Bệnh thủy đậu cần được quan tâm đúng mức

Bệnh thủy đậu còn biết với tên gọi khác là trái rạ. Tác nhân gây nên thủy đậu là virut Varicella Zoster.

Thủy đậu là một bệnh có tính lây nhiễm rất cao, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Thống kê cho thấy nếu trẻ em chưa được tiêm ngừa hoặc chưa từng bị thủy đậu thì 90% có thể bị thủy đậu khi tiếp xúc gần với người bệnh. Vì vậy mọi người cần tìm hiểu và có sự quan tâm đúng mức tới sự nguy hiểm của căn bệnh này.

Bệnh thủy đậu lây lan như thế nào?

Bệnh thủy đậu còn biết với tên gọi khác là trái rạ. Tác nhân gây nên thủy đậu là virut Varicella Zoster. Đây chính là tác nhân gây ra 2 bệnh, tiên phát khi virut này tấn công vào cơ thể sẽ gây nên bệnh thủy đậu với đặc trưng là các nốt rạ và thứ phát khi virut này khu trú tại hạch rễ thần kinh gặp điều kiện thuận lợi bùng phát gây nên “Giời Leo” với đặc trưng là đau dọc theo rễ thần kinh liên sườn.

Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất là khoảng tháng 2 tới tháng 6 hằng năm, có thể bùng phát thành dịch lớn. Cả trẻ em và người lớn đều có nguy cơ nhiễm bệnh này. Tuy nhiên, lứa tuổi mắc nhiều nhất là trẻ em trong độ tuổi đi học, đa số là trẻ từ 5 đến 13 tuổi. Bệnh lây chủ yếu qua đường không khí, tiếp xúc với dịch tiết của nốt rạ. Mặt khác, bệnh cũng có thể truyền từ mẹ sang con nếu người mẹ đang mang thai bị nhiễm thủy đậu.

Một điểm hết sức lưu ý đối với bệnh này là khi chưa nổi mụn nước, nghĩa là trước khi phát ban 1-2 ngày, trẻ mang siêu vi trùng thủy đậu đã có khả năng gây bệnh cho trẻ khác, và khả năng lây lan này còn kéo dài vài ngày sau khi mụn nước đã đóng vảy. Do vậy, dù cách ly trẻ bị thủy đậu là bắt buộc nhưng không hiệu quả trong phòng tránh bệnh. Điều này giải thích vì sao khi trong lớp học hoặc trường học có trẻ bị bệnh thì bệnh lây lan rất nhanh và lây dai dẳng.

Các biến chứng thường gặp của Thủy đậu

Bệnh thủy đậu không đơn giản là bệnh lành tính, nếu không chăm sóc đúng cách thì bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm khác. Một trong những biến chứng thường gặp của thủy đậu là nhiễm trùng nốt rạ, để lại sẹo gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ của trẻ về sau. Các biến chứng khác có thể gặp của thủy đậu như nhiễm trùng mô mềm, viêm phổi… đối với mẹ mang thai bị thủy đậu sinh con ra có thể để lại các dị tật do thủy đậu gây ra, với những phụ nữ mang thai bị thủy đậu trước khi sanh 5 ngày thì gây nên hội chứng thủy đậu sơ sinh, tỷ lệ tử vong cho trẻ có thể lên tới 30% (1). Một trong những biến chứng cần lưu ý là đau do bị Zona, đây là trường hợp thủy đậu tái phát khi còn tồn lưu ở hạch rễ thần kinh.
 
Bệnh thủy đậu cần được quan tâm đúng mức
Bệnh thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Cách ngăn ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả

Bệnh thủy đậu có thể chữa khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng nếu phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách. Ngay khi các nốt đậu xuất hiện cần bôi ngay Acyclovir- thuốc kháng virut đặc hiệu với bệnh thủy đậu. các tổn thương sẽ không hạn chế, giảm khả năng nhiễm trùng. Nếu bệnh nặng có thể dung Acyclovir dạng uống. Với những nốt đậu bị gãi xước cần bôi Xanh Methylene, dung dịch có tác dụng diệt khuẩn, làm se nốt, tránh bội nhiễm.
 
Bệnh thủy đậu cần được quan tâm đúng mức
Tiêm phòng vac-xin là biện pháp đơn giản để phòng ngừa bệnh thủy đậu

Tuy nhiên hiện tại đã có biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu đó là chủng ngừa bằng Vaccine. Theo khuyến cáo của Uỷ Ban An Toàn Tư Vấn Tiêm Chủng của Hoa Kỳ tháng 6/2007 (2)  trẻ em và người lớn cần tiêm 2 liều vacxin để đảm bảo hiệu quả phòng ngừa thuỷ đậu tốt nhất.

- Thông tin giáo dục này được cung cấp bởi hội Y học dự phòng Việt Nam với sự tài trợ của VPĐD GlaxoSmithKline.

- Bài viết có sự tham vấn của bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng I

(1) Nathwani D et al. J Infect 1998; 36 Suppl 1: 59−71

(2) MMRW 2007, vol 56