Giải bài toán an ninh lương thực và dinh dưỡng đứng trước nhiều thách thức lớn
Sáng ngày 3/3 vừa qua, Công ty Dekalb Việt Nam phối hợp với Viện Đào tạo Y học dự phòng và y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội tổ chức hội thảo An ninh lương thực và dinh dưỡng: Thách thức và cơ hội.
Hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả là giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia nổi tiếng thuộc lĩnh vực nông nghiệp và dinh dưỡng như Tiến sĩ Milton Stokes - Giám đốc Sức khỏe và Dinh dưỡng toàn cầu – tập đoàn Monsanto, Tiến sĩ Harvey Glick - Giám đốc Chính sách và pháp chế - tập đoàn Monsanto khu vực châu Á Thái Bình Dương, Chuyên gia dinh dưỡng Beatriz Dykes – Giám đốc Bea Dykes & Associates Mỹ, và PGS.TS Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Y học dự phòng và Y tế công cộng.
Hội thảo là một trong những sáng kiến của Viện Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y hà Nội và Dekalb Việt Nam nhằm nâng cao sự hiểu biết về ảnh hưởng của an ninh lương thực và dinh dưỡng và các giải pháp cho sinh viên Việt Nam với mong muốn phát triển một thế hệ thanh niên trách nhiệm – những người sẽ phải trực tiếp giải quyết vấn đề này trong tương lai.
Theo ông Milton Stokes, Giám đốc Sức khỏe và Dinh dưỡng toàn cầu Monsanto, số liệu nghiên cứu cho thấy, khoảng 1/3 lượng lương thực trên thế giới đang bị thất thoát trong quá trình thu hoạch, hoặc lãng phí trong khi sử dụng, tương đương với thế giới mỗi năm mất đi 1 tỷ USD.
Trong khi đó, hiện còn 795 triệu người trên thế giới bị suy dinh dưỡng kéo dài. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho rằng, nếu chỉ cần tiết kiệm được ¼ lượng thực phẩm hiện đang thất thoát hay lãng phí trên toàn cầu là có thể đủ cung cấp cho 870 triệu người đang đói trên thế giới.
Tại Việt Nam, Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, dân số trung bình năm 2016 của cả nước ước tính 92,70 triệu người, tăng 987,8 nghìn người so với năm 2015. Trong khi đó, cả nước có 201,8 nghìn lượt hộ thiếu đói, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 832,6 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, tăng 10,1% (Báo cáo 6 tháng đầu năm 2016).
TS Milton Stokes, Giám đốc Sức khỏe và Dinh dưỡng toàn cầu Monsanto
“Sự lãng phí thực phẩm trong nông nghiệp là rất lớn”. Ông Milton chia sẻ thêm “Theo các đánh giá của FAO, có khoảng 30-40% sản lượng lương thực bị thất thoát trước khi được bày bán trong siêu thị. Sản lượng rau củ và các loại quả có thể bị lãng phí lên tới 40-50%”.
Dân số không ngừng tăng, nhu cầu cao hơn về chất lượng dinh dưỡng, biến đổi khí hậu dẫn đến tài nguyên nước khan hiếm và đất đai bị thu hẹp đã buộc nền nông nghiệp trên thế giới phải đổi mới. Một trong những giải pháp hàng đầu được đưa ra là phải tăng gấp đôi năng suất cây trồng, bởi đất đai không thể sản sinh ra thêm mà chỉ bị thu hẹp đi phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị; và phải tăng cường hợp tác bền vững giữa các tổ chức, quốc gia, doanh nghiệp và nông dân.
Ông Milton Stokes cho rằng, các hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong nông nghiệp có thể mang lại các giải pháp làm giảm thất thoát và lãng phí lương thực. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Monsanto đã nghiên cứu và phát triển các gói giải pháp trên nền tảng công nghệ khác biệt giúp cải thiện năng suất, giảm thất thoát do sâu hại, cỏ dại như công nghệ ngô kháng sâu và thuốc trừ cỏ; Các sản phẩm nông nghiệp kỹ thuật số thông qua việc phân tích các dữ liệu về thời tiết, đất canh tác, môi trường để giúp nông dân chọn đúng loại hạt giống và vị trí gieo trồng phù hợp trên mảnh đất từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất; Ngoài ra, công nghệ vi sinh BioAg Alliance cũng được coi là một trong những giải pháp hiệu quả giúp cải thiện nguồn đất, năng suất và phòng trừ dịch hại.
Tại Việt Nam, Dekalb Việt Nam đã luôn đồng hành cùng với nông dân trong suốt 20 năm qua. Monsanto đã đầu tư hơn 1 triệu đô la cho các hoạt động nghiên cứu nhằm phát triển các loại giống phù hợp với điều kiện khí hậu và canh tác tại Việt Nam, giúp nông dân cải thiện năng suất. Đồng thời, năm 2015, Monsanto đã chính thức chuyển giao tới nông dân Việt Nam một trong những công nghệ giúp nông dân bảo vệ năng suất, từ đó góp phần giảm thất thoát lương thực trong quá trình canh tác – công nghệ ngô kháng sâu và thuốc trừ cỏ.
H.L