Lưu ý khi điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Bệnh nhân Viêm khớp dạng thấp (VKDT) cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi điều trị và tốt nhất không nên bỏ qua giai đoạn “cửa sổ cơ hội”, thời kỳ có ý nghĩa quyết định trong việc điều trị hiệu quả cho bệnh VKDT

Bên lề Hội nghị Khoa học thường niên Lần thứ 11 do Hội Thấp khớp học Việt Nam tổ chức tại Ninh Bình vừa qua, PGS.TS.BS. Lê Anh Thư, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, nguyên Trưởng Khoa Nội Cơ Xương Khớp Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ về những điểm cần lưu ý trong việc điều trị bệnh VKDT.

 

PGS.TS.BS. Lê Anh Thư

PGS.TS.BS. Lê Anh Thư

 

Xin bà cho biết hiện trạng việc điều trị bệnh VKDT tại Việt Nam hiện nay, chúng ta gặp khó khăn gì trong việc điều trị bệnh này?

 

Hiện chưa có số liệu thật chính xác về số lượng bệnh nhân VKDT tại Việt Nam, tuy nhiên theo một số nghiên cứu trong nước, bệnh VKDT chiếm khoảng 1% dân số người lớn. Hiện nay, việc chẩn đoán và điều trị VKDT ở các tuyến vẫn còn nhiều bất cập, nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đại đa số các bệnh viện tuyến tỉnh chưa có khoa Khớp độc lập, không có đủ bác sĩ chuyên khoa Khớp và nhiều bệnh nhân VKDT không được điều trị đúng chuyên khoa. Đây là điều Hội Thấp khớp học Việt Nam rất trăn trở vì không thể dồn tất cả các bệnh nhân bị VKDT về các bệnh viện lớn của các thành phố.

 

Đa số bệnh nhân VKDT chỉ được dùng các thuốc giảm đau, kháng viêm, ngoài nguy cơ bị tàn phế sớm người bệnh còn phải gánh chịu nhiều hậu quả của các thuốc kháng viêm.

 

Hiện tại chỉ có một số ít bệnh viện có khả năng điều trị bệnh khớp tại Việt Nam, trong đó ở Hà Nội có bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện E, bệnh viện 108, bệnh viện 103, ở TP.HCM có bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện 115 và bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Hiện nay bệnh nhân VKDT ở Việt Nam đang được điều trị theo khuyến cáo chung về điều trị bệnh VKDT theo Liên đoàn chống Thấp khớp châu Âu EULAR 2010. So với khuyến cáo 2010 này thì khuyến cáo năm nay có gì mới?

 

Hiện nay, tại các bệnh viện có chuyên khoa Khớp, việc điều trị VKDT đều theo Hướng dẫn của Hội Thấp khớp học Việt Nam. Hướng dẫn này được Hội đồng chuyên môn của Hội soạn thảo và thường xuyên được bổ sung khi có những thông tin từ các Hội nghị thường niên của Hội Thấp khớp học Mỹ (ACR) và Liên đoàn chống thấp khớp Châu Âu (EULAR).

 

Từ năm 2010 - 2013, không có sự khác biệt lớn trong khuyến cáo về điều trị bệnh VKDT. Tuy nhiên, khi nói về thuốc sinh học được lựa chọn đầu tiên cho bệnh VKDT (khi không đáp ứng với các điều trị truyền thống) bản khuyến cáo năm nay (2013) đã đưa ra thêm các thuốc sinh học mới như Tocilizumab (của tập đoàn dược phẩm Hoffmann-La Roche). Sản phẩm sinh học này khi dùng đơn trị hay kết hợp đều có tác dụng tốt với các biểu hiện tại khớp và toàn thân của bệnh, hạn chế các tổn thương xương và sụn.

 

Mặc dù VKDT là một bệnh chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu được điều trị tích cực ngay từ đầu, ở giai đoạn xương và sụn chưa bị tổn thương, thì hiệu quả điều trị sẽ cao nhất, có thể làm lui bệnh. Chính vì vậy, giai đoạn này được coi là “cửa sổ cơ hội” của bệnh VKDT. 

 

Lưu ý khi điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Thuốc điều trị sinh học Tocilizumab (sản phẩm của Roche) đang được xem là hy vọng của các bệnh nhân VKDT

 

Hiện tại nhiều bệnh nhân khớp còn sử dụng một số sản phẩm gọi là thực phẩm chức năng được cho là có tác dụng tốt cho bệnh của họ. Theo bác sĩ thì những sản phẩm này có thực sự tốt không và tốt đến mức nào?

 

Thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không thay thế được thuốc, mà chỉ có tác dụng hỗ trợ cho thuốc. Cần hết sức cảnh giác với các loại tân dược vô danh ngụy tạo thực phẩm chức năng hoặc các thuốc gia truyền giả danh, thuốc y học cổ truyền giả danh…

 

Trên thực tế, số lượng bệnh nhân tự điều trị bệnh khớp khá là nhiều. Có rất nhiều người bệnh tin dùng một số loại thuốc được truyền miệng là chữa được bệnh khớp. Với bệnh nhân VKDT, việc  tự ý dùng thuốc sẽ rất nguy hiểm bởi chúng có thể chỉ có tác dụng giảm triệu chứng trong giai đoạn đầu, bệnh sẽ nặng dần, thậm chí sẽ trầm trọng hơn nhiều khi bệnh nhân không còn đáp ứng được với những loại thuốc điều trị hoặc bệnh nhân có nhiều biến chứng không thể dùng được các thuốc điều tri VKDT.

 

Phương Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm