Rèn luyện khả năng xử lý tình huống cho trẻ lên 3

Để khả năng xử lý tình huống của trẻ phát triển toàn diện, cha mẹ cần tạo cơ hội cho bé học hỏi những điều xung quanh thông qua những trò chơi hoặc bài tập kỹ năng phù hợp với độ tuổi.

Xử lý tình huống là khả năng đòi hỏi rất nhiều sự rèn luyện bởi vì đây là bước tổng hợp của tất cả các kiến thức mà trẻ thu thập được trong quá trình học hỏi gồm ba bước: Tập Trung, Ghi nhớ, Xử lý tình huống.
 
Khả năng tập trung sẽ giúp trẻ tiếp nhận toàn diện những thông tin cần thiết từ thế giới bên ngoài. Sau đó, Ghi nhớ sẽ đóng vai trò như một chiếc tủ lưu trữ những thông tin quan trọng này một cách có hệ thống trong trí não. Đây sẽ là những kiến thức quý giá được trẻ đưa ra phân tích, so sánh và xử lý những tình huống khác nhau trong cuộc sống.
 
Để khả năng xử lý tình huống của trẻ phát triển toàn diện, cha mẹ cần tạo cơ hội cho bé học hỏi những điều xung quanh thông qua những trò chơi hoặc bài tập kỹ năng phù hợp với độ tuổi. Nhiều người thường có tâm lý cho rằng con còn nhỏ chưa có khả năng phân tích hay giải quyết vấn đề, nhưng thực chất trẻ đã có thể tự xử lý những tình huống đơn giản ngay từ những năm tháng đầu đời. Các chuyên gia cũng khuyên cha mẹ sớm áp dụng những bài tập rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống cho con, nhất là vào độ tuổi lên ba – thời điểm trẻ làm quen với môi trường mầm non và những mối quan hệ xã hội ngoài gia đình.
 
 Theo chuyên gia về trẻ nhỏ Ann Barbour từ trường đại học California, Los Angeles (Hoa Kỳ), nếu được tự giải quyết vấn đề của mình, trẻ sẽ phát huy tốt khả năng sáng tạo và tự tin vào bản thân. Trẻ ở độ tuổi này rất mong muốn được thể hiện bản thân và tự mình khám phá Vì thế, cha mẹ hãy để cho trẻ tự do làm mọi việc theo ý mình. Cha mẹ không nên quá vội vàng gợi ý hay giúp đỡ khi con gặp những khó khăn trong quá trình chơi đùa, hãy chờ đến lúc trẻ tự tìm ra giải pháp của mình và lên tiếng động viên, khen ngợi. Thứ quan trọng không phải là kết quả, mà chính là quá trình.

Rèn luyện khả năng xử lý tình huống cho trẻ lên 3

Để khơi gợi khả năng giải quyết vấn đề của trẻ, những câu hỏi mở là điều không thể thiếu. Hãy hỏi trẻ về những cách khác nhau để chơi cùng một thứ đồ chơi, hoặc giúp trẻ suy nghĩ về những hoạt động tiếp theo sẽ thực hiện với thứ đồ chơi đó. Ví dụ như “Tiếp theo con sẽ làm gì nào?” hay “Có cách nào khác không nhỉ?”… Việc động não suy nghĩ về nhiều mặt khác nhau của một vấn đề sẽ giúp trẻ sáng tạo, linh hoạt hơn, đồng thời có thể giúp cha mẹ phát hiện ra năng khiếu tiềm ẩn của con mình.

Rèn luyện khả năng xử lý tình huống cho trẻ lên 3

Khối lượng thông tin và nhu cầu suy nghĩ, phân tích của trẻ ở độ tuổi này là khá lớn, vì thế, trẻ cần có một trí não khỏe mạnh để có thể xử lý những thông tin này một cách tốt nhất.
 
Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ những dưỡng chất tốt cho trí não như ARA, Choline, Protein, Sắt, Kẽm, Iod, Acid Siallic, Taurine hay Vitamin nhóm B có nhiều trong thịt, cá, rau xanh đậm, ngũ cốc… và đặc biệt là DHA, dưỡng chất quan trọng cho trí não có nhiều trong các loại cá béo, dầu gan cá.
 
Theo Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, việc thiếu DHA có thể ảnh hưởng tới sự phát triển trí não của trẻ. Cũng với những lý do thiết yếu như trên, tổ chức y tế thế giới FAO/WHO đã khuyến cáo các bậc phụ huynh nên bổ sung DHA theo hàm lượng đúng là 200mg cho phụ nữ mang thai, và 17mg DHA/100 kcal cho trẻ nhỏ và từ 75mg DHA một ngày cho trẻ 1 tuổi trở lên.

Rèn luyện khả năng xử lý tình huống cho trẻ lên 3

Xử lý tình huống là một khả năng rất cần thiết cho tương lai của trẻ, việc tự mình suy nghĩ và vượt qua được những thách thức đầu đời sẽ giúp bé hình thành sự tự tin vào bản thân. Khi lớn lên, với việc ý thức được khả năng của bản thân và những thành tựu đạt được qua từng thời kỳ, trẻ sẽ không ngần ngại khi đối diện những thử thách lớn hơn trong cuộc sống để theo đuổi mục đích và vươn đến thành công.

Bảo Châu