Đạo diễn Quang Tú tiết lộ những điều bất ngờ về Lễ hội Áo dài 2016
(Dân trí) - Vào hồi 20h ngày 4/3 tới đây, Lễ hội Áo dài 2016 với chủ đề “Áo dài của chúng ta” do báo điện tử Dân Trí, báo Phụ nữ Việt Nam, Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội cùng Vietmode phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong vai trò Tổng đạo diễn của chương trình, cựu người mẫu Quang Tú đã có những chia sẻ bất ngờ về chương trình năm nay.
Được biết, lần này anh lại đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn cho Lễ hội Áo dài 2016 tổ chức ở Văn Miếu. Cảm xúc của anh trong lần này như thế nào?
Chương trình Lễ hội Áo Dài 2016 với chủ đề “Áo dài của chúng ta” đã được tổ chức 02 lần tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Lần đầu tiên diễn ra tháng 10/2014, đó là chương trình tạo ra ấn tượng rất mạnh với những người đam mê thời trang, đặc biệt là chiếc áo dài Việt Nam. Chương trình được Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đứng ra tổ chức với mục đích giữ gìn các nét truyền thống của áo dài dân tộc, đồng thời hướng đến sự phát triển bền vững của văn hóa Việt. "Áo dài của chúng ta 2014" có sự tham gia của 16 nhà thiết kế trên cả nước.
Tôi tham gia với vị trí trong êkip tổ chức sản xuất. Phải nói rằng khi đó, tất cả chúng tôi, từ Ban tổ chức tới những người tham gia thực hiện đêu cảm thấy mãn nguyện khi kết thúc chương trình.
Vào đêm trình diễn, toàn bộ không gian cổ kính của Văn Miếu được bừng sáng bởi hàng trăm cây đèn lồng được các nghệ nhân của kinh thành Huế thực hiện. Sân khấu trình diễn vô cùng lãng mạn với tạo hình của những cây nến lung linh. Trên con đường trung đạo dẫn tới sân khấu trình diễn, khán giả được thưởng thức những giai điệu âm nhạc dân tộc, ngắm nhìn những bức tranh được vẽ bởi các cháu thiếu nhi và cuối cùng là chiêm ngưỡng những bộ sưu tập áo dài được trình diễn bởi các Hoa Hậu, người đẹp, siêu mẫu nổi tiếng.
Được lựa chọn cho vị trí Tổng đạo diễn Lễ hội Áo dài 2016, tôi rất hạnh phúc và may mắn vì trong chương trình năm nay, toàn bộ nội dung chương trình được đóng góp ý tưởng bởi toàn bộ êkip: Ban tổ chức, Nhà thiết kế, các chuyên gia… Áp lực là điều đương nhiên, nhưng tôi rất tự tin với kinh nghiệm làm việc, những nỗ lực của tất cả mọi người, chương trình Lễ hội Áo dài 2016 chắc chắn đạt thành công rất nhiều so với chương trình đầu tiên.
Là một chương trình quy tụ một đội ngũ NTK danh tiếng lại có rất nhiều đối tượng người mẫu khác nhau. Vậy khó khăn hay áp lực lớn nhất đối với anh là gì?
Đáp ứng tiêu chuẩn làm việc với một nhà thiết kế nổi tiếng, thành công đã rất khó rồi. Ở đây là có tới 19 nhà thiết kế với nhiều cá tính và đa dạng người mẫu tham gia. Chúng tôi đã mất nhiều thời gian, trí lực để cùng trao đổi, sáng tạo, chia sẻ những nôi dung làm thế nào thể hiện được chuẩn xác những ý tưởng thiết kế, phong cách trình diễn… Bạn hãy hình dung các công đoạn: từ ý tưởng ra bản phác thảo, từ phác thảo đưa vào kịch bản, từ kịch bản đưa vào thực tế… Trải qua nhiều lần như vậy mới có sản phẩm đẹp, kịch bản hay, hoàn chỉnh. Tóm lại, rất gian nan, cần nhiều sự kiên nhẫn… nhưng tất cả chúng tôi đã vượt qua.
Anh có thể bật mí rõ hơn về kịch bản của chương trình Lễ hội Áo dài lần này? Các bộ sưu tập gắn với chủ đề của các loài hoa sẽ được kể như thế nào?
Nôi dung kịch bản xoay quanh câu chuyện của 19 Nhà thiết kế trong cả nước lấy ý tưởng từ những loài hoa bao hàm ý nghĩa của những lời ước nguyện và chúc tụng gửi đến tất cả phụ nữ Việt Nam. Ví dụ, Nhà thiết kế Cao Minh Tiến là hoa Đào với vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm; Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam với hoa Tigon: biểu tượng cho sự tái hợp tình yêu trong sáng; Nhà thiết kế Hà Duy với hoa Cát Tường: vẻ đẹp quý phái, ngọt ngào; Nhà thiết kế Lan Hương với hoa Hồng nồng nàn… Tất cả sẽ được thể hiện thông qua những hoạt cảnh có diễn xuất tự nhiên của các nhân vật kết hợp những bước trình diễn của các người mẫu.
Điểm nhấn chủ đạo của Lễ hội Áo dài lần này là gì, thưa anh?
Điểm nhấn năm nay chú trọng vào ý nghĩa nhân văn của chiếc áo dài diễn ra trong những gia đình Việt mong muốn gìn giữ giá trị cốt lõi của gia phong, tạo ra những giá trị tiếp biến của bản sắc Việt nam.
Cách dàn dựng sân khấu, bài trí không gian ra sao để phù hợp với một Lễ hội Áo dài chứ không phải chương trình trình diễn thời trang đơn thuần?
Sân khấu chính sẽ diễn ra tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám với những bối cảnh bằng đồ gỗ quý của Đồng Kỵ, của những bông hoa được sắp đặt có chủ ý. Không gian huyền ảo với ánh sáng nghệ thuật và tràn ngập âm thanh của các giai điệu tinh tế được thể hiện bởi các ca sĩ, nghệ sĩ, ban nhạc nổi tiếng.
Chương trình sẽ quy tụ bao nhiêu người mẫu và việc lựa chọn những người mẫu này dựa trên tiêu chí nào?
Chương trình là một câu chuyện dài kể về tà áo dài truyền thống Việt Nam. Mỗi câu chuyện nhỏ trong câu chuyện dài có nội dung hấp dẫn và nhân vật điển hình: chính, phụ, già, trẻ…
Quy tụ 80 người mẫu đến từ Hà Nội và TPHCM. Ngoài những người mẫu chuyên nghiệp, chúng tôi đưa vào những người mẫu là những cụ già, trẻ em ở mọi lứa tuổi, người khuyết tật tại trung tâm Nghị Lực Sống, những nghệ sĩ nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà: NSND Trà Giang, NSND Như Quỳnh, NSND Ngọc Lan, NSND Minh Châu, NSƯT Kim Tiến, NSƯT Thanh Loan, NSƯT Thanh Tú, NSƯT Vũ Dậu. Những vị Đại sứ và phó đại sứ của Ý, phu nhân Đại sứ Anh, Phu nhân đại sứ Haiti, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nga… Đây là chính là những nhân vật đặc biệt sẽ mang lại sự thành công cho chương trình.
Vì sao lại có các các người mẫu trình diễn áo dài là người nước ngoài? Họ sẽ xuất hiện như thế nào trong sự kiện lần này?
Điều này cho thấy vẻ đẹp không biên giới của tà áo dài. Là phụ nữ, thích dịu dàng, nữ tính, ai cũng mong muốn sở hữu một chiếc áo dài.
Một lý do nữa, các người mẫu nước ngoài cụ thể là các bà đại sứ, phó đại sứ, các phu nhân của các vị đại sứ làm việc tại Việt Nam chính là những khách hàng thân thiết của các nhà thiết kế. Và câu chuyện của họ cũng được tái hiện trong phần trình diễn của chương trình.
Theo anh, việc tổ chức một chương trình như thế này tại Văn Miếu sẽ mang lại hiệu ứng gì?
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, biểu tượng văn hoá của Hà Nội nói riêng và của cả đất nước nói chung. Đó là trường đại học đầu tiên của nước Việt, nơi đào tạo và tôn vinh những giá trị tinh thần vĩnh cửu.
Chúng tôi ước mong qua Lễ hội Áo dài 2016, câu chuyện về áo dài là câu chuyện kể không bao giờ chấm dứt bởi giá trị lịch sử của chiếc áo dài đã tạo ra những giá trị nối tiếp cho thời đại và góp phần trong việc xây dựng cũng như tạo ra những giá trị mới, tinh thần mới cho chiếc áo dài Việt Nam.
Cám ơn anh đã chia sẻ thông tin. Chúc cho Lễ hội Áo dài 2016 diễn ra vào 4/3 tới đây tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành công, tốt đẹp.
Vào 14h chiều nay 1/3 tại Nhà Thái Học - Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ tổ chức buổi họp báo Lễ hội Áo dài 2016 với chủ đề “Áo dài của chúng ta”. Chương trình Lễ hội Áo dài do báo điện tử Dân Trí, báo Phụ nữ Việt Nam, Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội cùng Vietmode phối hợp tổ chức.
Tối 4/3 tới, Đêm trình diễn nghệ thuật Lễ hội Áo dài 2016 sẽ diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 18 bộ sưu tập áo dài của 18 nhà thiết kế (NTK) đến từ Hà Nội - Huế và TPHCM sẽ gắn liền với một loài hoa và các phần trình diễn áo dài được dàn dựng theo cách kể một câu chuyện về loài hoa đó.
Hà Tùng Long