Nỗi lòng của người mẹ có con suy dinh dưỡng

Như vậy là đã 8 tháng, 8 tháng ròng rã ép con ăn và hồi hộp đặt con lên bàn cân để rồi mỗi tháng mặt mẹ lại méo xẹo khi thấy cán cân tháng này chẳng hề chuyển dịch so với tháng trước.

Và cũng 8 tháng rồi, mấy cô trong xóm không còn gọi con là “bé hạt tiêu” nữa, họ nói thẳng với mẹ rằng: “coi chừng nó bị suy dinh dưỡng”. Những lúc như vậy mẹ rất buồn, tất cả là tại mẹ phải không con?

 

“Chiến tranh” bùng nổ

 

Con ra đời trong niềm vui sướng của cả gia đình. Nhưng con càng lớn, mẹ càng đau đầu với những bữa ăn của con. Làm thế nào để con đã ăn đủ chất và đảm bảo cho phát triển “đúng chuẩn”? Liệu con ăn như vậy có ít quá không, hay cách mẹ chăm con có gì sai mà nhìn con cứ bé tẹo? Mẹ thực sự rất đau lòng và trăn trở.

 

Nhớ ngày đầu khi bắt đầu cho con ăn dặm, phải nói mẹ đã rất hào hứng. Mẹ bắt tay vào chế biến đủ món bổ dưỡng, đút cho con ăn những muỗng cháo đầu tiên với biết bao hy vọng. Những ngày tháng đầu tập ăn, con đã tỏ ra là một đứa trẻ không thích những món lạ. Nhưng mẹ vẫn nuôi kỳ vọng rằng con sẽ dần quen, sẽ như anh Rùa trong xóm, cái gì cũng ăn và cái gì cũng thích. Thế nhưng, càng lớn con càng không hợp tác. Khi đã biết đứng lên cũng là lúc con nhất quyết không chịu ngồi yên một chỗ để ăn. Mẹ đã rượt theo con từ trong nhà đến ngoài ngõ. Bắt được rồi, con cũng không chịu ăn thức ăn mẹ nấu. Mẹ cũng đã thử chế biến khác đi, thậm chí còn tự mình ăn và thấy rất ngon. Dần dần, mỗi bữa ăn trở thành “cực hình” của con và mẹ. Thậm chí có lúc mẹ đã tủi thân và khóc vì đã đầu tư rất nhiều tâm huyết nhưng con vẫn phun ra.
 
Nỗi lòng của người mẹ có con suy dinh dưỡng

 

 “Cuộc chiến” giữa mẹ và con càng căng thẳng khi có thêm sự “tham chiến” của bà nội, bà nội con vì xót cháu nổi cáu với mẹ, bà cho rằng mẹ đang làm khổ con và con không thích ăn đồ mẹ nấu. Và giọt nước tràn ly chính là khi bố con ngập ngừng gợi ý: “Hay là … em nghỉ làm để ở nhà trông con chứ  nhà mình chỉ có 1 đứa, anh lo cho con quá em ạ.” Mỗi lần ai nhìn thấy con cũng hỏi bé được 2 tuổi chưa, trong khi con gần 3 tuổi làm mẹ điếng cả lòng.

 

“Lang thang” đi tìm giải pháp về dinh dưỡng cho con

 

Mẹ đã sai ở điểm nào? Mẹ lên mạng, gia nhập vào các diễn đàn để tìm kiếm sự sẻ chia cũng như học hỏi kinh nghiệm chăm con từ những bà mẹ khác. Hình như ai cũng đều có chung nỗi lo giống mẹ. Nhưng chẳng có mẹ nào lại có thể coi đó như “chuyện thường” được, con là khúc ruột, hạt máu của mẹ mà.

 

Ở trên phường người ta nói trung bình nước mình cứ 2 trẻ trạc tuổi như con thì có một trẻ bị thiếu chất, tỉ lệ suy dinh dưỡng cũng còn cao. Mẹ cảm thấy người ta đang nói về con thì phải. Làm sao bây giờ khi những món ăn giàu dưỡng chất như thịt bò, rau củ, hải sản…đều là “đại kỵ” của con? Chẳng thà con người ta không có điều kiện ăn đã đành, trong khi hoàn cảnh nhà ta không đến nỗi nào mà con lại… suy dinh dưỡng. Đọc qua cái danh sách dài sọc những dưỡng chất thiết yếu như: Vitamin A, B1, C, D, Sắt…mẹ cười buồn trong đầu: “biết hết rồi nhưng có ép con ăn được đâu”!

 

Nếu như không ép ăn được, chắc phải có một cách gì nhẹ nhàng hơn cho hai mẹ con mình, đúng không con? Nếu như con không ăn được nhiều cơm, chắc phải có một loại đồ ăn thức uống dinh dưỡng gì đó với những giá trị dinh dưỡng tương tự? Mẹ mệt thật rồi con à, nhưng mẹ không bỏ cuộc. Con rồi sẽ lớn lên, mạnh khỏe và còn cả một tương lai vững chãi trước mắt. Nhất định mẹ sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho con có đầy đủ dưỡng chất mỗi ngày, nhất định mẹ phải chấm dứt “cuộc chiến” này để con mẹ mau lớn, phổng phao và thật mạnh khỏe. Chờ mẹ con nhé!
 

Thanh Huyền