Sẽ là thảm họa nếu VTV2 cắt bớt cảnh nóng của “Sex and the city”

“Tôi ủng hộ sự cởi mở. Chỉ e là cởi mở không “đến nơi đến chốn”. Theo tôi, đã quyết định làm thì đừng nửa vời” - nhà văn Trang Hạ, dịch giả cuốn “Xin lỗi em chỉ là con đĩ”, từng học thạc sĩ về quản lý truyền thông, chia sẻ về phim gắn mác 18+.

“50 sắc thái”, thì sao?

Nhà văn Trang Hạ.

Nhà văn Trang Hạ.

Còn nhớ, thời điểm “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” mới ở dạng bản thảo, tôi đã phải vận đủ cách để thuyết phục các nhà xuất bản nhằm bảo vệ bằng được cái tên sách bị cho là “nhạy cảm”. Tới lúc, nó được đưa lên sân khấu thì lại bị yêu cầu đổi thành: “Xin lỗi em chỉ là…”.

Cũng trong lĩnh vực xuất bản, một bộ sách rõ ràng là sách khiêu dâm nhưng có cái tên “lành” hơn và gắn mác best-seller vào: “50 sắc thái” thì lại qua cổng kiểm duyệt trót lọt, hẳn vì “Xin lỗi, em chỉ là… sách dịch” (?). Cuốn đó, tôi đồ là, nếu do Trang Hạ hay bất cứ một nhà văn VN nào viết, chắc chắn đã bị cấm từ lâu rồi, dù cùng chung một “đầu ra” và trong cùng một môi trường văn hóa đọc.

Và bây giờ, tương tự, là câu chuyện phim gắn mác 18+ sắp được phát trên VTV2. Sóng truyền hình quốc gia, lại là kênh khoa giáo, “quan trên trông xuống, người ta trông vào” – không thể chấp nhận được? Còn nếu là sóng truyền hình địa phương, và là một kênh khác, thì được sao? Hay một công ty sách thì được quyền xuất bản sách khiêu dâm, còn truyền hình thì không được quyền nói chuyện sex ư?

Đúng sai chưa cần bàn tới ở đây, mà vấn đề là: Chúng tôi cần một cái chuẩn. Đằng này, chúng ta quá thiếu chuẩn, nên mới thành ra lúng túng và bất nhất như vậy.

Bìa cuốn 50 sắc thái .

Bìa cuốn "50 sắc thái" .

VTV phớt lờ quy trình phát hành sản phẩm nhạy cảm

Tới giờ này, thực ra tôi cũng chưa rõ “Sex And The City” khi phát trên VTV2 thì có bị cắt gọt bớt những cảnh nóng hay những đoạn thoại quá “gợi cảm” không. Nếu vậy thì theo tôi quả là một “thảm họa”. Vì tôi rất ghét sự nửa vời. Một, là không làm. Hai, nếu làm, thì đừng làm nửa vời.

Cá nhân tôi rất ủng hộ sự cởi mở, thậm chí, hoàn toàn có thể mở lòng đón nhận một tờ tạp chí như Playboy tại VN. Thà trắng đen rõ ràng như thế đi, thì còn đi một nhẽ! Bằng không, theo tôi, đừng đưa ra những thứ nửa nạc nửa mỡ, lỡ cỡ, không đâu vào với đâu và không tương thích hẳn với một đối tượng nào.

Một cảnh phim 50 sắc thái.

Một cảnh phim "50 sắc thái".

Ở các nước có nền điện ảnh và truyền hình phát triển, theo như tôi được biết, chu kỳ để một bộ phim điện ảnh đến được với khán giả truyền hình thường phải mất ít nhất từ 1 - 2 năm (thậm chí 7 năm), để nó đi từ rạp chiếu đến băng đĩa và truyền hình cáp trả tiền đến truyền hình cáp khuyến mại đến truyền hình công cộng xài ăng ten (không phải trả tiền). Đó không chỉ là vấn đề doanh thu của nhà sản xuất, phát hành…, mà còn là câu chuyện sàng lọc, định vị khán giả; xác lập bản đồ hưởng thụ văn hóa: Từ những lượt khán giả chọn lọc đầu tiên, khống chế hơn về mặt số lượng, có thu nhập, có trình độ, có thiết bị tốt… (những người bỏ tiền ra mua vé vào rạp, hay những khách hàng của các kênh truyền hình HD VIP, K+…) đến những khán giả bình dân hơn, là đối tượng phục vụ của những kênh truyền hình thông dụng khác, nơi mà người xem chỉ chi trả một khoản phí nhỏ hoặc được đối xử “bình đẳng” như trên youtube…

Nhưng hành trình của “Sex And The City” tại VN theo như tôi biết lại không hề đi theo đúng quy trình chuẩn ấy, và thiếu hẳn độ lùi 2 năm cho vòng quay cần thiết nói trên.

Cũng không đưa ra những lựa chọn an toàn khác như: Phải thế nào thì anh sẽ được xem bản đầy đủ và thế nào thì anh phải chấp nhận những bản bị cắt gọt… Chung quy lại vẫn là căn bệnh “thiếu chuẩn”.

Poster Sex and the city.

Poster "Sex and the city".

Nếu “Sex and the City” được chiếu chọn lọc tại Việt Nam, chính khán giả có chọn lọc đó thông qua trao đổi, báo chí, mạng xã hội, tương tác chia sẻ… sẽ tự giáo dục cộng đồng, thay đổi hành vi xem phim như, “dọn” con cái từ phòng ngủ bố mẹ sang phòng riêng, bê chiếc tivi và bê tất cả mọi máy tính ra khỏi phòng con cái để tránh các con xem trộm VTV2, trò chuyện cởi mở với nhau về cách ứng xử với những thứ đang được gọi là món ăn tinh thần mà nhà đài dọn ra cho người Việt Nam xơi…

Sau thời gian đó, “Sex…” mới có thể lên được sóng truyền hình công cộng, khi mà cộng đồng đã được trang bị thứ vắc-xin phòng dịch trong nhận thức của mình. Còn đùng một phát lên sóng như “Chuyện ấy là chuyện nhỏ”, tôi nghĩ đó là một hành vi truyền thông vô trách nhiệm.

Ở góc độ truyền thông, vì vậy tôi mới chỉ nhìn thấy hai chữ “giáo dục” ở trên môi người nói, chứ chưa thấy trong việc họ làm. Khi vẻ như, món ăn mà họ đưa ra cho khán giả đã không qua đủ các công đoạn chuẩn cần thiết để tạo được một “đường ray tiếp nhận” an toàn nhất. Thay vì thế, nhà đài đã chọn một lối đi tắt hơi đường đột khiến dư luận ngỡ ngàng (do không có quá trình chuẩn bị về mặt nhận thức, cũng như tâm lý tiếp nhận…).

Hãy tưởng tưởng xem, nếu một khán giả ở một điểm vùng sâu vùng xa nào đó, vào một ngày đẹp trời mở ti vi ra và nhìn thấy những cảnh nóng (được chiếu miễn phí) trong “Sex And The City”, thì dễ chừng, từ đó, họ sẽ chỉ biết trên đời có mỗi… kênh VTV2 mà thôi. Vì sao? Vì đơn giản, đó là món lạ trên sóng truyền hình quốc gia, và quan trọng là họ không phải trả tiền. Giáo dục giới tính ư, nhân tiện? Ồ, tôi không nghĩ thế!

Theo Thủy Lê
Dòng sự kiện: Phim 18+ trên VTV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm