(Dân trí) - Cầu Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng vào những thập niên 60 của thế kỷ trước, gắn liền với những thăng trầm lịch sử của Đà Nẵng. Hiện cây cầu trở thành cầu đi bộ duy nhất phục vụ người dân và du khách.
Nhắc đến Đà Nẵng, người ta thường nghĩ đến "Thành phố của những cây cầu", bởi chỉ riêng trên dòng sông Hàn thơ mộng nằm giữa lòng thành phố đã có tới 6 cây cầu. Những cây cầu ở đây, ngoài ý nghĩa về giao thông còn lại mang những ý nghĩa biểu tượng đặc biệt, trong đó có cây cầu lịch sử Nguyễn Văn Trỗi.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn được Hãng thầu RMK của Mỹ xây dựng vào thập niên 60 của thế kỷ trước, đặt bên cạnh cầu Trần Thị Lý (cầu đường sắt).
Cầu được xây dựng nhằm chuyên chở khí tài quân sự từ cảng Tiên Sa vào nội đô thị xã Đà Nẵng. Sau 1975, cầu mang tên là người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Cầu nhanh chóng được cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và được xem là tuyến đường bộ huyết mạch nối liền hai bờ sông Hàn cho đến khi cầu Sông Hàn được đưa vào sử dụng năm 2000.
Cùng với thời gian và quá trình đô thị hóa, cũng như cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi không còn đáp ứng được nhu cầu giao thông đang tăng nhanh của TP Đà Nẵng. Vì vậy, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã quyết định tháo dỡ 2 cây cầu này để xây dựng một cây cầu mới.
Theo kế hoạch ban đầu, khi cầu mới Trần Thị Lý được xây dựng xong, cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ được tháo dỡ. Tuy nhiên, trong lần thị sát công trình này vào tháng 2/2012, lãnh đạo thành phố đã quyết định giữ lại cây cầu để làm cầu đi bộ, tạo điểm dừng chân cho người dân và du khách có thể ngắm nhìn vẻ đẹp thành phố.
Sau ngày khánh thành cầu Trần Thị Lý (ngày 29/3/2013), cầu Nguyễn Văn Trỗi chính thức ngừng lưu thông để phục vụ việc cải tạo thành cây cầu đi bộ.
Bà Trương Thế Liên - Phó Phòng sưu tầm trưng bày và bảo quản (Bảo tàng Đà Nẵng) - cho hay, trước đây, nhiều người cứ nhầm lẫn cầu Nguyễn Văn Trỗi có tên là cầu Trịnh Minh Thế, nhưng không phải.
"Cầu Trịnh Minh Thế là tên trước đây của cầu Trần Thị Lý cũ. Còn cầu Nguyễn Văn Trỗi trước đây có tên cầu Nguyễn Hoàng", bà Liên nói và cho biết, tướng Trịnh Minh Thế có từ thời Pháp nên không thể nào đặt tên cầu là cầu Trịnh Minh Thế được.
Theo bà Liên, nói đến cầu Nguyễn Văn Trỗi có thể gói gọi trong một câu là "cây cầu chứng nhân lịch sử". Cây cầu đã chứng kiến khi người Mỹ vào Đà Nẵng để xây căn cứ quân sự.
"Năm 1965, Mỹ chính thức đưa quân vào miền Nam Việt Nam, sau đó họ xây cây cầu này để vận chuyển vũ khí từ bên này qua bên kia sông. Năm 1975, khi giải phóng Đà Nẵng, Sư đoàn 2 đã đi qua cây cầu này để vào thành phố", bà Liên nói.
Theo ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, cầu Nguyễn Văn Trỗi trở thành một bảo tàng chiến tranh sống động lưu giữ ký ức của người Đà Nẵng về một thời quê hương bị ngoại bang chiếm đóng.
Có một câu hỏi được đặt ra là tại sao người Mỹ lại bắc cây cầu dã chiến này bên cạnh cây cầu của người Pháp?
Theo ông Tiếng, thời đó cảng quân sự nằm sâu trong sông thường xuyên có nhiều tàu trọng tải lớn vào ra. Cây cầu bằng sắt chỉ mang tính tạm thời với độ thông thuyền hạn chế nên phải đặt về phía thượng lưu của cảng để thuận tiện việc quân cơ.
Ông Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng, cho hay, cầu Nguyễn Văn Trỗi có kiến trúc, kết cấu độc đáo. Trong chiến tranh, khi nhìn thấy cầu Nguyễn Văn Trỗi, người ta biết chắc là cầu ở Đà Nẵng.
Theo ông Hùng, ở Đà Nẵng, nhiều người chọn công trình 42 Bạch Đằng (Tòa thị chính) là biểu tượng của người Pháp trên đất này thì cầu Nguyễn Văn Trỗi xứng đáng là biểu tượng một thời kỳ lịch sử người Mỹ đặt chân lên vùng đất này.
Với những người làm văn hóa như ông Hùng, cây cầu cần giữ lại để trở thành một di sản.
"Những người làm văn hóa như chúng tôi kiến nghị tu bổ, tôn tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi. Nếu không sử dụng để làm phương tiện đi lại thì coi như đó là một nơi lưu giữ ký ức công trình mang tính độc đáo, sống cùng thời gian. Sau này, đề nghị các cấp chính quyền nên khai thác sử dụng cây cầu với tư cách là một di tích lịch sử có từ thời kháng chiến chống Mỹ", ông Hùng nói.
Ông Trần Lê Minh Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông Đà Nẵng - cho biết, mới đây, đơn vị đã tiến hành sửa chữa, sơn sửa lại cầu để phục vụ người dân và du khách tham quan. Còn việc mở cầu trở lại để phục vụ người dân và du khách là do kế hoạch của thành phố.
Giữa tháng 9/2020, nhiều người dân Đà Nẵng sửng sốt và thích thú khi lần đầu chứng kiến cây cầu Nguyễn Văn Trỗi có thể nâng một nhịp để tàu thuyền lưu thông ra vào tránh bão số 5 trên sông Hàn.
Trước đó, để thuận lợi cho việc lưu thông của tàu thuyền trên sông Hàn, Đà Nẵng đã cho sửa chữa, nâng cấp cầu Nguyễn Văn Trỗi, trong đó có một nhịp cầu thứ 9 được cải tạo để có thể nâng lên, hạ xuống cho tàu thuyền qua lại an toàn, mà du khách cũng thích thú.
Nội dung: Khánh Hồng
Ảnh: Khánh Hồng - Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp
Thiết kế: Nguyễn Vượng