Làm gì để mua thực phẩm chức năng thật?

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Sở hữu trí tuệ Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, thực trạng hàng giả hàng nhái và vi phạm sở hữu nhãn hiệu đang tiếp tục gia tăng và ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của Việt Nam. Các mặt hàng tiêu thụ nhiều, có giá trị cao thì thường bị làm giả như: dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp… Quy mô và tính chất rất nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi…

Làm gì để mua thực phẩm chức năng thật? - 1

Cụ thể, ở thị trường thực phẩm chức năng, việc nhãn mác của nhiều sản phẩm “tương tự” nhau gây nên sự nguy hại lớn trước hết cho người tiêu dùng.

Chia sẻ thực tế ở doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Công Suất, GĐ Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam (VNPOFOOD) cho biết: "Sau khi ra đời 3 - 4 năm, dầu gấc Vinaga chúng tôi sản xuất có rất nhiều hàng giả, hàng nhái. Họ chỉ thêm bớt chính tả vào tên thương hiệu trong khi vẫn giữ nguyên font chữ, màu sắc bao bì… Đến nay đã có tới hàng chục loại chế phẩm từ gấc “nhái” tương tự sản phẩm của chúng tôi, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng".

Trước tình trạng đó, tìm hiểu thông tin về sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng, trước khi mua trở thành một kỹ năng cần thiết. Người sử dụng cần hiểu rõ về các thành phần, tỷ lệ, hoạt chất vì tỉ lệ khác nhau sẽ có những tác dụng khác nhau đối với cơ thể. Tệ hơn nữa, nếu đó chỉ là những sản phẩm “giả” (ví như không phải là gấc mà thực tế là pha trộn thêm chất tạo màu) thì còn có hại cho cơ thể, đồng nghĩa với việc "tiền mất, tật mang"

Chẳng hạn, khi có nhu cầu bổ sung vitamin A chữa khô mắt, mờ mắt… khách hàng thường được giới thiệu rất nhiều các chế phẩm từ gấc. Ngay khi người bán giới thiệu sản phẩm đầu tiên, hãy đặt câu hỏi: “Còn sản phầm nào tốt hơn không?”. Bởi theo kinh nghiệm của các chuyên gia, các mặt hàng nhái, các mặt hàng có lợi nhuận cao thường được người bán giới thiệu trước tiên.

Còn theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng cục quản lý cạnh tranh, cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để chống tình trạng hàng giả, hàng nhái. Vấn đề đầu tiên của cơ quan quản lý nhà nước là vấn đề nhận thức, các doanh nghiệp cũng phải nhận thức để xử lý được vấn đề này như thế nào, người tiêu dùng nhận thức được những tác hại khi dùng hàng giả hàng nhái.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cần làm tốt công tác rà soát bổ sung cơ chế chính sách phòng chống hàng giả hàng nhái, luật pháp bảo vệ doanh nghiệp, người tiêu dùng. Chính phủ đã ban hành cơ chế phối hợp nhưng cần phải làm quyết liệt hơn nữa về phối hợp chuyên ngành. Tăng cường phối hợp cả trong chính sách, tuyên truyền và cả xử lý các vụ việc vi phạm.

Đối với doanh nghiệp, cần phải làm tốt chiến lược đầu tư, cải tiến mẫu mã, giá cả phù hợp. Mỗi doanh nghiệp cần phải tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký bảo hộ thương hiệu, tăng cường việc truyền thông tới người tiêu dùng những đặc điểm nhận biết của thương hiệu mình… Đồng thời, các doanh nghiệp cần sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng về vấn đề hàng giả hàng nhái để khi phát sinh là có thể xử lý kịp thời ngay.

Nhiều chuyên gia kiến nghị, về lâu dài, phải xây dựng tòa án xử những vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ. Về phía doanh nghiệp phải coi thương hiệu, nhãn hiệu là tài sản của chính mình. Thực tế, Bộ Khoa học Công nghệ đã có chương trình phát triển quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp từ 2016 - 2020. Trong chương trình này, các hiệp hội đóng vai trò cầu nối trong việc trợ giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức pháp luật, xây dựng thương hiệu.

Nhân Hà