Nghệ An:

Đau chân trái dữ dội, cụ bà 83 tuổi bị tắc mạch chi dưới

(Dân trí) - Ngày 11/12, BVHNĐK Nghệ An cho biết, vừa cấp cứu thành công, phẫu thuật lấy huyết khối cứu bệnh nhân 83 tuổi tắc mạch chi dưới.

Theo đó, vào ngày 7/12/2015, BV Hữu nghị ĐK Nghệ An tiếp nhận và điều trị cho bà Phạm Thị Bưởi (83 tuổi, ở huyện Nghĩa Đàn) vì đau chân trái dữ dội, với chẩn đoán thiếu máu cấp tính chi dưới trái do huyết khối động mạch đùi khoeo. Bệnh ân có tiền sử bệnh lý suy tim, rung nhĩ, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và già yếu.

Trưa cùng ngày, với biểu hiện đột ngột xuất hiện cơn đau vật vã ở chân trái, bệnh nhân được gia đình đưa vào Bệnh viện huyện Nghĩa Đàn thăm khám, và được chuyển tuyến cấp cứu lên Bệnh viện HNĐK Nghệ An.

Thạc sỹ, BS Phạm Văn Chung - Khoa Ngoại lồng ngực đăng chăm sóc cho bệnh nhân sau phẫu thuật.
Thạc sỹ, BS Phạm Văn Chung - Khoa Ngoại lồng ngực đăng chăm sóc cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

Tại BVHNĐK Nghệ An, với triệu chứng đau dữ dội, khó thở, chân tím lạnh từ đùi xuống bàn chân, mạch chân không bắt được, cảm giác da bàn chân giảm, vận động của bàn chân và các ngón chân khó khăn, bà Bưởi được các bác sỹ tiến hành siêu âm Doppler mạch máu chi dưới. Kết quả cho thấy hình ảnh động mạch đùi chung trái có mảng xơ vữa, huyết khối và canxi hóa lấp kín lòng mạch, động mạch đùi và khoeo xuất hiện nhiều huyết khối.

Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu - giải pháp duy nhất vừa giữ được chi và cũng vừa cứu mạng cho bệnh nhân.

Trực tiếp tham gia ca mổ, Thạc sỹ, BS Phạm Văn Chung - Khoa Ngoại lồng ngực, cho biết: "Bệnh nhân Bưởi bị tắc động mạch nuôi chi cấp tính là một cấp cứu ngoại khoa tim mạch xảy ra do sự tắc nghẽn đột ngột lòng động mạch bởi cục máu đông, hậu quả là làm thiếu máu nuôi cấp tính phần chi mà động mạch đó nuôi dưỡng.

Bệnh nhân nhập viện 8 giờ sau khi xuất hiện cơn đau, đã qua giai đoạn thiếu máu có thể hồi phục (dưới 6 tiếng) nên trước tiên, ê kíp phải mổ cân cẳng chân đánh giá chức năng cơ. Nếu chức năng cơ không còn, sẽ dẫn tới hoại tử, cần cắt cụt chi hoàn toàn. Nhưng rất may, phần cơ của cụ Bưởi vẫn còn đáp ứng nên chúng tôi quyết định khẩn trương tiến hành mổ lấy huyết khối có sử dụng ống thông forgaty. Ngay sau khi lấy các cục huyết khối, dòng máu đã lưu thông trở lại”.

Cũng theo các bác sỹ trong ca phẫu thuật, vấn đề đặt ra lúc này là quá trình hồi sức cho bệnh nhân sau mổ.

“Sau khi phục hồi sự lưu thông động mạch, máu đi xuống vùng mô bị thiếu máu và đưa các sản phẩm do quá trình chuyển hoá yếm khí tại đây về tuần hoàn toàn thân. Chính các sản phẩm thoái hoá này gây ra các ảnh hưởng toàn thân cho bệnh nhân, có thể gây rối loạn chức năng gan, thận, phổi… Vì vậy, quá trình hồi sức sau mổ của bệnh nhân luôn được chúng tôi theo dõi chặt chẽ, sát sao. Hiện tại, bệnh nhân đã dần ổn định, cảm giác vận động chân đã hồi phục”, BS Chung cho biết thêm.

Cũng theo bác sỹ Chung, những bệnh nhân bị bệnh lý tim mạch cần theo dõi sức khỏe chặt chẽ, kiểm tra y tế định kỳ để đề phòng các bệnh lý do huyết khối gây ra. Bởi huyết khối có thể di chuyển khắp cơ thể theo dòng máu.

“Huyết khối có thể gây ra các bệnh lý rất nguy hiểm tới tính mạng như: Nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, tắc động mạch chi… Đặc biệt, người bị bệnh như bệnh nhân Bưởi nói trên thì cần phải đưa ngay lên tuyến trên để được các bác sỹ cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ gây hậu quả nghiêm trọng”, BS Chung khuyến cáo.

Hoàng Yến - Nguyễn Duy