Lý giải sự thành công của “Chuyện ấy là chuyện nhỏ”
(Dân trí) - Loạt phim truyền hình Mỹ “Sex and the City” (Chuyện ấy là chuyện nhỏ) từng phải nhận vô số “gạch đá” từ giới phê bình nhưng mức độ thành công của phim có thể ví với một “bom tấn”. Tại sao lại có sự “ngược đời” như vậy?
Loạt phim truyền hình Mỹ “Sex and the City” đã từng giành được vô số giải thưởng uy tín cho phim truyền hình, từng xuất hiện trong nhiều danh sách bầu chọn những bộ phim truyền hình hấp dẫn nhất mọi thời đại.
Nếu cho rằng “Sex and the City” hấp dẫn chỉ bởi phim đề cập tới yếu tố sex, đó hoàn toàn là một suy nghĩ sai lầm, bởi có không ít phim truyền hình được sản xuất dành riêng cho người lớn lấy yếu tố sex làm nhân tố chủ đạo, nhưng đều không có được thành công như loạt phim này.
Lý do khiến “Sex and the City” nhận được nhiều sự quan tâm, yêu thích của khán giả hẳn phải nhiều hơn thế. Loạt phim đình đám này từng nhận được 7 giải Emmy, 8 giải Quả Cầu Vàng và hiện vẫn gây sốt trên sóng truyền hình tại nhiều nước trên thế giới.
“Sex and the City” còn nằm trong danh sách những bộ phim truyền hình hay nhất mọi thời đại do tạp chí Entertainment Weekly và Time bình chọn.
Có thể nói phim là một trong những hiện tượng truyền hình quyền lực nhất, “giễu mặt” nhiều nhà phê bình, bởi trong khi họ ra sức “bới lông tìm vết” chê trách loạt phim, thì “Sex and the City” vẫn làm mưa làm gió trên sóng truyền hình, tỉ suất người xem vẫn cao ngất ngưởng, khiến mọi “can ngăn” đều trở thành vô nghĩa.
Sở dĩ nói đây là loạt phim quyền lực bởi sự thành công của phim đã truyền cảm hứng cho phiên bản điện ảnh. Hai phim điện ảnh cùng tên ra mắt hồi năm 2008 và 2010 đều đã “càn quét” các phòng vé trên khắp thế giới.
Hai bộ phim điện ảnh này khi ra mắt cũng từng phải nhận vô số “gạch đá” từ các nhà phê bình, nối tiếp “truyền thống” dìm phim trước đó. Nhưng tình hình vẫn vậy, các nhà phê bình cứ… “phê bình”, người xem cứ xem, và thậm chí còn đi xem rất đông.
Tổng biên tập của tạp chí phê bình điện ảnh Screen International đã phải thốt lên rằng “các nhà phê bình chẳng thể có ảnh hưởng gì đối với việc phim nào sẽ trở thành bom tấn ngoài rạp”.
“Sex and the City” đã chứng minh rằng những bộ phim hướng đến phụ nữ - một đề tài hiếm khi trở thành nhân tố chính yếu trong một bộ phim truyền hình hay điện ảnh - sẽ có thể “sống sót” vượt qua những bình luận khắc nghiệt nhất.
Lý do khiến nhiều người xem, đặc biệt là phụ nữ, “chết mê chết mệt” bốn nhân vật nữ chính trong phim là bởi những phụ nữ này có dáng vóc hoàn hảo, gu thời trang tinh tế, nghề nghiệp lý tưởng và sống ở nơi “trung tâm của trung tâm” - quận Manhattan ở thành phố New York, Mỹ.
Dù vậy, cả bốn nhân vật đều có cách suy nghĩ rất giống với những phụ nữ bình thường khác. Những tình huống họ gặp phải trong cuộc sống thường ngày được xử lý bằng sự thông minh và tính hài hước, giúp nữ giới có được tiếng cười vui vẻ lúc cuối ngày với những chuyện “của chị em chúng mình”.
Phụ nữ là một nửa thế giới nhưng những chương trình thực sự chỉ hướng đến phụ nữ không nhiều, ngay cả trong thế giới giải trí vốn rất phát triển của phương Tây. Một bộ phim để phụ nữ có thể cùng ngồi xem, cùng bàn luận; một bộ phim để sau chuỗi ngày vất vả với công việc và gia đình, họ có thể ngồi thảnh thơi, cười và khóc với các nhân vật, quả thực không nhiều.
“Sex and the City” chứa đựng thế giới đặc trưng phụ nữ, với những mối quan tâm về tình yêu, tình bạn và… tình dục, những chuyện tào lao “buôn bán” rỉ tai, những hào nhoáng phù phiếm mà bất cứ phụ nữ nào cũng đam mê…
“Sex and the City” ra mắt đúng vào lúc cuộc sống của phụ nữ Mỹ bắt đầu có những thay đổi mạnh mẽ, khi họ biết tận hưởng cuộc sống hơn bao giờ hết, sẵn sàng chi ra những khoản lớn cho thời trang, du lịch, ăn uống…
“Sex and the City” đã ngay lập tức có mặt để phản ánh những biến đổi trong đời sống phụ nữ Mỹ cuối thập niên 1990, với những ánh sáng tươi vui hiện đại, thể hiện sự tự do, phóng khoáng của một thế hệ phụ nữ kiểu mới.
Một trong những cái mới, đó là họ dám cởi mở trong việc trò chuyện về tình dục. Phim đã thực hiện một cuộc cách mạng đầy cảm hứng khi đưa những chuyện tế nhị của chị em lên sóng truyền hình.
“Sex and the City” đã phá bỏ nhiều chuẩn mực và giới hạn, đưa vào những chủ đề tưởng như cấm kỵ bằng một sự hài hước, tếu táo, khiến phụ nữ cũng hiện lên mạnh mẽ, tự do, phóng khoáng và đầy thú vị.
Phim đã không chỉ thúc đẩy sự tự tin ở phụ nữ, nó còn “khơi mào” cho những cuộc “lột xác” về thời trang. “Sex and the City” đã từng tạo nên những trào lưu, bởi mỗi tập phim là một bữa tiệc váy áo, mỗi nhân vật là một phong cách khác biệt.
Một hãng bán lẻ thời trang ở London cho biết, có những thời điểm, các mẫu thời trang xuất hiện trên phim bán chạy gấp đôi, gấp ba và họ luôn trong tình trạng thiếu hàng. Trong khi giới phê bình không dành nhiều thiện cảm cho phim, thì hầu hết những người làm thời trang tôn sùng “Sex and the City” bởi phim đã thúc đẩy nhu cầu may mặc của chị em lên cao bất ngờ.
Những phụ nữ xuất hiện trong phim là những người biết làm cật lực, biết hưởng thụ hết mình, họ sở hữu sự nghiệp đáng mơ ước, nhưng không suốt ngày “chúi mũi” vào công việc mà cũng có những mối quan tâm rất phụ nữ. Họ thường xuyên đi ăn tiệm, luôn trưng diện, nhưng không phải bởi họ “trên tiền”, mà bởi họ đã vất vả kiếm ra tiền và muốn thực sự tận hưởng nó.
Một thông điệp cuối cùng khá thú vị của phim, đó là thời trang rồi sẽ lỗi mốt, người đàn ông của bạn rồi có thể sẽ ra đi, nhưng tình bạn thân thiết giữa những chị em chí cốt sẽ còn lại mãi.
Tờ Telegraph (Anh) so sánh rằng nếu bạn không xem phim này, sẽ chẳng khác nào bạn bỏ qua buổi họp mặt với các cô bạn thân.
Bích Ngọc
Theo Telegraph