Con gái nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo khóc nghẹn bên linh cữu cha
(Dân trí) - Lễ viếng bắt đầu từ 12 giờ, trong thời tiết Hà Nội mưa rét nhưng nhiều bằng hữu, văn nghệ sĩ từ xa xôi đã có mặt từ sớm để nhìn mặt người bạn - người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo lần cuối...
Tang lễ nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vừa diễn ra chiều nay, ngày 9/1 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 - Trần Thánh Tông - Hà Nội). Lễ viếng bắt đầu từ 12 giờ, trong thời tiết Hà Nội mưa rét nhưng các cấp lãnh đạo, nhiều bằng hữu, văn nghệ sĩ từ xa xôi đã có mặt đông đủ để nhìn mặt người bạn- người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo lần cuối như: NSND Lê Tiến Thọ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha, nhà văn Trung Trung Đỉnh, Anh Ngọc, Đỗ Chu, nhà thơ Nguyễn Hoa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Bùi Hoàng Tám, nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán...; Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Giáng Son, nhà phê bình Nguyễn Quang Long, ca sĩ Tùng Dương, ca sĩ Phạm Phương Thảo, Tuấn Phương, diễn viên Thu Hà...
Người thân của cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bùi ngùi chia sẻ: “Anh Tạo ra đi nhưng những gì thuộc về nhân cách, tài năng của anh vẫn được nhớ mãi. Khi biết tin anh ra đi, trên mạng xã hội tràn ngập những lời chia sẻ, tiếc thương. Anh Tạo rất được nhiều người yêu quý và có rất nhiều bạn bè.
Tôi nhớ mãi lần gặp cuối tại bệnh viện, anh em chúng tôi còn bàn bạc về bản thảo hai tập thơ “Thơ tình Nguyễn Trọng Tạo” và “Lục bát Nguyễn Trọng Tạo”. Anh Tạo muốn tôi vẽ phụ bản cho tập thơ tình của anh. Tôi rất xúc động. Nay tập thơ vừa ra mắt, cũng là lúc anh đi...”
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, hai tập thơ của Nguyễn Trọng Tạo vừa ra mắt thì anh Tạo đã đi xa...
Nhà văn Trung Trung Đỉnh nhớ người bạn già: “Sau đêm thơ nhạc Nguyễn Trọng Tạo hoành tráng và ấm áp tại Hà Nội năm 2017, Tạo về quê giỗ mẹ, làm xong ngôi nhà thờ cúng cụ thì không may bị tai biến ngã sập một cái, tưởng đi! Nhưng sau đó Tạo gượng dậy được, còn nói vui với tôi: “Số giời bảo chưa vội đi”. Giờ Tạo lại đi thật...”.
Đến viếng từ sớm, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long xúc động kể: “Lần cuối tôi đến thăm anh Nguyễn Trọng Tạo là dịp anh nằm ở bệnh viện Bạch Mai. Mấy hôm vừa rồi sau khi anh trở về từ bệnh viện, chúng tôi bảo nhau tranh thủ đi thăm để có lẽ là gặp anh Tạo lần cuối. Cuối cùng cả Giáng Son và nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa đều đã ghé qua anh được chừng non một tuần, tôi do bận lên chương trình mới nên chưa kịp đến thăm. Vậy mà, anh đã ra đi...”
Anh chia sẻ thêm: “Thơ giàu chất nhạc và nhạc giàu chất thơ là “đặc quyền” của các nghệ sĩ đứng ở cả hai vai nhạc sĩ và nhà thơ. Nguyễn Trọng Tạo cũng đã phát huy được lợi thế ấy. Vì thế, “Làng quan họ quê tôi” hay “Khúc hát sông quê” cứ nhẹ nhàng đi vào lòng người, rồi thì đủ cả cung bậc trầm bổng của cảm xúc như lối anh kể chuyện, anh tâm sự một cách xúc động và bình dị với người nghe. Không chỉ yêu quê hương qua lời ca mà còn qua cách khai thác âm nhạc, yếu tố âm nhạc dân gian đồng bằng bắc bộ và xứ Nghệ hiện hữu rõ nét trong hai ca khúc ấn tượng nhất trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Trọng Tạo.
Trong thơ thì dường như anh có sự suy tư nhiều hơn, chẳng hạn như những lời thơ đã thành ca từ trong ca khúc “Một dại khờ một tôi” do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Thậm chí còn ẩn chứa sự “nổi loạn” đầy thiên hướng hiện đại như phần lời thơ anh viết mà nhạc sĩ Giáng Son phổ nhạc trong bài “Cỏ và mưa””.
Ca sĩ Tùng Dương.
Ca sĩ Tùng Dương cũng bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của người nghệ sĩ tài hoa. “Vẫn biết là quy luật: sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng mà nghe tin nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo ra đi, tôi không khỏi thấy đột ngột và thương xót cho một người nghệ sĩ tài hoa. Ông là người nhân văn, yêu cái đẹp, hết lòng ủng hộ các nghệ sĩ trẻ.
Bố tôi rất quý trọng tài năng và nhân cách của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Họ vẫn ngồi gặp gỡ, nhậu vui cùng nhau. Còn tôi, khi thể hiện ca khúc “Cỏ và mưa” cũng cảm nhận được trong sâu thẳm con người ông rất lãng mạn, yêu chiều phụ nữ, yêu cái đẹp. Có thể ông nợ người phụ nữ nhiều. Bên cạnh đó, tình yêu quê hương đất nước trong ông được thể hiện rõ nét qua “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”...”
Những giọt nước mắt, những câu chuyện kỷ niệm, những vần thơ dang dở... được bạn bè của ông chia sẻ trong cuốn sổ tang. Người bạn thân thiết của Nguyễn Trọng Tạo, nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha viết: “Người lãng du đã dừng bước phiêu du/ Suốt một đời giang hồ lang bạt/Thôi chào nhé bốn mươi năm gắn chặt/Chợt một ngày mưa cách biệt âm dương”.
Nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha tiễn đưa bạn bằng 4 câu thơ xúc động. (Ảnh: Nguyễn Hằng)
NSND Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn bày tỏ sau khi viết trong cuốn sổ tang: "Cho đến giờ tôi vẫn bàng hoàng, không nghĩ là anh Nguyễn Trọng Tạo đã ra đi. Giữa anh và tôi có nhiều kỷ niệm. Anh Tạo là thế hệ đàn anh của tôi. Tài năng và tính cách phóng khoáng chân thành của anh, tôi sẽ nhớ mãi..."
"Em tôi ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, người thân...", anh trai nhà thơ- nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nghẹn ngào khóc sau lễ truy điệu.
Nhiều bạn bè, văn nghệ sĩ đến viếng.
Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25/8/1947 tại Diễn Châu, Nghệ An. Do lâm bệnh nặng nên đã từ trần hồi 19 giờ 50 phút ngày 7/1/2019, hưởng dương 73 tuổi.
Nhiều năm nay, ông sống trong căn chung cư ở Linh Đàm, Hà Nội. Con gái lớn của ông đã lập gia đình, con trai thứ làm việc tại Huế, con gái út du học ở Ý. Những năm tháng cuối đời, ông ở cùng cháu. Con gái lớn của ông- chị Thu Hương thường xuyên đưa gia đình sang nhà thăm nom, nấu cơm và dùng bữa cùng ông.
Chị Thu Hương cho biết ông hôn mê sâu từ sau Tết Dương lịch, phải nhờ máy hỗ trợ để duy trì sự sống. Hơn một năm nay, sau cơn tai biến mạch máu não, sức khoẻ ông giảm sút trầm trọng. Năm ngoái, ông phát hiện thêm bệnh ung thư phổi. Trước khi mất, ông hôn mê sâu một tuần tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Nguyễn Trọng Tạo nhập ngũ năm 1969, học Đại học viết văn Nguyễn Du khoá 1, làm thơ từ năm 14 tuổi. Ông là nhà thơ, nhà văn, kiêm nhạc sĩ, hoạ sĩ.
Ông là Uỷ viên Hội đồng thơ của Hội nhà văn Việt Nam, Trưởng ban biên tập báo Thơ (2003 - 2004). Ông từng được các giải thưởng thơ của Nghệ An năm 1969, và giải thơ của các báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Nhân dân (1978), hai lần được Giải thưởng Văn học nghệ thuật cố đô (Huế), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương, Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc các hội văn học nghệ thuật Việt Nam về thơ và văn xuôi. Thơ và truyện ngắn của ông dịch ra tiếng Pháp, Anh, Nga, Tây Ban Nha...
Ngoài thơ, ông còn là nhạc sĩ, hiện công tác tại tạp chí Âm nhạc và Thời đại của Hội nhạc sĩ Việt Nam, đã có 8 giải thưởng âm nhạc.
Ông là tác giả của những tập thơ, trường ca như “Đồng dao cho người lớn”, “Nương Thân”, “Thế giới không còn trăng”, “Con đường của những vì sao” (Trường ca Đồng Lộc), những bài hát “Làng Quan Họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, “Đôi mắt đò ngang”, “Mẹ tôi”, tác giả “Biểu tượng Ngày thơ Việt Nam”, “Cờ thơ”...
Nguyễn Hằng
Ảnh: Toàn Vũ