Bệnh nhân ung thư dạ dày: Sự sống không còn quá ngắn ngủi!

Với 15.000 ca mắc mới và 13.000 ca tử vong mỗi năm, ung thư dạ dày hiện đang đứng hàng thứ ba trong số 10 loại bệnh ung thư nguy hiểm thường gặp nhất tại Việt Nam.

Trong đó, chỉ có khoảng dưới 10% số ca phát hiện sớm, còn lại đa phần là được chẩn đoán muộn ở giai đoạn tiến xa tại chỗ hoặc di căn.
 
Bệnh nhân ung thư dạ dày: Sự sống không còn quá ngắn ngủi! - 1
Ung thư dạ gày là một trong những căn bệnh nguy hiểm
 
Đảo qua một vòng khảo sát ở bệnh viên Ung bướu TPHCM, chúng tôi nhìn thấy sự mệt mỏi, âu lo luôn hiện hữu trên gương mặt của những ai lỡ mắc phải căn bệnh ác tính này. Một mặt vì họ biết rõ cái chết cách họ chỉ trong gang tấc, các phương pháp xạ trị hoặc hóa trị đơn thuần hiện nay tối đa có thể duy trì sự sống còn chưa đầy một năm. Mặt khác vì họ phải chịu đựng nhiều đau đớn với chất lượng sống thấp, sức khỏe yếu dần đi trong suốt quá trình điều trị bằng biện pháp thông thường và không biết việc điều trị có mang lại hiệu quả không! Liệu có phương pháp điều trị nào có thể giảm thiểu sự đau đớn thể xác và tinh thần do tác dụng phụ trong điều trị gây ra cũng như có thể nâng cao chất lượng sống và kéo dài thời gian sống thêm dù chỉ một ngày, một tuần, một tháng nào nữa không…? Đó là ước muốn của hầu hết bệnh nhân ung thư dạ dày và cũng là thách thức đối với các nhà nghiên cứu bệnh hiện nay.
 
Tôi chỉ ước được nhìn thấy mặt con, chờ ngày con chào đời!
 
Chị Hoàng Thị Hằng (Phú Nhuận, TPHCM) rất sợ đối mặt với ngày tháng trôi qua, vì mỗi một ngày qua đi là thời gian chị ở bên gia đình sẽ bị ngắn lại một khoản. Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, tay chị lật từng tờ lịch mà nước mắt cứ rưng rưng, chị xúc động: "Còn hai tháng nữa là đám cưới đứa con gái duy nhất của tôi. Tôi chỉ sợ mình nằm xuống trước khi nhìn thấy con yên bề gia thất". Chị Hằng thường đau bụng trên, ăn không tiêu, hay ợ chua, chị cứ tưởng là bị đau dạ dày bình thường nhưng đến khi đau không chịu được mới đi khám thì phát hiện đã bị ung thư dạ dày giai đoạn tiến xa. Lúc đó khối u đã di căn có HER2 dương tính.
 
Bệnh nhân ung thư dạ dày: Sự sống không còn quá ngắn ngủi! - 2
Thêm hy vọng mới cho bệnh nhân ưng thư dạ dày
 
Sau mỗi đợt hóa trị liên tục, nằm co quắp nơi góc giường, ôm bụng chịu đựng những cơn đau thắt ruột từ tác dụng phụ của thuốc, anh Lê Minh (Gia Lai) không nghĩ về cái chết đang chờ đón mình trước mắt mà đau đớn khi nghĩ về đứa con trai sắp chào đời của mình. Chỉ một tháng nữa thôi thì vợ anh sinh đứa con đầu lòng, còn anh thì không biết có sống sót để chờ đến ngày đó hay không. "Bây giờ tôi chỉ mong có thể sống đến ngày nhìn thấy mặt con chào đời, còn trách nhiệm làm bố, nuôi con nên người, tôi xin nhờ cậy và gửi gắm má nó vậy…", anh Minh nghẹn ngào, buồn bã.
 
Chị Hằng và anh Minh chỉ là hai trong số vô vàn những trường hợp thương tâm mắc phải bệnh ung thư dạ dày biết trước số phận của mình. Ước muốn của họ tưởng chừng quá nhỏ nhoi và giản đơn nhưng để thực hiện nó sao mà khó khăn quá!
 
Liệu pháp trúng đích phân tử với chế phẩm sinh học Trastuzumab
 
Cuối tháng 8/2011, GS. TS. Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam vừa có buổi gặp gỡ báo chí và hàng trăm bác sĩ tại Hà Nội qua Hội thảo "Liệu pháp trúng đích phân tử trong điều trị ung thư dạ dày" cho biết: Điều đáng sợ nhất ở bệnh ung thư dạ dày là triệu chứng thường không rõ ràng nên khi phát hiện thì bệnh đã rất nặng và diễn biến rất nhanh. Phương pháp phổ biến nhất hiện nay là hóa trị nhưng dù thực hiện được thì thời gian sống cũng không quá 12 tháng. Tuy nhiên, hiện nay đã có liệu pháp mới có thể kéo dài sự sống lên 16 tháng hoặc hơn tùy vào từng trường hợp, cơ địa của bệnh nhân. Y học Việt Nam đang chờ đợi rất nhiều vào liệu pháp trúng đích phân tử với chế phẩm sinh học Trastuzumab, là một loại kháng thể đơn dòng trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn tiến xa tại chỗ hoặc di căn có HER2 dương tính.
 
Trong số các ca mắc ung thư dạ dày, chỉ có 16-20% bệnh nhân có HER2 dương tính (HER2 là một protein tìm thấy trên bề mặt tế bào, khi xuất hiện với số lượng nhiều hơn bình thường sẽ kích hoạt sự tăng trưởng tế bào ung thư và di căn đến cơ quan khác).
 
Bệnh nhân ung thư dạ dày: Sự sống không còn quá ngắn ngủi! - 3
Bệnh nhân ung thư dạ dày có thể kéo dài sự sống lên 16 tháng với liệu pháp trúng đích phân tử kết hợp trastuzumab
 
Trastuzumab đã được sử dụng cho hơn một triệu bệnh nhân ung thư vú có HER2 dương tính trên toàn cầu kể từ năm 1998. Đến nay Trastuzumab, liệu pháp trúng đích phân tử đã chính thức được nghiên cứu ToGA (nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên pha III đầu tiên nghiên cứu về sử dụng Trastuzumab trên các bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn tiến xa hoặc di căn có HER2 dương tính) đưa ra chứng cứ khoa học hết sức thuyết phục do đó đã được Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu chấp thuận cho sử dụng trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn tiến xa tại chỗ hoặc di căn có HER2 dương tính từ cuối năm 2010.
 
Thụ thể HER2 nẳm trên bề mặt tế bào ung thư có vai trò giúp cho việc tiếp nhận các tín hiệu từ bên ngoài tế bào và khởi động một lộ trình tín hiệu tới nhân tế bào ung thư giúp cho chúng sinh sôi liên tục và tránh được sự chết tế bào theo chương trình do đó tạo nên sự tăng sinh, phát triển và di căn của tế bào ung thư. Sở dĩ có tên là liệu pháp trúng đích phân tử vì Trastuzumab với đích tác động là các thụ thể HER2 nằm trên bề mặt các tế bào ung thư, do đó sẽ khóa các con đường lộ trình tín hiệu của tế bào ung thư làm cho chúng không sinh sôi được và buộc chúng phải tuân thủ sự chết theo chương trình, bên cạnh đó khi Trastuzumab gắn vào các thụ thể HER2 của tế bào ung thư sẽ giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể dễ dàng nhận diện ra các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.
 
Nghiên cứu ToGA trên 594 người bị ung thư dạ dày cho kết quả bất ngờ, khi kết hợp Trastuzumab với hóa trị liệu trong điều trị ung thư dạ dày đã giúp kéo dài thời gian sống lên 16 tháng thay vì 11,2 tháng khi điều trị bằng phác đồ hóa trị đơn thuần không có Trastuzumab. Bên cạnh đó, Trastuzumab còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư dạ dày, giảm tối đa mọi sự đau đớn, giúp họ sống tốt, khỏe và vui vẻ với gia đình hơn trong quá trình điều trị do có khả năng hạn chế những tác dụng phụ trong quá trình điều trị ung thư thường gặp phải như là buồn nôn, ói mửa, chán ăn, rụng tóc, ức chế tủy và viêm niêm mạc miệng...
 
Quan sát qua 10 năm với các nghiên cứu lâm sàng ở hơn 740,000 bệnh nhân, đến nay Trastuzumab đã chứng minh được độ an toàn và điều đáng mừng là Trastuzumab được dung nạp rất tốt và không có tình trạng nhiễm độc do tích lũy, tác dụng phụ nếu có chỉ ở mức nhẹ.
 
Với những tính năng vượt trội kể trên, Trastuzumab được kỳ vọng như một cuộc cách mạng trong điều trị ung thư dạ dày. Liệu pháp trúng đích phân tử hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn tiến xa tại chỗ hoặc di căn trên toàn thế giới. Đồng thời liệu pháp này cũng mang lại hy vọng mới và gia tăng chất lượng sống, kéo dài thời gian sống còn cho bệnh nhân, giúp họ có thời gian sống vui vẻ bên gia đình nhiều hơn, không chỉ 1 ngày mà đến 16 tháng.
 
Yên Thảo