Những bộ phim đoạt Oscar đáng xem nhất:
“Cuộc sống tươi đẹp”: Câu chuyện xúc động tận tâm can
(Dân trí) - “Đây là một câu chuyện đơn giản, nhưng thuật lại thật không dễ dàng, như trong một câu chuyện ngụ ngôn, sẽ có những nỗi buồn, nhưng cũng đầy phép lạ và niềm vui…” - bộ phim Ý “Cuộc sống tươi đẹp” (1997) đã được mở đầu như thế.
Khi ra mắt, phim thành công cả về phương diện nghệ thuật lẫn doanh thu, đoạt tượng vàng dành cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại giải Oscar, đồng thời, đem về cho nam diễn viên Roberto Benigni giải Nam diễn viên chính xuất sắc.
“Cuộc sống tươi đẹp” xoay quanh nhân vật Guido - một người đàn ông Do Thái sống ở Ý. Guido có một gia đình nhỏ hạnh phúc bên người vợ xinh đẹp - Dora, cậu con trai 5 tuổi Joshua và người chú Eliseo. Trong nhà, ngoài Dora là người Ý, cánh nam giới đều là người Do Thái.
Bối cảnh phim đặt ở cuối thập niên 1930 - đầu thập niên 1940, thời kỳ này, chủ nghĩa Phát-xít đang thống trị ở Ý. Vì là người Do Thái nên Guido, Joshua và Eliseo đã bị bắt đưa vào trại tập trung đúng vào ngày sinh nhật của Joshua.
Trong trại tập trung, Guido đã vận dụng hết trí tưởng tượng của mình để sáng tạo nên một thế giới của những trò chơi tưởng tượng, để cậu con trai bé nhỏ không phải sợ hãi trước những rùng rợn của chốn ngục tù cận kề cái chết.
Trong “Cuộc sống tươi đẹp”, mạch phim được chia ra làm hai phần rõ rệt. Phần đầu mang chất hài trong sáng, thuần khiết. Phần thứ hai mang chất hài “đen” cay đắng, chua xót, khiến khán giả cười trong nước mắt, vì cảm thương và ngưỡng mộ tình phụ tử của Guido dành cho con.
Truyện phim bắt đầu từ năm 1939. Quan sát những chuyến hành trình vui nhộn của Guido trong phần đầu phim, người xem có lẽ sẽ liên tưởng tới danh hài Charlie Chaplin.
Ngay lần đầu gặp nhau, Dora đã “từ trên trời rơi vào vòng tay” của Guido theo đúng nghĩa đen.
Sau đó là những màn tán tỉnh hài hước, chân thành và rất hồn nhiên của anh chàng Guido.
Trong phần đầu, ngoài những tình huống hài hước, vui nhộn, xoay quanh những cuộc gặp gỡ, tán tỉnh giữa chàng Guido và nàng Dora, người xem còn thấy sự xuất hiện trở đi trở lại của hình ảnh chiếc mũ. Đây là một chi tiết mang tính ẩn dụ.
Guido là một người đàn ông Do Thái, chiếc mũ anh đội là chiếc mũ đặc trưng của người Do Thái. Việc chiếc mũ liên tục bị Guido láu lỉnh đem tráo đổi với những chiếc mũ khác, thực tế, không chỉ là một trò vui nhộn, đó còn là ẩn dụ về số phận của Guido.
Lúc này, sự phân biệt chủng tộc đã dần hiện rõ trong xã hội Ý. Đôi khi, Guido muốn cởi bỏ chiếc mũ Do Thái của mình để được hoàn toàn bình đẳng, giống như bao người khác trong xã hội. Nhiều lần đem tráo đổi mũ, nhưng rốt cuộc anh vẫn phải nhận lại chiếc mũ của mình, nó giống như thực tế rằng Guido là người Do Thái, anh không bao giờ có thể thay đổi được.
Phần thứ hai của phim là sau khi Guido và Dora đã chung sống với nhau được vài năm, họ có một cậu con trai nhỏ 5 tuổi - Joshua. Lúc này là thời điểm năm 1945, người Do Thái bắt đầu bị khủng bố, họ bị bắt đưa vào các trại tập trung. Trên những chuyến tàu chở người Do Thái tới trại, có Guido và cậu con trai Joshua.
Trong trại tập trung, Guido đã nhanh trí biến tai họa vừa giáng xuống đầu hai cha con trở thành một trò chơi vui nhộn, những mong trấn an đứa con bé bỏng, rằng nếu ai giành được 1.000 điểm, họ sẽ về nhất với phần thưởng là một chiếc xe tăng thật để Joshua có thể lái đi chơi vòng quanh thị trấn, rằng muốn được vậy Joshua phải không quấy khóc, kêu ca...
Bằng trí tưởng tượng vô bờ và tình yêu thương vô hạn, Guido đã giữ gìn nụ cười thơ ngây, tâm hồn trong sáng của con, giúp Joshua vượt qua được quãng thời gian mà sau này, khi đã trưởng thành, Joshua sẽ hiểu đó chính là thời khắc đen tối nhất của cuộc đời mình.
Ở nơi cái chết cận kề, nụ cười vẫn không rời xa cha con Guido. Với Guido, ta tin rằng, nếu có súng, chắc chắn anh sẽ bắn vào bè lũ Phát-xít; nếu có kẻ nào làm hại Joshua, chắc chắn anh sẽ quyết một trận sống mái với kẻ đó, nhưng ở đây, ở trại tập trung này, anh chỉ có thể trở thành một gã hề, dùng sự hài hước của mình làm vũ khí, để bảo vệ niềm vui con trẻ trước thực tế quá phũ phàng.
Guido và bé Joshua đã sống trong một thế giới riêng của hai cha con ở trại tập trung.
Guido hiểu rằng, nếu để sự thật hiện ra trước mắt Joshua, nó có thể sẽ ám ảnh và khiến con anh khủng hoảng đến trọn đời. Lòng thương con vô hạn đã khiến người cha ấy đủ dũng khí để tiếp tục nháy mắt, đùa tếu với con ngay cả khi đứng trước họng súng quân thù.
Từ trước đến nay, hiếm có bộ phim nào nói về nạn diệt chủng người Do Thái lại có nhiều chất hài đến vậy. “Cuộc sống tươi đẹp” đã gạt bỏ những quan điểm chính trị, chỉ giữ lại những thân phận người trước cuộc xoay vần, đảo điên của thời thế, chính sự.
Guido tranh thủ bật bản nhạc yêu thích của vợ khi đang làm phục vụ bàn trong trại tập trung.
Dora xúc động khi nghe thấy bản nhạc từ khu trại tập trung của nữ.
Bộ phim khi ra mắt đã gây không ít tranh cãi từ phía các chính trị gia, sử gia, họ cho rằng “Cuộc sống tươi đẹp” đã “mềm hóa” một đề tài gai góc - nạn diệt chủng người Do Thái, rằng phim đã gây cười từ bi kịch lịch sử, rằng trong lịch sử các trại tập trung, chắc chắn không thể có một người nào như Guido…
Đúng! Có người cha nào đủ bình tĩnh, hài hước và tỉnh táo để chơi đùa với con trong cảnh hiểm nghèo, khi sống chết chỉ cách nhau trong gang tấc, khi tất cả mục đích chỉ là để bảo vệ hình ảnh “cuộc sống tươi đẹp” trong mắt con?
Nhưng… “Cuộc sống tươi đẹp” đâu chỉ nói về Phát-xít, về nạn diệt chủng, phim còn là bản anh hùng ca ca ngợi ý chí, nghị lực của con người, ca ngợi cuộc giải thoát vĩ đại mà tình phụ tử đã thực hiện để giải thoát tâm hồn bé bỏng của con thơ trước thực tế đau thương.
Trong “Cuộc sống tươi đẹp”, người xem thấy cháy sáng một niềm hy vọng bền bỉ vào tương lai, niềm hy vọng ấy không chịu lụi tắt bất kể những khốn cùng của cuộc sống bởi chính cách nhìn nhận sự việc sẽ quyết định ta đang sống một “cuộc sống tươi đẹp” hay một “cuộc sống địa ngục”.
Vai Guido trong “Cuộc sống tươi đẹp” được coi là vai diễn kinh điển trong sự nghiệp của nam diễn viên Roberto Benigni. Anh cũng đồng thời là đạo diễn, biên kịch của phim. Nàng Dora xinh đẹp, do nữ diễn viên Nicoletta Braschi thủ vai, trong thực tế, cũng chính là vợ của Benigni.
Sự phấn khích của Benigni khi lên nhận giải Oscar dành cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Ý tưởng về phim đã đến từ câu chuyện có thật của gia đình Benigni. Mọi chuyện xảy ra trước khi anh ra đời, cha của Benigni từng phải sống 3 năm trong trại tập trung. Chính cách kể chuyện hài hước của cha về những gì từng trải qua đã giúp Benigni nảy ra ý tưởng sáng tạo.
Cho tới giờ, “Cuộc sống tươi đẹp” vẫn là niềm tự hào của điện ảnh Ý, là bộ phim có doanh thu cao nhất của Ý, đồng thời, cũng là phim nói tiếng nước ngoài có doanh thu cao thứ hai tại Mỹ (đứng sau “Ngọa hổ tàng long”).
Kết phim, vẫn là giọng nói trầm ấm của người đàn ông đã mở đầu phim, lúc này, ta hiểu đó chính là giọng nói của cậu bé Joshua khi trưởng thành, rằng: “Đó là câu chuyện của tôi… Là câu chuyện về sự hy sinh của cha tôi… Là món quà cha đã tặng tôi…” - món quà được tạo nên bằng trí tưởng tượng mà cha đã tặng Joshua trong ngày sinh nhật, khi hai cha con bước lên chuyến tàu đầy rẫy kinh hoàng nhưng cũng ngập tràn “phép lạ và niềm vui”.
Tổng hợp