Đọc "Chuyện nghề, chuyện người, chuyện bốn phương" để tìm ký ức của mình

PV

(Dân trí) - Sách "Chuyện nghề, chuyện người, chuyện bốn phương" của nhà báo Nguyễn Lương Phán là những ghi chép giao thoa, kết hợp thú vị giữa chất báo và chất văn, giữa phản ảnh và suy luận.

Tôi có may mắn là được nhà báo Nguyễn Lương Phán cho đọc trước bản thảo những ghi chép ngẫu hứng của ông mang tên Chuyện nghề, chuyện người, chuyện bốn phương trước khi ông gửi in ở Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông.

Mấy ngày qua quá bận, đến khi sắp xếp được công việc để đọc kĩ, suy ngẫm kĩ, tôi tự thấy phải viết mấy dòng gì đó để gửi tới ông, chia sẻ sự mến mộ, khâm phục của tôi với ông.

Sách Chuyện nghề, chuyện người, chuyện bốn phương là những ghi chép giao thoa, kết hợp thú vị giữa chất báo và chất văn, giữa phản ảnh và suy luận, chiêm nghiệm của một nhà báo ưa tìm tòi, khám phá và một lữ khách ham thăm thú, thưởng ngoạn; và đâu đó, vẫn nhận ra một ông giáo điềm đạm, mực thước, thâm trầm, sâu sắc.

Đọc Chuyện nghề, chuyện người, chuyện bốn phương để tìm ký ức của mình - 1

Cuốn sách "Chuyện nghề, chuyện người, chuyện bốn phương" của nhà báo, nhà giáo Nguyễn Lương Phán (Ảnh: Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông).

Ở phần Chuyện nghề, người đọc nhận rõ cái duyên lành của nhà giáo Nguyễn Lương Phán khi ông, dù rất yêu quý nghề giáo, đã "phải lòng" rồi mê mệt nghề báo, cái nghề giúp ông được đi nhiều vùng đất, gặp nhiều người, biết nhiều chuyện, như ông đã tâm sự "đi một ngày đàng, học một sàng khôn".

Nhìn việc đi, đàng đi và thu hoạch của ông qua mỗi chuyến đi thì ai cũng phải thốt lên: Ông có nhiều "sàng khôn" quá, có gia tài nghề báo đáng nể phục quá.

Nhà báo Nguyễn Lương Phán luôn dành cho Đài Tiếng nói Việt Nam tình cảm sâu nặng, ân nghĩa - nơi ông có hơn 35 năm gắn bó, cống hiến, trưởng thành, cho đến lúc nghỉ chế độ, làm tiếp ở tờ báo khác, ông vẫn luôn đau đáu nhớ về, vẫn tham gia tích cực diễn đàn Bạn bè Đài Tiếng nói Việt Nam trên facebook.

Ở phần Chuyện người, ông viết nhiều câu chuyện giản dị, xúc động về Đài, nhất là những gương mặt thân quen, quý mến làm nên Tiếng nói Việt Nam như Giám đốc, Tổng biên tập đầu tiên Trần Lâm; Nhà báo Trần Kim Xuyến; nhà báo Phan Quang; các nhạc sĩ của Đài như Phạm Tuyên, Thuận Yến, Hoàng Hà; nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhiều người khác nữa...

Ông viết những kỷ niệm nghề nghiệp, những bài học sâu sắc về nghề như tác nghiệp ở Hội nghị Hiệp thương thống nhất đất nước năm 1975; ở Đại hội VI của Đảng năm 1986; ở Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Ba Lan, Ấn Độ...

Ông ghi những dòng trân trọng, xúc động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp; về Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười; về nữ sĩ Nguyễn Thị Thiếu Anh, cụ Nghè Nguyễn Lương Quy, nhà giáo Phạm Kim Âu, Giáo sư, viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Giáo sư, AHLĐ Vũ Khiêu, NSND Quý Dương, NSND Trần Hiếu, GS. Bùi Trọng Liễu, GS. Nguyễn Phong Châu, nhạc sĩ Đặng Hồng Anh, nghệ sỹ Vũ Đặng Minh Anh, về những con người giản dị mà đáng quý, đáng yêu như Nguyễn Tài Hậu, Cù Thị Trờ, Nguyễn Thị Ráo…

Ở phần Chuyện bốn phương, ông viết về hương sắc Việt Nam trên đất Mỹ, ngôi nhà Việt Nam giữa Paris; thăm Bruney, Jordan, thăm Biển Chết và Israel; thăm Lâm Tỳ Ni và Bồ Đề Đạo Tràng; thăm Fukuoka, Marseille; thăm cộng đồng người Việt ở Ba Lan, vùng trồng nho Lavaux, kim tự tháp Giza…

Ông đi nhiều, đặt chân lên nhiều nước nhưng không phải chỉ để ngó nghiêng, thưởng lãm mà luôn quan sát và ghi chép một cách tinh tế, sâu sắc. Đã ngoại thất thập, bát thập, ông vẫn làm báo, viết báo, bàn sâu vào cả loại hình báo điện tử (Vietnamnet, Dân trí), về mạng xã hội (facebook, Blog...); góp ý về cách đọc, cách xưng hô, về dự báo thời tiết trên sóng phát thanh, truyền hình… Và quan trọng nhất, ông vẫn say nghề, vẫn khỏe, vẫn dồi dào sức sáng tạo, vẫn đi và viết.

Khi đọc xong tập bản thảo Chuyện nghề, chuyện người, chuyện bốn phương của nhà báo Nguyễn Lương Phán với hơn 350 trang viết trên khổ giấy A4, tôi đã ngồi lặng đi, nhớ lại nhiều kỷ niệm yêu thương giữa ông và tôi, công việc, quan hệ anh em, đồng nghiệp.

Tôi và ông biết nhau từ ngày tôi còn làm việc ở Đài PTTH Nghệ Tĩnh, Đài PTTH Nghệ An, Báo Nghệ An rồi ra Hà Nội làm Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; và bây giờ là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Mối quan hệ ấy đã hơn 40 năm. Đọc Chuyện nghề, chuyện người, chuyện bốn phương của nhà báo Nguyễn Lương Phán, tôi tự tìm thấy một phần kí ức về đời mình trong đó. Cảm nghĩ này chắc không của riêng tôi.

Nếu được nhà báo Nguyễn Lương Phán cho phép, có thể xem bài viết nhỏ này như là một trong những lời giới thiệu giản dị, chân thành về ông, về nghề báo của chúng ta, về cuộc sống của chúng ta.

                                                            PGS,TS, Nhà báo, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ