Những điều cần biết về khô mắt
Khô mắt ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Thế nhưng không nhiều người trong chúng ta hiểu rõ về khô mắt. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin bổ ích về hội chứng này qua cuộc trao đổi với chuyên gia khoa mắt và phẫu thuật khúc xạ - bác sĩ Nguyễn Thị Mai.
Tôi có cảm giác cay và rát mắt, đôi khi chảy nước mắt. Như vậy có phải tôi bị khô mắt? (chị Ngọc Thúy, An Giang)
Chuyên gia: Nếu các triệu chứng này xảy ra thường xuyên, bạn đã bị khô mắt. Ngoài ra, mắt có cảm giác cộm, xốn, có hiện tượng mắt mờ sau khi chớp, nặng mi, khó nhắm, khó mở, mắt nhạy sáng cũng là những dấu hiệu phổ biến của khô mắt.
Khô mắt có phải là bệnh không? Nếu bị kéo dài có nguy hiểm không? (anh Minh Tâm, Q.7)
Chuyên gia: Khô mắt không phải là bệnh, mà là một hội chứng, vì một trong những nguyên nhân của khô mắt là do các bệnh lý khác nhau. Khô mắt thường gây khó chịu, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, có thể dẫn đến viêm kết mạc, giác mạc nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến sẹo giác mạc, thị lực suy yếu dần nếu không được điều trị kịp thời.
Em và anh trai cùng bị khô mắt. Vì sao mắt lại bị khô ạh? (bạn Hải Triều, Hà Nội)
Chuyên gia: Khô mắt khá phổ biến trong cuộc sống ngày nay. Khô mắt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân chính do tuyến lệ tiết nước mắt không đủ, hoặc nước mắt kém chất lượng, dẫn đến nhãn cầu không được làm ẩm & bôi trơn thường xuyên. Những nguyên nhân phổ biến dẫn đến khô mắt:
· Thói quen xem tivi quá nhiều, ngồi lâu bên máy vi tính, sử dụng thường xuyên các thiết bị điện tử.
· Công việc thường xuyên tiếp xúc với các loại bụi, khói độc, gió mạnh, tia tử ngoại và ánh sáng chói hoặc làm việc trong môi trường máy điều hòa.
· Đeo kính sát tròng thường xuyên.
· Thời gian đầu sau phẫu thuật khúc xạ.
· Cơ thể bắt đầu lão hóa ở tuổi trung niên, lượng nước mắt tiết ra chỉ bằng 50% so với thời trẻ.
· Mắc các bệnh tự miễn dịch (như viêm khớp dạng thấp) hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc (như thuốc kháng histamin, thuốc gây mê toàn thân, …).
Tôi có thể mổ lasik khi biết mình đang bị khô mắt không? (chị Thanh Vy, Q.10)
Chuyên gia: Nếu bạn được chẩn đoán khô mắt và dự định phẩu thuật khúc xạ, bạn cần nói với bác sĩ về vấn đề khô mắt để được thực hiện những kiểm tra đánh giá mức độ khô mắt, có thích hợp để phẩu thuật không. Bác sĩ phẫu thuật sẽ là người quyết định tình trạng mắt bạn có phẫu thuật được hay không.
Khi bị khô mắt, mình nên sử dụng loại thuốc nhỏ mắt nào? Và cách dùng như thế nào để hiệu quả? (chị Thoa, Long An)
Chuyên gia: Khi bị khô mắt, bạn nên sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần bổ sung nước mắt nhân tạo và độ nhờn cao để bôi trơn nhãn cầu, duy trì độ ẩm cho mắt như Hydroxyethylcellulose (HEC). Đặc biệt, nếu phải dùng nước mắt nhân tạo thường xuyên và thời gian kéo dài, bạn nên sử dụng loại không có chứa chất bảo quản.
Bạn có thể sử dụng duy trì mỗi ngày, theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì hoặc nhỏ nhiều lần hơn trong ngày nếu cần.
Em nên chú ý đến thói quen sinh hoạt như thế nào để hạn chế khô mắt? (bạn Ngọc Mai, Đà Nẵng)
Chuyên gia: Bên cạnh việc sử dụng thuốc nhỏ mắt dành cho mắt khô, bạn cần thay đổi thói quen sinh hoạt và làm việc hơp lý để giúp mắt nghỉ ngơi nhiều hơn, giảm tập trung và tăng số lần chớp mắt (trung bình 12-18 lần/ phút).
Khi ra ngoài, bạn nên đeo kính bảo vệ mắt khỏi khói bụi, côn trùng. Không nên để quạt thổi thẳng vào mắt. Nếu sử dụng kính sát tròng, bạn phải sử dụng đúng cách và thường xuyên nhỏ nước mắt nhân tạo để tránh khô mắt.
Chế độ dinh dưỡng cân bằng hàng ngày, bổ sung Omega-3 (có nhiều trong cá) và Beta-Carotene (tiền vitamin A, có nhiều trong các loại rau củ màu vàng, đỏ) sẽ giúp cơ mắt hoạt động tốt hơn, tăng cường chất chống oxy hóa, giúp nước mắt điều tiết hợp lý, tránh được các bệnh về mắt và hạn chế khô mắt.