Sóc Trăng:
Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải cầu biển lặng gió hòa, bội thu tôm cá
(Dân trí) - Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải ở Sóc Trăng là một trong những lễ hội lớn ở khu vực duyên hải Tây Nam Bộ, với mong muốn cầu biển lặng, gió hòa, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá.
Ngày 29/4, UBND huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) tổ chức lễ hội Nghinh Ông Nam Hải. Lễ hội diễn ra đến ngày 1/5, có 2 phần chính là lễ rước Ông và lễ tế truyền thống.
Đây là một trong những lễ hội lớn của ngư dân ở khu vực duyên hải Tây Nam Bộ, với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, biển lặng, gió hòa, đánh bắt được nhiều tôm cá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ Nghinh Ông Nam Hải ở Trần Đề có từ năm 1955, là một tín ngưỡng dân gian được phổ biến, trao truyền qua các thế hệ ngư dân đi biển. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.
Năm nay, huyện Trần Đề tổ chức mở rộng quy mô lễ Nghinh Ông, đã thu hút hàng nghìn du khách các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ như: Trà Vinh, Bến Tre, Long An, Bạc Liêu, Cà Mau... đến tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi.
Anh Trần Quốc Trí (ngụ huyện Trần Đề) cho biết, lễ hội Nghinh Ông được xem là phong tục truyền thống của ngư dân ở huyện Trần Đề và các vùng lân cận.
"Cứ tới ngày 21/3 âm lịch, ngư dân gác lại công việc đi biển để chuẩn bị lễ Nghinh Ông, mong một mùa biển mới thêm bình an, thuận lợi", anh Trí chia sẻ.
Lãnh đạo UBND huyện Trần Đề chia sẻ, nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, huyện xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Nghinh Ông giai đoạn 2023-2028.
Mục tiêu của đề án là hằng năm tổ chức định kỳ lễ hội Nghinh Ông nâng tầm quy mô lớn; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng thực hành lễ thức Nghinh Ông cho nghệ nhân; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu về lễ hội Nghinh Ông.