DMagazine

Đằng sau việc "vua hề Sác-lô" bắt nữ diễn viên đóng cảnh bán hoa... 342 lần

(Dân trí) - Đằng sau những vai diễn vụng về, hài hước của "vua hề Sác-lô" Charlie Chaplin trên màn ảnh là sự khắc nghiệt, cầu toàn ngoài đời thực, Chaplin thường khiến cộng sự cảm thấy muốn... "phát điên".

Đằng sau việc "vua hề Sác-lô" bắt nữ diễn viên đóng cảnh bán hoa... 342 lần

Đằng sau những vai diễn vụng về, hài hước của "vua hề Sác-lô" Charlie Chaplin trên màn ảnh là sự khắc nghiệt, cầu toàn ngoài đời thực, Chaplin thường khiến cộng sự cảm thấy muốn... "phát điên".

Sự ngoan cố của "vua hề Sác-lô"

Ngay từ nhỏ, "vua hề Sác-lô" Charlie Chaplin đã bộc lộ năng khiếu diễn hài. Năm 1910, chàng diễn viên nghèo người Anh cùng một đoàn biểu diễn sang Mỹ lưu diễn lần đầu tiên trong đời. Khi thuyền sắp tới Mỹ, tất cả mọi người đều lên boong tàu để sớm được nhìn thấy nước Mỹ từ xa.

Khi đó, Chaplin một chân ghếch lên thanh chắn an toàn, hai tay dang rộng và tuyên bố: "Nước Mỹ, ta tới đây để chinh phục! Tất cả rồi sẽ phải nhắc tới tên ta!". Sau này, giây phút phấn chấn có tính chất "tiên đoán" của Charlie Chaplin đã được nam diễn viên hài Stan Laurel - một người bạn đồng nghiệp cùng có mặt với Chaplin trên boong tàu lúc đó - kể lại.

Đằng sau việc vua hề Sác-lô bắt nữ diễn viên đóng cảnh bán hoa... 342 lần - 1
Đằng sau việc vua hề Sác-lô bắt nữ diễn viên đóng cảnh bán hoa... 342 lần - 2

Sau này, vào năm 1914, ở tuổi 25, vận may bắt đầu mỉm cười với Chaplin khi nhân vật "The Tramp" ra đời và được khán giả Mỹ yêu mến, đón nhận. Một thập kỷ sau, Chaplin đã trở thành người giàu có, nổi tiếng và quyền lực ở Hollywood. Cho tới giờ, Chaplin vẫn được coi là "kỳ quan của điện ảnh".

Trong một lần ngẫu hứng tự phối đồ cho nhân vật của mình, Chaplin đã tạo nên một anh chàng hội tụ tất cả những điểm đối lập: quần rộng, áo chật, mũ nhỏ, giày to... Nhân vật này thể hiện cách nhìn và cảm nhận của Chaplin về những người đàn ông trung lưu trong xã hội.

Chiếc mũ quả dưa thể hiện lòng tự trọng, dù nghèo khó, vất vả, nhưng vẫn muốn đội mũ ra đường để thể hiện mình là "quý ông lịch lãm"; bộ ria mép thể hiện một chút phù phiếm, thích chăm chút cho ngoại hình, có ý học theo những người đàn ông thượng lưu; cây gậy nhằm thể hiện "phong cách quý ông"... Đó là những ý niệm cơ bản mà Chaplin gửi gắm vào tạo hình nhân vật.

Khi tìm cách gây dựng sự nghiệp diễn viên hài ở Hollywood, Charlie Chaplin đã được khuyên nên đổi tên, nên bỏ lối diễn hài cường điệu, bỏ phong cách hóa trang kỳ khôi, thay đổi cách thức đi lại… Cơ bản, người ta khuyên Chaplin nên thay đổi tất cả. Nếu ngày ấy Chaplin nghe theo, thế giới đã mất đi một "vua hề Sác-lô".

"Vua hề Sác-lô" Charlie Chaplin: Một kỳ quan của điện ảnh (Video: Charlie Chaplin/YouTube).

Sự khắc nghiệt của "vua hề Sác-lô"

Sinh thời, Charlie Chaplin đã phải dày công che giấu cách làm việc của mình trên phim trường. Thường khi một nghệ sĩ lao động nghệ thuật nghiêm túc, đó là niềm tự hào và họ sẽ không ngần ngại chia sẻ với người hâm mộ.

Nhưng trong trường hợp của Chaplin, ông lao động nghệ thuật một cách khắc nghiệt, với chính mình và với cả đoàn phim, đến mức trở thành nỗi ám ảnh của những người cộng tác với ông. Đối với mỗi cảnh phim, Chaplin không ngần ngại quay đi quay lại tới vài chục lần, tới khi phim đóng máy, Chaplin lại biên tập đi, biên tập lại cho tới tận sát thời điểm phim ra rạp…

Đằng sau việc vua hề Sác-lô bắt nữ diễn viên đóng cảnh bán hoa... 342 lần - 3
Đằng sau việc vua hề Sác-lô bắt nữ diễn viên đóng cảnh bán hoa... 342 lần - 4
Đằng sau việc vua hề Sác-lô bắt nữ diễn viên đóng cảnh bán hoa... 342 lần - 5

Đối với một diễn viên hài - người luôn mang lại tiếng cười sảng khoái cho khán giả, nếu để lộ khía cạnh khắc nghiệt, đáng sợ của mình, sự nghiệp "gây cười" sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, Chaplin đã bằng mọi cách giấu kín công việc trên phim trường và cuộc sống phía sau màn ảnh của mình.

Chaplin không cho phép phóng viên được xuất hiện trên phim trường của ông. Chỉ có một vài người bạn nhiếp ảnh gia được ông tin cậy mới được phép mang máy ảnh tới phim trường, những người này biết phải làm gì với những khuôn hình và sẽ không ba hoa, nhiều lời sau đó.

Dù Chaplin có viết tự truyện, nhưng ông đề cập rất ít tới quá trình mình làm việc trên phim trường. Trong cả cuộc đời mình, Chaplin đã cố gắng phong tỏa những thông tin bất lợi cho mình, nhưng ở đẳng cấp của một ngôi sao quốc tế như ông, việc có thể phong tỏa thông tin tuyệt đối là bất khả thi.

Trên màn ảnh, "vua hề Sác-lô" Charlie Chaplin luôn vào vai những nhân vật vụng về, hài hước, nhưng Charlie Chaplin phía sau màn ảnh lại là một vị đạo diễn cầu toàn, khó tính vô cùng.

Cảnh phim có cô gái bán hoa trong "City Lights" (Video: Charlie Chaplin/YouTube).

Trong phim "City Lights" (1931), có một cảnh nhân vật "The Tramp" lần đầu gặp cô gái mù đứng bán hoa tươi trên phố, Chaplin đã yêu cầu nữ diễn viên đóng cặp với mình đóng đi đóng lại cảnh này tới... 342 lần. Sự việc này luôn được nhắc tới như một minh chứng "kinh điển" cho sự khó tính đến mức khắc nghiệt, sự cầu toàn đến gây "bàng hoàng" của Charlie Chaplin.

Trong cảnh bán hoa, nữ diễn viên Virginia Cherrill chỉ phải nói nhẩm hai từ "Flower, sir?" (Mua hoa không, thưa ngài?). Virginia Cherrill không phải một diễn viên chuyên nghiệp nhưng không vì thế mà trên phim trường, Chaplin "nương nhẹ" trong những cảnh diễn của cô.

Đằng sau việc vua hề Sác-lô bắt nữ diễn viên đóng cảnh bán hoa... 342 lần - 6
Đằng sau việc vua hề Sác-lô bắt nữ diễn viên đóng cảnh bán hoa... 342 lần - 7

Trong phim "The Gold Rush" (1925), khi "The Tramp" và một anh bạn (vai diễn do nam diễn viên Mach Swain thủ vai) bị kẹt vì bão tuyết trong hành trình đào vàng, họ đã buộc phải ăn giày chống đói. Chaplin yêu cầu cả mình và bạn diễn đều phải nhai thật, nuốt thật. Một người thợ làm bánh đã được đoàn phim đặt hàng thực hiện 20 đôi giày làm bằng cam thảo.

Để thực hiện cảnh này, Chaplin yêu cầu quay đi quay lại 64 lần. Cảnh quay này đã khiến nam diễn viên Mach Swain bị tiêu chảy trong 2 ngày quay cuối và đã phải rên lên khi nói với Chaplin: "Tôi không thể ăn thêm bất kỳ cái giày chết tiệt nào nữa đâu".

Cảnh ăn giày trong phim "The Gold Rush" (Video: Charlie Chaplin/YouTube).

Về sau này, tài tử Marlon Brando cũng từng có một trải nghiệm "nhớ đời" khi nhận lời tham gia bộ phim cuối cùng của Chaplin - "A Countess From Hong Kong" (1967). Tài tử Marlon Brando cũng có cá tính rất mạnh, trên phim trường, Chaplin và Brando liên tục đối đầu, không khí trên phim trường càng lúc càng trở nên căng thẳng.

Nam diễn viên Marlon Brando từng "khẩu chiến" với Charlie Chaplin khi anh liên tục bị yêu cầu diễn lại: "Tôi không thể hiểu nổi nhân vật tại sao phải làm như vậy, động cơ nào khiến anh ta phải hành động như vậy?". Charlie Chaplin đáp rằng: "Hãy quên cái động cơ đó đi và làm như những gì tôi bảo, tôi chính là động cơ".

Nhớ lại kỷ niệm đóng phim chung với "vua hề Sác-lô", Brando từng nói: "Chaplin không phải là người phù hợp để làm đạo diễn. Ông ấy là một tài năng đáng nể nhưng là một con người quái vật". Những người từng cộng tác với Chaplin đều khẳng định rằng "vua hề" là người rất cầu toàn, là "ông vua của những cảnh diễn lại".

Đằng sau việc vua hề Sác-lô bắt nữ diễn viên đóng cảnh bán hoa... 342 lần - 8
Đằng sau việc vua hề Sác-lô bắt nữ diễn viên đóng cảnh bán hoa... 342 lần - 9

Việc Chaplin yêu cầu một cảnh quay phải được thực hiện lại 10 - 20 lần là chuyện bình thường, Chaplin luôn yêu cầu phải thực hiện lại các cảnh quay nhiều lần cho tới khi ông cảm thấy đạt mới thôi.

Chaplin còn yêu cầu tất cả những thước phim quay hỏng phải bị hủy. Vì vậy, cho tới hôm nay còn lại khá ít thông tin tư liệu về Charlie Chaplin trên phim trường.

Tuy là một đạo diễn khắc nghiệt, nhưng trong những giờ nghỉ giải lao, Chaplin hay diễn hài phục vụ đoàn phim, có lẽ đó là cách "vua hề" đền bù cho những lúc căng thẳng với các cộng sự.

Một điều lạ là Chaplin làm việc rất suôn sẻ với trẻ em, như với cậu bé Jackie Coogan xuất hiện trong phim "The Kid" (1921). Lý giải về điều này, Chaplin cho rằng: "Những đứa trẻ có thể đóng đi đóng lại một cảnh mà không mất đi sự vui vẻ, hứng thú. Tôi đã thấy những em bé diễn một cảnh tới cả chục lần nhưng sự chú tâm và niềm háo hức vẫn còn nguyên vẹn".

Sự thất bại và dở dang lúc cuối đời của "vua hề Sác-lô"

Sự nghiệp điện ảnh của "vua hề Sác-lô" thành công ở mức gần như không thể nào lặp lại được. Tuy vậy, trong những năm tháng cuối đời, ông đã phải đối diện với những bộ phim thất bại và dự án dở dang.

Đằng sau việc vua hề Sác-lô bắt nữ diễn viên đóng cảnh bán hoa... 342 lần - 10
Đằng sau việc vua hề Sác-lô bắt nữ diễn viên đóng cảnh bán hoa... 342 lần - 11

Charlie Chaplin qua đời năm 1977 khi dự định thực hiện bộ phim "The Freak" vẫn còn đang dang dở. Trong bộ phim này, Chaplin định để con gái Victoria đóng vai nữ chính. Nhân vật nữ chính trong "The Freak" là một cô gái mang trên mình đôi cánh thiên thần, đem đến hy vọng cho nhân loại.

"Đó hẳn là một câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp. Một câu chuyện mà chỉ có những người già đã ở vào tuổi của cha tôi mới có thể nghĩ ra và mơ về. Đó là một giấc mơ rất đẹp dành cho cha tôi" - con trai của Chaplin - ông Michael từng chia sẻ về dự án phim này.

Trong những năm tháng cuối đời, Charlie Chaplin có những sự đổi thay trong tư duy điện ảnh. "The Freak" thể hiện rất rõ sự thay đổi này. Bộ phim hoàn toàn khác so với những gì người ta từng biết về "vua hề Sác-lô". Đây cũng là bộ phim được Charlie Chaplin dự định là bộ phim cuối cùng mà ông thực hiện trong đời, tuy vậy, dự định của ông đã không hoàn tất.

Trước đó, vào năm 1967, bộ phim cuối cùng được Chaplin thực hiện hoàn tất - "A Countess from Hong Kong" đã bị thất thu ngoài phòng vé, điều này đã khiến ông rất buồn bã, nhưng ngay sau đó ông lại hối hả với dự án "The Freak".

Chaplin bắt tay vào việc viết kịch bản cho phim từ năm 1969, khi ông đã ở tuổi 80, ông tiếp tục cặm cụi chuẩn bị cho dự án này thêm hai năm nữa tại điền trang của gia đình ở Thụy Sĩ - một cơ ngơi trông ra hồ Geneva.

Chaplin đã đặt làm đôi cánh thiên thần và thậm chí còn thực hiện một vài cảnh phim quay thử cùng với cô con gái 18 tuổi Victoria - người mà Chaplin coi là hiện thân cho nhân vật nữ chính mang màu sắc thần thoại của mình.

Chuyện phim kể về một cô gái mang đôi cánh thiên thần, một hôm cô rơi xuống mái nhà của một vị giáo sư ở Chile. Vợ chồng giáo sư đã chăm sóc cho cô gái và gọi cô là Sarapha, ngôi nhà của họ bỗng trở thành một địa điểm hành hương của những người bệnh, họ tin rằng cô gái là một thiên thần có thể chữa lành mọi bệnh tật.

Không ngờ Sarapha bị bắt cóc và bị biến thành tượng sống, đem trưng bày cho đám đông nhìn ngó. Cô tìm cách trốn thoát khỏi những kẻ bắt cóc mình, nhưng rồi cô lại bị cảnh sát giữ lại, lúc này, cô phải chứng minh được rằng mình là một người... bình thường thì mới được thả ra.

Sarapha quyết định sẽ sử dụng đôi cánh của mình để bay trở về quê nhà ở Chile nhưng bị kiệt sức ngoài Đại Tây Dương, nàng chết giữa biển khơi. Cuối cùng thì thiên thần, sự thánh thiện tuyệt đối không thể nào tồn tại trong thế giới trần tục, không thể nào sống giữa những con người.

Đằng sau việc vua hề Sác-lô bắt nữ diễn viên đóng cảnh bán hoa... 342 lần - 12
Đằng sau việc vua hề Sác-lô bắt nữ diễn viên đóng cảnh bán hoa... 342 lần - 13

Có nhiều lý do khiến dự án điện ảnh cuối cùng của Chaplin không được thực hiện. Trước hết, Chaplin lúc này đã lớn tuổi, thực tế, ông đang ở vào những năm tháng cuối cuộc đời. Hơn thế, vấn đề lớn nhất và nan giải nhất chính là dự án phim không tìm được nhà đầu tư. Trước đó, một số bộ phim được thực hiện trong chặng cuối của cuộc đời Chaplin gặp phải thất bại ngoài phòng vé.

Nhưng với Chaplin, ông không bao giờ có thể lãng quên điện ảnh và cuộc sống đối với ông luôn phải đồng nghĩa với lao động. Ông cần thấy bản thân mình đang làm việc chăm chỉ, nỗ lực. Dự án "The Freak" giống như niềm an ủi trong những năm tháng cuối đời của Chaplin, để ông thấy rằng mình vẫn đang làm việc, đang ấp ủ một dự án…

Những ngày đó, cả gia đình Chaplin thường ngồi lại bên ông để bàn về bộ phim "The Freak". Lúc này, Chaplin đã phải di chuyển bằng xe lăn, có lần ông để cô con gái Victoria đeo thử đôi cánh thiên thần mà người ta vừa mang tới theo yêu cầu của ông.

Khi nhìn thấy Victoria đeo đôi cánh, Chaplin phấn khích đến mức đủ sức đứng dậy khỏi chiếc xe lăn và bước đi vài bước rồi nói: "Không, không, con đeo đôi cánh chưa đúng rồi...".

Khoảnh khắc đó, Chaplin như lại trở thành một đạo diễn, nhưng lần này là vị đạo diễn trong gia đình, với một dự án phim hầu như chỉ những người trong gia đình biết đến, con gái ông làm diễn viên chính, vợ ông làm quay phim, giúp ông ghi lại một số cảnh phim mang tính ý tưởng ban đầu…

Cả gia đình Chaplin đã ở bên để động viên "vua hề Sác-lô" trong những ngày tháng cuối đời, giúp ông được sống trong một ước vọng mong manh cuối cùng trong cuộc đời.

Bích Ngọc
Theo The Atlantic