DMagazine

NSƯT Phạm Việt Tùng và câu chuyện sau các thước phim vô giá ngày 30/4/1975

(Dân trí) - "Tôi vinh dự được chứng kiến sự kiện lịch sử oanh liệt của dân tộc: Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối!", NSƯT Phạm Việt Tùng chia sẻ.

NSƯT, đạo diễn Phạm Việt Tùng là một trong số ít phóng viên chiến trường có mặt tại Dinh Độc Lập ngay thời khắc lịch sử vĩ đại của dân tộc - khi nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng quân Giải phóng vào ngày 30/4/1975.

Đi qua hai cuộc chiến, ở tuổi U90, đạo diễn - NSƯT Phạm Việt Tùng vẫn giữ giọng nói vô cùng hào sảng và nhiệt huyết. Ông say sưa kể với phóng viên Dân trí về một thời vác máy quay trên vai làm vũ khí ra chiến trường, về những câu chuyện sau các thước phim tài liệu vô giá và cả những kỷ niệm khó quên, những mảnh đời đau thương trong cảnh mưa bom bão đạn…

Trích phim tài liệu "Phạm Việt Tùng: Nghệ sĩ - Chiến sĩ" (Video: VTV).

NSƯT Phạm Việt Tùng và câu chuyện sau các thước phim vô giá ngày 30/4/1975 - 1

Thưa đạo diễn - NSƯT Phạm Việt Tùng, trải qua 49 năm kể từ ngày miền Nam giải phóng thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), cảm xúc của ông thế nào khi nhớ về thời khắc lịch sử ấy?

- Khi đến Dinh Độc Lập, sào ổ cuối cùng của Ngụy quyền, tôi xúc động và hạnh phúc vô cùng vì biết mình không chết.

Lúc đó, tôi nghĩ, cha ông mình đã đóng góp rất nhiều sức lực cho các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, biết bao lớp người đã hy sinh, không biết độc lập tự do là gì nhưng chúng tôi lại biết cảm giác đó.

Tôi vinh dự được chứng kiến sự kiện lịch sử oanh liệt của dân tộc: Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối!

Tôi rất sung sướng vì nghĩ đời con cháu mình không phải khổ nữa, các cháu được học hành, được biết chữ như người ta, nhân dân từ nay được độc lập, được tự do.

Trong thời khắc lịch sử đó, người dân hai miền Nam - Bắc ôm nhau vui sướng lắm. Có những người cười nhưng cũng có người buồn và khóc vì không tìm thấy anh em trong nhà mình.

Đặc biệt, trên gương mặt những sinh viên Sài Gòn - Gia Định ánh lên niềm sung sướng, tự hào. Những cảm xúc đó được gói gọn trong những thước phim tôi thực hiện.

Thời khắc lịch sử đó, ông đã quay được những thước phim vô giá về Sài Gòn ngày đầu giải phóng. Ông có thể kể những kỷ niệm, những khó khăn và cả những câu chuyện không thể  quên khi thực hiện những thước phim đó?

- Tôi không gặp khó khăn gì trong quá trình tác nghiệp để ghi lại những thước phim ngày đầu Sài Gòn giải phóng, chỉ hơn nhau ở chỗ góc nhìn chọn lọc. 

Tôi tìm đến Dinh Độc Lập. Vì là người miền Bắc nên tôi đã nhờ các sinh viên chở mình đi và chi trả xăng xe. Trên đường đi, tôi hỏi một anh bạn của tôi rằng: "Nguyên ơi, bây giờ biểu hiện cái gì là rõ nhất của chiến thắng?". Tuy bạn tôi không trả lời kịp nhưng tôi nghĩ, trong thời chiến, khi thua, họ vứt súng ống xuống, còn bây giờ chế độ mới thì những đồ thuộc chế độ cũ, họ sẽ vứt đi.

Thế là cảnh xe tăng của ta nghiến lên lá cờ 3 sọc của Ngụy quyền là thước phim đầu tiên tôi quay về ngày đầu giải phóng 30/4/1975. Lúc đó, để quay được những thước phim có màu rất khó và đắt tiền. Tuy nhiên, tôi được tài trợ để quay và đến bây giờ những thước phim có màu đó vẫn rất đẹp, không bị bạc màu.

Không khí ở Dinh Độc lập trưa 30/4/1975 cũng khác lắm, người dân trong Sài Gòn ùa ra, vui sướng. Họ muốn xem gương mặt của những anh bộ đội. 

Cuộc sống của người dân Sài Gòn lúc mới giải phóng rất xáo trộn và nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có người vui, có người khổ, có người được ra tù nhưng cũng có người giải phóng rồi không biết bám vào đâu. Họ vui sướng vì giành được độc lập, đuổi đế quốc ra khỏi đất nước, nhưng cũng không biết ngày mai đất nước sẽ ra sao.

Lúc đấy, tôi không nghĩ nhiều cho bản thân mình, chỉ nghĩ hết chiến tranh thì đất nước, người dân sẽ sống hòa thuận với nhau như thế nào.

Gia đình tan tác cũng nhiều, có những người chạy ngược chạy xuôi không gặp lại nhau. Song hơn tất cả, có đau thương, mất mát nhưng cuối cùng, dân tộc ta vẫn cùng chung một niềm vui chiến thắng.

NSƯT Phạm Việt Tùng và câu chuyện sau các thước phim vô giá ngày 30/4/1975 - 2

Đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng quay Giải phóng miền Nam (Ảnh: Phạm Bắc).

Nhắc đến đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng và những thước phim tài liệu vô giá của ông, không thể không nhắc đến hình ảnh máy bay B52 của Mỹ bốc cháy rực trời bên cột Truyền hình 58 Quán Sứ năm 1972. Ông đã quay được hình ảnh đó như thế nào? Cảm xúc của ông khi nhớ lại 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không?

- Hà Nội linh thiêng những ngày đó chìm trong cảnh "đất rung, ngói tan, gạch nát" nhưng luôn toát lên tâm thế hào hùng.

Cuối năm 1972 tại Hội nghị Paris, phía Mỹ tuyên bố "hòa bình đã ở trong tầm tay" khiến chúng ta lạc quan rằng cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ chấm dứt.

Thế nhưng, Mỹ đã lật lọng, dùng B52 oanh tạc Hà Nội và một số thành phố ở miền Bắc Việt Nam. 

Lúc đó, tôi đang công tác tại Ban Truyền hình (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam), nằm trong số những người ở lại Hà Nội làm nhiệm vụ, trong lúc lệnh sơ tán triệt để toàn thành phố được khẩn trương thực hiện.

Khi đó, mảnh đạn rơi rào rào trên các mái nhà, không biết sống chết thế nào nhưng tôi vẫn quyết tâm quay bằng được trận chiến hào hùng của quân và dân Hà Nội.

Tôi và các đồng nghiệp bất chấp nguy hiểm, có mặt trên các nóc nhà cao tầng giữa lúc hàng đàn máy bay của Mỹ dội bom ầm ầm xuống thành phố. Một trong những địa điểm tôi chọn để quay là tháp nước trên nóc Khách sạn Hòa Bình (Hà Nội) bây giờ.

Còn nhớ, đêm đông rét mướt 27/12/1972, tôi dùng một chiếc khăn cột người vào lan can tháp nước, cùng phụ quay Đắc Lương chờ đợi dưới làn mưa bom đang làm rung chuyển toàn thành phố.

Tôi hướng máy quay về phía phà Khuyến Lương, nơi tên lửa và cao xạ của ta đang mãnh liệt trút lửa lên bầu trời đặc quánh tiếng gầm rú của máy bay Mỹ.

Bất chợt, Đắc Lương hét lên: "Anh Tùng. Nó ở đằng này cơ, anh Tùng!". Mọi việc chỉ diễn ra trong tích tắc, nên tôi không kịp ngắm, chỉ theo phản xạ bấm và chỉnh máy quay về hướng tay của người phụ quay.

Thế là hình ảnh pháo đài bay B52 như một quả cầu lửa khổng lồ ngùn ngụt trên bầu trời Hà Nội lọt trọn vào khuôn ngắm của tôi trong vài giây, sau đó nó rơi xuống phía đường Hoàng Hoa Thám.

NSƯT Phạm Việt Tùng và câu chuyện sau các thước phim vô giá ngày 30/4/1975 - 3

Đó cũng là "cảnh chốt" trong phim "Hà Nội - Điện Biên Phủ", ông có thể chia sẻ thêm về bộ phim này?

- Ban đầu tôi nghĩ, muốn dùng cụm từ "Điện Biên Phủ" thì nhất định phải xin ý kiến Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.

Thế là tôi đăng ký xin gặp Đại Tướng. Nghe tôi trình bày ý tưởng làm phim tài liệu mang tên Hà Nội - Điện Biên Phủ về cuộc chiến chống giặc Mỹ xâm lược miền Bắc và Thủ đô Hà Nội bằng pháo đài bay B52, Đại Tướng đi chậm rãi mấy vòng quanh chiếc bàn họp lớn suy nghĩ, rồi nói: "Đồng ý! Hà Nội - Điện Biên Phủ"!

Thế là những thước phim quý giá mà tôi tố cáo tội ác giặc Mỹ rải thảm bom tàn phá Thủ đô ta, đã tạo nên bộ phim Hà Nội - Điện Biên Phủ. Bộ phim đoạt Giải Đặc biệt Liên hoan phim Quốc tế tại Tiệp Khắc năm 1974.

Sau này ông còn quay phim tại chiến trường biên giới phía Bắc?

- Nói vui như các đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam thì tôi là người tránh bom đạn giỏi nên được phân công lên Cao Bằng tác nghiệp trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979.

Tôi băng rừng, từ Tài Hồ Sìn sang Đông Khê, Thất Khê. Trời thì lạnh, mưa phùn, vắt rừng nhiều vô kể. Đói, khát, may lúc đó tôi còn có anh phụ quay đi cùng. Ba lô phim phải giữ gìn cẩn thận, không để cho bị ẩm. Sau đó, tôi lại được cử ra Ải Nam Quan. Chúng tôi đói nhưng vẫn nín thở để quay phim.

NSƯT Phạm Việt Tùng và câu chuyện sau các thước phim vô giá ngày 30/4/1975 - 4

Là nhà quay phim trưởng thành trong khói lửa của chiến tranh, bước vào cuộc chiến với tư cách là "người chép sử bằng hình", hẳn mỗi bước chân qua chiến trường luôn để lại trong ông những kỷ niệm khó quên trong đó có cả những kỷ niệm đau thương nhất?

- Nhiều lắm, kể ra thì không biết khi nào mới hết. Tôi vẫn nhớ năm 1975, cả Đài Tiếng nói Việt Nam có 3 đoàn phóng viên, biên tập viên vào miền Nam.

Như bà Tố Uyên và ông Huỳnh Văn Tiểng - Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam - vừa mới cưới thì lên xe đi vào Nam quay và xem đó là tuần trăng mật của mình.

Lúc ấy, chúng tôi đi mà không biết ngày về, cũng chẳng biết sống chết thế nào nhưng ai cũng tự hào "mình là con cháu Cụ Hồ", đã quyết tâm đi thì phải làm được một cái gì đó. Trên đường chúng tôi vào Nam, hai bên vẫn còn đánh nhau.

Chúng tôi đi ngày đi đêm, quân giặc đánh phá các cây cầu nên phải đi vòng dưới vực, xong lại lấy đá chèn để xe vượt lên. Bom đạn ác liệt, làm gì có nhà ở trên mặt đất, chúng tôi phải ngủ hầm. Đoàn có nhiều biên tập, quay phim lại ít, nhiệm vụ của chúng tôi là ghi lại hình ảnh, sự thật.

Quần áo ướt hết nhưng máy quay mình vẫn phải đeo, phải giữ cho không bị ướt. Nếu máy bị ướt, hỏng thì khi vào miền Nam sẽ không có cái để quay và chuyến đi trở nên vô nghĩa. Vì thế, chết thì ai cũng sợ nhưng vẫn phải đi để hôm nay có được độc lập tự do cho đất nước.

Tôi đã nghĩ, lúc đó có thể chết đấy nhưng cũng có thể sống để tự hào rằng mình đã góp một phần nho nhỏ vào chiến thắng.

Đó là chuyện năm 1967, cô sinh viên Đại học Y Hà Nội xinh đẹp, tên là Ngô Thị Ngọc Tường, khám bệnh cho người dân ngoại thành. Sau đó 5 năm, cô chuẩn bị làm đám cưới, đã phát thiệp hồng tới bạn bè, người thân.

Nhưng đau thương thay, đúng một ngày trước đám cưới, trên đường đi làm từ Bệnh viện Bạch Mai về nhà ở khu vực Lò Đúc, cô đã bị bom Mỹ cướp đi mạng sống. Gia đình đưa xác cô về nhà, chiếc áo cưới trở thành tấm áo liệm. Những tấm thiệp cưới xơ xác trong căn nhà u ám. Giữa tình cảnh bi thương ấy, vẫn toát lên niềm tin chiến thắng.

Hay năm 1968, tôi có mặt ở trận địa Vĩnh Linh, nơi từng bị đế quốc Mỹ ném bom dữ dội nhất để ghi hình. Trên đường đi quay, tôi gặp 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc. Nhưng khi quay hình trở về, các cô đều đã hy sinh. Đó là một trong những kỷ niệm đau thương khiến tôi nhớ nhất.

NSƯT Phạm Việt Tùng và câu chuyện sau các thước phim vô giá ngày 30/4/1975 - 5

Được biết, NSƯT Phạm Việt Tùng là người quay phim đầu tiên của đài Truyền hình Việt Nam may mắn được cầm máy quay đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những kỷ niệm, những lời dạy nào của Bác khiến ông xúc động, không thể nào quên?

- Bác Hồ luôn dạy chúng tôi: "Văn hóa văn nghệ là một mặt trận, người làm báo là một chiến sĩ trên mặt trận ấy". Mỗi người làm báo đều phải nâng cao trình độ của mình, làm điều gì cũng phải xuất phát từ nhân dân, phục vụ nhân dân.

Bác cũng luôn tạo điều kiện giúp đỡ cho những người quay phim, chụp ảnh. Lắm khi Bác hỏi: "Các chú có mang đủ phim không, nếu không mang đủ phim thì Bác đi lại cho mà quay".

Bác Khánh Dư là người quay phim về Bác Hồ trong thời điểm đi sang Liên Xô. Bao giờ Bác cũng đi trước còn quay phim, trợ lý đi sau nhưng để có những bức ảnh, thước phim đẹp thì quay phim, chụp ảnh phải đi trước.

Bác biết người quay phim đó không quay được nên mới bảo lại rằng: "Cháu ơi, lúc nãy không quay được à? Bác đi nhanh quá nên cháu không quay được đúng không? Vậy Bác bước lại lên xe đi xuống để cháu quay nhé". Rồi Bác chỉ cho quay cảnh này đến cảnh nào, quay như thế nào để thể hiện được tính chính trị, lòng tự hào dân tộc, sự ngang hàng của Việt Nam với thế giới.

Hay từng có một lần Bác họp Hội đồng Chính Phủ trong phòng tối, bằng mắt thường thì mọi người vẫn họp được nhưng nếu để quay phim thì không thể quay được vì không đủ sáng. Lúc đó, Bác bảo các chú trèo lên mái nhà, gỡ mấy tàu lá xuống, ánh sáng lọt vào là quay được ngay. Nói như vậy để thấy rằng, Bác rất hiểu nghề và gần gũi với anh em quay phim chúng tôi.

Hay có lần, các chị bên Hội Phụ nữ cứu quốc thấy Bác nhờ vá áo, mà áo lại sờn quá nên đã may tặng Bác cái áo mới, nhưng Bác kiên quyết không dùng, Bác để lại đến khi gặp mặt các cụ phụ lão xuất sắc thì Bác đem ra tặng. Còn với cán bộ thì Bác luôn căn dặn: "Phục vụ cách mạng thì làm thật nhiều, nhưng kể công với cách mạng thì kể ít thôi".

Theo ông, điều gì quyết định ông trở thành "người chép sử bằng hình" xuất sắc?

- Tôi rất yêu nghề và dành nhiều thời gian cho sự nghiệp nên lập gia đình muộn. Cuộc đời tôi làm hàng trăm phim, mỗi một phim phải chọn cho mình đúng góc nhìn mà người dân trong nước cũng như thế giới quan tâm.

Phải có tính liên kết đến hiện tại thì phim của tôi mới có giá trị lâu dài. Và đặc biệt là phải có tính phản biện. Tôi nói gì cũng phải có lý giải.

NSƯT Phạm Việt Tùng và câu chuyện sau các thước phim vô giá ngày 30/4/1975 - 6

Ông có bị ám ảnh bởi những điều mà mình đã trải qua trong chiến tranh?

- Thật sự, có những đêm đang nằm, tự nhiên tôi chồm dậy vì nhớ đến tiếng bom, rồi nghĩ đến những cảnh mình trải qua trong quá trình tác nghiệp, cảm thấy tự hào vì mình có đóng góp nho nhỏ với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đôi lúc chúng tôi cũng "giận hờn" vì có những người trở về sau cuộc chiến không được đền đáp xứng đáng. Họ chịu đựng gian khổ để đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc là việc đáng làm. Nhưng khi trở về, cuộc sống khó khăn, người ta không biết dựa vào đâu.

Rồi ngẫm nghĩ, thời xưa ông bà phải hy sinh, phải khổ cực như thế nào để có hòa bình, dù có khổ nhưng vẫn tự hào còn thời nay… có "những điều trông thấy mà đau đớn lòng".

Cuộc chiến đã đi qua nhưng khi xem lại những thước phim tư liệu, những câu chuyện mà mình được chứng kiến, ông còn ấp ủ đề tài nào về chiến tranh?

- Tôi muốn kể câu chuyện về một người phụ nữ tên Nhàn (ở Đông Anh, Hà Nội), hiện vẫn còn sống. Cuộc đời của chị bất hạnh khi lấy chồng chưa được bao lâu, chưa kịp biết đời sống tình cảm vợ chồng như thế nào thì anh mất do bom B52.

Cách đây 26 năm, tôi được gặp chị và nghe câu chuyện rất đau thương ấy. Bản thân câu chuyện đã là lời lên án chiến tranh thuyết phục nhất, không cần phải kể thêm bom đạn hay ta thắng, địch thua…

Ở tuổi U90, làm sao NSƯT Phạm Việt Tùng vẫn toát lên sự minh mẫn, giọng nói hào sảng, sôi nổi và đầy nhiệt huyết, không có dáng vẻ gì của một người ở tuổi "xưa nay hiếm" cả?

- Thật sự, dù đã phải trải qua vất vả, nguy hiểm để có được từng thước phim trong chiến tranh nhưng tôi vẫn luôn tự hào và hạnh phúc khi chính khói lửa, bom đạn đã tôi luyện cho những người quay phim như mình một tinh thần quyết liệt, một cái tôi nghệ thuật đầy cá tính.

Đi qua hai cuộc chiến, ở tuổi này tôi thấy hạnh phúc vì giờ tôi vẫn có thể làm việc, không nghỉ ngơi. Tôi vẫn làm cố vấn lịch sử cho những bạn trẻ có đam mê với thể loại truyền hình bởi tôi luôn tâm niệm "cho đi là nhận lại", chẳng bao giờ suy nghĩ thiệt hơn.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn đến nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm với các cán bộ, phóng viên các đài truyền hình Trung ương và địa phương như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TPHCM, Đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang... để đỡ "nhớ nghề".

Còn cuộc đời thì thời bình hay thời chiến, bao giờ chẳng có đấu tranh, đấu tranh để trở thành một con người tốt, loại bỏ dần cái xấu. Tôi nuôi dạy con cái trở thành những con người tử tế và đó là hạnh phúc lớn nhất của một người cha.

Trân trọng cảm ơn ông vì những chia sẻ!

NSƯT Phạm Việt Tùng và câu chuyện sau các thước phim vô giá ngày 30/4/1975 - 7

Thiết kế: Hữu Bách

Nội dung: Hương Hồ