Đừng để con nhập viện vì bệnh tay chân miệng!

Từ nhiều năm qua, bên cạnh nỗi lo của các bậc phụ huynh về việc chuẩn bị cho con đến lớp, mùa tựu trường còn kéo theo không ít những quan tâm, báo động về sự bùng phát trở lại của dịch Tay-chân-miệng (TCM), có khả năng đe dọa đến sức khỏe của học sinh, đặc biệt là các cháu nhỏ.

Nỗi lo phía trước


Nỗi lo phía trước  

 

Năm 2012, chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, sau 1 tháng bước vào năm học mới, đã ghi nhận hơn 400 ca mắc bệnh TCM mỗi tuần. Tháng 04/2013, Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện một ổ dịch tay chân miệng tại trường Mầm non Hoa Lan (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh), ghi nhận ít nhất 10 trẻ phải nhập viện. Bộ Y tế Việt Nam cũng thống kê trong 7 tháng đầu năm 2013, dịch Tay-chân-miệng tiếp tục tăng mạnh ở nhiều địa phương với trên 42.000 ca mắc, 14 trường hợp tử vong và khả năng bùng phát mạnh thành dịch vào mùa tựu trường năm nay.

 

Khả năng bệnh TCM tăng mạnh đúng vào thời điểm giao mùa và bắt đầu năm học mới 2013 đã làm dấy lên nỗi lo của phụ huynh và thầy cô. Chị Hồng Nhung, Quận 5, chuẩn bị cho bé 2 tuổi đi học cũng không khỏi lo lắng: “Sắp tới phải cho bé đi học vì cũng tới tuổi vào nhà trẻ rồi. Cả nhà mình cứ vừa mừng lại vừa lo, sợ bé khi tiếp xúc với môi trường lớn như vậy liệu có bị bệnh không, đặc biệt là bệnh Tay-chân-miệng”.

 

Cô Bảo Trân, giáo viên trường mầm non tại quận 1 chia sẻ: “Cứ tới mùa dịch bệnh Tay-chân-miệng là các cô lại khổ. Một phần vì các cháu bệnh nhiều nên chăm sóc rất cực, phần vì giữ vệ sinh để các bé bệnh không lây cho các bé khác. Để bảo vệ cho các bé, mình mong các bố mẹ có thể chủ động hơn trong việc giữ vệ sinh cho trẻ và tăng cường hệ miễn dịch cho các bé từ nhà trước khi đến trường để các em có một sức đề kháng tốt hơn khi tiếp xúc với trường lớp bời vì dù môi trường ở lớp có sạch cũng không thể hoàn toàn ‘vô khuẩn’ để trẻ không bị bệnh”.

 

Cảnh báo từ cơ quan y tế

 

Theo đánh giá của Cục Y tế Dự phòng, bệnh Tay-chân-miệng đang xếp thứ 2 trong 10 dịch bệnh có số lượng ca nhiễm và tử vong cao nhất tại Việt Nam. Đáng lo hơn nữa, bệnh TCM thường mắc phải ở trẻ dưới 5 tuổi và có khả năng tái phát nhiều lần nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, phòng ngừa đúng cách từ bố mẹ và trường học của trẻ. Do đó, các bậc cha mẹ phụ huynh cần cập nhật kiến thức phòng chữa bệnh kịp thời và liên tục để có những biện pháp bảo vệ sức khỏe cho con trước sự tấn công của dịch bệnh. 

 

Chia sẻ về cách phòng chống dịch bệnh Tay-chân-miệng, bác sĩ Lê Thanh Toàn, bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM cũng khuyến cáo các ông bố, bà mẹ cần nâng cao ý thức chăm sóc trẻ đừng chủ quan vào bất cứ một yếu tố nào. Đặc biệt, với trẻ đã từng nhiễm dịch vẫn hoàn toàn có thể bị tái lại nếu sức đề kháng không đủ hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh. Bác sĩ cũng khuyên, cần chú trọng việc ăn chín uống sôi, vệ sinh sạch sẽ, và bổ sung vitamin C hàng ngày cho bé và cả gia đình để tăng cường đề kháng. Tuy nhiên, do cơ thể con người không thể tự tổng hợp được vitamin C và Vitamin C trong thực phẩm cũng dễ bị hao hụt trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm nên các mẹ có thể cho trẻ uống bổ sung các dược phẩm có chứa vitamin C ở dạng si-rô.
 

 Trẻ cần bao nhiêu vitamin C mỗi ngày? 

 

Theo BS. Đặng Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương: Trẻ em dưới 2 tuổi cần 30-120mg/ngày, từ 2-6 tuổi cần 100mg/ngày, từ 7-12 tuổi cần 200mg/ngày; người lớn cần 250-500mg/ngày, để đảm bảo đủ lượng vitamin C giúp tăng đề kháng, nâng cao khả năng phòng chống dịch bệnh.
 
Đừng để con nhập viện vì bệnh tay chân miệng!