Ướt chi lúc cần khô?!
Một trong các đặc tính nổi bật của hệ thần kinh là… cá tính! Chính vì thế mà hệ thần kinh giao cảm bao giờ cũng hoạt động theo kiểu “không ai giống ai”. Do đó, có người rõ ràng dễ đổ mồ hôi hơn người khác.
Khổ hơn nữa là đổ mồ hôi ướt đẫm lòng bàn tay, bàn chân, dưới nách… khiến khó khăn đủ điều trong lúc giao tế! Nhiều người đúng là dở khóc dở cười vì ngay lúc cần nghiêm trang lại nhỏ giọt dầm dề trên trán, trên má… khiến người đối diện có cảm tưởng nạn nhân đang gặp chuyện gì lúng túng tiến thoái lưỡng nan! Nhiều chuyện hư bột hư đường dễ dàng chỉ vì đổ mồ hôi không đúng lúc. Đã vậy nếu mồ hôi lại… hôi thì khỏi nói cũng thừa hiểu kết quả ra sao!
Chuyện gì cũng có lý do. Không ít trường hợp đổ mồ hôi thái quá, nghĩa là không vận động, không gặp thời tiết oi bức cũng đổ mồ hôi, nhất là phát hãn toàn thân như vừa xông hơi, là triệu chứng đi kèm trong nhiều căn bệnh như cao huyết áp, viêm thận mãn, tiểu đường, cường tuyến giáp, béo phì… Đổ mồ hôi trong trường hợp này, còn gọi là đổ mồ hôi thứ cấp, tất nhiên chỉ là hậu quả. Muốn bớt đổ mồ hôi chỉ có cách nhờ thầy thuốc điều trị bệnh căn nguyên sao cho đến nơi đến chốn. Chữa bệnh không xong đương nhiên càng dễ đổ mồ hôi trước khi đổ lệ vì bệnh trầm kha. Cường độ cũng như tần sô đổ mồ hôi hột vì thế có thể được xem như một trong các tiêu chí để đánh giá hiệu quả của liệu pháp và tiên lượng của bệnh. Không ai vui gì khi đổ mồ hôi theo kiểu này nhưng bệnh ít ra cũng không quá khó chữa nếu như giải quyết được nguyên nhân.
Đáng nói hơn nhiều vì nhiêu khê hơn nhiều là tình trạng đổ mồ hôi được đặt tên là tiên phát, qua đó nạn nhân tuy không mắc bệnh gì ngặt nghèo nhưng lại đổ môi đến độ không dám bắt tay, đến độ khó mang giày lại thêm phải thay áo ngày mấy lần. Cho đến nay thầy thuốc vẫn chưa xác minh được nguyên nhân nào rõ rệt. Nhưng có hai điều chắc chắn. Nạn nhân nếu còn trẻ thường có hệ thần kinh rất nhạy cảm theo kiểu khi thì ù lì, lúc lại nhanh nhảu đoảng. Phản ứng dưới hình thức đổ mồ hôi như tắm càng rõ nét hơn nữa nếu lý do gây bệnh là đau nhức, lo sợ và nhất là vì stress. Do trong cơ thể có nhiều tuyến mồ hôi hơn ở người khác phái nên số nạn nhân đàn ông ướt át cao hơn số phụ nữ lấm tấm giọt mồ hôi. Vì cơ chế sinh bệnh như vừa mô tả, bất cứ liệu pháp nào, dù là thiền định hay châm cứu, nếu vận hành theo cơ chế điều chỉnh dẫn truyền thần kinh, đều nên được áp dụng cho nhóm đối tượng này, thay vì dùng thuốc để rồi chỉ có tác dụng… phụ!
Trái lại, nạn nhân nếu đã xồn xồn thường đổ mồ hôi vì đang trong tình trạng dao động nội tiết tố, nhất là nội tiết tố giới tính. Bằng chứng là nhiều bà trước đó ít đổ mồ hôi bỗng “không đổ không về” khi bước vào giai đoạn mãn kinh, nhiều ông trước đó khỏi cần mua khăn dự trữ bỗng cứ như mắc mưa dưới trời nắng khi bắt đầu giai đoạn mãn dục nam! Đổ mồ hôi theo kiểu này. tất nhiên khó giảm nếu không có cách nào điều chỉnh nội tiết tố để cả hai phe testosteron và estrogen trở lại tư thế quân bình.
Nếu thống kê ở nhiều nước khác cho thấy 1-2 % dân số đang khổ vì đổ mồ hôi cho dù không lao động gì nặng nhọc thì con số nạn nhân ở xứ mình, nơi vừa xì-trết vừa khó tránh trời nóng, khó lòng thấp hơn! Do đó không nên xem bệnh này như chuyện nhỏ. Lỗ nhỏ đắm thuyền như chơi!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
Trung Tâm Điều Trị Oxy Cao Áp, Tp. HCM
Bạn có biết? Đổ mồ hôi trộm, nếu loại bỏ bệnh thực thể, là hậu quả thường gặp của tình trạng mất quân bình giao cảm. Nạn nhân vì thế đồng thời dễ chóng mặt, đau đầu. Nhưng đáng nói hơn nhiều là tình trạng trầm uất không mời cũng đến. Đáng tiếc vì các nhà nghiên cứu đã chứng minh là sinh tố B6 có tác dụng điều hòa thần kinh giao cảm đến độ được đặt tên là “sinh tố chống trầm uất” |