Bà Ngô Thị Thanh Hằng: “Lễ hội Áo dài đã nâng cao giá trị của tất cả mọi người”

(Dân trí) - Tham dự Lễ hội Áo dài 2016 tối qua (4/3), bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đều cảm thấy rất thích thú và xúc động. Bà Hằng cho rằng, Lễ hội Áo dài 2016 đã góp phần nâng cao giá trị của tất cả mọi người trong xã hội.

Xúc động và nhân văn!

Tối qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám lung linh huyền ảo. Từ cảnh vật đến ánh sáng và cả người dự hội đều đẹp đến ngỡ ngàng. Bước qua cổng chính của Văn Miếu vào khu Đại Trung Môn là hơn 20 cô gái mặc áo dài, tay cầm nón lá, đứng bên những cột đèn có màu sáng vàng nhẹ cúi đầu chào khách. Qua cổng Đại Trung Môn vào đến Khuê Văn Các, khách dự hội sẽ được đích thân nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam cùng thành viên của ban tổ chức quàng khăn in hình Khuê Văn Các của Văn Miếu - Quốc Tử Giám và tặng một bông hoa sen thoang thoảng mùi thơm của vùng đất Thần Kinh - cố đố Huế.

Không gian Lễ hội Áo dài 2016 tối qua. Ảnh: Hoàng Linh.
Không gian Lễ hội Áo dài 2016 tối qua. Ảnh: Hoàng Linh.

Bước qua giếng Thiên Quan vào đến sân Bái Đường là không gian của Lễ hội Áo dài 2016. Có thể nói, chưa có một sân khấu mang tầm “lễ hội” nào mà lại gần gũi mà kiêu sa đến vậy. Toàn bộ sân khấu được thiết kế hình chữ U với điểm tựa là toà nhà Bái Đường cổ kính, trầm mặc. Những sập gụ, tủ chè, solon, bàn gương, chậu hoa, cây cảnh, bình ấm... được sắp đặt tựa như một ngôi nhà cổ của Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX.

Tất cả gợi cho người xem một hoài niệm về Hà Nội xưa rất đỗi thân quen và lịch lãm. Cứ thế, giữa cái không gian rộng mênh mông mà lung linh, huyền ảo như cõi mộng ấy... câu chuyện về áo dài, về vẻ đẹp của người phụ nữ lôi cuốn người xem như từng thước phim chiếu chậm. Mỗi bộ sưu tập áo dài không chỉ được trình diễn theo một phong cách riêng mà ngay cả âm nhạc cũng được thay đổi liên tục. Âm nhạc lúc dìu dặt, nhẹ nhàng, khoan thai... lúc lại sôi động, ầm ào và cuồng nhiệt.

Điều đặc biệt, tất cả các khách mời nữ đến tham dự chương trình cũng đều diện áo dài, kể cả khách quốc tế. Vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam vì lẽ đó mà lan toả khắp không gian của lễ hội.

NSƯT Kim Tiến trong là người mẫu đặc biệt trong bộ sưu tập hoa Phăng. Ảnh: Hữu Nghị.
NSƯT Kim Tiến trong là người mẫu đặc biệt trong bộ sưu tập hoa Phăng. Ảnh: Hữu Nghị.

NSƯT Kim Tiến ngay sau khi hoàn thành xong phần trình diễn của mình đã thốt lên “Tôi không thể tin được. Tôi không thể tin áo dài lại được trình diễn trong một không gian đẹp đẽ và ý tưởng tuyệt vời như thế. Mọi thứ sắp đặt như một ngôi nhà và chúng tôi như là thành viên bước ra trong ngôi nhà ấy. Cái khái niệm trình diễn đã vượt thoát khỏi sự hình dung của tôi trước đó. Nó làm cho cảm xúc của tôi hỗn độn và khó diễn tả”.

Tối qua, bà Ngô Thị Thanh Hằng, một trong những khách mời đặc biệt của chương trình đến tham dự với bộ áo dài do NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam thiết kế. Bà chia sẻ rằng, chưa bao giờ bà được chứng kiến một Lễ hội Áo dài nào tuyệt vời và nhân văn đến thế.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng chụp ảnh cùng NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam và NTL Chula trong Lễ hội Áo dài. Ảnh: HTL.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng chụp ảnh cùng NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam và NTL Chula trong Lễ hội Áo dài. Ảnh: HTL.

“Tôi thấy Lễ hội Áo dài 2016 lần này rất ý nghĩa và rất xúc động. Không gian bài trí rất đẹp và rất sáng tạo. Từng chi tiết nhỏ trên sân khấu đều thể hiện sự chăm chút của ban tổ chức đối với chương trình. Các bộ sưu tập áo dài đều rất phong phú, đa sắc, đa phong cách. Các mẫu thiết kế có sự kế thừa của truyền thống nhưng cũng có hơi hướng của thời đại.

Tôi rất thích sự xuất hiện của các nghệ sỹ, các vị khách mời quốc tế, các vị khách lớn tuổi và các em thiếu nhi. Tôi cũng rất xúc động khi thấy sự xuất hiện của các bạn “người mẫu” khuyết tật. Lễ hội Áo dài đã nâng lên giá trị của tất cả mọi người. Vẻ đẹp đó không chỉ gói gọn trong một bộ trang phục đơn thuần mà còn đậm ý nghĩa nhân văn. Áo dài không của riêng ai, áo dài là của chúng ta, của tất cả mọi người, không phân biệt nam nữ, già trẻ, người bình thường hay người khuyết tật. Thật sự tôi thấy chương trình quá tuyệt vời. Tôi mong muốn chương trình này sẽ được duy trì hàng năm”, bà Ngô Thanh Hằng xúc động nói.

Sẵn sàng nhận lời làm “người mẫu”, không đắn đo

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà cũng ngập tràn cảm xúc sau khi xem chương trình. Trong những lời chia sẻ, bà liên tục nhắc đến hai chữ “tuyệt vời”. Bà nói: “Cảm xúc là rất tuyệt vời các bạn ạ. Có lẽ, đây là món quà tặng vô giá mà đối với phụ nữ Việt Nam trong dịp Quốc tế Phụ nữ. Nó thể hiện sự tri ân đối với các bà, các mẹ, các chị... những người đã có đóng góp rất lớn trong sự phát triển chung của đất nước cũng như việc gìn giữ nét đẹp của tà áo dài truyền thống qua thời gian. Tôi tin tưởng, vẻ đẹp của tà áo dài - biểu tượng của vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam qua nhiều thế hệ sẽ mãi trường tồn và đi cạnh sự phát triển của đất nước chúng ta.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà ngồi cạnh bà Ngô Thị Thanh Hằng, chăm chú dõi theo từng tiết mục trong Lễ hội Áo dài. Ảnh: Hoàng Linh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà ngồi cạnh bà Ngô Thị Thanh Hằng, chăm chú dõi theo từng tiết mục trong Lễ hội Áo dài. Ảnh: Hoàng Linh.

Tôi đã từng tham dự khá nhiều chương trình trình diễn áo dài, nhưng phải nói, chương trình lần này đã mang đến cho tôi một sự xúc động rất lớn. Các bạn đã thể hiện được một sự sáng tạo đầy tính nhân văn. Qua chương trình này, tôi nhận thấy rằng, con người được tôn trọng ở mức cao nhất. Người tuổi cao, người có nhiều dấu ấn trong nghệ thuật, những người bình thường, người khuyết tật, trẻ em, những người bạn quốc tế, người da đen, người da trắng, người nam, người có thân hình béo, người có chiều cao khiêm tốn... khoác áo dài lên là không còn khoảng cảnh nữa và không còn sự khác biệt nữa, ai cũng đáng yêu như nhau. Và từ đó, tôi càng khẳng định rằng, không có loại trang phục nào đặc biệt như áo dài của chúng ta. Cho nên, tôi khuyến khích chị em phụ nữ Việt Nam là phải tận dụng mọi cơ hội để khoe vẻ đẹp của mình thông qua tà áo dài”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà cũng hào hứng rằng, nếu năm sau bà được mời tham gia chương trình với tư cách là “người mẫu” trình diễn, bà sẽ nhận lời ngay mà không cần phải đắn đo. “Tôi đang mong chờ cơ hội đó đây. Áo dài của chúng ta quá tuyệt và không gì hơn khi khoe được vẻ đẹp của mình thông qua tà áo dài”, bà nhấn mạnh.

Phần trình diễn của bà Giám đốc Trung tâm Văn hoá Nga tại Việt Nam trong bộ sưu tập hoa Sứ. Ảnh: Mạnh Thắng.
Phần trình diễn của bà Giám đốc Trung tâm Văn hoá Nga tại Việt Nam trong bộ sưu tập hoa Sứ. Ảnh: Mạnh Thắng.

Tối qua, bên cạnh những người phụ nữ thì cũng có rất nhiều quý ông đến xem Lễ hội Áo dài. Vợ chồng hoạ sỹ Thành Chương dù nhà ở tận Sóc Sơn (ngoại thành Hà Nội) nhưng cũng đến tham dự chương trình từ khá sớm. Chia sẻ những suy nghĩ của mình sau khi xem chương trình, hoạ sỹ Thành Chương cho biết: “Dù chương trình chưa phải là hoàn hảo lắm, nhất là việc sắp xếp không gian sân khấu. Tuy nhiên, với một chương trình mang nhiều ý nghĩa như lần này thì tôi thấy ai không được xem quả là đáng tiếc. Nét đẹp của tà áo dài đã không chỉ xuất hiện trên sân khấu mà lan toả khắp không gian của Văn Miếu - Quốc Tử Giám hôm nay.

Vợ chồng hoạ sỹ Thành Chương đến tham dự chương trình từ rất sớm. Ảnh: Mạnh Thắng.
Vợ chồng hoạ sỹ Thành Chương đến tham dự chương trình từ rất sớm. Ảnh: Mạnh Thắng.

Hôm nay, tôi nhận thấy có rất nhiều vị khách nữ diện áo dài đến với Lễ hội Áo dài này và ai cũng xinh xắn, duyên dáng, đáng yêu... Tôi đã từng được xem nhiều buổi trình diễn áo dài nhưng hôm nay là một chương trình khá đặc biệt, nó mang đến cho tôi nhiều cảm xúc.

Tôi rất thích ý tưởng kể câu chuyện về áo dài với sự xuất hiện của nhiều đối tượng, nhất là các nghệ sỹ đã có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà và các bạn quốc tế... Nhìn chung thì chương trình đã tạo ra những hiệu ứng rất tốt. Khán giả đến xem đã ngồi từ đầu cho đến cuối, không ai muốn về. Điều này đã khẳng định sự thành công rất lớn của chương trình”.

Hà Tùng Long

Dòng sự kiện: Lễ hội Áo dài 2016