểm nào. Chương trình M18 chỉ được phát sóng từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng trên truyền hình trả tiền. Trước khi phát sóng, các chương trình đều phải nêu rõ xếp loại nội dung.

Ở Indonesia, do có cộng đồng Hồi giáo lớn (nhất thế giới), các nhà chức trách có quyền xóa bỏ bất kỳ nội dung nào được xem là phạm luật Hồi giáo. Các bộ phim truyền hình ở Indonesia không được có ngôn ngữ tục tĩu, hình ảnh bạo lực, khiêu dâm (bao gồm việc khỏa thân, thể hiện các hoạt động như hôn và ám chỉ tới tình dục đồng giới). Truyền hình cũng không được chiếu các cảnh có thể khiến trẻ em kinh sợ.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cho rằng: “Những phim 18+ với thanh niên bây giờ cũng là cần thiết, bởi chúng ta chủ trương giáo dục sức khỏe sinh sản, tình dục cho thanh niên, vị thành niên. Những bộ phim phù hợp có thể cần thiết cho kỹ năng sống, lối sống, dần dần hình thành quan niệm, cách tiếp cận của họ trong vấn đề này. Tất nhiên phải có sự lựa chọn cho phù hợp, không nên bê y nguyên phim ảnh của nước ngoài vì có những cái phù hợp, có những cái không”.

Mỹ Khải (ghi)

TS Phan Mạnh Hà, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam và đạo diễn Hữu Phần chia sẻ khi được hỏi về việc VTV dự kiến ra mắt giờ Phim 18+:

TS Phan Mạnh Hà: Trên thế giới từ lâu người ta đã rất quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Ngay cả chuyện tình dục là chuyện khó giãi bày thì vẫn được quan tâm và ngày càng được nhắc đến một cách cởi mở hơn. Quyết định phát phim 18+ Sex And The City của VTV là một quyết định mạnh dạn. Cá nhân tôi thấy đây là chuyện bình thường. Nhà đài cũng đã tính toán đến khung giờ 23h, dán nhãn cảnh báo khán giả và có biên tập hình ảnh thì khán giả cũng không nên lo lắng quá. Có thể những người truyền thống lo ngại, băn khoăn về nội dung phim, nhất là khi nghe tựa đề phim có nhắc đến từ "sex". Nhưng thực tế đây là một bộ phim có tính giáo dục cao, không hề dung tục. Quan trọng là bộ phim chuyển tải điều gì chứ không phải chỉ vì nó có đề cập đến chuyện tình dục trong phim.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Việc VTV2 chọn chiếu bộ phim Sex And The City theo tôi là một việc bình thường. Phim được chiếu vào 23h, có cảnh báo người xem, sau phim có trao đổi, bình luận. Đó cũng là một cách giáo dục tốt đấy chứ. Thời bây giờ khác rồi, cần có cái nhìn thoáng hơn, thay vì cứ úp úp mở mở về chuyện giới tính, hay cấm đoán chỉ khiến người ta thêm tò mò.

Ở nước ngoài, người ta đã làm được việc là hướng dẫn sau 22h trẻ con không được xem truyền hình, nước ta chưa làm được điều này. Nên việc chiếu bộ phim 18+ nói trên cũng là cách tạo thói quen cho khán giả ý thức hơn về các khung giờ nhạy cảm.

Ngọc Diệp (ghi)





































Theo Tường Linh
Thể thao & Văn hóa
Dòng sự kiện: Phim 18+ trên VTV